Ngày 24/7, các bộ trưởng ngoại giao - quốc phòng Mỹ và Australia đã tái khẳng định cam kết đối với chiến dịch tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Nhiều nhà bình luận, trong đó có Doug Bandow thuộc Viện Cato và Edward Luttwak thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, từng đề nghị rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump nên nỗ lực làm ấm quan hệ với Nga hơn nữa và cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ của Moskva để cân bằng với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Ông Trump coi Trung Quốc và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là 2 thách thức chính đối với an ninh của Mỹ và ông coi Nga như là một đối tác tiềm năng trong cuộc đối đầu với cả hai thách thức trên.
Lối suy nghĩ này cho rằng ông Trump nên đi theo một phiên bản của vở kịch ngoại giao mà Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger trước đây đã đi theo vào đầu những năm 1970 khi mà họ đã làm tan băng quan hệ với Bắc Kinh để chống lại Liên Xô. Tuy nhiên, lần này ông Trump sẽ hợp tác với Nga để cân bằng với Trung Quốc.
Đề xuất thu hút bằng những viễn cảnh về những bước khởi đầu chiến lược đầy tham vọng khắp lục địa Âu-Á, theo cách gọi của ông Trump thì đó là một liên minh địa chính trị lớn. Việc Nixon đi với Trung Quốc là một trong những thỏa thuận ngoại giao mang tính hệ lụy nhất trong lịch sử nước Mỹ. Còn cách nào tốt hơn cho người đứng đầu việc thương lượng – nhất là người thường xuyên trao đổi ý kiến với Kissinger – để đánh bóng những thành tích của mình bằng cách tự mình thực hiện một phiên bản ngoại giao như thế?
Về mặt lý thuyết, động thái này sẽ bám vào những châm ngôn truyền thống về địa chính trị: cụ thể là đòi hỏi duy trì cán cân sức mạnh trên lục địa Á-Âu. Các nhà chiến lược của Mỹ dựa vào nguyên tắc này theo từng mức độ khác nhau, ít nhất là kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Hơn nữa, một chiến lược có sự tham gia của Nga để đối phó Trung Quốc có thể góp phần mang lại một mức độ gắn kết cho chính sách ngoại giao mặt khác là thiếu mạch lạc của chính quyền Donald Trump.
Tam giác quyền lực
Vấn đề đối với ông Trump là các quan hệ Trung-Nga đã và đang ít nhiều được cải thiện kể từ những năm cuối của Chiến tranh Lạnh. Quan hệ giữa hai cường quốc bắt đầu tan băng vào đầu những năm 1980, sau đó hai bên bình thường hóa quan hệ vào tháng 5/1989. Bắc Kinh và Moskva đã trở thành đối tác chiến lược vào năm 1996 và đã ký Hiệp định hợp tác hữu nghị và láng giềng thân thiện vào năm 2001.
Hiện nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga xem mối quan hệ này như là “một mối quan hệ phối hợp chiến lược toàn diện”. Vào tháng 9/2016, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố rằng “chiều sâu và phạm vi phối hợp giữa cả hai bên là chưa có tiền lệ”. Sự hợp tác mạnh mẽ đã tăng tốc kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Quốc vào năm 2012. Nghe nói ông Tập có mối quan hệ cá nhân nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Trump hứa sửa chữa quan hệ với Nga nhưng quan hệ Mỹ-Nga hiện vẫn chưa thoát khỏi quỹ đạo căng thẳng
Hai nước hợp tác chặt chẽ xuyên suốt một số lĩnh vực. Về năng lượng, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc vào năm 2016. Điều quan trọng đối với Trung Quốc, đó là vận chuyển các nguồn cung cấp trên đất liền chứ không qua các tuyến đường biển tranh chấp. Hai nước này còn tham gia các cuộc diễn tập quân sự, bao gồm ở biển Địa Trung Hải và Biển Đông, cũng như một số dự án phát triển công nghệ chung.
Hai nước đã khôi phục quan hệ thương mại vũ khí hời hợt của mình. Vào năm 2015, Bắc Kinh đồng ý mua máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa đất đối không S-400 Triumf của Moskva. Hai nước cũng bắt đầu thực hiện một số dự án giao lưu nhân dân mang tính biểu tượng, bắt đầu bằng việc xây cầu bắc qua sông Amur từng bị trì hoãn từ lâu. Vào tháng 6/2016, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đã đồng ý làm việc chung để tăng cường khả năng kiểm soát không gian mạng và các công nghệ truyền thông.
Một tầm nhìn chính trị đối với trật tự thế giới được chia sẻ giữa hai nước đang tạo nền tảng cho sự hợp tác Trung-Nga. Nó được xác định chủ yếu bằng mong muốn thấy vị trí đứng đầu của Mỹ kết thúc, thay vào đó là một trật tự đa cực. Một khi tầm nhìn này được thực hiện, mỗi nước sẽ kiểm soát một phạm vi ảnh hưởng hiệu quả tương ứng ở châu Á và vùng Đông Âu. Dù sao hiện nay Trung Quốc và Nga có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Do những tranh chấp chủ quyền trên biển ở vùng biển phía đông và nam Trung Quốc bao gồm Senkaku/Điếu Ngư, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và cuộc chiến tranh ở Ukraine, nên mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Một bài xã luận mới đây trên tờ Nhân dân Nhật Báo đã gọi mối quan hệ này là “hòn đá tảng” để duy trì hòa bình và ổn định thế giới.
Vào những năm 1970, sự bất hòa sâu sắc trong quan hệ Trung-Xô đã giúp thúc đẩy Trung Quốc liên kết với Mỹ. Sự bất hòa này đã lên đến cực điểm trong cuộc xung đột biên giới vào năm 1969. Vào năm 1972, mối quan hệ giữa hai cường quốc Xô-Trung đã trở nên xấu đi chuyển từ lạnh nhạt sang đóng băng hoàn toàn. Khi Kissinger đến thăm Trung Quốc, Bắc Kinh đã coi Moskva như một mối đe dọa lớn hơn Washington. Đối với Nga hiện nay, phải nói ngược lại mới đúng, Moskva coi Washington là một địch thủ chính dù hy vọng rằng ông Trump sẽ sửa chữa mối quan hệ giữa hai nước.
Chắc chắn, có khả năng nào đó xảy ra một sự tan vỡ giữa Trung Quốc và Nga. Moskva lo lắng về mối quan hệ kinh tế khập khiễng dựa trên trao đổi nguồn tài nguyên của Nga lấy những thành phẩm của Trung Quốc. Những ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc tại Trung Á và các khu vực dân cư thưa thớt ở phía Đông nước Nga, vũ khí của Nga bán cho Ấn Độ..., và Trung Quốc đã nhái những thiết kế vũ khí của Nga, tất cả điều này có nguy cơ làm sụp đổ quan hệ đối tác giữa hai nước.
Nhưng khả năng của Mỹ kích động những tranh chấp này để thúc đẩy những chia rẽ vẫn còn hoàn toàn hạn chế. Hơn nữa, hai ông Tập Cận Bình và Putin đã đi đến một tạm ước, điều này làm giảm bớt tầm quan trọng và kiềm chế những xích mích này trong khi tập trung vào khía cạnh hợp tác trong mối quan hệ hai nước. Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói về “một kiểu quan hệ nước lớn mới” với Mỹ, thì họ hình dung một cái gì đó rất giống như quan hệ Trung-Nga để làm một hình mẫu.
Liệu Nga có quay lưng với Trung Quốc?
Đổi lấy việc quay lưng Trung Quốc, Nga có thể yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt sau khi sáp nhập Crimea, Mỹ chấm dứt hậu thuẫn cho một Ukraine tự do và độc lập, và chấp thuận Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Nga cũng có thể yêu cầu dỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, chấm dứt mở rộng NATO, hoặc tốt hơn theo quan điểm của Nga là dẹp bỏ hoàn toàn NATO. Thỏa mãn với những mong muốn của ông Putin về những vấn đề này sẽ làm xói mòn sự đầu tư của Mỹ trong suốt 7 thập kỷ vào một châu Âu – một sự đầu tư mà đã đưa Mỹ lên vị trí đứng đầu sau chiến tranh...
Ngay cả khi ông Trump thuyết phục được ông Putin chấm dứt mối quan hệ đối tác của Moskva với Bắc Kinh đi nữa, thì Nga vẫn hầu như không có khả năng để ngăn chặn hành động của Trung Quốc ở những khu vực có vấn đề. Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, mặc dù có tầm cỡ tương đối về số lượng, nhưng có những sai sót nghiêm trọng trong khâu bảo trì và nhiều khí tài đang bị xuống cấp. Việc bổ sung vào hạm đội đã được lên kế hoạch – bao gồm tăng thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa và tàu ngầm – sẽ tăng cường khả năng răn đe nhưng vẫn bị hạn chế khả năng khi sử dụng vào các nhiệm vụ tuần tra biển vốn cần để chống lại sự quyết đoán trên biển của Trung Quốc. Trên lý thuyết, Moskva có thể giúp các nước châu Á một tay để góp phần cân bằng ảnh hưởng, nhưng sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ và các đồng minh khác có thể dễ dàng thay thế vai trò đó của Moskva, xây dựng các quan hệ có lợi hơn cho những lợi ích của Mỹ trong tiến trình này.
Nếu ông Putin lên kế hoạch để cân bằng đối trọng với Trung Quốc, thì ông Putin cũng sẽ cần sửa chữa lại các mối quan hệ ngoại giao ở châu Á. Làm điều này sẽ đòi hỏi một sự đầu tư ngoại giao đáng kể, và có thể là sự nhượng bộ của Nga. Việc nối lại quan hệ hữu nghị được quảng bá mạnh mẽ với Tokyo của ông Putin dường như vẫn mong manh bất chấp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thể hiện mong muốn rõ ràng giải quyết tranh chấp ở quần đảo thuộc vùng lãnh thổ phía Bắc mà Nga gọi là Nam Kurils cũng như muốn có một hiệp ước hòa bình để chính thức kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Sự ủng hộ liên tục của Nga đối với Triều Tiên và sự phản đối mạnh mẽ hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã khiến mối quan hệ giữa Nga và Seoul trở nên lung lay. Lập trường của Nga về Biển Đông, trong khi đồng ý tham gia các cuộc diễn tập hải quân chung với Trung Quốc – có nghĩa là quan hệ chiến lược ở Đông Nam Á cũng sẽ đòi hỏi công tác chuẩn bị ngoại giao đáng kể (dù cho ông Putin có mối quan hệ ấm áp với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte).
Tìm kiếm đòn bẩy
Một chiến lược tốt hơn của Mỹ để cạnh tranh hiệu quả trong cuộc ganh đua chính trị không giới hạn giữa các nước lớn – bao gồm “ngoại giao tay ba” với Moskva và Bắc Kinh – sẽ tập trung vào 2 tuyến nỗ lực. Thứ nhất, chính quyền ông Trump nên làm việc với cả Nga và Trung Quốc ở bất kỳ lĩnh vực nào có thể. Những nỗ lực này nên tìm kiếm hình thành sự hiểu biết giữa ba bên về những vấn đề có khả năng gây bất đồng ảnh hưởng tới sự ổn định của chiến lược như vấn đề hạt nhân và phòng thủ tên lửa, các định nghĩa về chủ quyền trong thế kỷ 21, và những quy tắc can thiệp quân sự.
Những cuộc tranh luận giữa ba bên cũng nên xây dựng sự hợp tác thiết thực trên những lĩnh vực có chung lợi ích như là khí hậu và năng lượng, chống chủ nghĩa khủng bố và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Giải quyết những bất đồng trực diện và tạo thói quen hợp tác có thể giảm bớt sự hoài nghi chiến lược giữa 3 nước lớn để giảm bớt nỗi lo lắng rằng hai cường quốc sẽ thỏa hiệp bất lợi cho cường quốc thứ ba.
Thứ hai, Washington phải tiếp tục làm việc tích cực để duy trì và xây dựng sự ủng hộ giữa các đồng minh và đối tác của Mỹ hiện nay ở cả châu Âu và châu Á, cùng với những nước tầm trung đang ngày càng lớn mạnh như Brazil, Ấn Độ và Việt Nam. Những nước ở tầm này mang lại cho Mỹ tác dụng đòn bẩy đối với Trung Quốc và Nga, cả hai đều không có mạng lưới những nước thân thiết tương tự trên toàn cầu. Mỹ phải ước định cái giá phải trả và lợi ích của việc tìm kiếm và duy trì những người bạn nước ngoài theo một cách mà nhìn vượt qua chủ nghĩa giao dịch hẹp hòi. Nói đơn giản là trong bối cảnh cạnh tranh sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu, một mạng lưới đồng minh và đối tác rộng lớn bắt đầu nhìn giống như là một tài sản hơn là một món nợ.
Trần QuangTheo NCBĐ, Foreign Affairs, Viettimes.vn