Trong nhiều năm qua, Cục An ninh tình báo Canada đã giám sát các nhà báo Trung Quốc thường trú ở Ottawa vì nghi ngờ họ làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Nhu cầu ngăn ngừa va chạm ở Biển Đông
- Cập nhật : 18/05/2017
Trong lúc chưa có bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), hải quân nhiều nước kêu gọi thực hành Quy tắc tránh các va chạm bất ngờ trên biển (CUES).
Tàu Đinh Tiên Hoàng (011) của VN trên đường vào quân cảng Changi của Singapore sau khi tham gia thực hành CUES trên Biển Đông ẢNH: NGỌC HƯNG
CUES trở thành đối tượng được nhắc đến trong phát biểu của tất cả các tư lệnh hải quân 7 quốc gia - gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore và Mỹ - tại Diễn đàn an ninh biển quốc tế (IMSC) hôm 16.5 như một trong các giải pháp cấp bách nhằm duy trì sự ổn định trên biển hiện nay. IMSC là một phần của Hội thảo và triển lãm quốc phòng biển (IMDEX Asia) diễn ra mỗi 2 năm tại Singapore, và được xem là diễn đàn quan trọng của lực lượng hải quân vùng châu Á - Thái Bình Dương.
Phát biểu khai mạc IMDEX Asia sáng cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói: “Trong bối cảnh các vùng biển xung quanh ngày càng nhộn nhịp hoạt động thương mại và quân sự, chúng ta cần thúc đẩy các cơ chế thực tiễn để ngăn chặn hoặc quản lý các sự cố vô tình trên biển. Việc thông qua CUES tại Hội thảo Hải quân các nước Tây Thái Bình Dương (WPNS) năm 2014 cung cấp một cơ chế giảm thiểu nguy cơ hiểu lầm và sự cố đáng tiếc trên biển”.
WPNS ra đời năm 1988 và hiện có 21 thành viên ven bờ Thái Bình Dương như Úc, Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Thái Lan, Mỹ, VN..., và 6 quan sát viên.
CUES được thông qua vào tháng 4.2014 tại TP.Thanh Đảo (Trung Quốc) sau gần 10 năm bàn thảo và vấp phải sự e dè của Bắc Kinh. Đây được coi là một công cụ giao tiếp trên biển giữa hải quân các nước nhằm giảm thiểu những mối căng thẳng an ninh vốn đã tồn tại từ lâu. Bộ quy tắc không có tính ràng buộc pháp lý này đưa ra quy trình đảm bảo an toàn, liên lạc đối thoại và xử lý, điều khiển tàu trong trường hợp xảy ra va chạm không chủ ý trên biển.
CUES được chính thức áp dụng năm 2015. Gần đây nhất, trên đường di chuyển vào quân cảng Changi để dự lễ duyệt binh quốc tế mừng kỷ niệm 50 thành lập hải quân Singapore (15.5) và tham gia trình diễn tại IMDEX Asia 2017, chiến hạm 15 quốc gia thuộc WPNS đã thực hành CUES trong cuộc diễn tập đa phương trên Biển Đông.
Tại IMSC 2015 và 2017, Tư lệnh hải quân Singapore, chuẩn đô đốc Lai Chung Han, liên tục đề xuất mở rộng CUES đối với cả đội tàu ngầm đang hoạt động trong vùng biển khu vực với số lượng chừng 200 chiếc hiện nay, và dự kiến sẽ tăng lên đến 350 chiếc vào năm 2025.
Nhiều hạn chế
Tuy được hoan nghênh, giới chuyên môn cũng chỉ ra 3 hạn chế lớn ở CUES. Thiếu tá Lim Han Wei của hải quân Singapore phân tích: Ngoài thực chất là một văn kiện không có tính ràng buộc pháp lý, dù được gọi là “bộ quy tắc” (code), CUES chỉ áp dụng đối với những con tàu “thân xám” (tức tàu quân sự chính quy), mà vô tình hay hữu ý “bỏ qua” tàu “thân trắng”, tức là tàu trên danh nghĩa thuộc những lực lượng thực thi pháp luật khác như cảnh sát biển... nhưng hoàn toàn có thể là tàu quân sự trá hình.
Mặt khác, CUES chỉ áp dụng trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và các vùng biển sâu mà không tính đến vùng lãnh hải 12 hải lý, do đó sẽ bị hạn chế nếu va chạm xảy ra gần những đảo tranh chấp mà bên nào cũng “đòi” 12 hải lý lãnh hải. Ngoài ra, văn kiện này còn thiếu chỉ dẫn nghiêm cấm một số hành vi có thể gây nguy hiểm hoặc làm bẽ mặt đối phương.
Chính vì vậy, dù kêu gọi thực hành CUES, Bộ trưởng Ng cũng đề nghị: “ASEAN và Trung Quốc cần đẩy nhanh việc hoàn tất bộ khung COC (có tính ràng buộc) trong năm nay để có thể giảm thiểu hơn nữa bất đồng trên biển”.
Thục Minh ( từ Singapore)
Theo Thanhnien.vn