Cơ quan thực thi hàng hải Hàn Quốc ngày 29-5 cho biết họ họ đã phá hủy 7 tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại vùng biển nước này.
Hàn Quốc chìa tay với Triều Tiên
- Cập nhật : 17/05/2017
Sáng nay, Bộ Thống nhất của Hàn Quốc cho rằng kênh đối thoại với Triều Tiên cần được mở ra dù nước này vẫn ủng hộ biện pháp trừng phạt.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (giữa) hoan hỉ cùng các nhà khoa học và tướng lĩnh quân đội sau khi thử tên lửa thành công hôm 14-5 - Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp báo sáng nay (17-5), ông Lee Duk Haeng, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nhấn mạnh: “Quan điểm nền tảng của chúng tôi vẫn là cần mở các kênh đối thoại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã hình dung các phương án cho việc này nhưng vẫn chưa đi đến quyết định”.
Ông Lee khẳng định giới chức Seoul hằng ngày vẫn đến văn phòng liên lạc chung ở khu vực Bàn Môn Điếm (Panmunjom) giữa biên giới hai nước và vẫn kiểm tra thường xuyên để tìm kiếm những hồi âm từ Bình Nhưỡng.
Tích cực mở hướng đối thoại
Người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định các kênh liên lạc giữa hai miền đã bị cắt đứt từ tháng 2-2016 sau những biện pháp trừng phạt liên quan cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên và quyết định của Bình Nhưỡng đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong trên đất Triều Tiên.
Tuy nhiên Bộ Thống nhất Hàn Quốc, trong động thái nhằm không làm mất lòng các đồng minh, khẳng định tân tổng thống Moon Jae In vẫn tìm kiếm chính sách xử lý vấn đề Triều Tiên theo hai mũi trừng phạt và đối thoại.
Thực tế cho thấy tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã tích cực thực thi mũi tìm kiếm đối thoại trở lại khi ông nhanh chóng chỉ định các đặc phái viên để truyền tải các thông điệp cá nhân của ông tới các đối tác của Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga.
Đây là động thái được giới phân tích nhận định có thể ông Moon muốn tái khởi động vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên vốn bị đổ vỡ từ năm 2008 sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) đi kiểm tra tên lửa Hwasong-12 được cho là đã phóng thành công hôm 14-5 - Ảnh: Reuters
Không làm mất lòng các đối tác lớn
Hãng thông tấn Yonhap ngày 15-5 cho biết tổng thống Moon sẽ cử ông Hong Seok Hyun - cựu Chủ tịch, đồng thời là Tổng Giám đốc tập đoàn truyền thông Joong Ang, làm đặc phái viên tới Mỹ do ông này am hiểu tình hình của Mỹ và từng làm Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ năm 2005.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Lee Hae Chan được chỉ định làm đặc phái viên tới Trung Quốc; nghị sĩ Moon Hee Sang và nghị sĩ Song Young Gil được cử làm đặc phái viên tới Nhật Bản và Nga.
Các đặc phái viên này sẽ nhận nhiệm vụ ngay sau khi hoàn tất các công tác chuẩn bị cần thiết. Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, bốn nước nêu trên đều là thành phần trong vòng đàm phán 6 bên.
Một thông cáo báo chí của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết các đặc phái viên này sẽ trao thư cá nhân của Tổng thống Moon Jae In tới lãnh đạo của các nước trên, bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước này.
Các đặc phái viên cũng sẽ gặp gỡ nhiều quan chức cấp cao của các nước để giải thích chính sách của chính phủ mới của Hàn Quốc, thảo luận về cách tăng cường quan hệ, cũng như thu xếp các cuộc gặp cấp cao trong thời gian tới.
Trước đó, Tổng thống Moon Jae In cũng chỉ định Giáo sư Cho Yoon Je của Trường Đại học Sogang làm đặc phái viên tới Đức và Liên minh châu Âu (EU).
Tránh chiến tranh bằng mọi giá
Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, cùng ngày, Giáo sư Yang Moo Jin thuộc Trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, cho rằng chính quyền mới tại Seoul sẽ tiếp tục tìm kiếm đối thoại với Bình Nhưỡng.
Theo giáo sư Yang Moo Jin - người được coi là đã giúp định hình chính sách của tân Tổng thống Moon Jae In đối với Triều Tiên, chính phủ mới có thể sẽ sớm công bố các biện pháp nhằm khôi phục lại các kênh đối thoại cả chính thức và không chính thức với Bình Nhưỡng trong nỗ lực hiện thực ba mục tiêu chính là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và thiết lập một nền hòa bình ở đây; loại bỏ mọi khả năng nổ ra chiến tranh tại đây bằng cách mở rộng hợp tác kinh tế và ngoại giao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên và thể chế hóa sự hợp tác đó.
Tuy nhiên, Giáo sư Yang cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Moon không có ý nói rằng sẽ ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên trong khi nước này vẫn tiếp tục tiến hành các hành động khiêu khích quân sự như vụ phóng tên lửa ngày 14-5 vừa qua.
Ông cũng cho rằng chính sách tới đây của tân Tổng thống Moon Jae In là Hàn Quốc sẽ can dự với Triều Tiên trên cơ sở quan hệ đồng minh Hàn - Mỹ mạnh mẽ, nhưng Seoul sẽ là bên dẫn dắt việc can dự với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, vai trò dẫn dắt của Hàn Quốc sẽ không thể có được nếu như không có đối thoại giữa hai miền.
Theo Giáo sư Yang Moo Jin, tân Tổng thống Moon Jae In có thể sẽ sớm thực hiện các hành động hướng tới đối thoại, trong đó có cả các cuộc hội đàm cấp chuyên viên quân sự nhằm khôi phục lại kênh đối thoại tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm nằm trong khu phi quân sự.
Nhưng theo hãng tin Yonhap, ông Matt Pottinger, giám đốc về mảng Đông Á của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) bắn tiếng hôm 16-5 cho biết Washington nghĩ là “các điều kiện hiện nay chưa hội tụ đủ cho cuộc đối thoại” với Triều Tiên do những hành động khiêu khích liên tục vừa qua của Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi muốn nhìn thấy một động thái cụ thể chỉ dấu cho sự giảm đe dọa. Chứ còn hiện tại mối đe dọa vẫn đang tăng”, ông Pottinger nhấn mạnh.
HOÀNG DUY LONG
Theo Tuoitre.vn