Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 17-05-2017
- Cập nhật : 17/05/2017
Hàn Quốc sẽ đánh phủ đầu nếu Triều Tiên tấn công tên lửa
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cảnh báo sẽ tấn công phủ đầu nếu phát hiện dấu hiệu Triều Tiên tấn công bằng tên lửa.
"Lập trường của chúng tôi là sẽ phát động cuộc tấn công phủ đầu nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu có dấu hiệu rõ ràng cho thấy Triều Tiên chuẩn bị tấn công bằng tên lửa", Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo hôm nay tuyên bố trước Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội nước này, theo Yonhap.
Ông Han cho rằng Triều Tiên có thể phát động tấn công vào các nước láng giềng bằng tên lửa tầm ngắn Scud hoặc tên lửa tầm trung Rodong. Trong khi tên lửa Scud với tầm bắn 300-500 km có thể dễ dàng tấn công Hàn Quốc, tên lửa Rodong với phạm vi hoạt động 1.300 km hoàn toàn có khả năng đưa Nhật vào tầm ngắm.
Tuyên bố này được Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra chỉ hai ngày sau khi Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo Hwasong-12. Ông cho biết quân đội Hàn Quốc đã phát hiện sớm những dấu hiệu của vụ phóng này. Cả Seoul và Tokyo đều có chung đánh giá rằng đây chỉ là một tên lửa đạn đạo tầm trung, chứ không phải tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cũng không xác nhận khả năng Mỹ tiến hành tấn công mạng nhằm cản trở những cuộc phóng tên lửa trước đây của Bình Nhưỡng.
"Chúng tôi đã kiểm tra khả năng này về mặt chiến lược. Chúng tôi tin rằng về lý thuyết thì có thể nhưng hiện rất khó để sử dụng công nghệ này trong hoạt động quân sự", ông Han nói.
Triều Tiên ngày 14/5 tuyên bố phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân lớn. Vụ phóng được cho là thể hiện bước tiến lớn của nước này trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới Mỹ.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm nay lên án hành động của Triều Tiên, đồng thời tuyên bố sẵn sàng áp đặt thêm biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.(Vnexpress)
------------------------------
Hàn Quốc thừa nhận dự báo sai về chương trình tên lửa Triều Tiên
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận những dự báo của chính quyền Seoul về chương trình tên lửa của Triều Tiên không chính xác.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo hôm nay thừa nhận chương trình tên lửa của Triều Tiên đã đạt được những bước tiến nhanh hơn dự kiến của chính quyền và giới phân tích tình báo Seoul, theo Reuters.
"Đó là một tên lửa đạn đạo tầm trung, được cải tiến đáng kể so với mẫu tên lửa Musudan mà Triều Tiên gần đây liên tục thử nghiệm thất bại", ông Han nhận định trong một phiên họp Quốc hội Hàn Quốc về mẫu tên lửa Bình Nhưỡng vừa phóng thử.
Triều Tiên ngày 14/5 tuyên bố phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân lớn. Vụ phóng được cho là thể hiện bước tiến lớn của nước này trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới Mỹ.
Tên lửa được phóng với góc lớn, đạt độ cao hơn 2.111 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản ở cách điểm phóng 787 km. Các chuyên gia cho rằng nó có thể bay khoảng 4.500 km nếu được phóng với góc thông thường.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế cũng cho rằng với vụ phóng thử thành công tên lửa Hwasong-12, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào năm sau, thay vì 5 năm tới như dự đoán trước đây.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm nay lên án hành động của Triều Tiên, đồng thời tuyên bố sẵn sàng áp đặt thêm biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.(Vnexpress)
-----------------------------------
Mỹ khẳng định Trung Quốc là chìa khóa của vấn đề Triều Tiên
Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị Robert Wood nêu cao vai trò của Trung Quốc trong việc kiềm chế Triều Tiên xúc tiến tham vọng hạt nhân.
Ông Wood hôm nay khẳng định 90% thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc và Mỹ sẽ gia tăng mức độ tham gia của Bắc Kinh trong vấn đề này, Reuters đưa tin.
"Trung Quốc thực sự là chìa khóa trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Rõ ràng Bắc Kinh có rất nhiều tác dụng đòn bẩy với Bình Nhưỡng và chúng tôi trông đợi Bắc Kinh sẽ sử dụng nó", ông Wood nhấn mạnh khi trao đổi với một nhóm phóng viên qua điện thoại.
Trước câu hỏi về các lựa chọn chính sách của chính quyền Mỹ, ông Wood cho hay Washington đang xem xét một số biện pháp với Triều Tiên, trong đó có giải pháp chính trị, kinh tế và an ninh để đối phó với những hành động khiêu khích của Triều Tiên cũng như các hành động nguy hiểm trong nhiều trường hợp.
Triều Tiên hôm 14/5 đã phóng thử tên lửa Hwasong-12 từ tỉnh Bắc Pyongan, nó bay khoảng 700 km rồi rơi xuống biển Nhật Bản. Bình Nhưỡng cho biết tên lửa mới này có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ và có khả năng mang "đầu đạn hạt nhân hạng nặng".(Vnexpress)
-------------------------------
Tên lửa vừa thử nghiệm của Triều Tiên xuyên thủng THAAD
Tốc độ lao xuống mục tiêu của tên lửa Hwasong-12 mà CHDCND Triều Tiên vừa thử nghiệm có thể vượt quá khả năng đánh chặn của THAAD và các hệ thống phòng thủ tên lửa khác.
Sau vụ thử tên lửa đạn đạo chiến lược mang tên Hwasong-12 của Triều Tiên, Hãng Yonhap dẫn lời các chuyên gia Hàn Quốc ước lượng tốc độ lao xuống mục tiêu của tên lửa này vào khoảng Mach 15-24 (Mach 1 tương đương 1.235 km/giờ). Tốc độ này cao hơn đáng kể so với tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan (Hwasong-10) thường được Bình Nhưỡng thử nghiệm trước đó (Mach 10-15).
Với tốc độ Mach 15-24, Hwasong-12 có thể vô hiệu hóa cả Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vừa được Mỹ triển khai ở Hàn Quốc lẫn Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD) đang được Seoul phát triển, theo Yonhap.
Cụ thể, tên lửa đánh chặn của THAAD được cho là bay với tốc độ khoảng Mach 7-8, có thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao 40-150 km. Tuy nhiên, nó có thể bị khắc chế bởi tên lửa Hwasong-12 bắn ở góc cao, đặc biệt khi tên lửa này được trang bị thêm đầu đạn nặng chừng 1 tấn.
Hệ thống THAAD được Mỹ triển khai ở Hàn Quốc sẽ thúc thủ trước tên lửa Hwasong-12 của Triều TiênBỘ QUỐC PHÒNG MỸ
Tương tự, hệ thống KAMD do Hàn Quốc xây dựng, bao gồm các hệ thống Patriot PAC-3, tên lửa đất đối không tầm trung (M-SAM), tên lửa đất đối không tầm xa (L-SAM) kết hợp với hệ thống phòng thủ Aegis trang bị trên khu trục hạm, cũng đều thúc thủ trước Hwasong-12.
Các tên lửa PAC-3 có tốc độ Mach 3,5-5, còn các tên lửa M-SAM và L-SAM tuy có bay nhanh hơn nhưng không đủ để đánh chặn. Trong khi đó, tên lửa SM-3 của hệ thống Aegis bay ở tốc độ Mach 8-10. Tất cả đều “bó tay” trước tốc độc lao được ước lượng là Mach 15-24 của Hwasong-12.
Chính vì thế, giới chuyên gia Hàn Quốc nhận định Triều Tiên có thể sử dụng Hwasong-12 để xoay chuyển dư luận của người dân ở miền nam về hệ thống THAAD, bằng cách nêu bật sự vô dụng của nó trước tên lửa mới được thử nghiệm của Bình Nhưỡng.
THAAD hữu dụng với các tên lửa Scud và Nodong của Triều Tiên, vốn có tốc độ lao xuống mục tiêu tương đương các tên lửa đánh chặn của hệ thống này. Tuy nhiên, tên lửa Musudan có thể bay cao đến 700 km và tốc độ lao của nó có thể đạt mức Mach 14. Ở tốc độ này, việc THAAD chặn được Musudan hay không còn là chuyện hên xui, chứ chưa nói đến việc chặn Hwasong-12.
Hwasong-12 được đánh giá có thể xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa đang được triển khai ở Hàn Quốc và Nhật BảnRODONG SINMUN
Tính khả thi của việc đánh chặn các tên lửa bay cao hơn 2.000 km cũng đang được các chuyên gia quân sự ở Nhật Bản bàn luận và vụ thử tên lửa Hwaseong-12 của Triều Tiên làm dấy lên nhiều lời kêu gọi về việc đánh giá lại chương trình phòng thủ tên lửa của Tokyo, theo Yonhap.
Tương tự Hàn Quốc, hệ thống phòng thủ 2 tầng của Nhật Bản, gồm Aegis và PAC-3, rất khó đánh chặn các tên lửa vượt trần 2.000 km. Một số người kỳ vọng vào hệ thống đang được phát triển là SM3 Block 2A, được cho là có khả năng đánh chặn tên lửa lao từ độ cao trên 1.000 km. Nhưng điều này cũng không chắc chắn cho mấy. Trang bị hệ thống Aegis trên bộ cũng là một giải pháp được tính đến. Tuy nhiên, các chuyên gia Nhật Bản tin rằng dựa vào công nghệ hiện nay, giải pháp khả thi duy nhất là tấn công phủ đầu các tên lửa như Hwasong-12.(Thanhnien)