Hàn Quốc cử đặc phái viên đến Trung Quốc bàn về THAAD và Triều Tiên
Với lập trường thiện chí trong quan hệ với Triều Tiên và láng giềng Trung Quốc, Tân Tổng thống Hàn Quốc đã lựa chọn các đặc phái viên cử đến Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Đức và EU.
Phủ tổng thống Hàn Quốc ngày 15/5 công bố các ứng viên đặc phái viên mà chính phủ mới muốn cử đến các nước như Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản.
Trong đó, đặc phái viên được cử đến Trung Quốc là cựu Thủ tướng Lee Hae-chan. Đây cũng là lần thứ hai ông Lee Hae-chan được chỉ định làm đặc phái viên cử đến Trung Quốc của Tổng thống Hàn Quốc.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, trong thời gian thăm, các đặc phái viên sẽ chuyển thư tay của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho các nước có liên quan, bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác của chính phủ mới Hàn Quốc.
Đồng thời, đặc phái viên còn có kế hoạch gặp gỡ quan chức cấp cao của các nước có liên quan, giới thiệu chính sách của chính phủ mới, đi sâu trao đổi ý kiến về cách thức phát triển quan hệ song phương.
Một tài liệu báo chí của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, các đặc phái viên là người hiểu rõ tư tưởng và quy hoạch ngoại giao của chính phủ mới. Họ sẽ nhanh chóng lên đường sau khi Hàn Quốc và các nước có liên quan xác định được thời gian thăm.
Ông Lee Hae-chan làm Thủ tướng Hàn Quốc thời Tổng thống Roh Moo-hyun giai đoạn 2004 - 2006. Tháng 2/2003, ông từng thăm Trung Quốc với vai trò là đặc phái viên của Tổng thống đắc cử Roh Moo-hyun. Ông nhiều lần trúng cử nghị sĩ Quốc hội, được cho là nhân sĩ lâu năm trong Đảng Dân chủ đồng hành - tức đảng cầm quyền hiện nay ở Hàn Quốc.
Mỹ đã triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Ảnh: News.6park.com
Một quan chức giấu tên của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết trong thời gian thăm Trung Quốc, ông Lee Hae-chan có kế hoạch trao đổi ý kiến rộng rãi với phía Trung Quốc về quan hệ hai nước, bao gồm vấn đề hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) và vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Được biết, đoàn của ông Lee Hae-chan sẽ gồm nhiều thành viên như các nghị sĩ Quốc hội, cựu quan chức ngoại giao tại Trung Quốc và các nhà nghiên cứu.
Phủ Tổng thống cùng ngày còn xác nhận ông Hong Seok-hyun, cựu Tổng biên tập tờ JoongAng Ilbo Hàn Quốc sẽ làm đặc phái viên đến Mỹ; Song Young-gil, nghị sĩ Quốc hội Đảng Dân chủ đồng hành là đặc phái viên được cử đến Nga; Moon Hee-sang, nghị sĩ Quốc hội Đảng Dân chủ đồng hành là đặc phái viên được cử đến Nhật Bản; giáo sư Yoon Je-cho, Đại học Sogang là đặc phái viên được cử đến EU và Đức.(Viettimes)
--------------------------------
Triều Tiên phản đối tuyên bố chỉ trích chương trình tên lửa từ Liên hợp quốc
Ngày 16/5, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết nước này "hoàn toàn kịch liệt phản đối" một tuyên bố mới đây của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), trong đó lên án các vụ thử tên lửa đạn đạo trong thời gian gần đây của Bình Nhưỡng.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một người phát ngôn giấu tên của bộ trên khẳng định vụ phóng thử tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung Hwasong-12 hôm 14/5 vừa qua là nhằm mục đích tự vệ.
Người phát ngôn này cho rằng vụ phóng tên lửa "đóng vai trò đặc biệt và vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực".
Trước đó, trong một thông cáo báo chí ngày 15/5, 15 nước thành viên HĐBA LHQ đã "kịch liệt lên án" các vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong tháng 4 và tháng 5.(TTXVN)
--------------------
THAAD đã phát hiện được tên lửa Triều Tiên vừa phóng
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cho biết radar của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc đã phát hiện tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên phóng thử ngày 14/5.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo. Ảnh: YONHAP
Ông Han đưa ra thông báo trên trước các nghị sĩ tại một cuộc họp của Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội ngày 16/5, đồng thời cho biết Mỹ đã xác nhận việc này. Ông cho biết thêm rằng quân đội Hàn Quốc cũng đã tự phát hiện vụ phóng của Triều Tiên bằng các khí tài tình báo của mình. Thông báo trên của Bộ trưởng Han cho thấy quân đội Mỹ và Hàn Quốc chia sẻ thông tin rất chặt chẽ dựa trên hoạt động của hệ thống THAAD tại Hàn Quốc.
Trước đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin ngày 14/5, nước này đã phóng thử thành công một loại tên lửa đạn đạo chiến lược đất đối đất tầm trung mới Hwasong-12 có thể gắn đầu đạn hạt nhân. Theo KCNA, tên lửa đã được phóng ở góc cao nhất nhằm đảm bảo an ninh cho các nước láng giềng. Tên lửa Hwasong bay được 787 km và đạt độ cao 2.111,5 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận vụ thử đã “thành công” và cho rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên đang tiến triển nhanh hơn dự kiến. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ và cam kết tăng cường các biện pháp, trong đó có các lệnh trừng phạt nhằm đáp trả "hành vi gây bất ổn cao" của Bình Nhưỡng.
Hệ thống THAAD đã được triển khai tại Hàn Quốc từ đầu tháng 4, nhằm phát hiện đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong bối cảnh mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên ngày càng gia tăng. Seoul và Washington cho biết THAAD chỉ mang tính phòng vệ và không đặt ra mối đe dọa đối với Bắc Kinh và Moskva.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga kịch liệt phản đối việc triển khai hệ thống này. Bắc Kinh thậm chí đã áp đặt các biện pháp trả đũa kinh tế mạnh tay khiến ngành du lịch chủ lực của nền kinh tế Hàn Quốc điêu đứng.
Trong một diễn biến liên quan, Hàn Quốc đã có những động thái hướng tới cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Cuối tuần này, đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Lee Hae-chan sẽ tới Trung Quốc nhằm gửi thông điệp của Tổng thống và thảo luận hợp tác với Trung Quốc. Ông Lee vừa được tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bổ nhiệm ngày 15/5.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đánh giá chuyến thăm của ông Lee cho thấy thiện chí của chính phủ mới ở Hàn Quốc và tầm quan trọng của quan hệ Trung - Hàn. Bà bày tỏ hy vọng ông Lee sẽ giúp hóa giải bất đồng giữa hai nước và góp phần thúc đẩy quan hệ song phương.(TTXVN)
-----------------------