Tin Biển Đông

 
 
 

Donald Trump đang 'đẩy' Trung Quốc vào vòng tay Nga

  • Cập nhật : 06/07/2017

Những quyết định của Mỹ chắc chắn có tác động tới vị thế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga V.Putin trong chuyến thăm tới Matxcơva bởi rõ ràng là không chỉ Nga mà Trung Quốc cũng đang bị Washington “dồn vào chân tường”. 

hai nha lanh dao nga va trung quoc lien tuc gap nhau trong thoi gian gan day

Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc liên tục gặp nhau trong thời gian gần đây

Một trong những vấn đề khó khăn nhất trong các cuộc đàm phán của Chủ tịch Trung QuốcTập Cận Bình với Tổng thống Nga V.Putin trong chuyến thăm Matxcơva trong 2 ngày 3 và 4/7/2017 là Nga sẽ tham gia như thế nào vào dự án thế kỷ của Trung Quốc “Vành đai và Con đường” và khối lượng đầu tư của Trung Nam Hải vào nền kinh tế của Nga.

Hợp tác Nga-Trung, Bắc Kinh nắm thế chủ động

Thời gian gần đây, trong quan hệ hợp tác Nga-Trung, Bắc Kinh luôn nắm trong tay một quân bài rất mạnh. Đó là Nga bị phương Tây “dồn vào chân tường” bằng các biện pháp bao vây cấm vận buộc Điện Kremlin phải rơi vào thế yếu trong quá trình xúc tiến chiến lược “xoay trục” sang châu Á mà nỗ lực chủ yếu là tập trung vào Trung Quốc-thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và cũng là nguồn đầu tư tiềm tàng rất lớn vào Nga. Bắc Kinh đã biến thế khi bị “dồn vào chân tường” này của Nga thành quân bài khá lợi hại trong tay để ra điều kiện cho Matxcơva khi đề cập tới sự hợp tác song phương.

Vì thế mà quan hệ Nga-Trung tuy được tuyên bố là đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện những trên thực tế vẫn còn xa so với tiềm năng và cũng còn khác xa với những ngôn từ mạnh mẽ phát đi từ Matxcơva lẫn Bắc Kinh. Thí dụ, dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc “Dòng chảy Siberia-2” tuy được cả hai bên quảng bá rộng rãi nhưng tới nay vẫn chưa thống nhất được giá cả và điều kiện xây dựng cơ bản. Trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, Matxcơva rất cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trong điều kiện bị phương Tây cấm vận, nhưng Bắc Kinh trên lời nói thì tuyên bố ủng hộ Matxcơva nhưng trên thực tế chỉ cho phép các ngân hàng Nga tiếp cận khối lượng trái phiếu chỉ có giá trị và được phép lưu hành trên lãnh thổ Trung Quốc.

ong tap can binh vua co chuyen tham nga, hai ben da ky ket hang loat thoa thuan hop tac

Ông Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm Nga, hai bên đã ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác

Do đó, nếu các ngân hàng Nga muốn chuyển tài sản của họ ra khỏi Trung Quốc thì nhất thiết phải được phép của Bắc Kinh. Nghĩa là, Nga sẽ bị rơi vào thế hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc. Vì thế, Matxcơva đã từ chối hình thức “giúp đỡ” này của Bắc Kinh. Đó là chưa kể tới rất nhiều dự án đầu tư vào thị trường Nga của các đối tác chiến lược của Trung Quốc tới nay chỉ là những văn kiện khung rất khái lược và để hiện thực hóa cần phải có các cuộc đàm phán kéo dài trong nhiều năm [1].

Donald Trump đang đẩy Trung Quốc vào “vòng tay” Nga

Sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đánh giá là “rất thành công” trong thàng 4/2017, trong đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không còn coi Trung Quốc là “kẻ thù của nước Mỹ” mà là đối tác và Washington sẽ cùng với Bắc Kinh sẽ xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa hai siêu cường dựa trên cơ sở tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau.

Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi giọng điệu khi nói về Trung Quốc nhằm mục đích tạo bầu không khí để phát triển quan hệ hợp tác song phương, nhưng thực chất là ra điều kiện cho Trung Quốc. Kết thúc cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Donald Trump định ra lộ trình 100 ngày để Trung Quốc  gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng liên quan tới các vụ thử hạt nhân và tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Sau quãng thời gian đó, Washington mới bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên các công ty của Trung Quốc liên quan tới mối liên hệ với Triều Tiên. Lộ trình này đã đưa Trung Quốc vào thế khó xử. . .

Để thực thi lộ trình này, Trung Quốc phải đứng trước sự lựa chọn đầy khó khăn: không rõ là Mỹ có thực sự muốn Bắc Kinh thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không, bởi nếu điều đó xảy ra thì Mỹ chẳng còn lý do gì để triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao (THAAD) ở Hàn Quốc và Mỹ cũng chẳng còn cơ sở nào để duy trì các căn cứ quân sự ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặt khác, Bắc Kinh cũng không thể thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nếu Trung Quốc gây sức ép đối với Triều Tiên chỉ khiến Bình Nhưỡng phản ứng gay gắt và đáp trả mạnh mẽ, rất bất có lợi cho Trung Quốc. Vì thế mà Trung Quốc phải hành động rất thận trọng, cân nhắc và tính toàn mọi mặt, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump thì tỏ ra “sốt ruột” trước hành động “quá thận trọng” của Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Chúng tôi rất muốn Trung Quốc hành động mạnh mẽ hơn trong vấn đề Triều Tiên nhưng tới nay chưa thấy kết quả gì”. Trên thực tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc là bên có lỗi trước các hành động của Triều Tiên, còn Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson nhận định: “Trung Quốc cần gây áp lực kinh tế và ngoại giao nhiều hơn đối với Triều Tiên nếu Bắc Kinh muốn tránh sự leo thang căng thẳng trong khu vực”. Nói thẳng ra là: nếu Trung Quốc không gây sức ép với Triều Tiên thì sẽ phải chịu các biện pháp cấm vận kinh tế của Mỹ.

Trong bối cảnh đó theo The Daily Beast, cuối tháng 6/2017, Nhà Trắng ra tuyên bố: “Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ cần trong vòng 4 ngày để từ bỏ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong hai, hoặc thậm chí trong bốn thập niên gần đây”. Ngày đầu tiên trong bốn ngày đó là 26/6/2017: Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp và đàm phán với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với kết quả là chủ nhà tuyên bố: “Quan hệ Mỹ-Ấn Độ chưa bao giờ tốt đẹp như hôm nay”. Minh chứng cho tuyên bố này của Tổng thống Donald Trump là Mỹ bán cho Ấn Độ 22 máy bay trinh sát không người lái trị giá 2 tỷ USD để New Deli giám sát hoạt động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Ngoài ra, ông Donald Trump còn quyết định Mỹ sẽ cùng Ấn Độ và Nhật Bản tiến hành các cuộc tập trận hải quân của hai nước.

hai quan ba nuoc my, nhat ban, an do tap tran chung malabar

Hải quân ba nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ tập trận chung Malabar

Ngày thứ hai là 27/6/2017: Bộ ngoại giao Mỹ công bố danh sách các nước mà ở đó nạn buôn người hoành hành mạnh nhất thế giới và trong danh sách này Trung Quốc “được” Mỹ xếp ở vị trí thứ 3, nghĩa là hàng đầu thế giới. Ngay lập tức, Trung Quốc ra tuyên bố kịch liệt phản đối danh sách này của Mỹ.

Ngày thứ ba là 28/6/2017: Mỹ chuẩn bị xong mọi sự cần thiết để Bộ tài chính Mỹ áp đặt các biện pháp cấm vận các công ty của Trung Quốc hợp tác làm ăn với Triều Tiên, mở đầu chiến dịch công kích Trung Quốc do liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ngày thứ tư là 30/6/2/2017: Nhà Trắng tuyên bố sẽ bán cho Đài Loan khối lượng lớn vũ khí trị giá 1,42 tỷ USD để “tự vệ trước nguy cơ xâm lược từ đại lục”. Đây là đợt bán vũ khí đầu tiên của chính quyền Mỹ cho Đài Loan dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật cho phép tàu chiến của Mỹ được phép cập bến các cảng của Đài Loan. Đây là lần đầu tiên Mỹ thông qua đạo luật này kể từ năm 1979 khi Washington chấp nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Ngoài ra, chỉ vài ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga, tàu khu trục trang bị tên lửa của Mỹ USS Stethem tiến vào tuần tra vùng biển 12 hải lý một hòn đảo do Trung Quốc chiếm cứ phi pháp. Ngay lập tức Bắc Kinh gọi sự hiện diện của tàu chiến Mỹ là "sự khiêu khích chính trị và quân sự nghiêm trọng và Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia".

Những quyết định trên đây của Mỹ chắc chắn có tác động tới vị thế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga V.Putin trong chuyến thăm tới Matxcơva bởi rõ ràng là không chỉ Nga mà Trung Quốc cũng đang bị Washington “dồn vào chân tường”. Có thể thấy, những gì chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã làm trong quan hệ với Trung Quốc, vô hình trung đã “tạo điều kiện” cho Nga thu được kết quả thực chất hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Lần đầu tiên, Bắc Kinh không thể sử dụng con bài xung đột Nga-Phương Tây trong các cuộc đàm phán với Matxcơva [2].

Nga-Trung “song kiếm hợp bích”

Trong bối cảnh Nga vừa bị Mỹ và Liên minh châu Âu tiếp tục gia hạn thêm các biện pháp cấm vận, còn riêng Mỹ áp đặt thêm các biện pháp cấm vận mới, kết quả đàm phán giữa Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa rất quan trọng ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp diễn ra ở Đức mà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đều tham dự.

Hai bên ký nhiều văn kiện, hiệp định và thỏa thuận quan trọng. Đó là Tuyên bố chung Nga-Trung về tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược; Tuyên bố chung Nga-Trung về tình hình thế giới hiện nay và các vấn đề quan trọng khác; Kế hoạch hành động để thực hiện các nội dung của Hiệp định về láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong những năm 2017-2020; nhiều văn kiện thương mại và liên chính phủ về sự hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau. Các công ty của hai nước sẽ ký kết hàng chục hợp đồng có tổng trị giá hơn 10 tỷ USD.

Trong lĩnh vực quốc tế: (1) Nga và Trung Quốc thống nhất quan điểm thực thi các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và cùng nhau thống nhất quan điểm khi đưa ra sáng kiến nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên; (2) hai bên bảy tỏ sự quan ngại trước việc các hệ thống đánh chặn tên lửa được bố trí ở châu Âu và Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có hệ thống THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc; (3) Nga và Trung Quốc cùng phát triển hợp tác trong khuôn khổ các diễn đàn của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; (4) hai bên cho rằng cần xây dựng cơ chế bảo đảm an ninh khu vực để duy trì hòa bình và ổn định cho tương lai dài hạn; (5) Nga và Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác nhằm chống lại mọi hoạt động sử dụng công nghệ truyền thông vào mục đích khủng bố và tiếp tục phối hợp nỗ lực chung trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa li khai và chủ nghĩa cực đoan; (6) hai bên tham gia soạn thảo công ước chống khủng bố hóa học và kêu gọi quốc tế tiến hành cuộc điều tra độc lập về vũ khí hóa học ở Syria; (7) hai bên kêu gọi thực hiện kế hoạch hành động về Iran; (8) hai bên phản đối quá trình quân sự hóa vũ trụ và việc biến không gian vũ trụ thành vùng đối đầu quân sự.  

hai quan trung quoc va nga tap tran chung tren bien

Hải quân Trung Quốc và Nga tập trận chung trên biển

Trong lĩnh vực kinh tế: (1) hai bên sẽ thống nhất chiến lược phát triển Liên minh kinh tế Á-Âu với dự án “Vành đai và Con  đường: của Trung Quốc; (2) hai bên sẽ mở rộng hợp tác về thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí trên lãnh thổ hai nước; (3) hai bên phối hợp nỗ lực thiết lập trật tự trên thị trường dầu mỏ thế giới; (4) ký kết Hiệp định hợp tác chiến lược giữa tập đoàn dầu khí Rosnef của Nga và Công ty năng lượng Huasin của Trung Quốc; (5tiếp tục thống nhất về các tham số của tuyến cung cấp khí đốt phía tây tới Trung Quốc; (6) hai bên sẽ gia tăng khối lượng đồng Rup và Nhân dân tệ trong thương mại song phương; (7) tiếp tục phát triển sự hợp tác giữa các nước BRICS và ủng hộ việc xây dựng Quỹ trái phiếu theo giá trị đồng tiền của các nước thành viên BRICS; (8) thống nhất về việc Nga gia tăng xuất khẩu lúa mì và các nông sản khác của Nga sang thị trường Trung Quốc; (9) thỏa thuận về xây dựng và phát triển tổ hợp công nghiệp Etan ở Cộng hòa Kabardino-Balkarsk của Liên bang Nga; (10) Biên bản về hợp tác chiến lược giữa Liên minh các hiệp hội tiêu dùng của Nga và Công ty China Supply and Marketing Cooperation International Trade Co của Trung Quốc; (11) Tuyên bố thành lập Quỹ đầu tư và phát triển khu vực Nga-Trung; (12) Thỏa thuận chiến lược về thực hiện hợp tác dài hạn giữa Tổng công ty “Nguyên tố cơ bản” của Nga và Tập đoàn năng lượng Huansin của Trung Quốc.

  Trong lĩnh vực truyền thông: (1) Nga và Trung Quốc ký 18 văn kiện trong lĩnh vực hợp tác truyền thông, trong đó có văn kiện hợp tác giữa hãng thông tấn TASS của Nga với “Nhân dân nhật báo” và China.org.cn của Trung Quốc; (2) hai bên thỏa thuận phát kênh truyền hình Kachiusa trên lãnh thổ Trung Quốc; (4) Nga và Trung Quốc chủ trương xây dựng cơ chế quản lý mạng thông tin toàn cầu Internet trong khuôn khỏ LHQ.

Với những kết quả đạt được, Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ vững tin tới tham dự và có tiếng nói sẽ được cộng đồng quốc tế lắng nghe tại Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia có nền kinh tế phát triển và nền kinh tế mới nổi (G-20) sẽ khai mạc tại CHLB Đức trong hai ngày 7 và 8/7/2017, trong đó Tổng thống Nga V.Putin sẽ có cuộc gặp lịch sử đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump./.

Tài liệu tham khảo

[1]Стратегическое партнёрство России и Китая поставлено на паузу?https://topwar.ru/119280-strategicheskoe-partnerstvo-rossii-i-kitaya-postavleno-na-pauzu.html

[2]Как Трамп помог Путину перед встречей с Си Цзиньпином. http://expert.ru/2017/07/3/spasibo-donald-kak-tramp-pomog-putinu-pered-vstrechej-s-si-tszinpinom/

 

Đại tá Lê Thế Mẫu
Theo Viettimes.vn

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý sáng 02-09-20171

    Tin thế giới đáng chú ý sáng 02-09-2017

    Tân Tư lệnh Lục quân Trung Quốc phá vỡ tiền lệ; Cảnh sát Mỹ mất việc vì phát ngôn 'chỉ giết dân da đen'; Quan hệ Nga – Mỹ sẽ đi về đâu sau màn trả đũa ngoại giao rầm rộ?

  • Nga ra uy giành thế siêu cường, Mỹ-NATO ra sức 'dìm hàng'2

    Nga ra uy giành thế siêu cường, Mỹ-NATO ra sức 'dìm hàng'

    Ông Hedlund cho rằng ngay từ đầu khi lên nắm quyền, ông Putin "đã nói về việc khôi phục lại lại vị thế cường quốc của nước Nga... Tham vọng là nâng cấp quân đội lên thế hệ thứ năm phát triển một cách toàn diện sánh ngang với quân đội Mỹ". Điều này phản ánh một tham vọng rõ ràng...

  • Tin thế giới đáng chú ý 04-06-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 04-06-2017

    Quan hệ Nga-Mỹ: Bóng nằm bên phần sân của Nga; ​Thủ tướng Úc cảnh báo Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La; Trung Quốc chấm điểm từng người dân để sàng lọc 'công dân yếu kém'

Bài cùng chuyên mục