Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý 04-06-2017

  • Cập nhật : 04/06/2017

Quan hệ Nga-Mỹ: Bóng nằm bên phần sân của Nga

Ria Novosti dẫn lời Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga cho rằng nếu Nga không đảm bảo giải quyết được tình hình ở Ukraine thì khó có thể gạt bỏ được trở ngại để cải thiện quan hệ Nga-Mỹ.

tong thong nga v. putin, tong thong my donald trump

Tổng thống Nga V. Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump

Hãng Ria Novosti đưa tin, phát biểu tại diễn đàn Nga-Mỹ "Đối thoại Fort Ross" được tổ chức mới đây, Đại sứ Mỹ tại Nga John Tefft cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng trong quan hệ Nga-Mỹ thì "bóng đang ở phía bên Nga", do đó nước này phải đảm bảo việc thực hiện các thỏa thuận Minsk để giải quyết tình hình ở Ukraine.

Ông Tefft khẳng định: "Chính quyền ông Donald Trump tin rằng quả bóng thực sự đang nằm ở phía Nga và Nga nên chủ động trong việc thực hiện các thỏa thuận Minsk, qua đó sẽ loại bỏ những trở ngại chính đối với việc cải thiện mối quan hệ giữa hai nước".

Đại sứ Mỹ cho rằng, sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để cải thiện quan hệ giữa Moscow và Washington. Ông Tefft đã trích dẫn tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng quan hệ Nga-Mỹ hiện đang ở mức thấp. Ông nhận định:"Giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới không nên có một mối quan hệ như vậy".

Đồng thời Đại sứ Mỹ cũng chỉ ra rằng Ngoại trưởng Tillerson đã nhấn mạnh, nếu việc thực hiện thỏa thuận Minsk không có bước tiến nào đáng kể, thì tình hình tại Ukraine sẽ ngăn cản việc cải thiện quan hệ Mỹ- Nga.

Quan hệ giữa Nga và EU đã xấu đi nhiều vì tình hình ở Donbass. Tháng 4/2014 Kiev đã phát động một chiến dịch quân sự chống lại Donetsk và Lugansk- hai nhà nước tự xưng vốn tuyên bố độc lập sau một cuộc đảo chính ở Ukraine trong tháng 2/2014. Các nước phương Tây đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, về phần mình Moscow cũng đã đưa ra nhiều đòn trả đũa.

Nga nhiều lần tuyên bố rằng nước này không phải là một bên tham gia trong cuộc xung đột nội bộ tại Ukraine cũng như không hỗ trợ các lực lượng dân quân hay gửi quân đến Donbass. Moscow cũng hơn một lần nhấn mạnh rằng mình không phải là chủ thể của thỏa thuận Minsk về việc dàn xếp tình hình ở Donbass, và việc đối thoại với nướnày bằng biện pháp trừng phạt là hoàn toàn phản tác dụng.(Infonet)
--------------------------

​Thủ tướng Úc cảnh báo Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La

Phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La tối 2-6, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho rằng Trung Quốc sẽ “được” nhiều nhất từ hòa bình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và cũng “mất” nhiều nhất khi khu vực này bị đe dọa. 

thu tuong uc malcolm turnbull tai doi thoai shangri-la - anh: q.trung

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Đối thoại Shangri-La - Ảnh: Q.TRUNG

Ông Turnbull cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần hợp tác, chứ không phải là những hành động đơn phương chiếm giữ hay tạo chủ quyền, hoặc quân sự hóa các khu vực tranh chấp, ám chỉ đến các hành động xây đảo và ra sức quân sự hóa các thực thể tranh chấp của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trả lời câu hỏi của một đại biểu Trung Quốc rằng đâu là khung pháp lý khu vực lý tưởng nhất để bảo đảm an ninh trong khu vực, Thủ tướng Turnbull cho rằng các quốc gia không nên sử dụng bạo lực để cưỡng ép, dọa dẫm và bắt nạt các nước khác.

“Điều quan trọng là các quốc gia phải kiềm chế thực hiện các hành động đơn phương, trong đó có quân sự, và giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các nguyên tắc” - người đứng đầu Chính phủ Úc cho biết.

Sáng nay (3-6), mọi sự chú ý tập trung về Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, người sẽ phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất với chủ đề “Mỹ và an ninh châu Á - Thái Bình Dương”.

Giới quan sát kỳ vọng ông Mattis sẽ đưa ra quan điểm rõ ràng về chính sách tái cân bằng châu Á cũng như hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, nhất là sau khi khu trục hạm USS Dewey của Mỹ bất ngờ xuất hiện trong khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép và ra sức quân sự hóa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ tại lễ khai mạc, trung tướng Nguyễn Đức Hải - viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, trưởng đoàn đại biểu quốc phòng Việt Nam tại Shangri-La - cho biết dù lần này đoàn quốc phòng Việt Nam không phát biểu nhưng sẽ tham gia đóng góp về các vấn đề mà Việt Nam quan tâm.

Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương thường niên, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 16 quy tụ đại biểu của hơn 50 quốc gia, trong đó có bộ trưởng quốc phòng các nước Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Indonesia, Nhật, Malaysia, New Zealand và Philippines.

Một điểm đặc biệt so với các năm trước là tại SLD lần 16 năm nay, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh sẽ có bài phát biểu trong phiên toàn thể ngày 4-6 với chủ đề “Tìm kiếm tiếng nói chung cho vấn đề an ninh khu vực”.(Tuoitre)
------------------------

Trung Quốc chấm điểm từng người dân để sàng lọc 'công dân yếu kém'

Chính phủ Trung Quốc sẽ triển khai một hệ thống chấm điểm uy tín công dân vào năm 2020.

tat ca nhung vi pham luat le giao se duoc tinh vao so diem uy tin cua moi cong dan trung quoc. anh: ap

Tất cả những vi phạm luật lệ giao sẽ được tính vào số điểm uy tín của mỗi công dân Trung Quốc. Ảnh: AP

 

Dựa trên mức điểm đánh giá, hệ thống này sẽ sàng lọc ra "những công dân yếu kém", AFR Weekend đưa tin.

Một số thành phố ở Trung Quốc như Thượng Hải và Hàng Châu đã triển khai hệ thống điện tử đánh giá thái độ và hành vi khi tham gia giao thông của người dân. Tất cả những vi phạm luật lệ giao thông như vượt đèn đỏ, chở hàng quá tải hoặc không có bằng lái xe sẽ được tính vào số điểm uy tín của mỗi công dân.

Cô Chen Li tại thành phố Hàng Châu, trốn mua vé tàu cho con, không những phải nộp phạt mà còn bị hạ điểm trong "hệ thống đánh giá uy tín công dân". Việc bị hạ điểm sẽ khiến cô Chen khó có thể vay tiền ngân hàng hoặc tìm việc làm hơn trong tương lai, theo Wall Street Journal.

Với mục đích "khuyến khích sự tin tưởng (trong xã hội)", hệ thống này, tính điểm dựa vào đánh giá hành vi đạo đức, xã hội và năng lực tài chính của người dân, sẽ thu thập những thông tin như trình độ học vấn, nghề nghiệp, ngoài ra còn theo dõi hoạt động trên mạng của từng cá nhân từ máy tính và điện thoại thông minh.

"Những người chơi trò chơi điện tử 10 tiếng một ngày sẽ bị coi là lười nhác; hoặc dựa vào tần suất mua bỉm cho trẻ con của một người, có thể biết người đó đang làm bố mẹ, những đối tượng được đánh giá cư xử có trách nhiệm", Li Yingyun, giám đốc công nghệ chương trình chấm điểm uy tín cá nhân của trang Alibaba, nói với tạp chí Caixin.

"Chính quyền cho rằng hệ thống chấm điểm tín nhiệm là thuốc chữa bách bệnh, khiến người dân tuân thủ luật pháp hơn" theo Li Zhaohui, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội ở Thâm Quyến.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc tin rằng hệ thống này sẽ giúp cải thiện trật tự xã hội thông qua việc tăng cường giám sát của các cơ quan nhà nước nhưng nhiều người lo ngại việc thu thập thông tin cá nhân sẽ hạn chế quyền tự do của công dân.(Vnexpress)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý tối 03-06-20172

    Tin thế giới đáng chú ý tối 03-06-2017

    Tổng thống Nga nêu khả năng phi quân sự hóa đảo tranh chấp với Nhật; Tổng thống Putin: Quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức xấu nhất kể từ Chiến tranh Lạnh; Tổng thống Putin: Nga và NATO phải hợp tác chống khủng bố; Bangladesh thu giữ hàng chục khẩu súng máy do Trung Quốc sản xuất ở thủ đô Dhaka

  • Tin thế giới đáng chú ý chiểu 03-06-20173

    Tin thế giới đáng chú ý chiểu 03-06-2017

    Nhóm quyền lực nhất hành tinh đang bí mật bàn chuyện gì?; Ông Putin thừa nhận có tin tặc Nga tấn công bầu cử Mỹ?; Tổng thống Trump đối mặt 6-8 mối đe dọa mỗi ngày

Bài cùng chuyên mục