Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 19-07-2017

  • Cập nhật : 19/07/2017

EU tính gia tăng trừng phạt Triều Tiên

Liên minh châu Âu nhất trí tăng cường trừng phạt Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên.

ten lua dan dao lien luc dia hwasong-14 trieu tien phong thu hom 4/7. anh: reuters.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 Triều Tiên phóng thử hôm 4/7. Ảnh: Reuters.

 

Các quốc gia thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/7 nhất trí sẽ cân nhắc áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, theo AFP.

Các ngoại trưởng EU cho biết động thái này nhằm lên án vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hôm 4/7 của Triều Tiên, coi đây là hành động vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh trong và ngoài khu vực.

Những biện pháp trừng phạt mới bao gồm gia hạn lệnh cấm đối với các lĩnh vực như ngành công nghiệp liên quan đến vũ trang, luyện kim, chế tác kim loại và không gian. EU còn bổ sung một số cá nhân vào danh sách cấm đi lại và bị phong tỏa tài sản.

EU trong tháng 6 đã mở rộng danh sách các biện pháp trừng phạt sau khi Bình Nhưỡng phóng thử hàng loạt tên lửa chống hạm từ bờ biển phía đông của nước này. Tuy nhiên, liên minh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề Triều Tiên thông qua ngoại giao và đối thoại.

"Giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên phải đạt được thông qua các biện pháp hòa bình chứ không phải quân sự", bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, cho biết.(Vnexpress)
----------------------

Triều Tiên im lặng, Hàn Quốc sẽ tăng thêm ngân sách quốc phòng

Ngày 18-7, một ngày sau khi Hàn Quốc đề xuất đối thoại quân sự liên Triều, Triều Tiên vẫn chưa trả lời. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, trong khi đó, tuyên bố sẽ chi thêm tiền cho quân đội.

tong thong han quoc moon jae in - anh: reuters

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In - Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời người đứng đầu nước này ngày 18-7 cam kết sẽ tăng ngân sách quốc phòng từ mức 2,4% như hiện nay lên mức 2,9% GDP trong 5 năm tới. 

Cam kết trên được Tổng thống Hàn Quốc đưa ra trong một cuộc họp với các chỉ huy hàng đầu của quân đội nước này. Nếu đúng như cam kết, ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc sẽ tăng từ mức khoảng 40.300 tỷ won (35,9 tỷ USD) hiện nay lên tới 50.000 tỷ won vào năm 2022.

Cũng tại cuộc họp, tổng thống Moon cho biết chính phủ sẽ tìm cách đối thoại với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên ông nhấn mạnh cuộc đối thoại này sẽ chỉ có ý nghĩa khi nó được tiến hành trên cơ sở khả năng quốc phòng của Hàn Quốc vượt trội.

Trong thời gian tranh cử, ông Moon đã nêu ra cách tiếp cận kép đối với Bình Nhưỡng. Đó là sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên nhưng cũng không ngại các đòn trừng phạt cứng rắn.

Hôm qua (17-7), Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã đề nghị đối thoại quân sự với Triều Tiên. Đây được xem là động thái hiếm hoi và chính thức của chính quyền ông Moon trong vấn đề Triều Tiên.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 18-7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận hiện chưa có phản hồi từ phía Triều Tiên. Tuy nhiên, vị này khẳng định sẽ có các hành động bổ sung phù hợp với phản ứng của Triều Tiên.

Trong diễn biến khác liên quan, chính phủ Nhật Bản ngày 18-7 tuyên bố đề xuất của Hàn Quốc về tiến hành đối thoại quân sự liên Triều không mâu thuẫn với chính sách gia tăng sức ép với Triều Tiên được các nhà lãnh đạo Tokyo, Washington và Seoul khẳng định đầu tháng này. 

Phát biểu trong cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói thẳng đề xuất của Hàn Quốc là nhằm đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và ngừng các hành động thù địch ở giới tuyến quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Theo ông Suga, kế hoạch này không gây khó khăn cho Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc trong việc tăng cường sức ép đối với Triều Tiên. 

Cùng ngày, từ New York (Mỹ), Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh Nhật Bản sẽ "duy trì phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế để hối thúc Triều Tiên có những hành động cụ thể hướng đến một giải pháp toàn diện cho các vấn đề còn tồn tại". (Tuoitre)
---------------------

Hi vọng hòa bình lại lóe lên trên bán đảo Triều Tiên

Bỏ qua những chỉ trích và căng thẳng, Hàn Quốc đang phát đi những tín hiệu hòa giải đến CHDCND Triều Tiên, từ đối thoại quốc phòng đến cả chuyến thăm của tổng thống. 

tong thong han quoc moon jae in hi vong vao mot nen hoa binh tren ban dao trieu tien - anh: reuters

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hi vọng vào một nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Ngày 17-7, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã chính thức đề nghị đối thoại quân sự liên Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào ngày 21-7.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời ông Suh Choo Suk, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nhấn mạnh cuộc đối thoại nhằm “chấm dứt tất cả các hành động thù địch” dọc tuyến biên giới hai nước.

Đại diện hai nước sẽ gặp nhau tại Tongilgak, một tòa nhà của Triều Tiên trong Bàn Môn Điếm.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đề nghị Bình Nhưỡng phản hồi lại đề nghị mới qua đường dây liên lạc quân sự liên Triều, theo Reuters.

Tân tổng thống "sẽ sang Bình Nhưỡng"

Đề nghị đối thoại với Triều Tiên được Hàn Quốc đưa ra sau hơn 2 ngày cân nhắc.

Bất chấp các vụ bắn thử tên lửa của Triều Tiên, Tổng thống Moon Jae In vẫn cho thấy ông đang tràn đầy hi vọng về một bán đảo Triều Tiên hòa bình.

Ngày 6-7, chỉ hai ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố bắn thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới, Tổng thống Moon đã công bố sáng kiến mang lại hòa bình liên Triều.

Nhấn mạnh trong bài diễn thuyết tại Quỹ Korber nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Đức, ông Moon đề nghị hai miền đồng loạt dừng các hành vi thù địch, bao gồm cả việc dừng phát thanh tuyên truyền qua loa tại ranh giới quân sự liên Triều, bắt đầu từ ngày 24-7, nhân kỷ niệm 64 năm hiệp định đình chiến (1953).

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng đề xuất nối lại chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào dịp Tết Trung thu năm nay, nhân kỷ niệm 10 năm ra đời tuyên bố chung liên Triều (4-10-2007).

Bản đề xuất cho thấy ý chí lãnh đạo và sự quyết tâm của Tổng thống Moon trong vấn đề Triều Tiên.

Trong thời gian còn tranh cử, ông Moon đã từng nêu ra cách tiếp cận kép: sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên nhưng cũng không ngại trừng phạt cứng rắn.

“Trừng phạt cũng là một cách để bắt họ ngồi vào bàn đàm phán” - nhà lãnh đạo Hàn Quốc từng tuyên bố như thế.

Nhưng đúng vào ngày ông Moon tuyên thệ nhậm chức cách đây 2 tháng, tân tổng thống Hàn Quốc cũng khẳng định “sẽ sang Bình Nhưỡng vào lúc thích hợp” và “sẽ làm tất cả những gì có thể để xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.

Triều Tiên dịu giọng

Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 17-7 đã phát đi thông điệp mang tính đặt điều kiện với Hàn Quốc bằng một thái độ dịu giọng.

"Ý tưởng hòa bình của tổng thống Hàn Quốc may mắn thay khi cam kết tôn trọng và thực thi tuyên bố chung ngày 15-6-2000 và 4-10-2007, thật khác với lập trường những người tiền nhiệm của ông" - bài xã luận trên Rodong Sinmun mở đầu.

Bài báo viết tiếp: "Như tổng thống Hàn Quốc đã nói, một khởi đầu phù hợp là điều quan trọng cho mọi thứ... để đạt được hòa bình và tái thống nhất bán đảo Triều Tiên, rất cần một xuất phát điểm hoàn hảo. Điều cần làm bây giờ là giải quyết ngay những vấn đề cần kíp nhất, và dàn xếp vấn đề cơ bản đó ngay từ điểm xuất phát".

Tờ Rodong Sinmun lập luận quan hệ giữa hai miền Triều Tiên ngày càng phức tạp và khó giải quyết bởi "sự không tin tưởng, những tương phản, thái độ thù địch và đối đầu của chế độ bảo thủ thân Mỹ".

"Chính quyền Hàn Quốc đừng lệ thuộc vào những kẻ bên ngoài nữa, đừng đi ngược lại khát vọng của nhân dân và xu thế của thời đại; hãy chọn cách cải thiện quan hệ hai miền và giành lấy độc lập, thống nhất chỉ khi hợp lực với đồng bào miền bắc" - tờ báo chính thức của Triều Tiên kêu gọi.(Tuoitre)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục