Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý trưa 09-07-2017
- Cập nhật : 09/07/2017
Vì sao đối đầu Trung-Ấn đột ngột tăng nhiệt?
Ngày 7-7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình cũng bước đến hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức) với những nụ cười và những cái bắt tay lịch thiệp. Nhưng đằng sau những cử chỉ ngoại giao thân thiện đó là sự đối đầu ngày một căng thẳng giữa hai gã khổng lồ châu Á xoay quanh các tranh chấp mới nhất trên khu vực Himalaya.
Mỹ ngả về Ấn Độ?
Xung đột biên giới Trung-Ấn không phải là câu chuyện mới. Tuy nhiên, những diễn biến lần này tại khu vực Doklam, bùng phát ra sau khi TQ đơn phương cho binh lính và xe tải đến xây đường trên vùng đất còn tranh chấp với Bhutan, lại ẩn chứa nhiều rủi ro nguy hiểm.
Đại sứ TQ tại Ấn Độ ngày 5-7 cảnh báo tranh chấp biên giới Trung-Ấn tại khu vực Himalaya là xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong hơn 30 năm qua. Các chuyên gia lo ngại xung đột lần này có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát dẫn tới xung đột vũ trang trực tiếp giữa hai cường quốc hạt nhân, tờ The Washington Post cho biết.
Vụ đối đầu giữa biên phòng Ấn Độ và nhóm binh sĩ TQ xảy ra vào cuối tháng qua, ngay giai đoạn Thủ tướng Modi đang có chuyến công du đến Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump. Nhiều nhà phân tích Ấn Độ nghi ngờ TQ đã có sự tính toán về thời điểm hành động do lo ngại quan hệ Mỹ-Ấn ngày càng khăng khít.
Ông Trump trong lần gặp ngày 24-6 đã gọi Thủ tướng Modi là “người bạn thật sự”. Lời khen này được đưa ra khi sự kiên nhẫn của Washington dành cho Bắc Kinh đối với vấn đề Triều Tiên cũng đang dần cạn kiệt. “TQ đang thể hiện rõ sự bất bình của mình đối với quan hệ Mỹ-Ấn” - ông Sameer Patil, Giám đốc Trung tâm cố vấn chính sách Gateway House, nhận định.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) sẽ không có cuộc gặp trực tiếp nào với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) tại thượng đỉnh G20. Ảnh: EPA
Nhân tố Bhutan
Tình hình căng thẳng kéo dài suốt 20 ngày qua cũng là lần đầu tiên TQ và Ấn Độ có mâu thuẫn liên quan đến vấn đề chủ quyền của một nước thứ ba - Vương quốc Bhutan.
Đất nước tí hon trên vùng Himalaya có mối quan hệ thân thiết với Ấn Độ. Đây cũng là nước đầu tiên được ông Modi chọn viếng thăm sau khi nhậm chức. Nhưng yếu tố quan trọng nhất khiến New Dehli quyết cứng rắn can thiệp chính là ý nghĩa chiến lược của vùng Doklam. Ấn Độ thừa nhận chủ quyền của Bhutan đối với khu vực phía Nam Doklam, nơi xảy ra đối đầu.
Theo các nhà phân tích Ấn Độ, khu vực này có ý nghĩa như con đường huyết mạch kết nối khu vực miền Trung Ấn Độ với vùng Đông Bắc xa xôi vốn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn tiềm tàng với TQ. Vào năm 2006, Bắc Kinh đã công khai gọi toàn bộ tỉnh Arunachal Pradesh nằm ở cực Đông Ấn Độ là “Nam Tây Tạng”, theo The Diplomat.
Vị thế quan trọng này của Bhutan cùng các kết nối truyền thống về chính trị lẫn văn hóa và tôn giáo khiến New Dehli quyết cứng rắn. Theo tờ The Indian Express, Ấn Độ đã cử thêm 100 quân đến khu vực đối đầu, cắm lều tại khu vực để sẵn sàng hành động. Phía TQ cũng có các điều động tương tự.
Ông Seshadri Chari, Tổng Thư ký Diễn đàn Tổng hòa an ninh quốc gia (FINS) của Ấn Độ, cho rằng New Dehli sẽ thực hiện mọi biện pháp khả dĩ để củng cố quân đội tại biên giới và sẵn sàng đáp trả mọi nỗ lực chiếm thêm lãnh thổ từ phía TQ gây bất lợi chiến lược cho Ấn Độ và Bhutan. Sự kiện G20 lần này cũng khó mở ra cơ hội để ông Modi và ông Tập tìm cách mở đường hạ nhiệt căng thẳng tại Doklam. New Dehli có vẻ vẫn chưa muốn lùi bước và không yêu cầu một cuộc gặp mặt trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề thượng đỉnh G20, theo tờ India Today.(PLO)
-----------------------
Gặp tổng thống Mexico, ông Trump né chuyện tường biên giới
Mặc dù tuyên bố với báo giới sẽ đề nghị Mexico trả tiền bức tường, nhưng khi gặp tổng thống Mexico tại G20, ông Trump hề không đả động vấn đề này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và tổng thống Mexico, ông Enrique Peña Nieto, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg, Đức - Ảnh: AFP
Theo hãng tin Bloomberg, trong cuộc hội đàm bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức với người đồng cấp Mexico, ông Enrique Peña Nieto, ông Trump không hề nhắc tới vấn đề yêu cầu nước láng giềng phải trả tiền xây bức tường biên giới để ngăn người nhập cư trái phép như ông từng tuyên bố trước cuộc gặp.
Động thái này cũng ông Trump cũng hệt như những gì ông từng làm trong lần ông tới thăm Mexico City lúc còn đang tranh cử năm ngoái.
Việc “bỏ quên” chủ đề thảo luận này đã được giới chức Mexico xác nhận và thông cáo của chính Nhà Trắng sau cuộc gặp cũng cho thấy điều đó.
Theo đó, thông cáo của Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo đã chỉ bàn tới quan hệ thương mại, vấn đề phòng chống buôn bán ma túy và cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela, tuyệt nhiên không nói tới chuyện tường biên giới.
Tuy nhiên trong lúc hai nhà lãnh đạo bắt đầu cuộc gặp, một nhà báo đã hỏi ông Trump là liệu ông vẫn còn muốn phía Mexico trả tiền cho bức tường biên giới hay không, ông Trump đáp “Đương nhiên rồi”.
Ông Enrique Peña Nieto ngồi bên cạnh đã làm thinh khi nghe ông Trump trả lời như vậy. Việc tổng thống Mexico không có phản ứng gì trước câu trả lời của ông Trump cũng đã khiến dư luận trong nước Mexico bực bội.
Báo Guardian dẫn quan điểm của giáo sư Carlos Bravo Regidor của Trung tâm nghiên cứu và giảng dạy kinh tế học tại Mexico City bức xúc nhận xét: “Ông Trump là kẻ bắt nạt, nhưng ông Peña Nieto là kẻ hèn nhát”.
Giới chức Mexico tháp tùng tổng thống tại G20 cho biết ông Enrique Peña Nieto đã không nghe cuộc trao đổi giữa ông Trump với nhà báo, do đó đã không có những thảo luận thêm về chuyện bức tường trong cuộc hội đàm riêng sau đó của họ.
Trong cuộc họp báo sau đó, ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray khẳng định vấn đề bức tường “đã không phải là một phần cuộc trao đổi” giữa hai nhà lãnh đạo.(Tuoitre)
---------------------
122 quốc gia ủng hộ cấm vũ khí hạt nhân - trừ các nước sở hữu
Có 122 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đầu tiên của thế giới tại cuộc họp ở Liên Hiệp Quốc ngày 7.7, nhưng không có quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào tham gia hiệp ước này.
Bà Elayne Whyte Gomez, chủ tịch hội nghị của Liên Hiệp Quốc đàm phán về hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh thế giới đã chờ đợi hiệp ước này suốt 70 năm qua, kể từ khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật hồi tháng 8.1945 trong Thế chiến 2, theo AP.
Bà Whyte Gomez cho biết thêm việc ký kết hiệp ước sẽ bắt đầu từ tháng 9 và hiệp ước sẽ có hiệu lực khi có ít nhất 50 nước phê chuẩn.
Hiệp ước yêu cầu tất cả quốc gia phê chuẩn dưới bất kỳ trường hợp nào cũng không phát triển, thử nghiệm, sản xuất, sở hữu, tồn trữ vũ khí hạt nhân hoặc thiết bị nổ hạt nhân khác. Hiệp ước cũng cấm vận chuyển hay sử dụng vũ khí hạt nhân, hay đe dọa dùng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
Tuy nhiên, không có quốc gia nào trong 9 nước được biết đến hoặc được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân, là Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, CHDCND Triều Tiên và Israel, ủng hộ hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, theo AP.
Anh, Mỹ và Pháp ngày 7.7 còn ra tuyên bố chung nhấn mạnh 3 nước sẽ không tham gia đàm phán về hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân và cũng không có ý định ký, phê chuẩn hay trở thành thành viên của hiệp ước.
“Sáng kiến này rõ ràng không để ý tới thực tế của môi trường an ninh quốc tế. Việc hướng tới lệnh cấm không phù hợp với chính sách răn đe hạt nhân, là yếu tố đã đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình ở châu Âu và Bắc Á trong 70 năm qua”, tuyên bố viết.
Mặt khác, trong tuyên bố, Anh, Mỹ và Pháp tái khẳng định cam kết thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và nỗ lực hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân, theo hãng tin TASS.(Thanhnien)
-------------------------------
Hai ông Trump-Putin có 'phản ứng hóa học tích cực'
Cuộc gặp đầu tiên và rất được chờ đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra bên lề hội nghị G20 tại TP Hamburg (Đức) ngày 7-7.
Hai tổng thống Trump và Putin trao đổi thông qua hai thông dịch viên. Tham dự cuộc gặp còn có hai ngoại trưởng hai nước. Cả sáu người trao đổi trong vòng sáu phút, kế đó các nhà báo được phép vào phòng ghi hình và nghe tuyên bố từ hai tổng thống.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Trump gặp nhau lần đầu tại Hamburg (Đức) ngày 7-7. Ảnh: REUTERS
“Tổng thống Putin và tôi đang bàn về nhiều việc và tôi nghĩ nó đang tiến triển tốt. Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện rất, rất tốt... Chúng tôi mong đợi sẽ có nhiều điều tích cực đến với Nga, với Mỹ và với tất cả những ai liên quan. Và thật là một vinh dự khi gặp ông” - Tổng thống Trump nói với nhà báo khi ông Putin đang ngồi bên cạnh.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Trump trong cuộc gặp lần đầu tại Hamburg (Đức) ngày 7-7. Ảnh: REUTERS
Về phần mình, thông qua phiên dịch viên, Tổng thống Putin nói: “Chúng tôi đã điện đàm vài lần. Nói chuyện qua điện thoại không bao giờ đủ. Tôi vui mừng có thể gặp trực tiếp ông, ngài tổng thống”. Ông Putin nói hy vọng cuộc gặp sẽ có kết quả tích cực.
Sau đó các nhà báo rời đi và cuộc gặp tiếp tục. Ông Trump lắng nghe chăm chú khi ông Putin nói.
Đề cập ngay chuyện Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Nói với báo chí tại G20, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Tổng thống Trump mở đầu cuộc gặp việc đề cập ngay “mối quan ngại của người Mỹ về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016”. Hai tổng thống đã có cuộc trao đổi thẳng thắn về vấn đề này, ông Tillerson cho biết.
Nói với ông Trump, Tổng thống Putin bác bỏ mọi khả năng can thiệp tiến trình dân chủ của Mỹ và yêu cầu Mỹ cung cấp bằng chứng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Tổng thống Trump ghi nhận lời bác bỏ của Tổng thống Putin rằng các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ của tình báo Mỹ là sai trái.
Cùng tham dự cuộc gặp có Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: REUTERS
Theo Ngoại trưởng Tillerson, hai lãnh đạo đã chọn bỏ qua bất đồng này, cùng tiến về phía trước, cùng thống nhất sẽ không để quá khứ bất đồng kìm hãm quan hệ. Ông Tillerson cho biết cả hai thống nhất cam kết “không can thiệp vào chuyện nội bộ của Mỹ cũng như vào tiến trình dân chủ của Mỹ, hay là của các nước khác”.
Hai tổng thống cũng dành một lượng lớn thời gian bàn về Syria. Và sau cuộc gặp này đã có một thỏa thuận giữa Mỹ, Nga và Jordan về ngừng bắn tại Tây Nam Syria được tuyên bố.
Hai ông Trump-Putin có "phản ứng hóa học tích cực"
Theo ông Tillerson, hai tổng thống Trump và Putin “có phản ứng hóa học tích cực” với nhau trong cuộc gặp. Cuộc gặp diễn ra trong hai giờ 15 phút, kéo dài hơn dự kiến chỉ khoảng 30-40 phút và Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump đã một lần vào phòng gặp để giục hai ông kết thúc cuộc gặp.
Người chủ động bắt tay là ông Trump (phải). Ảnh: REUTERS
Hai ông Trump và Putin sau đó cùng tham gia một buổi hòa nhạc với các lãnh đạo G20. Tại bữa tiệc tối, ông Trump ngồi cạnh ông Putin.
Trước khi hai ông Trump và Putin gặp nhau, nhiều người lo ngại ông Trump vốn không có kinh nghiệm chính trị sẽ không ứng xử và đối phó tốt với ông Putin - một nhân vật chính trị lão luyện từng gặp qua nhiều đời tổng thống Mỹ trước cũng như hàng chục lãnh đạo thế giới khác.
Theo giới quan sát thì ông Trump chịu áp lực nặng hơn ông Putin trong cuộc gặp này với cáo buộc Nga thông đồng với đội tranh cử của ông can thiệp bầu cử Mỹ về các vấn đề Ukraine, Syria.
Hai ông Putin (trái) và Trump được nhận định có "phản ứng hóa học tích cực" trong cuộc gặp đầu tiên. Ảnh: REUTERS
Thái độ hòa hoãn của ông Trump với Nga không được đảng Dân chủ hài lòng. Ông Andrew Weiss, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia, cho rằng ông Trump đã gửi một thông điệp sai lầm đến Nga, thông qua việc không gây áp lực mạnh hơn cho ông Putin về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và cả qua ngôn ngữ cơ thể hào hứng của mình trong cuộc gặp.
“Không khí cuộc gặp khá thân thiết. Rõ ràng có thể thấy trong cuộc gặp ông Trump đang vận động để bình thường hóa quan hệ Mỹ-Nga” - theo ông Weiss, hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment (Mỹ).(PLO)