Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 09-07-2017
- Cập nhật : 09/07/2017
2 ông Trump-Putin nhất trí 4 điểm đặc biệt
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã đạt được sự đồng thuận về bốn điểm đặc biệt trong hàng loạt vấn đề được đem ra thảo luận trong cuộc gặp đầu tiên gữa hai nhà lãnh đạo này.
Theo hãng tin Sputnik (Nga), hôm 7-7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cùng với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson đã thông báo cho báo giới kết quả của cuộc gặp mặt đối mặt lần đầu tiên được kỳ vọng giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.
Ngoại trưởng Tillerson nói rằng cuộc gặp này đã có “phản ứng hóa học tích cực, rõ ràng” và tạo sợi dây liên kết giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga. Trong khi đó, ông Lavrov nhấn mạnh cuộc hội đàm song phương đầu tiên này mang tính xây dựng. Sau khi kết thúc cuộc gặp, ông Lavrov tuyên bố Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã đạt được sự đồng thuận về bốn điểm đặc biệt trong hàng loạt vấn đề được đem ra thảo luận.
Cuộc họp giữa ông Trump và ông Putin cùng sự có mặt của Ngoại trưởng hai nước. Ảnh: SPUTNIK
Trước hết, ông Putin và ông Trump đã nhất trí về vấn đề Syria. Một lệnh ngừng bắn ở phía Tây-Nam Syria dự kiến được thông báo vào ngày 9-7. Khu vực này là một trong bốn vùng giảm căng thẳng mà đã được thảo luận trong các vòng hội đàm liên Syria thời gian gần đây ở thủ đô Astana của Kazakhstan.
Theo ông Lavrov, Nga và Mỹ đã cam kết đảm bảo thực thi lệnh ngừng bắn, trong khi đó an ninh xung quanh các vùng giảm căng thẳng ban đầu sẽ do cảnh sát quân sự Nga phối hợp cùng Mỹ và Jordan phụ trách.
“Các chuyên gia từ Nga, Mỹ và Jordan đã hoàn tất công việc ngày hôm nay ở thủ đô Amman, Jordan. Họ đã thống nhất một bản ghi nhớ về thiết lập một vùng giảm căng thẳng ở phía Tây Nam Syria gồm các tỉnh: Daraa, Quneitra và As-Suwayda – những nơi lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực từ giữa trưa 9-7 (giờ Damascus)” – ông Lavrov nói với phóng viên.
Thứ hai, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga đã nhất trí thiết lập kênh truyền thông song phương giữa các đại diện của Nga và Mỹ nhằm thúc đẩy giải quyết xung đột ở Ukraine trong hòa bình – điều quan trọng để thực thi nền tàng của thỏa thuận hòa bình Minsk.
“Chúng tôi hy vọng các đại diện của Mỹ trên đất Ukraine đến Moscow để tham vấn trong thời gian gần” – ông Lavrov nói.
Trước đó, Reuters trích dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cựu đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Kurt Volker đã được bổ nhiệm làm đại diện đặc biệt của Mỹ tại Ukraine. Theo thông cáo, ông này sẽ điều phối nỗ lực của Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm giải quyết xung đột ở đất nước này.
Điểm đồng thuận thứ ba đạt được trong cuộc gặp Trump-Putin là một loạt vấn đề liên quan tới an ninh mạng.
Trong suốt cuộc họp, Tổng thống Trump đã nêu những quan ngại của ông đối với nghi vấn Moscow can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, và Tổng thống Putin lần nữa phủ nhận cáo buộc.
Cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga được đánh giá là "có phản ứng hóa học tích cực". Ảnh: TWITTER
Ngoại trưởng Tillerson cho biết sự phủ nhận của Tổng thống Putin được nhìn nhận như là một trở ngại cho việc thúc đẩy quan hệ Mỹ-Nga tiến về phía trước, và cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý thiết lập khung làm việc mới nhằm ứng phó với các thách thức của đe dọa không gian mạng.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Tổng thống Trump đã chấp nhận các tuyên bố mà Tổng thống Putin đưa ra rằng Nga không hề can thiệp bầu cử Mỹ.
Cuối cùng, Ông Putin và ông Trump đã đồng ý tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục cần thiết cho bổ nhiệm các tân đại sứ Mỹ tại Nga và các đại sứ Nga tại Mỹ” – theo ông Lavrov.
Thêm vào đó, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cũng như các lệnh trừng phạt áp vào Nga.
Theo đó, ông Tillerson cho biết Nga đã tiến hành các hoạt động kinh tế với Triều Tiên song chính sách chính thức của Moscow trong vấn đề này là giống với Washington. Đó là: ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
“Tôi tin rằng có nhiều điểm khác biệt trong thủ thuật và tiến độ, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với họ (Nga)” – ông Tillerson nhấn mạnh.
Về lệnh trừng phạt Nga, ông trùm dầu khí Mỹ nói rằng Tổng thống Trump “đã chú ý các hành động được thảo luận gần đây của Quốc hội, các lệnh trừng phạt bổ súng cũng đã được bỏ phiếu ở Thượng viện”. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo vào lúc này đã ưu tiên tập trung cho cách cải thiện quan hệ hai nước, ông Tillerson nói thêm.
Cuộc gặp hai ông Trump-Putin ban đầu dự kiến diễn ra trong 30 phút, nhưng thực tế kéo dài hơn hai giờ đồng hồ. Tổng thống Putin đã xin lỗi nhà lãnh đạo kế tiếp mà ông có lịch hẹn, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Sau cuộc nói chuyện với Tổng thống Mỹ, ông chủ điện Kremlin vội vã tới nhà hát giao hưởng Elbphilharmonie để tham dự buổi hòa nhạc.(PLO)
---------------------------
Mỹ, Nga và Jordan đồng ý thỏa thuận ngừng bắn tại Syria
Mỹ, Nga và Jordan đã đồng ý áp đặt lệnh ngừng bắn ở vùng tây nam Syria. Lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực vào ngày mai, 9-7.
Đài BBC dẫn thông tin từ chính quyền Jordan cho biết lệnh ngừng bắn sẽ áp dụng cho một tuyến đường mà cả lực lượng chính phủ Syria và phe nổi dậy đều đồng ý.
Lệnh ngừng bắn được thông báo sau khi hai lãnh đạo Mỹ và Nga gặp mặt lần đầu bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra ở thành phố Hamburg, Đức.
Trong cuộc hội đàm, tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về một loạt các vấn đề, bao gồm chiến tranh Syria.
Theo cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc, hơn 300.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến Syria kéo dài sáu năm qua, chưa kể 5,5 triệu người dân đã phải rời bỏ đất nước và 6,3 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi di tản Syria.
Hiện tại, Nga ủng hộ lực lượng quân đội của chính quyền tổng thống Bashar al-Assad trong khi Mỹ ủng hộ phe nổi dậy chống lại chính quyền.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết lệnh ngừng bắn sẽ bao gồm các khu vực của Daraa, Quneitra và Sweida. Đây là kết quả của các cuộc đàm phán bí mật giữa Washington và Matxcơva về Syria trong nhiều tháng qua.
Ông Lavrov nói rằng Nga và Mỹ hợp tác với Jordan để "đóng vai trò giám sát nhằm đảm bảo việc tuân thủ lệnh ngừng bắn của tất cả các bên".
Phát biểu sau cuộc gặp của hai lãnh đạo tại Hamburg, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói: "Tôi nghĩ đây là dấu hiệu đầu tiên về việc Mỹ và Nga có thể làm việc cùng nhau tại Syria và là kết quả của một cuộc thảo luận kéo dài giữa chúng tôi về các vấn đề khác nhau tại Syria".
Liên quan vấn đề ngừng bắn ở Syria, quân đội nước này thông báo đã kéo dài lệnh ngừng bắn đơn phương tại miền Nam cho đến hết ngày 8-7. Trước đó, quân đội Syria tuyên bố lệnh ngừng bắn được đưa ra có hiệu lực từ trưa 2-7 cho tới ngày 6-7 nhằm hỗ trợ cho "các nỗ lực hòa giải".
Đây là lệnh ngừng bắn đơn phương thứ hai trong vòng hai tuần qua, tuy nhiên khác với lần trước, phạm vi của lệnh ngừng bắn này đã được mở rộng ra ngoài thành phố Deraa tới toàn bộ miền nam Syria, bao gồm cả tỉnh chiến lược Quneitra, gần biên giới với Israel và tỉnh Sweida ở đông nam.
Trước đó vào ngày 17-6, quân đội Syria cũng đưa ra một lệnh ngừng bắn tương tự tại thành phố Deera. (Tuoitre)
------------------
“Mắt thần” mới cho tàu sân bay Mỹ
Hải quân Mỹ đang phối hợp với nhà thầu quốc phòng Raytheon phát triển loại radar mới mang tên Enterprise Air Surveillance Radar (EASR), để trang bị cho siêu tàu sân bay lớp Ford lẫn những tàu đổ bộ tương lai như LX (R) và LHA 8.
Phát ngôn viên Bộ Chỉ huy hệ thống biển thuộc hải quân Mỹ Christianne Witten cho chuyên trang Scout Warrior hay cuộc thử nghiệm EASR sẽ được tiến hành vào năm tới và dự kiến quá trình này sẽ hoàn tất vào cuối năm 2019. Mắt thần mới này được kỳ vọng sẽ bảo vệ hữu hiệu cho lực lượng Mỹ trong bối cảnh nước này được dự đoán sẽ tập trung tàu chiến về châu Á - Thái Bình Dương, nơi có nhiều quốc gia sở hữu năng lực tên lửa mạnh như Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Mạnh gấp 35 lần
EASR được phát triển dựa trên radar phòng thủ tên lửa và trên không (AMDR) thế hệ mới AN/SPY-6 (V) mà hải quân Mỹ vừa đặt Raytheon sản xuất cho phiên bản mới của khu trục hạm lớp Arleigh Burke, theo Scout Warrior. AN/SPY-6 được giới chuyên gia cho là mạnh hơn gấp 35 lần so với những hệ thống radar tân tiến nhất hiện nay.
AMDR được tối ưu hóa cho chức năng phòng thủ tên lửa đạn đạo và phòng không nhưng cũng có khả năng chống tàu, phát hiện đạn pháo từ đường bay và xác định vị trí trên bộ của loại vũ khí bắn ra. Đây được cho là công cụ hữu hiệu để đối phó chiến lược chống tiếp cận đang rất được ưa chuộng tại châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, giới sĩ quan hải quân Mỹ khẳng định ý tưởng kết hợp EASR với AMDR sẽ cho phép chỉ huy tàu có thêm thời gian và khả năng đưa ra quyết định bằng cách xác định mối đe dọa chính xác hơn và ở khoảng cách xa hơn nhiều.
Theo Scout Warrior, EASR ra đời từ một nghiên cứu của hải quân Mỹ để tìm ra loại radar giá thành thấp và có thể gắn cho nhiều loại tàu chiến khác nhau. Trước đó, Lầu Năm Góc đã cho phát triển radar lưỡng cực để trang bị cho siêu tàu sân bay lớp Ford đầu tiên là USS Gerald R.Ford cũng như 32 khu trục hạm tàng hình đa nhiệm lớp Zumwalt. Tuy nhiên, hải quân Mỹ sau đó quyết định chỉ đóng 3 tàu Zumwalt, dẫn đến chi phí radar lưỡng cực tăng mạnh. Thế là EASR được xem là lựa chọn hoàn hảo để thay thế.
Các nhà phát triển hải quân Mỹ cho rằng tàu sân bay không cần mắt thần mạnh và nhạy như radar lưỡng cực, một phần vì loại tàu này thường có khu trục hạm hay hộ tống hạm hỗ trợ bảo vệ xung quanh.
Nỗ lực giảm chi phí
Tuy EARS sẽ không có một vài khả năng kỹ thuật của radar lưỡng cực nhưng việc trang bị mắt thần này cho USS Kennedy, chiếc thứ hai thuộc lớp Ford, sẽ giúp hải quân Mỹ tiết kiệm 180 triệu USD trong chi phí đóng tàu.
Theo Scout Warrior, Lầu Năm Góc trước đó hứng chịu nhiều chỉ trích về chi phí quá cao của tàu USS Gerald R.Ford. Siêu hàng không mẫu hạm này ngốn 12,9 tỉ USD, chưa tính 4,7 tỉ USD chi phí nghiên cứu và phát triển, so với con số dự kiến 10,5 tỉ USD vào năm 2015. Hải quân Mỹ ước tính chi phí đóng tàu USS Kennedy sẽ được giảm xuống còn 11,35 tỉ USD.
Mới đây, Công ty đóng tàu Huntington Ingalls Industries cho hay đang áp dụng những kỹ thuật đóng tàu mới để giúp tiết kiệm và tàu USS Kennedy đã được hoàn tất 50%. Theo kế hoạch, tàu sẽ được đưa vào biên chế năm 2020 để tiến tới thay tàu sân bay USS Nimitz, dự kiến sẽ “nghỉ hưu” vào năm 2027.
Trong khi đó, USS Gerald R.Ford sẽ được vào biên chế ngày 22.7 nhưng đến năm 2020, hàng không mẫu hạm này mới có thể chính thức đi vào hoạt động. Lý do là phải tiến hành thêm nhiều đợt thử nghiệm trên biển và thủy thủ đoàn cũng cần được huấn luyện để vận hành tàu, theo chuyên trang Military.com.
Sau khi USS Gerald R.Ford được đưa vào biên chế, hải quân Mỹ sẽ có tổng cộng 11 tàu sân bay. Lực lượng này có kế hoạch thay thế dần 10 tàu sân bay lớp Nimitz hiện nay bằng lớp Ford. Dự kiến, chiếc thứ ba thuộc lớp này sẽ được đóng từ năm 2018 và đưa vào biên chế khoảng 7 năm sau đó.(Thanhnien)
-----------------------
Tại G20, ông Trump trả đũa cái bắt tay ông Macron
Tại G20, có vẻ ông Trump muốn trả đũa khi chủ động khóa tay và kéo ông Macron về phía mình sau khi bị ông Macron siết chặt tay tại G7 hồi tháng 5.
Việc truyền thông chú ý và phân tích những cái bắt tay của ông Trump với các lãnh đạo thế giới không còn là chuyện lạ.
Gặp lại nhau trong khuôn khổ hội nghị G20 ngày 7-7, có vẻ ông Trump muốn trả đũa khi chủ động khóa chặt tay và kéo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về phía mình để thể hiện sức mạnh, theo trang tin ValueTalk (Mỹ).
Tổng thống Mỹ Trump (trái) bắt đầu khóa tay Tổng thống Pháp Macron tại G20 trong khi vẫn nói chuyện với Thủ tướng Đức Merkel. Ảnh: NYT
Ông Macron vốn nhẹ hơn ông Trump gần cả 50 kg, theo ước lượng của truyền thông, dễ dàng bị lôi về phía ông Trump.
Gặp nhau tại hội nghị G7 hồi tháng 5, ông Trump có cái bắt tay rất mạnh và rất dài với ông Macron. Thú vị là chính ông Macron là người chủ động siết chặt, không buông đến khi tay ông Trump trắng bệch.(PLO)