Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 08-08-2017: Trung Quốc đang ép hay đang nịnh Triều Tiên?
- Cập nhật : 08/08/2017
Cục diện hiện nay trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục, và không ai biết chắc quả tên lửa liên lục địa tiếp theo sẽ được ông Kim Jong-un ký lệnh phóng khi nào.
Financial Times, Anh quốc ngày 6/8 có bài phân tích: Trung Quốc nói rằng mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên đã đạt tới "điểm khủng hoảng". [1]
Bắc Kinh và Moscow vừa bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết mới nhất của Liên Hợp Quốc về việc trừng phạt Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, vì 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày 4/7 và ngày 28/7.
Nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo, và được 15/15 thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng ca ngợi quyết định này của Trung Quốc và Nga.
"Điểm khủng hoảng"
Bên lề Diễn đàn ASEAN tại Philippines, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc tiếp xúc song phương với người đồng nhiệm Triều Tiên Ri Yong-so.
Ông Nghị cảnh báo Ngoại trưởng Triều Tiên rằng, tình hình trên bán đảo đã gần tới "điểm khủng hoảng".
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Philippines, ảnh: Philstar.
Ngoại trưởng Trung Quốc giải thích với nhà ngoại giao Bình Nhưỡng về Nghị quyết trừng phạt mới nhất rằng:
Các biện pháp này là cần thiết, nhưng không phải mục tiêu cuối cùng. Tình hình bán đảo tuy đang tiến gần tới "điểm khủng hoảng", nhưng đồng thời là cơ hội bước ngoặt cho việc trở lại bàn đàm phán.
Nghị quyết trừng phạt do Hoa Kỳ soạn thảo ra lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu các sản phẩm chủ chốt như than, quặng sắt, quặng chì, thủy sản...
Theo tính toán, lệnh trừng phạt mới nhất này có thể làm giảm 1/3 nguồn thu của Triều Tiên mỗi năm, tương đương 1 tỉ USD.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau hội đàm với ông Vương Nghị đã nói với báo giới, Tổng thống Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đặc biệt chú ý đến Triều Tiên trong cuộc họp vào tháng Chín này.
"Triều Tiên hãy bình tĩnh"
South China Morning Post ngày 6/8 dẫn lời các nhà phân tích đánh giá, Nghị quyết trừng phạt mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khó có thể ngăn được Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. [2]
Tờ báo Hồng Kông này nói rằng, trong cuộc họp với Ngoại trưởng Triều Tiên, ông Vương Nghị khuyên ông Ri Yong-ho rằng, hãy bình tĩnh!
"Trung Quốc thúc giục Bắc Triều Tiên bình tĩnh đối mặt với Nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Triều Tiên đừng làm bất cứ điều gì vi phạm nó trong bối cảnh cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ các hoạt động phóng tên lửa và thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên.
Bán đảo Triều Tiên hiện đã đạt đến một điểm rất quan trọng, gần như là khủng hoảng, nhưng đồng thời cũng có thể là bước ngoặt cho các nước liên quan quyết định nối lại đàm phán 6 bên bị đình trệ."
Sau đó ông Nghị có nói, việc khởi động đàm phán 6 bên không phải chuyện dễ dàng, nhưng nên là mục tiêu của tất cả các bên.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Triều Tiên nhắc lại lập trường của BÌnh Nhưỡng về vấn đề hạt nhân, và hứa sẽ giữ liên lạc với Bắc Kinh.
Sun Xingjie, một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên ở Đại học Cát Lâm nhận định, các biện pháp trừng phạt mới có thể tác động lâu dài đến nền kinh tế Triều Tiên.
Tuy nhiên ông nghi ngờ khả năng Bình Nhưỡng dừng phát triển tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân vì điều này:
"Nền kinh tế của Triều Tiên tương đối khép kín. Các lệnh trừng phạt trước đây chưa từng phát huy hiệu quả.
Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn tiếp diễn với tốc độ chưa từng thấy.
Trang bị vũ khí hạt nhân được coi là phương tiện duy nhất để bảo vệ sự ổn định cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un."
Zhang Liangui, một nhà quan sát tình hình Triều Tiên từ Trường Đảng trung ương, đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh bình luận:
Các biện pháp trừng phạt mới sẽ không gây áp lực đủ lớn để Bình Nhưỡng thay đổi. Chỉ có các lệnh trừng phạt hoàn toàn mới có thể buộc Triêu Tiên quay trở lại bàn đàm phán.
Nhưng chắc chắn Trung Quốc và Nga sẽ không đồng ý làm điều này.
Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ thấy rằng các biện pháp này không hiệu quả, có thể phải chấp nhận những biện pháp đơn phương với các nước, các doanh nghiệp hoặc cá nhân buôn bán với Triều Tiên.
Nếu điều đó vẫn vô ích, Mỹ có thể sẽ sử dụng đến sức mạnh.
South China Morning Post lưu ý, trong số các mặt hàng Nghị quyết mới nhất cấm vận Triều Tiên, không có mặt hàng dầu mỏ.
"Đánh, thì đánh cho chính xác!"
Reuters ngày 7/8 đưa tin, tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc ngày hôm nay có bài xã luận về lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Xã luận của Nhân Dân nhật báo phiên bản quốc tế hôm nay viết rằng:
Bắc Triều Tiên coi thường luật pháp quốc tế trong vụ phóng tên lửa, do đó họ phải bị trừng phạt. Tuy nhiên biện pháp trừng phạt phải nhắm mục tiêu cụ thể.
Tờ báo viết:
"Các biện pháp trừng phạt phải làm sao tránh tối đa các tác động tiêu cực đến dân thường và các nước thứ 3.
Phải tránh gây thiệt hại cho quốc gia này trong các hoạt động trao đổi thương mại, kinh doanh bình thường và hợp pháp với phần còn lại của thế giới, cũng như cuộc sống bình thường và quyền con người của người dân nước này.
Một cú đánh chính xác là điều thiết yếu của các biện pháp trừng phạt." [3]
Cá nhân người viết cho rằng, việc Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho chỉ gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề Diễn đàn ASEAN năm nay, cho thấy mối quan hệ đặc biệt giữa 2 quốc gia láng giềng.
Mặc dù trước đó, cuối tháng Ba năm nay chính ông Ri Yong-ho cũng từng gửi một lá thư cho Tổng thư ký ASEAN, đề nghị các nước Đông Nam Á “có tiếng nói công bằng” trong vấn đề an ninh bán đảo Triều Tiên tại các diễn đàn do ASEAN tổ chức và kêu gọi sự ủng hộ của khu vực này với Bình Nhưỡng. [4]
Thiết nghĩ nếu thực sự đánh giá cao vai trò của ASEAN và các diễn đàn do khối tổ chức, ông Ri Yong-ho đã không bỏ qua cơ hội này để lên tiếng, đối thoại.
Nhưng nhà ngoại giao Triều Tiên đã không gặp gỡ ai, ngoài người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
Trước diễn đàn lần này, Ngoại trưởng Hàn Quốc đã “đánh tiếng” sẵn sàng gặp người đồng nhiệm từ miền Bắc, nhưng ông Ri Yong-ho không có phản hồi nào.
Ngược lại, ông nói rằng Seoul vẫn chưa đủ “chân thành” khi đề nghị đàm phán quân sự nhằm giảm căng thẳng ở biên giới.
Trước khi sang Đông Á, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đã nhắc lại đề xuất đối thoại với Bình Nhưỡng. Nhưng tiếc rằng không có một cuộc tiếp xúc cấp cao nào giữa 2 bên được thu xếp.
South China Morning Post đã rất tinh ý khi phát hiện ra rằng, lệnh cấm mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã loại trừ dầu mỏ, mặt hàng sống còn đối với nền kinh tế của Triều Tiên.
Tờ báo giải thích, Trung Quốc và Nga sẽ phản đối, phủ quyết dự thảo, nếu nghị quyết do Mỹ đưa ra có điều khoản cấm bán dầu mỏ cho Triều Tiên.
Có thể xem đây là một giới hạn đỏ mà Mỹ muốn vượt qua, còn cả Bắc Kinh lẫn Moscow đều bảo vệ đến cùng.
Nói cách khác, Triều Tiên vẫn là con bài địa chiến lược có giá trị với Trung Quốc và Nga trong cuộc đua với Hoa Kỳ.
Thậm chí đối với Mỹ, Triều Tiên không chỉ là "bài toán đau đầu", mà còn là "con bài chiến lược" ở Đông Bắc Á.
Nếu "con bài" này không còn, thì cũng không còn lý do cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực, chứ đừng nói chuyện tăng cường.
Bởi vậy người viết cho rằng, nếu chỉ đọc những phát biểu của ông Vương Nghị với báo giới sau cuộc gặp Ngoại trưởng Triều Tiên, thật khó để nói rằng Trung Quốc đang gây sức ép, hay đang nịnh Bình Nhưỡng.
Nhưng bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ông Ri Yong-ho chỉ nhắc lại lập trường của Triều Tiên và hứa sẽ giữ liên hệ với Bắc Kinh, điều đó đã cho thấy, Bình Nhưỡng không dễ bị điều khiển bởi các siêu cường.
Cục diện hiện nay trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục, và không ai biết chắc quả tên lửa liên lục địa tiếp theo sẽ được ông Kim Jong-un ký lệnh phóng khi nào.
Xã luận của tờ Nhân Dân nhật báo hôm nay mà Reuters trích dẫn, cho thấy Bắc Kinh đồng ý bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên là vì mình, để tránh một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.ft.com/content/643db6e0-7978-11e7-90c0-90a9d1bc9691
[3]https://www.reuters.com/article/us-northkorea-missiles-media-idUSKBN1AN03N
[4]http://www.philstar.com/headlines/2017/04/28/1694645/north-korea-seeks-asean-help-row-us
Hồng Thủy
Theo Giáo Dục Việt Nam