Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 08-08-2017
- Cập nhật : 08/08/2017
Triều Tiên từ chối đối thoại với Hàn Quốc bất chấp sức ép
CHDCND Triều Tiên bác bỏ đề nghị đối thoại của Hàn Quốc trong cuộc trao đổi hiếm hoi giữa ngoại trưởng hai nước bên lề hội nghị ASEAN tại thủ đô Manila, Philippines.
Theo Reuters ngày 7.8, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã bắt tay người đồng cấp miền Bắc Ri Yong-ho trước buổi tiệc tối 6.8 trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN.
Bà Kang đã thúc giục ông Ri chấp nhận đề nghị đàm phán quân sự của miền Nam nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cũng như ngồi vào bàn thảo luận cho đợt đoàn tụ mới của các gia đình ly tán kể từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-53).
Tuy nhiên, ông Ri đã đáp trả: “Dựa trên tình hình hiện tại theo đó Hàn Quốc hợp tác với Mỹ để gia tăng áp lực lên miền Bắc, những đề xuất như vậy hoàn toàn thiếu thành ý”, theo Yonhap dẫn lời một quan chức giấu tên.
Đây cũng là lần đầu diễn ra cuộc gặp ở cấp nội các liên Triều kể từ khi ông Moon Jae-in trở thành tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5.
Mỹ - Nhật – Hàn liên thủ
Việc Bình Nhưỡng từ chối đối thoại với Seoul được công bố gần như cùng lúc với thông tin hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn Quốc đồng ý tiếp tục hợp tác để kiềm chế Triều Tiên.
Trong cuộc trò chuyện qua điện thoại kéo dài 1 giờ vào ngày 7.8, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in cùng thống nhất rằng Triều Tiên là mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng đối với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như đa số các quốc gia trên thế giới, theo AFP.
Tuy nhiên, ông Moon cũng cho rằng các bên cần để ngỏ khả năng đối thoại, với hy vọng có thể thuyết phục miền Bắc từ bỏ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân trong hòa bình.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 6.8 cho rằng đã đến lúc phải gia tăng áp lực lên Triều Tiên thay vì theo đuổi con đường đối thoại, theo Reuters.
Còn Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 7.8 cho hay đối thoại về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ diễn ra khi các điều kiện liên quan được đáp ứng. (Thanhnien)
--------------------------------
Triều Tiên: Mỹ sai lầm lớn nếu nghĩ mình an toàn
Mỹ sai lầm lớn nếu nghĩ mình an toàn là lời cảnh cáo mới nhất của Triều Tiên đến Mỹ ngày 7-8, hai ngày sau khi Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên.
“Thật điên rồ khi nghĩ Triều Tiên sẽ rúng động và thay đổi quan điểm vì các lệnh trừng phạt mới do các thế lực thù địch nghĩ ra” – KCNA dẫn lời cảnh cáo của Triều Tiên.
“Không có sai lầm nào lớn hơn việc Mỹ cho rằng đất nước mình an toàn” - Triều Tiên đe dọa sẽ có phản ứng thích đáng với hành động của thế lực thù địch Mỹ.
Tên lửa Triều Tiên là mối lo ngại lớn của Mỹ. Ảnh: KCNA
Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng cho Mỹ một “bài học dữ dội” bằng sức mạnh hạt nhân chiến lược của mình, đồng thời khẳng định chương trình hạt nhân của mình không thể thương lượng.
Ngày 5-8, 15 nước thành viên HĐBA đồng lòng ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Các biện pháp trừng phạt lần này nhắm vào các ngành nghề mang lại thu nhập chính cho Triều Tiên như xuất khẩu than, sắt, cùng một số lệnh cấm kinh tế khác.(PLO)
-------------------------------
Triều Tiên nổi giận thề đáp trả lệnh trừng phạt LHQ
Triều Tiên lên án nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc nhằm vào nước này và tuyên bố sẽ đưa ra “hành động chính đáng” đáp trả Mỹ.
“Chúng tôi sẵn sàng trả đũa bằng các động thái quy mô hơn nữa để khiến Mỹ phải trả giá cho tội ác bạo lực của nước này nhằm vào đất nước và người dân Triều Tiên” – hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố ngày 7-8.
Theo Reuters, KCNA nói rằng nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm vào Triều Tiên đã xâm phạm chủ quyền của nước này và tuyên bố sẽ đưa ra “hành động chính đáng”.
Hôm 5-8, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt thứ tám nhằm vào Triều Tiên sau hai vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của nước này trong tháng 7. Gói trừng phạt mới được dự đoán sẽ cắt giảm 1/3 doanh thu xuất khẩu thường niên trị giá 3 tỉ USD của Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KYODO
Nghị quyết trừng phạt do Mỹ soạn thảo cấm hoạt động xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì, hải sản của Triều Tiên, đồng thời cấm các nước thuê thêm lao động Triều Tiên. Lệnh trừng phạt áp các biện pháp hạn chế mới lên ngân hàng ngoại thương Triều Tiên và cũng cấm các nước khởi động các dự án làm ăn mới với Triều Tiên hay bất kỳ hình thức đầu tư nào vào các dự án chung hiện có.
Trong tuyên bố đáp trả ngày 7-8, Triều Tiên nhắc lại nước này sẽ không đưa chương trình vũ khí hạt nhân của mình lên bàn đàm phán và sẽ dùng bất kỳ biện pháp nào nếu Mỹ không từ bỏ chính sách thù địch nhằm vào Bình Nhưỡng. Trước đây, Bình Nhưỡng luôn nhấn mạnh việc Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân là để đối phó chính sách thù địch của Mỹ nhằm vào nước này.
“Nếu các kẻ thù tin rằng Triều Tiên có thể bị các biện pháp trừng phạt làm rung sợ thì đó chẳng khác nào là ảo tưởng. Miễn là Mỹ vẫn bám đuổi chính sách thù địch của nước này thì chúng tôi vẫn nhất quyết tăng cường lực lượng hạt nhân của chúng tôi” – KCNA nói.(PLO)