Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 07-08-2017

  • Cập nhật : 07/08/2017

Mỹ sẵn sàng 'chiến tranh phòng ngừa' với Triều Tiên

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh tấn công quân sự phủ đầu vẫn là một trong các lựa chọn để đối phó với Triều Tiên. 

trieu tien phong thu ten lua dan dao xuyen luc dia (icbm) hoi thang truoc. anh: kcna.

Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hồi tháng trước. Ảnh: KCNA.

 

"Chúng tôi có đang chuẩn bị kế hoạch chiến tranh phòng ngừa không ư? Tổng thống đã nói rõ rằng ông sẽ không dung thứ trước một nước Triều Tiên có thể đe doạ Mỹ. Vì vậy, tất nhiên chúng tôi phải cung cấp mọi lựa chọn để làm điều đó, bao gồm lựa chọn quân sự", H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia, hôm 5/8 nói với kênh truyền hình MSNBC. 

Ông cho rằng một cuộc chiến tranh "sẽ rất tốn kém" và người Hàn Quốc sẽ phải hứng chịu hậu quả. Theo Tướng quân đội về hưu, Tổng thống Donald Trump đã được "báo cáo sâu" về chiến lược với Triều Tiên. 

Căng thẳng gia tăng khi Triều Tiên hai lần thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Ông Trump đã kêu gọi sự giúp đỡ từ Trung Quốc và Hàn Quốc để tiến tới xuống thang tình hình. Bình Nhưỡng liên tục đổ lỗi cho Washington về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khi thực hiện các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Triều Tiên tuyên bố chương trình tên lửa là biện pháp răn đe mạnh mẽ trước mối đe doạ này. 

McMaster không thể xác nhận liệu tên lửa ICMB mới của Triều Tiên có thể vươn tới bất cứ nơi nào ở Mỹ hay không, nhưng nó là "một mối đe doạ nghiêm trọng". (Vnexpress)
--------------------------

Mỹ-Triều Tiên tiếp tục ‘trò đuổi bắt’

Báo The Economist (Anh) ngày 5-8 đã đăng trên trang nhất ảnh đám mây hạt nhân, chân dung Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng với tiêu đề “Chuyện này có thể sẽ tới”.

Báo nhắc đến sự kiện hôm 28-7 CHDCND Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa “có thể bay đến Los Angeles” và cảnh báo “chẳng bao lâu họ sẽ có khả năng lắp đầu đạn hạt nhân cho tên lửa”.

Tuần trước Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã cảnh cáo Triều Tiên sẵn sàng đánh phủ đầu các nước đe dọa mà đứng đầu là Mỹ. Ông Trump phản pháo cứng rắn rằng ông đã sẵn sàng trả đũa quân sự. Báo The Economist nhận xét: “Nguy hiểm sẽ xảy đến khi một trong hai bên bất ngờ tấn công. Leo thang sẽ dẫn đến thảm họa không ai mong muốn”.

Nhìn lại quá khứ, theo tin điện ngoại giao mật ngày 23-10- 1964, đại sứ Mỹ tại Đài Bắc báo cáo Đài Loan rất phẫn nộ khi Trung Quốc thử thành công bom hạt nhân một tuần trước đó và Đài Loan kêu gọi đồng minh Mỹ nhanh chóng can thiệp quân sự để chấm dứt mối đe dọa hạt nhân có thể làm đảo lộn trật tự chiến lược trong khu vực. Tại Nhà Trắng, các cố vấn của Tổng thống Lyndon B. Johnson đã khuyến cáo phải đánh phủ đầu để ngăn chặn Trung Quốc phát triển bom hạt nhân. Cuối cùng Washington “án binh bất động” và Bắc Kinh sau đó trở thành cường quốc hạt nhân.

Hơn 50 năm sau, chính quyền của ông Trump phải phản ứng thế nào với Triều Tiên? Sau khi Triều Tiên lần đầu tiên bắn thử thành công tên lửa liên lục địa hôm 4-7, trong nội bộ Washington đã có ý kiến gợi ý đánh Bình Nhưỡng. Bà đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nhấn mạnh: “Mỹ đã sẵn sàng sử dụng toàn bộ mọi năng lực để tự vệ và bảo vệ các đồng minh. Một trong những năng lực của Mỹ là quân đội hùng mạnh. Chúng tôi sẽ sử dụng khi cần đến”. Ngay sau đó các nhà ngoại giao và các nhà quân sự Mỹ, Nhật, Hàn đã vạch trần mức độ nguy hiểm của giải pháp quân sự ấy. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo: “Nếu xét về nhân mạng, đây sẽ là cuộc xung đột tồi tệ nhất từ năm 1953”.

Trong cuộc thảo luận dài 70 phút ngày 3-8, các nhà lãnh đạo an ninh quốc gia của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cuối cùng đã nhất trí “gây sức ép tối đa” đối với Triều Tiên thông qua các biện pháp trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Họ tiếp tục khẳng định sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng khi điều kiện hội đủ. Nói tóm lại, kết cục vẫn y như năm 1964.

Do không có giải pháp quân sự hiệu quả, Mỹ muốn Hội đồng Bảo an LHQ gia tăng trừng phạt đối với Triều Tiên. Trong khi chờ Hội đồng Bảo an LHQ thông báo kết quả bỏ phiếu vào chiều 5-8, Mỹ đơn phương đưa ra các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Song có vẻ các biện pháp trừng phạt chẳng tác động gì mấy đến kinh tế Triều Tiên. Triều Tiên vẫn dự tính tiếp tục bắn thử tên lửa liên lục địa trong những ngày tới.
-------------------------------

Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 6/8 đã kêu gọi Triều Tiên cũng như Mỹ và Hàn Quốc cần kiềm chế và đưa ra những lựa chọn đúng đắn, đồng thời nhấn mạnh các nước này cần phải chịu trách nhiệm với người dân và hòa bình khu vực khi đưa ra các lựa chọn.

 

ngoai truong trung quoc vuong nghi. anh: kyodo/ttxvn

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Kyodo/TTXVN

 

Theo Tân Hoa xã, Bộ trưởng Vương nghị đưa ra phát biểu trên tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-Ho bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan, đang diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines. Tại hội đàm, ông Vương Nghị đã giải thích rõ các nguyên tắc và lập trường của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, theo đó lưu ý rằng tình hình trên bán đảo này rất nhạy cảm và phức tạp, đã tác động đến quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên. 

Nhấn mạnh rằng tình hình Bán đảo Triều Tiên hiện đã tiến sát đến khủng hoảng, ông Vương Nghị đồng thời khẳng định đây cũng là một bước ngoặt để quyết định nối lại đàm phán 6 bên. Theo ông, mặc dù không dễ dàng, song các bên cần nỗ lực hướng tới mục tiêu trên, bởi đối thoại và đàm phán mới là con đường đúng đắn để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. 

Về phần mình, ông Ri Yong-Ho đã tái khẳng định lập trường của Triều Tiên về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, theo đó Bình Nhưỡng sẵn sàng duy trì liên lạc với Trung Quốc trong vấn đề này. 

Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước diễn ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 5/8 nhất trí thông qua nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên liên quan đến 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng trong tháng 7. Nghị quyết bổ sung 9 cá nhân và 4 thực thể của Triều Tiên vào danh sách trừng phạt; cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. 

Ngoài ra, nghị quyết còn cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên ở nước ngoài, cũng như cấm các hình thức liên doanh mới với Triều Tiên và bất cứ hoạt động đầu tư mới nào trong các công ty liên doanh hiện tại với quốc gia này. 

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton nhận định rằng việc Trung Quốc ủng hộ nghị quyết mới của HĐBA LHQ áp đặt trừng phạt Triều Tiên cho thấy Bắc Kinh thừa nhận tính nghiêm trọng của mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Bà Thornton cho rằng điều quan trọng là các bên cần phải đối thoại nhằm làm giảm căng thẳng. 

Theo hãng thông tấn Yonhap, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và những người đồng cấp Rex Tillerson của Mỹ và Taro Kono của Nhật Bản sẽ tiến hành cuộc họp 3 bên tại Manila để thảo luận về việc hợp tác chống các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vào ngày 7/8, bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).(TTXVN)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục