Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý trưa 08-08-2017
- Cập nhật : 08/08/2017
Ngoại trưởng Singapore: ASEAN-Trung Quốc khó đàm phán về Biển Đông
Tuy cho rằng việc thông qua dự thảo khung cho Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) là “tin tốt lành”, nhưng Ngoại trưởng Singapore cảnh báo tiến trình đàm phán đầy gian nan phía trước.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cùng những người đồng cấp tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50 tại Manila, Philippines AFP
Các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc kỳ vọng sẽ tuyên bố khởi động chính thức vòng đàm phán về COC nhân thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11, theo đài Channel NewsAsia.
“Nhìn chung, đây là động thái tích cực, tình hình bớt căng thẳng hơn, nhưng một số bên có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vẫn tiếp tục lo ngại và điều này đã được phản ánh trong tuyên bố chung ngày 6.8”, Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan cho biết.
Vào tối 6.8, ngoại trưởng các nước ASEAN ra tuyên bố chung kêu gọi tránh quân sự hóa Biển Đông và bày tỏ quan ngại về hành động xây dựng phi pháp tại đây.
ASEAN lâu nay luôn khẳng định quan điểm COC phải ràng buộc về pháp lý, nhưng Trung Quốc phản đối điều này.
Hiện vẫn chưa rõ liệu dự thảo khung COC (không được công bố) có thể dẫn đến một bộ quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý với các hướng dẫn nghiêm ngặt hơn Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) hay không. DOC được thông qua từ năm 2002, nhưng không thể ngăn chặn được căng thẳng và các hành động đơn phương ở Biển Đông.
Khi phóng viên đặt câu hỏi liệu COC sẽ ràng buộc pháp lý hay không, ông Balakrishnan cho rằng “còn quá sớm để đưa ra kết luận”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Singapore lưu ý ràng buộc pháp lý là vấn đề then chốt trong tiến trình đàm phán đầy căng thẳng và khó khăn sắp tới.
“Thông qua được dự thảo khung theo tôi chỉ mới đi được nửa bước, không có gì nhiều”, theo ông Balakrishnan.
Theo Reuters, một số chuyên gia và nhà ngoại giao tin rằng Trung Quốc bỗng dưng quan tâm đến COC sau nhiều năm trì hoãn là nhằm kéo dài các vòng đàm phán để nước này có thêm thời gian hoàn tất mục tiêu chiến lược ở Biển Đông giữa lúc Mỹ đang bận tâm các vấn đề khác.
Mỹ lâu nay luôn kêu gọi các bên sớm hoàn tất COC, chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, cụ thể là xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo. Các tàu chiến của Mỹ cũng đã tiến hành nhiều sứ mạng đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực. (Thanhnien)
----------------------------
Nhật đòi quân Mỹ ngưng dùng mẫu trực thăng tai tiếng
Ngày 6-8, Nhật Bản đã yêu cầu Mỹ ngừng hoạt động của máy bay trực thăng MV-22 Osprey tại nước này sau vụ tai nạn khiến ba binh lính mất tích ngoài biển Úc, theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).
“Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu Mỹ ngừng hoạt động của máy bay Osprey cho đến khi chúng tôi nhận được một lời giải thích rõ ràng” về vụ tai nạn ngày 5-8, Bộ trưởng Quốc phòng Itunori Onodera trả lời PV ngày 6-8.
Máy bay trực thăng Osprey bị rơi là một trong những máy bay trực thăng quân sự được triển khai tại căn cứ không quân Thủy quân lục chiến Futenma của Mỹ tại tỉnh Okinawa, phía Nam Nhật Bản. Người dân sống gần căn cứ này đã bày tỏ lo ngại về sự an toàn của dòng Osprey vì gần đây liên tục gặp sự cố.
Ông Onodera cho biết Nhật Bản cũng kêu gọi Washington tiết lộ thông tin về vụ tai nạn, điều tra nguyên nhân và có biện pháp đề phòng tai nạn tiếp tục xảy ra.
Máy bay MV-22B Osprey của Mỹ. Ảnh: REUTERS
Nhật Bản cũng dự định sẽ trao đổi với Mỹ về việc liệu có tiếp tục cho dòng Osprey tham gia cuộc tập trận chung giữa Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản và hải quân Mỹ tại đảo Hokkaido hay không. Cuộc tập trận này dự kiến bắt đầu vào ngày 3-8, ông Onodera cho biết.
Ông Onodera cũng tuyên bố: “Nhật Bản sẽ kêu gọi Mỹ cân nhắc nghiêm túc đến sự an toàn của người dân địa phương và giảm thiểu ảnh hưởng đến họ”.
Bộ trưởng Onodera cũng bày tỏ ông sẵn sàng đến thăm tỉnh Okinawa. Một nguồn tin cho biết ông Onodera dự định ngày 14-8 sẽ có cuộc gặp với Thống đốc tỉnh Okinawa Takeshi Onaga và giải thích phản ứng của chính phủ Nhật Bản đối với vụ tai nạn này.
Trong một chương trình truyền hình vào ngày 6-8, Tổng Thư ký Nội các Yoshihide Suga cho biết mẫu Osprey của Mỹ cần được triển khai với ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. “Tôi hy vọng nguyên nhân của vụ tai nạn sẽ được điều tra nhanh chóng” - ông nói.
Trại Butler của Thủy quân lục chiến Mỹ ở tỉnh Okinawa đã thông báo ngừng các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn ba binh lính mất tích. Hiện họ sẽ tập trung vào chiến dịch tìm kiếm và trục vớt thi thể có thể kéo dài tới vài tháng. “Vụ tai nạn hiện đang được điều tra” - lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết.
Trong những năm gần đây, nhiều máy bay trực thăng Osprey đã liên tục gặp sự cố khiến nhiều người chết và bị thương. Tháng 12-2016, một chiếc MV-22 Osprey đâm xuống vùng biển ngoài khơi tỉnh Okinawa. Tháng 5-2015, một máy bay trực thăng Osprey đã rơi tại Hawaii khiến hai binh lính thiệt mạng.(PLO)
-------------------
Chào kiểu Hitler, 2 khách Trung Quốc bị bắt ở Đức
Hai du khách Trung Quốc vừa bị bắt tại thủ đô Berlin - Đức vì làm động tác chào kiểu Quốc xã để chụp hình ngay trước tòa nhà quốc hội Reichstag.
Trang Daily Mail đưa tin vụ việc xảy ra hồi cuối tuần qua. Các viên cảnh sát tuần tra đã phát hiện 2 người khách trên lần lượt làm động tác chào kiểu Hitler để chụp hình cho nhau ngay bên ngoài di tích lịch sử nằm giữa thủ đô nước Đức.
Trả lời về vụ việc, một nữ phát ngôn viên cảnh sát cho biết: "Chúng tôi đang mở cuộc điều tra vào 2 người đàn ông Trung Quốc, 1 người 36 và 1 người 49 tuổi, vì nghi ngờ họ dùng biểu tượng của các tổ chức chống hiến pháp".
Được biết, sau khi bị thẩm vấn tại một sở cảnh sát, cặp du khách trên phải nộp phạt 500 euro/người rồi mới được thả.
Tòa nhà quốc hội Reichstag. Ảnh: REUTERS
Đài BBC đưa tin Đức có luật lệ rất nghiêm ngặt về những ngôn từ kích động thù địch và các biểu tượng liên quan đến trùm phát xít Adofl Hitler và Đức Quốc xã. Theo lời cảnh sát, những người vi phạm có thể bị phạt đến 3 năm tù giam.
Tòa nhà Reichstag từng là trụ sở của quốc hội Đế chế Đức, Cộng hòa Weimar và Đức Quốc xã cho đến khi bị một ngọn lửa phá hủy vào năm 1933.
Sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, tòa nhà được kiến trúc sư người Anh Norman Foster tân trang lại với một mái vòm bằng kính để tượng trưng cho chế độ dân chủ mở. Kể từ năm 1999, di tích lịch sử này được trưng dụng thành trụ sở hạ viện của quốc hội.(NLĐ)
Kiểu chào của Hitler. Ảnh: Everett Collection
-----------------------------------------
Nga bày tỏ thất vọng với chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ
Ngày 7/8, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến hành chính sách đối ngoại cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng Tổng thống Mỹ D.Trump đang tiến hành chính sách đối ngoại cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm. Ảnh: Reuters/TTXVN
Trả lời phỏng vấn của ông Ryabkov với tạp chí “Đời sống quốc tế” rằng Moskva thực sự thất vọng với chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Trump, bởi vì phần lớn là tiếp tục những "điều tồi tệ nhất" trong di sản của cựu Tổng thống Barack Obama, thậm chí một loạt phương diện, vấn đề trong quan hệ với Nga và một số nước khác còn bị siết chặt hơn.
Thứ trưởng Ryabkov lấy làm tiếc mối quan hệ Nga - Mỹ không vượt qua được các cuộc “tấn công” dồn dập trong thời gian gần đây. Quan chức này cũng cảnh báo Moskva sẽ không nhượng bộ trước sức ép trừng phạt của Mỹ.
Mặc dù mối quan hệ Nga - Mỹ đang ở trong tình trạng “căng thẳng nguy hiểm” nhưng ông Ryabkov cũng bày tỏ hy vọng rằng hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới sẽ không rơi vào thế đối đầu.
Theo ông Ryabkov, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ với Nga để lại hậu quả lâu dài và Moskva cần phải nỗ lực để giảm thiểu thiệt hại, trong đó chú trọng tăng cường hoạt động thay thế nhập khẩu và giảm phụ thuộc vào đồng USD. (TTXVN)