Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 24-05-2017
- Cập nhật : 24/05/2017
Hàn Quốc đề nghị đàm phán có điều kiện với Triều Tiên
Theo hãng thông tấn Yonhap, người được chỉ định làm Thủ tướng Hàn Quốc, ông Lee Nak-yon ngày 23/5 đã đề nghị tiến hành đàm phán có điều kiện với Triều Tiên, một động thái rõ ràng nhằm làm giảm căng thẳng và thuyết phục Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong bài phát biểu tại Quốc hội, ông Lee Nak-yon tuyên bố Triều Tiên cần phải ngừng chương trình hạt nhân trước khi trở lại bàn đàm phán và hai bên có thể tổ chức đối thoại nếu có sự thay đổi trong thái độ của Triều Tiên hay trong những "hoàn cảnh thích hợp".
Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi trả đũa mạnh mẽ nếu Hàn Quốc bị khiêu khích và cho rằng Seoul cần sử dụng mọi biện pháp, kể cả trừng phạt và đối thoại nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Nhiều năm qua, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đã leo thang nặng nề liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Mặc dù phải chịu các biện pháp trừng phạt và sức ép của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên đã nhiều lần tuyên bố sẽ phát triển hơn nữa chương trình này và coi đây là sức mạnh răn đe trước chính sách thù địch của Mỹ.
Cùng ngày, Trung Quốc tái khẳng định sự ủng hộ đối với mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Bắc Kinh đã nhận thấy những dấu hiệu tích cực của chính quyền mới ở Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Người phát ngôn này khẳng định Trung Quốc luôn ủng hộ Triều Tiên và Hàn Quốc tăng cường liên lạc, trao đổi, cải thiện các mối quan hệ, hướng tới hòa giải và hợp tác.
Trước đó, ngày 22/5, giới chức Hàn Quốc thông báo kế hoạch nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên cũng như các hoạt động giao lưu dân sự liên Triều ở mức độ không vi phạm các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Seoul đã đình chỉ gần như toàn bộ các hoạt động dân sự liên Triều kể từ khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 4 vào tháng 1/2016.(TTXVN)
--------------------------------
Tên lửa mới của Triều Tiên không thể đánh tới căn cứ Mỹ
Hàn Quốc đánh giá loại tên lửa mới phát triển của Triều Tiên vẫn chưa có đủ năng lực tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam.
Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), quân đội Hàn Quốc ngày 22-5 cho biết Pukguksong-2, tên lửa đạn đạo mới được phát triển của Triều Tiên, chỉ là một loại tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) với tầm hoạt động 2.500 km.
Điều này đồng nghĩa với việc Pukguksong-2 không thể chạm đến đảo Guam vì đảo này nằm cách Triều Tiên khoảng 3.500 km. Đảo Guam hiện đóng vai trò là trung tâm tiến hành kiêm tiếp liệu cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở Đông Á. Đây cũng là nơi đóng của một vài máy bay ném bom chiến lược của Mỹ.
“Xét về đoạn đường bay khi được phóng ở một góc thường như vậy, đây được xem là một tên lửa đạn đạo tầm trung” - Roh Jae-cheon, người phát ngôn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), trả lời báo giới ngày 22-5.
Một tên lửa đạn đạo tầm trung được cho là có tầm bắn 800-2.500 km, theo Yonhap. Tuyên bố của ông Roh được đưa ra sau khi Triều Tiên cho biết nước này hôm 21-5 đã thử thành công loại tên lửa mới nhất.
Được phóng từ một địa điểm ở đông bắc Bình Nhưỡng, tên lửa trên đã đạt được độ cao khoảng 560 km và bay được hơn 500 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Truyền thông Triều Tiên nói rằng vụ thử nghiệm tên lửa Pukguksong-2 có sử dụng nhiên liệu rắn đã được tiến hành dưới sự giám sát của lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-un.
“Nói một cách tự hào rằng tỉ lệ trúng mục tiêu của Pukguksong-2 là rất chính xác và đây là một vũ khí chiến lược thành công, ông ấy (Kim Jong-un) đã đồng ý triển khai hệ thống vũ khí này phục vụ chiến đấu” - hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA nói.
Khi được hỏi liệu tên lửa Pukguksong-2 có thể tấn công tới đảo Guam hay không, ông Roh nói rằng Triều Tiên dường như vẫn chưa có năng lực đó. Vị quan chức cũng cảnh báo về việc liệu Triều Tiên hiện sở hữu được công nghệ “tái xâm nhập” trong chương trình phát triển tên lửa của nước này hay chưa.(PLO)
----------------------------------
Hàn Quốc muốn nhờ Giáo hoàng hạ nhiệt Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang yêu cầu sự giúp đỡ từ Giáo hoàng Francis trong vấn đề xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, hãng tin UPI cho biết.
Theo tờ JoongAng Ilbo, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới đây trong tuần này đã cử một đặc phái viên đi trao một lá thư tới Giáo hoàng Francis.
Trong thư, Tổng thống Moon đã đề nghị Giáo hoàng Francis đóng vai trò hòa giải trong căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên với hy vọng có thể đạt được một hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tổng giám mục Kim Hee-jung của TP Gwangju, Hàn Quốc đã đến Rome hôm 22-5. Ông Kim cho hay ông hy vọng sẽ gặp Giáo hoàng Francis trong tuần này để tận tay trao lá thư của Tổng thống Moon.
Vị tổng giám mục Hàn Quốc cho biết Giáo hoàng Francis đã đóng vai trò then chốt trong việc nối lại quan hệ Mỹ-Cuba năm 2014.
Đức giáo hoàng Francis. Ảnh: UPI
Giáo hoàng Francis đã bắt đầu tìm ra con đường tháo gỡ căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Havana hồi tháng 3-2014. Khi đó, Giáo hoàng đã vận động cựu Tổng thống Obama gỡ bỏ lệnh trừng phạt lên Cuba và hai nước cuối cùng đã bình thường hóa quan hệ sau một đợt trao đổi tù nhân vào tháng 12-2014. Giáo hoàng Francis đã đóng vai trò là cầu nối ngoại giao không chính thức giữa Mỹ và Cuba, theo UPI.
“Giáo hoàng Francis hồi tháng trước nói rằng vấn đề tên lửa Triều Tiên đã tiếp diễn liên tục trong hơn một năm nay. Ngài ấy cũng cho biết tình hình đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết và đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một người hòa giải” - ông Kim nói.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã ban hành các tuyên bố kịch liệt chỉ trích Triều Tiên, song các hành vi khiêu khích từ Triều Tiên vẫn không ngăn ông Moon tìm kiếm đối thoại và một giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề.
Theo tờ JoongAng Ilbo, Tổng thống Moon có khả năng sẽ nối gót cựu Tổng thống Kim Dae-jung trong việc tìm kiếm đối thoại bất chấp các hành vi khiêu khích liên tiếp từ Triều Tiên. Chính phủ của người tiền nhiệm Park Geun-hye đã áp vào Bình Nhưỡng nhiều gói trừng phạt.(PLO)
----------------------------------------
Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên không tiếp tục vi phạm nghị quyết LHQ
Ngày 23/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hối thúc Triều Tiên không có thêm các hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại cuộc họp của LHQ về chương trình hạt nhân của Triều Tiên ở New York, Mỹ ngày 28/4. Ảnh: EPA/TTXVN
Lời kêu gọi trên được ông Vương Nghị đưa ra sau khi Triều Tiên tiến hành một vụ thử tên lửa mới hôm 21/5.
Trong phát biểu được đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan duy trì kiềm chế.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 22/3 cũng đã kêu gọi đối thoại nhằm làm dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên sau vụ thử tên lửa mới của Bình Nhưỡng.
Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh HĐBA LHQ đã có những quy định rõ ràng cấm Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo và Trung Quốc cũng phản đối hành động này của Triều Tiên vì nó vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ.
Trong bối cảnh tình hình Bán đảo Triều Tiên đang rất phức tạp và nhạy cảm, Trung Quốc cũng kêu gọi các bên tránh các hành động khiêu khích lẫn nhau và tiếp tục lộ trình đúng đắn về đối thoại và tham vấn.
Hôm 22/5, Triều Tiên tuyên bố nước này đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung mới Pukguksong-2.
Mỹ và Hàn Quốc xác nhận tên lửa đã bay được khoảng 500 km trước khi rơi xuống khu vực ngoài khơi phía Đông Hàn Quốc.
Đây là vụ phóng tên lửa lần thứ 8 của Triều Tiên trong năm nay và là vụ phóng thứ 2 trong vòng một tuần.
Quân đội Hàn Quốc nhận định tên lửa Pukguksong-2 là loại tầm trung, với tầm bắn 2.500 km, vì vậy không thể bắn tới đảo Guam của Mỹ cách Triều Tiên khoảng 3.500 km.
Cũng trong ngày 23/5, số liệu thống kê cho biết kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Triều Tiên đã giảm xuống dưới 100 triệu USD trong tháng 4, mức thấp kỷ lục trong vòng nhiều năm qua, sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên.(TTXVN)
-----------------------------