Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 19-07-2017

  • Cập nhật : 19/07/2017

Triều Tiên chê lời đe dọa chiến tranh của Mỹ là 'trò lừa gạt'

Triều Tiên cho rằng mặc dù kêu gọi hành động cứng rắn, Mỹ sẽ không phát động cuộc chiến toàn diện chống lại Bình Nhưỡng. 

tau chien my dien tap phong ten lua hanh trinh. anh: ap.

Tàu chiến Mỹ diễn tập phóng tên lửa hành trình. Ảnh: AP.

 

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên hôm qua đăng bài xã luận tuyên bố nước này không hề bực bội trước các lời đe dọa chiến tranh của Mỹ, theo Daily Star.

"Mỹ đang kêu gọi tấn công quân sự Triều Tiên, hoàn thiện các bước để tăng cường khả năng phòng vệ trước một 'mối đe dọa đối với thế giới' cũng như thúc đẩy các biện pháp trừng phạt và áp lực quốc tế lên Triều Tiên. Tuy nhiên đây chỉ là một trò lừa gạt tức cười của những kẻ sợ hãi về sức mạnh vô địch của Bình Nhưỡng", bài xã luận nhấn mạnh.

Rodong Sinmun cũng cho biết giới chức Triều Tiên cũng không tỏ ra lúng túng trước "động thái tuyệt vọng" của Mỹ nhằm lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng.

Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh quân đội Mỹ và Australia sắp tiến hành tập trận đổ bộ quy mô nhất kể từ Thế chiến II tại vùng biển phía bắc bang Queensland, Australia, trong khuôn khổ cuộc diễn tập quân sự Talisman Saber thường niên giữa hai nước.

Bình Nhưỡng cho rằng đây chỉ là hành động phô trương lực lượng vô nghĩa.

Triều Tiên ngày 4/7 phóng thử tên lửa Hwasong-14 ra biển Nhật Bản. Tên lửa bay cao 2.802 km, xa 933 km. Theo giới chuyên gia, nếu phóng với góc chuẩn, Hwasong-14 có tầm bắn lên tới 6.700 km, được xếp vào hàng ICBM. Các cơ quan tình báo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều kết luận đây là "cột mốc đáng sợ" trong chương trình tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên đạt được sớm hơn nhiều năm so với ước tính của họ.(Vnexpress)
------------------

Mỹ, Nhật lạnh nhạt về đề xuất đối thoại với Triều Tiên của Hàn Quốc

Chính phủ Mỹ và Nhật cho rằng điều kiện hiện nay không phù hợp cho việc đối thoại với CHDCND Triều Tiên, sau khi Seoul đề xuất mở lại đối thoại quân sự với Bình Nhưỡng.

binh linh han quoc dung gac tai lang dinh chien ban mon diem trong phi quan su phan gioi bac-nam reuters

Binh lính Hàn Quốc đứng gác tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm trong phi quân sự phân giới Bắc-Nam REUTERS

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 17.7 đã đề xuất tổ chức cuộc đối thoại quân sự với Bình Nhưỡng vào ngày 21.7 nhằm tìm cách giảm căng thẳng ở biên giới giữa hai nước. Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc cũng đề xuất tổ chức cuộc gặp với Hội Chữ thập đỏ Triều Tiên vào ngày 1.8 để bàn cách nối lại cuộc đoàn tụ cho những gia đình bị chia cắt trong Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).

Tuy nhiên, phía Mỹ dường như đã gián tiếp phản đối đề xuất nói trên, theo Yonhap.

“Rõ ràng những đề xuất đó xuất phát từ Hàn Quốc và tôi muốn các bạn đi mà hỏi họ”, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nhấn mạnh trong cuộc họp báo hôm 17.7 (giờ Mỹ), khi được hỏi liệu Tổng thống Donald Trump có đặt ra điều kiện phải đáp ứng trước khi cuộc đối thoại với Triều Tiên diễn ra hay không.

Ông Spicer nhấn mạnh Tổng thống Trump từng nói rõ rằng điều kiện hiện nay vẫn chưa đáp ứng được những gì cần thiết để mở lại đối thoại với Triều Tiên.

Bên cạnh đó, theo Yonhap, một đại diện của chính phủ Nhật phát biểu với phóng viên tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York rằng hiện nay là lúc cần gia tăng sức ép lên Triều Tiên, chứ không phải thời điểm tổ chức đối thoại. Vì vậy, Tokyo cũng không đánh giá cao đề xuất đối thoại liên Triều của Hàn Quốc.

Cho đến nay vẫn chưa có thông tin về phản ứng của Bình Nhưỡng về đề xuất đối thoại của Seoul.(Thanhnien)
----------------------

Mỹ lạnh nhạt, Trung Quốc ủng hộ Hàn Quốc đối thoại Triều Tiên

Mỹ thể hiện quan điểm tiêu cực trong khi Trung Quốc hoan nghênh Hàn Quốc đề xuất đối thoại với Triều Tiên. 

sean spicer, thu ky bao chi nha trang. anh: upi.

Sean Spicer, thư ký báo chí Nhà Trắng. Ảnh: UPI.

 

Sean Spicer, thư ký báo chí Nhà Trắng, hôm 17/7 tuyên bố các điều kiện hiện nay "còn rất xa" mới có thể khởi động lại đối thoại với Triều Tiên, theo UPI. Nhật Bản cũng xem nhẹ đề xuất, cho rằng các nước cần gia tăng áp lực với Bình Nhưỡng bằng lệnh trừng phạt.

Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đánh giá đề xuất của Hàn Quốc là "thông điệp tích cực", và cải thiện quan hệ liên Triều thông qua đối thoại giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. 

Bắc Kinh hy vọng cả hai bên trên bán đảo có thể làm việc theo hướng tích cực, tạo điều kiện phá vỡ thế bế tắc và nối lại tham vấn. Ông Lục nói thêm Trung Quốc hy vọng các nước hiểu và ủng hộ đối thoại, đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xung quanh bán đảo Triều Tiên. 

Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Seo Joo-seok hôm 17/7 thông báo kế hoạch thảo luận giữa quân đội hai nước, động thái có thể giúp "ngăn chặn những hành động thù địch làm gia tăng căng thẳng quân sự tại biên giới".

Hàn Quốc đề xuất đối thoại vào ngày 21/7 tại Tongilgak, một tòa nhà của Triều Tiên trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Tuy nhiên, Moon Sang-kyun, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, hôm nay cho hay Triều Tiên chưa phản hồi đề nghị. Nếu diễn ra, đây sẽ là đối thoại đầu tiên của quân đội Hàn - Triều trong gần ba năm qua. (Vnexpress)
------------------

 

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục