Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 10-07-2017
- Cập nhật : 10/07/2017
Trung Quốc "bất ngờ" cảnh báo an ninh khi xung đột với Ấn Độ sang tuần thứ ba
Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô New Delhi đã ban bố cảnh báo với công dân nước này về tình hình an ninh ở Ấn Độ trong bối cảnh Ấn Độ đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình trong nước và xung đột quân sự với Trung Quốc.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, hồi tuần trước, một cuộc bạo loạn đã bùng nổ giữa những người theo đạo Hindu và Hồi giáo sau khi hai bên lời qua tiếng lại trên Facebook về khu vực Tây Bengal, một bang ở miền đông Ấn Độ. Chính quyền Ấn Độ đã buộc phải điều động hàng trăm binh sĩ bán quân sự tới Tây Bengal để hỗ trợ cảnh sát địa phương đảm bao an ninh.
Trong khi đó, hai nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang bị vướng vào cuộc xung đột quân sự tồi tệ nhất trong 30 năm qua tại khu vực biên giới nằm giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan trên dãy núi Himalaya.
Thông tin cảnh báo an ninh đối với công dân Trung Quốc ở Ấn Độ được đại sứ quán Trung Quốc đăng trên website hôm 7/7. Theo đó, đại sứ quán Trung Quốc khuyến cáo công dân nước này cần thận trọng với tình hình an ninh ở Ấn Độ, giảm thiểu tham gia các hoạt động ngoài trời cũng như tuân thủ các quy định pháp luật và tín ngưỡng ở địa phương. Cảnh báo này có hiệu lực trong vòng một tháng trong bối cảnh, mỗi năm có hơn 170.000 người Trung Quốc đi du lịch tới Ấn Độ.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ có chiều hướng xấu đi trong những năm gần đây khi New Delhi cho rằng sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh ở khu vực Nam Á đang ảnh hưởng tới lợi ích của Ấn Độ.
Cụ thể, kế hoạch đầy tham vọng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế cùng với các khoản đầu tư lớn cho dự án “Một vành đai, một con đường” đã khiến New Delhi vô cùng tức giận. Thậm chí, hồi tháng Năm, Ấn Độ đã không cử đại diện tới Bắc Kinh để tham gia hội nghị thượng đỉnh liên quan tới dự án “Một vành đai, một con đường”.
Hồi tháng trước khi Trung Quốc bắt đầu cho xây một con đường mới tại khu vực mà Bhutan tuyên bố chủ quyền, Ấn Độ đã điều động binh sĩ tới thị trấn biên giới. Cuộc đối đầu quân sự giữa Trung - Ấn đã kéo sang tuần thứ ba khi mỗi bên điều động khoảng 3.000 binh sĩ.
Hôm 8/7, chia sẻ với kênh truyền hình Phoenix TV, cố vấn chính trị cho đại sứ quán Trung Quốc ở Ấn Độ, ông Li Fan cho biết tình hình an ninh vẫn đang diễn ra căng thẳng và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm kết thúc. (Infonet)
-----------------------
Ông Trump muốn “hợp tác mang tính xây dựng” với Nga
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp riêng bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 9/7 đăng tải một loạt dòng bình luận trên mạng xã hội Twitter, đề cập tới cuộc gặp giữa ông với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại thành phố Hamburg, Đức, trong hai ngày 7 và 8/7, theo Hill.
Ông Trump cho hay đã gây áp lực mạnh mẽ lên ông Putin về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. "Tôi hai lần dồn ép Tổng thống Putin về nghi vấn Nga can dự cuộc bầu cử của chúng ta. Ông ấy kiên quyết phủ nhận điều đó. Tôi cũng đưa ra ý kiến riêng...", ông Trump viết.
"Chúng tôi đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn áp dụng cho một số khu vực ở Syria mà sẽ cứu được rất nhiều tính mạng con người. Đã đến lúc tiến lên phía trước bằng cách hợp tác mang tính xây dựng với Nga!", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Trước đó, bàn về cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Nga Putin cho biết ông Trump dường như "hài lòng" với câu trả lời rằng Moscow không can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Tổng thống Putin tin ông đã tạo lập được quan hệ cá nhân với Tổng thống Trump, gây dựng nền tảng cho việc cải thiện quan hệ Nga - Mỹ.
Tổng thống Nga cũng dành lời khen ngợi tính cách của Tổng thống Mỹ. "Ông Trump trên truyền hình khác rất nhiều so với con người ngoài đời. Ông ấy cực kỳ chính xác, phân tích thông tin khá nhanh và trả lời đầy đủ các câu hỏi", ông Putin nói.(Vnexpress)
------------------
Ông Tập kêu gọi Nhật học quá khứ để 'có tương lai tốt hơn'
Chủ tịch Trung Quốc mong muốn Nhật Bản bỏ qua những vướng mắc trong quá khứ để cải thiện quan hệ hai nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 8/7 có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Ông Tập nêu rõ Trung Quốc không có ý định thỏa hiệp về vấn đề Đài Loan, đồng thời kêu gọi Nhật Bản dẹp bỏ "những vướng mắc" trong quan hệ Trung - Nhật, Reuters đưa tin.
Chủ tịch Trung Quốc khẳng định với Thủ tướng Nhật rằng hai nước là láng giềng gần gũi, việc phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia có vai trò quan trọng với phần còn lại của thế giới. Ông Tập kêu gọi Nhật Bản học hỏi từ lịch sử để có "tương lai tốt hơn" trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Quan hệ Trung - Nhật gặp nhiều trở ngại suốt hàng chục năm qua, bắt nguồn từ hoạt động quân sự của đế quốc Nhật tại Trung Quốc thời kỳ Thế chiến II. Vấn đề Đài Loan và tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư cũng là những vấn đề gai góc trong quan hệ song phương.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định không thể thỏa hiệp trước các vấn đề liên quan tới lịch sử và Đài Loan, đồng thời yêu cầu Nhật Bản tôn trọng đối với các mặt này. Trung Quốc từng lên tiếng phản đối khi một bộ trưởng Nhật Bản tới thăm Đài Loan hồi tháng 3.(Vnexpress)
-------------
Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh: Qatar tìm cách đòi bồi thường
Ngày 9/7, Qatar thông báo nước này đang lập một ủy ban phụ trách việc đòi bồi thường có thể lên tới hàng tỷ USD về những thiệt hại xuất phát từ sự phong tỏa của các nước láng giềng vùng Vịnh đối với nước này.
Máy bay hạ cánh tại sân bay quốc tế Hamad ở Doha, Qatar ngày 12/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Doha, Bộ trưởng Tư pháp Qatar Ali bin Fetais al-Marri cho biết ủy ban nói trên sẽ nhận tất cả những khiếu nại từ các khu vực công, tư hoặc các cá nhân.
Nguyên đơn có thể là các công ty lớn như hãng hàng không Qatar Airways, các ngân hàng hoặc các cá nhân, có thể khởi kiện tại các tòa án ở trong và ngoài nước, kể cả ở Paris, London, về cái mà Doha gọi là "sự vây hãm" Qatar. Ủy ban sẽ nằm dưới sự giám sát của Bộ trưởng Tư pháp Marri cũng như các quan chức khác trong bộ này và Bộ Ngoại giao Qatar.
Ngày 5/6 vừa qua, các nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Bốn nước trên đã rút các nhà ngoại giao của mình khỏi Qatar, ngừng mọi chuyến bay đi và đến Qatar, đồng thời yêu cầu các công dân Qatar về nước trong vòng 14 ngày.
Ngày 22/6, các nước trên đã đưa ra một "tối hậu thư" gồm 13 yêu sách đối với Qatar, trong đó yêu cầu Doha hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Chính quyền Doha đã từ chối đáp ứng các yêu cầu trên, đồng thời bác bỏ cáo buộc nước này có quan hệ với các nhóm khủng bố.
Qatar cho biết hàng nghìn công dân nước này đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cô lập trong cuộc khủng hoảng ngoại giao được cho là tồi tệ nhất tại vùng Vịnh trong những năm gần đây.
Ủy ban Quốc gia về Nhân quyền của Qatar cho rằng các lệnh trừng phạt thể hiện sự vi phạm quyền của khoảng 140 sinh viên Qatar đang học tập và nghiên cứu tại UAE, Saudi Arabia và Bahrain.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng việc hãng hàng không Qatar Airways bị cấm bay qua không phận các nước láng giềng vùng Vịnh nói trên đe dọa vị thế của hãng là hãng hàng không xuyên lục địa lớn.(TTXVN)