Chủ tịch Trung Quốc nhắc Hồng Kông về quyền lực của Trung ương
Ông Tập Cận Bình tuyên bố, bất cứ hoạt động nào thách thức quyền lực của Trung ương và quyền uy của Luật cơ bản đều không thể cho phép, ông cũng thể hiện thái độ cứng rắn với các hoạt động đòi "độc lập".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện thái độ cứng rắn với các hoạt động đòi "độc lập" ở Hồng Kông. Ảnh: Storm
Trong thời điểm tròn 20 năm Hồng Kông trở về với Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Hồng Kông từ ngày 29/6 – 1/7/2017.
Theo hãng tin Reuters Anh ngày 1/7, trong bài phát biểu cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Bất cứ hoạt động nào đe dọa chủ quyền, an ninh quốc gia, thách thức quyền lực của Trung ương và quyền uy của Luật cơ bản Đặc khu hành chính Hồng Kông, lợi dụng Hồng Kông tiến hành xâm nhập phá hoại nội địa đều sẽ đụng vào giới hạn, đều tuyệt đối không thể cho phép”.
Trong thời điểm quan hệ chính trị và xã hội giữa Hồng Kông với Trung Quốc đại lục, đây là phát biểu cứng rắn nhất của ông Tập Cận Bình đối với Hồng Kông.
Trên nguyên tắc “một nước, hai chế độ”, kể từ sau khi trở về với Trung Quốc vào năm 1997, trung tâm tài chính Hồng Kông “ít nhất có 50 năm” có quyền tự trị rộng rãi.
Ông Tập Cận Bình còn cho biết: “Chế độ bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia của Hồng Kông còn phải hoàn thiện, việc tuyên truyền giáo dục về lịch sử đất nước, văn hóa dân tộc cần tiếp tục tăng cường”.
Theo hãng tin AP Mỹ ngày 1/7, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình ở Hồng Kông ngày 1/7 là một trong những phát biểu gay gắt nhất của ông cho đến nay nhằm vào nhóm hoạt động phe dân chủ của khu vực này.
Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ họ sẽ không cho phép bên ngoài có ý đồ lên án hoặc can thiệp. Ông Tập Cận Bình cho biết: “Trong thời kỳ Trung - Anh đàm phán, chúng ta nói rõ ràng rằng vấn đề chủ quyền không được thảo luận. Sau khi Hồng Kông trở về, chúng ta càng phải kiên định hơn trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia”.
Báo chí Tây Ban Nha ngày 1/7 dẫn lời ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, phải luôn nắm bắt chính xác quan hệ giữa “một nước” và “hai chế độ”. “Một nước” là gốc, gốc bám rễ sâu mới có thể cho cành lá tươi tốt, xum xuê.
Ngoài ra, theo báo chí Nhật Bản ngày 1/7, ông Tập Cận Bình đã dùng thái độ cứng rắn để đáp lại các động thái theo đuổi “độc lập” ở xã hội Hồng Kông, đồng thời ông Tập Cận Bình yêu cầu cần “tập trung tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh thiếu niên”, thể hiện sự coi trọng giáo dục tư tưởng cho thanh niên.(Viettimes)
---------------------
Cảnh sát Mỹ bắn chết tay súng định cướp trực thăng
Cảnh sát bang Oregan đã bắn chết một người đàn ông dùng súng đe dọa cướp một chiếc trực thăng tại sân bay gần thành phố Portland.
Quang cảnh tại sân bay Hillsboro sau khi xảy ra vụ nổ súng tiêu diệt nghi phạm tấn công cướp trực thăng - Ảnh: Twitter
Theo đài CNN (Mỹ) cảnh sát thành phố Hillsboro, ông Henry Reimann, cho biết người đàn ông mang theo súng này đã leo qua hàng rào tại một sân bay ở địa phương và tiến tới chiếc trực thăng đậu trong nhà chứa máy bay thuộc sở hữu của Học viện hàng không Hillsboro vào trưa ngày 3-7 giờ địa phương.
Theo sĩ quan Reimann, vào thời điểm đó động cơ trực thăng vẫn đang mở và một nhân viên của học viện đang hướng dẫn cho bạn gái anh này lái trực thăng.
Cũng theo cảnh sát nghi phạm đã nổ súng chỉ thiên và ra lệnh cho hai người này ra khỏi chiếc trực thăng trước khi hắn trèo lên đó.
Tuy nhiên sau đó ba nhân viên của học viện đã chĩa súng vào nghi phạm.
Một cảnh sát thành phố Hillsboro sau khi nhận được thông báo về vụ nổ súng tại sân bay đã tiếp cận khu nhà chứa máy bay và ra lệnh cho kẻ tấn công phải ra khỏi trực thăng.
Kẻ tấn công và viên cảnh sát đã đấu súng trước khi tên này nhảy qua hàng rào và chạy vào một khu đất trống. Một cảnh sát khác đã bắn chết kẻ tấn công trong khoảng đất trống gần sân bay.
Cảnh sát Reimann cho rằng chưa có chứng cứ nào cho thấy đây là một hành động tấn công khủng bố.
Tên này không mang theo bất cứ giấy tờ tùy thân nào trên người. (Tuoitre)
----------------------------
Thái Lan siết luật, lao động nhập cư 'tháo chạy'
Hàng chục ngàn lao động nhập cư từ Myanmar, Campuchia và Lào đang rời Thái Lan sau khi chính quyền quân sự áp dụng các điều luật lao động mới đe dọa người lao động không giấy tờ.
Thái Lan đã bắt đầu áp dụng luật lao động mới vào ngày 23.6, theo đó có thể phạt tù tối đa 5 năm đối với những lao động nước ngoài làm việc chui trên đất Thái, đồng thời chủ lao động có thể đối mặt mức phạt 800.000 baht (khoảng 23.500 USD), theo tờ The Nation.
Theo AP ngày 3.7 dẫn ước tính của giới hữu trách và những người vận động vì quyền lợi của người lao động tại Thái Lan, có khoảng 30.000 người đã quay về nước kể từ khi luật mới có hiệu lực.
Trước áp lực từ những ngành cần tuyển dụng lao động nhập cư, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết sẽ dời thời hạn áp dụng thêm 120 ngày để người lao động hoàn tất thủ tục đăng ký.
Tờ The Bangkok Post ngày 4.7 dẫn thông tin từ Đại sứ quán Campuchia ở Bangkok lên tiếng kêu gọi công dân trong diện này không nên rời Thái Lan, đợi chính phủ điều đình xong một thỏa thuận chính thức cho phép dân Campuchia vẫn giữ được việc làm trên đất Thái.
Thái Lan có khoảng 2,6 triệu lao động nước ngoài, đa số từ Myanmar, Campuchia và Lào. Ước tính phân nửa số này làm việc "chui". Đa số lao động dạng này chấp nhận làm những việc làm lương thấp hoặc chứa rủi ro cao mà người lao động Thái không muốn làm, như xây dựng, làm nông, đánh cá.
Dân Myanmar chiếm đa số trong lực lượng lao động chui ở Thái LanREUTERS
Đại tá cảnh sát Man Ratanaprateep, đóng ở tỉnh miền bắc Tak, giáp biên giới Myanmar, cho biết tính đến 3.7, chỉ tính riêng tại chốt biên phòng Mae Sot đã ghi nhận hơn 23.000 người đã quay về Myanmar, chưa tính những vụ vượt biên trái phép.
Việc áp dụng luật mới đã làm “bốc hơi” từ 40.000 đến 80.000 lao động khỏi ngành xây dựng, theo ông Suwat Liptapanlop, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Thái Lan.(Thanhnien)
--------------------
Rơi trực thăng cứu hộ ở Indonesia, 8 người chết
Ngày 3.7, tờ The Jakarta Post dẫn lời giới chức Indonesia xác nhận 8 người thiệt mạng trong vụ trực thăng cứu hộ rơi ở tỉnh Trung Java của nước này chiều 2.7.
Vụ việc xảy ra khoảng 3 phút trước khi chiếc trực thăng chở 4 nhân viên cứu hộ và 4 quân nhân đến cao nguyên Dieng thuộc Trung Java để sơ tán du khách khỏi miệng núi lửa Sileri trong khu vực.
Miệng núi lửa Sileri bất ngờ phun trào lúc 12 giờ trưa 2.7 (giờ địa phương), với cột khói bụi cao 50 m, khi có ít nhất 17 du khách đang tham quan khu vực, khiến 10 người bị thương.
Chiếc trực thăng cứu hộ bị cho là đã đâm vào vách đá ở khu Canggal thuộc huyện Candiroto.
Lo ngại miệng núi lửa Sileri có nguy cơ phun trào lần nữa, giới chức Indonesia khuyến cáo du khách và người dân sơ tán khỏi khu vực.(thanhnien)