Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 05-07-2017

  • Cập nhật : 05/07/2017

Khả năng đánh chặn tên lửa Triều Tiên gây nghi ngờ của Nhật

Nhật Bản sở hữu lá chắn tên lửa PAC-3 và SM-3, vốn có thành tích không ấn tượng, khó có thể đánh chặn hiệu quả tên lửa Triều Tiên.

 Tàu JS Kirishima của Nhật thử tên lửa phòng không SM-3.

Triều Tiên ngày 4/7 tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 với khả năng "vươn tới bất cứ nơi nào trên thế giới". Tên lửa đạt độ cao 2.802 km và tầm xa 933 km, bắn trúng mục tiêu ở vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản sau khi bay 39 phút, Yonhap đưa tin.

Chuyên gia quân sự Sebastien Roblin cho rằng vụ phóng thử này khiến Nhật Bản lại rơi vào tầm đe dọa của tên lửa Triều Tiên. Trên thực tế, Nhật Bản không chỉ nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Triều Tiên, mà còn trở thành mục tiêu cho nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) và tầm xa (IRBM). Chúng có thể đánh trúng mục tiêu trên đất Nhật chỉ trong vòng 10 phút sau khi rời bệ phóng.

Tokyo đối phó với mối đe dọa này bằng việc trang bị 6 tổ hợp tên lửa phòng không PAC-3 Patriot và 4 tàu khu trục mang lá chắn tên lửa RIM-161 SM-3. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đang đặt nghi vấn về tính hiệu quả của các hệ thống này khi đánh chặn IRBM có tốc độ và độ cao bay tương đối lớn. Phiên bản PAC-3 có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo trong tầm 30 km, khiến nó chỉ có tác dụng phòng thủ điểm, thay vì tạo lá chắn hiệu quả cho một khu vực lớn.

Tên lửa SM-3 được tập đoàn Mitshubishi và Raytheon hợp tác sản xuất nhằm giải quyết vấn đề này, với khả năng đánh chặn IRBM từ giai đoạn phóng lên không gian và bay tới mục tiêu. Nhưng loại vũ khí này đã gặp thất bại ngay trong lần thử nghiệm bắn đạn thật thứ hai, cho thấy lá chắn tên lửa đạn đạo vẫn chỉ là khí tài đang trong quá trình phát triển.

kha-nang-danh-chan-ten-lua-trieu-tien-gay-nghi-ngo-cua-nhat

Tàu JDS Kirishima (DDG-174) phóng thử tên lửa SM-3. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

RIM-161 SM-3 cho phép tàu chiến Mỹ và Nhật cùng đóng góp vào nhiệm vụ phòng thủ tên lửa. Chúng được coi là bệ phóng di động trang bị hệ thống tác chiến Aegis, cho phép kết nối với mạng lưới radar tầm xa và máy tính điều khiển hỏa lực tiên tiến. Bệ phóng thẳng đứng (VLS) cũng cho phép mỗi tàu mang tới hàng chục tên lửa phòng không tầm xa.

Những vũ khí như SM-3 có thể là lớp tự vệ hiệu quả nhất cho chiến hạm Mỹ và Nhật Bản, bên cạnh nhiệm vụ chính là bảo vệ lãnh thổ trước MRBM và IRBM của đối phương.

Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) đang vận hành 4 tàu khu trục lớp Kongo với hệ thống Aegis và tên lửa SM-3 Block I, đồng thời nâng cấp hai tàu thuộc lớp Atago tối tân để cung cấp khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo cho chúng. Tuy nhiên, 6 tàu này không đủ bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản. Một số chuyên gia còn cho rằng tên lửa SM-3 Block I không có đủ động năng để phá hủy đầu đạn MRBM/IRBM một cách triệt để và đáng tin cậy.

Điều đó buộc Tokyo và Washington ký thỏa thuận hợp tác để phát triển phiên bản SM-3 Block IIA, với tầm bắn, đầu đạn và tốc độ lớn hơn. Mỗi nước đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD cho dự án này, với mức giá 20 triệu USD/quả đạn. Tầm bắn lý thuyết của Block IIA là hơn 2.000 km, giúp các tàu khu trục lớp Kongo và Atago bảo vệ được nhiều phần lãnh thổ Nhật Bản hơn.

Trong hai lần bắn thử, SM-3 Block IIA chỉ thành công một lần ở điều kiện lý tưởng, khác xa tình huống chiến đấu thực tế. Điều này cho thấy sự khó khăn trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo.

kha-nang-danh-chan-ten-lua-trieu-tien-gay-nghi-ngo-cua-nhat-1

Mỗi quả SM-3 Block IIA có giá tới 20 triệu USD. Ảnh: Raytheon.

Tokyo từng có ý định theo đuổi dự án Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) với tầm bắn gần 200 km, cho phép nước này có thêm lá chắn thứ ba bên cạnh PAC-3 và SM-3. Tuy nhiên, sau vụ Triều Tiên thử tên lửa Hwasong-12 hôm 14/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho biết phiên bản Aegis và tên lửa SM-3 trên mặt đất (Aegis Ashore) sẽ được lựa chọn thay cho dự án THAAD. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng hai hệ thống này là đủ để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ với mức đầu tư rẻ hơn nhiều so với THAAD.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tokyo đang sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống Aegis Ashore, giữa lúc căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Nếu Nhật sở hữu lượng lớn đầu đạn đánh chặn, nước này có thể bảo đảm khả năng phòng thủ trước mối đe dọa từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, điều này vẫn còn là nghi vấn lớn, khi Mỹ cũng không đủ nguồn lực để trang bị đạn SM-3 Block I cũ kỹ cho các tàu Aegis, chưa nói tới việc lắp đặt biến thế Block IIA đắt đỏ hơn nhiều. Tất cả những yếu tố này khiến Tokyo không thể tự tin về khả năng tự vệ trước tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng nếu nổ ra chiến tranh, chuyên gia Roblin kết luận.(Vnexpress)
---------------------------

Trung Quốc lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo Triều Tiên

Trung Quốc lên án Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, khi nước này tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa. 

 

Tên lửa Triều Tiên phóng sáng nay

Tên lửa Triều Tiên phóng sáng nay đạt độ cao 2.802 km. Ảnh: ChosunTV.

"Các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có những quy định rõ ràng về công nghệ tên lửa đạn đạo và các vụ phóng của Triều Tiên", Yonhap dẫn lời ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm nay nói. "Trung Quốc phản đối Triều Tiên tiếp tục các hoạt động vi phạm những quy định này". 

Người phát ngôn cũng hối thúc Triều Tiên "không vi phạm các nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một lần nữa và thực hiện những điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán". "Chúng tôi hy vọng mỗi bên liên quan duy trì kiềm chế và bình tĩnh để xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên càng sớm càng tốt, đưa vấn đề trở về đúng hướng đối thoại và hòa bình". 

Triều Tiên sáng nay phóng một tên lửa đạn đạo và sau đó tuyên bố đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên của nước này. Bình Nhưỡng cho rằng tên lửa Hwasong-14 đạt độ cao 2.802 km, bay 933 km trong 39 phút trước khi trúng mục tiêu trên biển Nhật Bản. 

Phát thanh viên Triều Tiên thông báo vụ phóng tên lửa thành công. Video: ChosonTV.

Mỹ, Hàn Quốc trước đó cho rằng đây là tên lửa đạn đạo tầm trung. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nếu được phóng đúng góc, tên lửa có thể vươn tới 8.000 km.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hy vọng Triều Tiên sẽ không vượt qua điểm giới hạn, đến mức không quay đầu lại được nữa. Ông kêu gọi Triều Tiên dừng khiêu khích ngay lập tức và cho biết hiện chưa rõ nước này sẽ phải đối mặt với hậu quả thế nào nếu vượt qua "ranh giới đỏ". 

Ông Moon tuyên bố sau khi ra lệnh cho các quan chức an ninh hàng đầu tìm kiếm "các biện pháp của Hội đồng Bảo an", hợp tác chặt chẽ với các đồng minh của Hàn Quốc trong cuộc họp khẩn của hội đồng. 

Các quan chức Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên có thể đối mặt "những lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn nhiều" nếu vật thể phóng được xác nhận là tên lửa đạn đạo liên lục địa. "Nếu được xác nhận là tên lửa đạn đạo liên lục địa, tôi tin rằng mức độ sức ép và lệnh trừng phạt hiện được áp dụng với Triều Tiên có thể sẽ tăng lên", một quan chức giấu tên của Nhà Xanh nói.  (Vnexpress)
-------------------------

Điểm yếu của lá chắn Mỹ trước tên lửa đạn đạo Triều Tiên

Lá chắn của Mỹ mới chỉ đạt tỷ lệ đánh chặn thành công 50% trong các cuộc thử nghiệm và chưa từng chặn lượng lớn tên lửa cùng lúc.

Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa Hwasong-14.

Triều Tiên ngày 4/7 tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 có tầm bắn có thể vươn tới Alaska của Mỹ. Nếu tuyên bố này của Bình Nhưỡng là xác thực, đây là lần đầu tiên Triều Tiên thử thành công một vũ khí có thể tấn công lãnh thổ Bắc Mỹ, đặt Washington vào mối đe dọa lớn chưa từng có.

Mỹ đang sở hữu át chủ bài đối phó ICBM Triều Tiên là Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD). Tuy nhiên, hệ thống này vẫn tồn tại điểm yếu chí tử, có nguy cơ thất bại khi đánh chặn ICBM đối phương, theo National Interest.

GMD tập trung đối phó với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở ngoài tầng khí quyển, khi ICBM đã sử dụng hết nhiên liệu để đạt độ cao tối đa và chuẩn bị lao xuống mục tiêu. Cơ chế này cho phép GMD bảo vệ khu vực rộng như Bắc Mỹ, cũng như tăng thời gian đánh chặn lên tới 20 phút, thay vì chỉ vài chục giây như lá chắn giai đoạn cuối.

Hệ thống GMD bao gồm nhiều thành phần phân tán. Đầu tiên là cảm biến hồng ngoại lắp trên vệ tinh, có chức năng phát hiện chớp nhiệt sinh ra trong quá trình phóng ICBM. Chúng sẽ thông báo cho radar trinh sát mặt đất để theo dõi quỹ đạo tên lửa.

Trung tâm quản lý chiến đấu mặt đất sẽ thu thập dữ liệu từ mạng lưới cảm biến, chuẩn bị sẵn sàng các tên lửa đánh chặn. Các quả đạn sẽ được lái tới mục tiêu bằng radar dẫn bắn hoạt động trên băng sóng X. Radar này đang được lắp trên một tàu bán nổi có kích thước 115x85 m.

Đạn đánh chặn là tên lửa đa tầng, dùng nhiên liệu rắn dài 18 m, có thể tiếp cận ICBM với vận tốc 23.400 km/h. Khi tầng đẩy sử dụng hết nhiên liệu, đầu đạn động năng (EKV) sẽ tách ra, tự điều hướng bằng động cơ đẩy tích hợp. EKV ứng dụng phương thức tiêu diệt bằng động năng, giúp thu nhỏ kích thước đầu đạn và ngăn chặn nguy cơ nổ thứ cấp. Tuy nhiên, nó cần độ chính xác cực cao để đảm bảo đâm trúng ICBM, do không có hiệu ứng nổ và văng mảnh như đầu đạn truyền thống.

Phương thức đánh chặn của hệ thống GMD.

Tuy nhiên, Washington được cảnh báo không nên quá tự tin khi hệ thống này chỉ có khả năng chống lại số lượng rất ít đầu đạn cùng lúc. Các tên lửa đánh chặn hiện cũng chỉ đánh trúng một nửa số mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm.

Các chuyên gia cho rằng GMD chỉ phát huy hiệu quả trước những quốc gia sở hữu kho tên lửa đạn đạo hạn chế như Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã có nhiều bước tiến nhanh chóng trong việc phát triển ICBM, nhưng vẫn chưa đủ số lượng để áp đảo GMD.

Vấn đề là hệ thống GMD chưa thể hiện được độ chính xác và tin cậy cần thiết trong các cuộc thử nghiệm. Trong tổng cộng 17 lần đánh chặn từ năm 1996 đến nay, GMD mới chỉ có 9 lần thành công, tương đương tỷ lệ 53%.

Nhiều thử nghiệm đánh chặn thất bại bắt nguồn từ lỗi cơ khí hoặc phần mềm, vốn có thể được khắc phục để tăng tỷ lệ thành công. Tuy nhiên, Mỹ chưa có kế hoạch nâng cấp các đạn đánh chặn thế hệ trước, trong khi đạn đánh chặn thế hệ mới chưa được thử nghiệm đầy đủ.

Sau 20 năm phát triển, Mỹ đã tiêu tốn gần 41 tỷ USD cho chương trình GMD, với mỗi tên lửa đánh chặn có giá ước tính khoảng 75 triệu USD.

Philip E. Coyle, học giả cấp cao Trung tâm Kiểm soát và Giải trừ Vũ khí, cho rằng lá chắn tên lửa Mỹ chưa đủ khả năng đánh chặn ICBM thực sự trong điều kiện chiến tranh. Các thử nghiệm từ trước tới nay đều được tiến hành trong điều kiện lý tưởng, chỉ có một tên lửa tiếp cận từ hướng biết trước, không sử dụng mồi bẫy hay các biện pháp đối phó. Nếu tên lửa đánh chặn thất bại trong điều kiện này, chúng sẽ còn hoạt động tệ hơn trên thực tế.

diem-yeu-cua-la-chan-my-truoc-ten-lua-dan-dao-trieu-tien

Tên lửa đạn đạo Hwasong-14 của Triều Tiên. Ảnh: KCTV.

Cơ quan Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) thậm chí còn khẳng định các vụ thử nghiệm đánh chặn tên lửa của Mỹ sẽ không thể tiến hành khi trời mưa, cho thấy lá chắn này chưa thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. "Khi chiến tranh nổ ra, đối phương sẽ không chờ đến khi thời tiết đẹp mới phóng tên lửa", ông Coyle nói.

Hiện tại, đạn đánh chặn của GMD đang được đặt tại hai địa điểm, bao gồm 32 tên lửa ở căn cứ Greely, Alaska thuộc Tiểu đoàn phòng thủ tên lửa số 49 và 4 quả ở căn cứ Vandenberg, California trong Lữ đoàn phòng thủ tên lửa số 100. BMD dự kiến bổ sung 8 tên lửa trong năm nay, nâng tổng số đạn đánh chặn lên 44 quả.

Tỷ lệ thành công thấp buộc có thể khiến quân đội Mỹ phải phóng 4-5 tên lửa để đánh chặn một quả ICBM đối phương. Như vậy, với số lượng 44 tên lửa đánh chặn, hệ thống GMD sẽ không có nhiều cơ hội để bảo vệ lục địa Mỹ, Coyle nhấn mạnh.(Vnexpress)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục