Tin Biển Đông

 
 
 

Biển Đông: chớ rơi vào “bẫy đại cục”

  • Cập nhật : 12/10/2016

Độc lập dân tộc/chủ quyền quốc gia là câu chuyện đại sự! Các thoả thuận tay đôi, tay ba cũng phải trên căn cốt của giải pháp đa phương. Ngư dân Việt chỉ có thể làm ăn bình yên trên Biển Đông nếu có giá đỡ của cả một hệ thống giải pháp gồm: DOC, COC để rồi tiến tới một hiệp ước an ninh tập thể của khu vực.

 

Ngày 8.10, Trung Quốc đã thành lập phòng khí tượng tại “thành phố Tam Sa” trên đảo Vĩnh Hưng thuộc quần đảo Tây Sa (tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam). Ảnh: TL

Ngày 16.10, hầu hết truyền thông đã trích/hoặc đăng toàn văn phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc hội nghị Trung ương 6, trong đó Tổng bí thư khẳng định: Bộ Chính trị, Ban bí thư là một tập thể lãnh đạo kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Như vậy, chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc gắn liền làm một với Đảng, với chế độ, hẳn nhiên phải chiếm vị trí ưu tiên trong chiến lược của lãnh đạo. Và liệu có cần nhắc lại: chúng còn là một phần máu thịt của hầu hết các con dân đất Việt từ khắp mọi góc bể chân trời.

Chỉ song phương/đại cục là nguy hiểm

Không ưu tiên số một thế nào được khi mà chuyện “tàu lạ” đánh chìm tàu cá Việt Nam, khiến nhiều ngư dân Việt chết mất xác, hoặc may còn sống sót thì lại bị bắt nạp tiền chuộc, đã/đang trở thành những điệp khúc xé lòng trong nhiều tháng/năm gần đây. Đêm 12 rạng 13.10, “tàu lạ” đâm chìm tàu ngư dân Kiên Giang trên vùng biển 35 hải lý hướng Tây Nam, khiến năm ngư phủ mất tích. 14 giờ ngày 3.10, hai “tàu lạ” khác đâm “hội đồng” tàu cá TH-3138TS đang trên đường đi đánh lưới ghẹ cách Hậu Lộc (Thanh Hoá) khoảng 40 hải lý, chín ngư dân phải bám phao cứu sinh phó mặc cho số phận. 5 giờ sáng ngày 6.8, tàu “lạ” lại đâm chìm tàu cá BV-95134TS của Bà Rịa – Vũng Tàu, khiến bảy ngư dân thiệt mạng. Trước đó, ngày 4.8, một “tàu lạ” khác đã đâm chìm tàu câu mực của dân Hà Tĩnh trên vùng biển gần đồn biên phòng Cửa Sót khiến bốn ngư dân bị nạn…

Biển Đông rõ ràng không còn bình yên! Phải chăng vì nó nằm ở “vùng trũng an ninh”, hay trên các “nứt trượt địa – chính trị” của châu Á – Thái Bình Dương như các nhà nghiên cứu vẫn đang nói? Nhưng nó đã từng ở vị trí ấy từ bao đời nay! Biển Đông chỉ thực sự bị “mất cân bằng chiến lược” và dậy sóng trong mấy năm trở lại đây bởi sức mạnh và sự hung hãn gia tăng của Trung Quốc. Tranh chấp Biển Đông hiện nay, với thái độ lấn lướt của Trung Quốc và quyết định can dự của Hoa Kỳ đã có đầy đủ dấu hiệu của một cuộc “chiến tranh lạnh mới”. Phải công nhận thực tế này thì mới có hướng giải pháp thích hợp, mới không rơi vào “bẫy đại cục” mà Trung Quốc đang trương ra lâu nay.

Bằng việc công bố tấm bản đồ chín đoạn trái cả pháp lý lẫn đạo lý, Trung Quốc đang đòi chủ quyền hơn 80% Biển Đông, ngoạm vào lãnh hải nhiều nước láng giềng. Một cách thâm trầm và cương quyết, Trung Quốc hung hăng gia cố các đòi hỏi chủ quyền bằng cách áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trong vùng biển tranh chấp, chăng dây chặn lối vào bãi Scarborough ngoài khơi Philippines, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhảy vào khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam để kêu gọi quốc tế đấu thầu thăm dò dầu khí ngay tại đấy. Chưa kể các vụ việc gần đây: thành lập phòng khí tượng tại “thành phố Tam Sa”, tức đảo Phú Lâm (8.10), diễn tập trực chiến khẩn cấp tại quần đảo Hoàng Sa (3.10), tổ chức lễ thượng cờ Trung Quốc cũng trên đảo Phú Lâm (1.10).

Hy vọng ở ASEAN-21 và EAS-3?

Ngày 15.10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi tiếp cựu Thủ tướng Anh, đã yêu cầu ông Tony Blair ủng hộ lập trường sáu điểm về Biển Đông của các nước ASEAN. Đáp lại, ông Blair đã đánh giá cao lập trường sáu điểm về vấn đề Biển Đông, bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng trong tương lai, đồng thời khẳng định sẽ làm hết sức mình thúc đẩy quan hệ “đối tác chiến lược” giữa hai nước ngày càng phát triển. Ngày 14.10, vừa về đến Hà Nội sau khi tham dự diễn đàn Biển ASEAN lần thứ ba và diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ nhất, thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã khẳng định các nỗ lực của Việt Nam và ASEAN trong việc phấn đấu bảo đảm hoà bình và ổn định ở Biển Đông.

Nhưng liệu tại Cấp cao ASEAN lần thứ 21 và Cấp cao Đông Á lần thứ ba tới đây, nước chủ nhà Campuchia có thi hành lệnh gạt vấn đề Biển Đông khỏi các chương trình nghị sự như họ đã từng cố gắng trong mấy tháng qua? Liệu Trung Quốc có điều chỉnh thái độ về vấn đề đường lưỡi bò, có bớt đi những tham vọng quá khích từ đòi hỏi 80% chủ quyền của họ trên Biển Đông? Liệu các quốc gia Đông Nam Á có đoàn kết để tạo được lập trường vững vàng? Và đương nhiên, cả thế giới sẽ hướng vào sự can dự của Hoa Kỳ như một nhân tố quyết định hậu trường các thoả hiệp. Không hội tụ đầy đủ ba yếu tố vừa liệt kê thì mọi sự lại sẽ lệch pha và sẽ khó đạt được một giải pháp ổn thoả. Các thoả thuận tay đôi, tay ba cũng phải trên căn cốt của giải pháp đa phương. Ngư dân Việt chỉ có bình yên trên Biển Đông nếu có giá đỡ của cả một hệ thống giải pháp gồm: DOC, COC để rồi tiến tới một hiệp ước an ninh tập thể của toàn khu vực.

Dù tránh gọi sự vật đúng tên, tránh chỉ ra “tàu lạ” là tàu của quốc gia nào, thì rõ ràng những chuyện “lạ” nói trên, thật đau lòng và đáng tiếc, lại trở thành những chuyện “quen” đầy thảm kịch đối với ngư dân Việt từng sinh ra và bám biển bao đời nay trên các vùng biển của cha ông. Đúng là đã đến lúc phải đặt câu hỏi, tại sao Trung Quốc dùng chiêu bài “đại cục”? Việt Nam đâu phải là đối thủ của Trung Quốc! Tờ Le Nouvel Observateur số mới nhất vừa có bài về “cuộc chiến tranh mới ở Thái Bình Dương” giới thiệu cuốn sách Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ của hai tác giả Alain Frachon và Daniel Vernet (là hai cựu giám đốc biên tập của tờ Le Monde), giải thích vì sao Biển Đông đang trở thành trung tâm của thế giới. Trên căn bản này, thoả thuận của ASEAN-21 hay EAS-3, nếu có cũng phải tiến tới một định chế rộng lớn hơn các khuôn khổ hiện nay.

Trần Hiếu Chân
Theo SGTT

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục

    • Đài Loan “đục nước béo cò” với tranh chấp Senkaku?1

      Đài Loan “đục nước béo cò” với tranh chấp Senkaku?

      Theo mạng tin tình báo Stratfor (Mỹ) ngày 11/10, giống như Trung Quốc và Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với tên gọi ở Đài Loan là Điếu Ngư Đài. Tuy nhiên, không như Trung Quốc và Nhật Bản, Đài Loan không thể trực tiếp thách thức các tuyên bố chủ quyền của bên kia mà chỉ giữ vai trò hạn chế trong tranh chấp này.

    • Trung Quốc: Những bất định trước giờ chuyển giao lãnh đạo2

      Trung Quốc: Những bất định trước giờ chuyển giao lãnh đạo

      Sự bất định không chỉ xoay quanh cuộc chuyển giao lãnh đạo, mà còn cả các diễn biến chính trị rộng hơn tại Trung Quốc tiếp đây, cũng như bản chất của việc nước này tham gia vào thế giới bên ngoài.

    • Mỹ - Trung vào cuộc chạy đua vũ trang mới3

      Mỹ - Trung vào cuộc chạy đua vũ trang mới

      Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua đã liên tục có quyết định liên quan đến việc bố phòng các lực lượng quân sự trong khu vực.

    • Trung Quốc giằng xé giữa các lợi ích4

      Trung Quốc giằng xé giữa các lợi ích

      Dù muốn khai thác Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF như một công cụ để nâng cao vị thế của quốc gia trong định chế tài chính này, nhưng do yêu cầu đối nội, Bắc Kinh sẵn sàng bỏ qua các nghi thức ngoại giao thông thường nhất.

    • Tương lai bấp bênh của Trung Quốc5

      Tương lai bấp bênh của Trung Quốc

      Theo tác giả Jonathan Levine trên trang Nationalinterest, khi Trung Quốc đưa ra thông báo về ngày tiến hành chuyển giao quyền lực chính thức là 8/11 có thể coi đây là lời thông báo về một quá trình chuyển giao đầy đau đớn của nước này. Giới lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ đối mặt với vô số khó khăn và con đường phía trước Trung Quốc còn rất bấp bênh.

    • 6

      Những điểm xung đột trên biển Tây Thái Bình Dương

      Nơi mà xưa từng là một vùng biển tương đối thanh bình ở Tây Thái Bình Dương, giờ đã trở thành cái mồi lửa sẵn sàng nổ tung. Tôi đang nói về một khu vực trải dài, vượt ra khỏi biển Nhật Bản, xuống tới tận biển Hoa Đông, xuyên eo biển Đài Loan và kéo dài tới Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam), với tổng diện tích khoảng 5,8 triệu km2 (2,2 triệu dặm vuông).

    • Nhìn lại nguồn gốc tranh chấp Trung - Nhật7

      Nhìn lại nguồn gốc tranh chấp Trung - Nhật

      Quần đảo đang nằm trong tâm điểm tranh cãi giữa Nhật Bản và Trung Quốc hiện nay có tên Senkaku theo cách gọi của Tokyo, Điếu Ngư theo cách gọi của Bắc Kinh.

    • Biển Đông đẩy Hoa Kỳ và Trung Quốc đến bờ chiến tranh lạnh ?8

      Biển Đông đẩy Hoa Kỳ và Trung Quốc đến bờ chiến tranh lạnh ?

      Trong bài nhận định đăng trên trang web của Hội Asia Society tại New York ngày 02/10/2012, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason, tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ) đã cho rằng tranh chấp Biển Đông hiện nay, với thái độ lấn lướt của Trung Quốc và quyết định can dự của Hoa Kỳ đã có đầy đủ dấu hiệu của một cuộc ‘chiến tranh lạnh mới’. Theo ông cần phải công nhận thực tế này thì mới có được giải pháp né tránh thích hợp.