Tin Biển Đông

 
 
 

Trung Quốc giằng xé giữa các lợi ích

  • Cập nhật : 12/10/2016

Dù muốn khai thác Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF như một công cụ để nâng cao vị thế của quốc gia trong định chế tài chính này, nhưng do yêu cầu đối nội, Bắc Kinh sẵn sàng bỏ qua các nghi thức ngoại giao thông thường nhất.

 

Đối với Trung Quốc, thái độ đối với khủng hoảng Trung-Nhật quan trọng hơn đối với kỳ họp hàng năm của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và Ngân hàng thế giới WB.

Những ngày qua, tất cả các hãng thông tấn quốc tế đều nhất loạt đưa tin: Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên và Bộ trưởng tài chính Trung Quốc Tạ Húc Nhân đã hủy chương trình dự kiến bay sang Tokyo để tham gia Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Phái đoàn Trung Quốc dự Hội nghị sẽ do phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Dịch Cương và Thứ trưởng Tài chính Chu Quang Diệu dẫn đầu.

Theo giới quan sát, động thái trên đây của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh rất coi trọng việc tỏ rõ lập trường không khoan nhượng của nước này trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.

Màn biểu diễn lập trường này có thể đối ngược lại các lợi ích của chính Trung Quốc khi nước này đã từng tuyên bố: các nền kinh tế mới nổi nên có tiếng nói lớn hơn trong các thể chế ra quyết sách tài chính toàn cầu như IMF hay WB.

Ảnh hưởng chính lợi ích của Trung Quốc

Quyết định trên đây của Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc đối thoại giữa nền kinh tế thứ hai và thứ ba của thế giới. Trung Quốc và Nhật Bản gần đây đã đạt được thỏa thuận về một loạt các hiệp định kinh tế và tài chính, trong đó có việc trao đổi trực tiếp giữa đồng Yên và đồng Nguyên (đồng Nhân dân tệ). Thỏa thuận này sẽ mở đường để bảo vệ các nhà xuất/nhập khẩu của mỗi nước tránh khỏi bất cứ sự mất ổn định nào trong tỷ giá hối đoái nếu phải thường xuyên thông qua đồng Đôla Mỹ. Trung Quốc cũng đã hoàn tất các điều khoản của một hiệp định để Nhật Bản có thể bắt đầu mua trái phiếu chính phủ Trung Quốc.

Với việc gây đối đầu với đối tác thương mại lớn nhất của mình, Trung Quốc có thể làm xói mòn tăng trưởng kinh tế Nhật Bản. Một lo ngại khác từ Châu Âu là, hành động tẩy chay kỳ họp mùa Thu này với IMF&WB cho thấy Trung Quốc còn muốn "điểm huyệt" cuộc khủng hoảng nợ của các thành viên EU. Ông Robert Dujarric, một học giả từ trường Đại học Temple (Nhật Bản) nhận định: "Bắc Kinh biết rằng họ quan trọng với đồng Euro. Hơn nữa, việc tấn công vào Nhật Bản cũng đồng nghĩa là tấn công vào Mỹ, một thành viên quan trọng của IMF".

Ngày 12/10, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde nói: Trung Quốc đã sai lầm khi quyết định không gửi bộ trưởng tài chánh và thống đốc ngân hàng nhà nước đến Tokyo dự cuộc họp hàng năm do Ngân Hàng Thế Giới và IMF tổ chức. Phát biểu với báo chí ở Nhật Bản, bà Lagarde cho rằng, sự vắng mặt lần này là điều bất lợi cho chính bản thân Bắc Kinh, vì Trung Quốc sẽ không có đại diện trong những cuộc thảo luận và quyết định quan trọng liên quan đến tình hình cũng như phương cách giải quyết kinh tế toàn cầu.

Giám đốc chương trình Đông Á  tại Viện Lowy, Tổ chức tư vấn tại Sidney (Úc), bà Linda Jakobson nhận định: "Trung Quốc đang phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng, tranh chấp chủ quyền là vấn đề quan trọng đối với ban lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh. Việc này đối với Trung Quốc chắc chắn lớn hơn việc ra quyết định về các vấn đề tài chính toàn cầu. Các nước khác sẽ bất ngờ trước quyết định này của Trung Quốc". Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Koriki Jojima vừa nhậm chức được hơn chục ngày cũng "lấy làm tiếc" khi cả hai quan chức cao cấp của Trung Quốc không đến tham dự Hội nghị của IMF&WB, đồng thời cho biết thêm: "Từ quan điểm toàn cầu, chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với Trung Quốc".

Tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Dương Khiết Trì chỉ nói rằng việc cử những viên chức cấp cao sang Tokyo là điều không thuận lợi ngay trong lúc này. Phát biểu này được hiểu là căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật liên quan đến vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư đã lây lan từ những cọ xát về an ninh-chính trị sang các lĩnh vực kinh tế-tài chính.

Trong bài bình luận sáng 11/10, đài phát thanh Trung Quốc nói rằng tình hình chỉ có thể dịu bớt với điều kiện Tokyo phải lên tiếng xin lỗi Bắc Kinh vì đã gây ra căng thẳng khi tự nhận là có chủ quyền ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Nhiều nhà phân tích quốc tế có chung nhận xét: Trung Quốc đang ở thời điểm "rối loạn đao pháp". Một mặt, cần tranh thủ các định chế tài chính quốc tế như một khí cụ để giành cho đồng nội tệ một vị trí tương xứng trong "rổ tiền tệ" của IMF, mặt khác, Trung Quốc cũng muốn thông qua các mối liên kết tay ba, tay tư nhằm giảm bớt trọng lượng của đồng Đôla. Muốn vậy, Trung Quốc không thể không tính đến vai trò của Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Tuy nhiên, trước thời điểm khai mạc đại hội 18 của đảng Cộng sản, Trung Quốc muốn khuyếch trương sự đồng thuận nội bộ ở một mức nào đấy. Vì vậy, Trung Quốc sẵn sàng khai thác tối đa mọi khủng hoảng với bên ngoài để "vỗ về" những biểu hiện sô-vanh nước lớn và bài ngoại quá khích, mặc dù việc làm này có thể đi ngược lại các mục tiêu dài hạn của chính Trung Quốc.

Giới quan sát quốc tế còn cho rằng, sự thiếu vắng hai quan chức đứng đầu ngành tài chính của Trung Quốc trong bối cảnh có tranh chấp lãnh hải Trung-Nhật như thế gây phương hại cho tham vọng của Trung Quốc muốn đóng vai trò và có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề quốc tế.

Vì ổn định của tài chính toàn cầu

Trong khi đó, mặc dù cũng có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Nhật Bản, nhưng Hàn Quốc vẫn cử các quan chức tài chính và ngân hàng cấp cao nhất tới Tokyo. Bộ trưởng Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Bahk Jae-wan đã có cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp Nhật Bản Koriki Jojima hôm 11/10. Hẳn nhiên, Hàn Quốc có cách lập luận riêng: quyết định ấy là do các nước trong hai Hội đồng Thống đốc của hai tổ chức đưa ra, chứ không phải là một quyết định mang ý nghĩa song phương.

Quả thật, kỳ họp hàng năm lần này ở Tokyo của hai định chế tài chính quan trọng nhất toàn cầu là một quyết định mang tính quốc tế và có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định chung của nền tài chính thế giới.

Bản báo cáo do IMF và WB vừa công bố về "sự ổn định của nền tài chính toàn cầu" đã nói lên điều đó. Bản báo cáo cảnh báo rằng lòng tin của các nhà đầu tư vẫn rất mong manh trong khi nguy cơ bất ổn của kinh tế thế giới tiếp tục gia tăng. Giám đốc kiêm cố vấn tài chính của IMF Jose Vinals cho rằng cần có những chính sách chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo ổn định tài chính toàn cầu.

Theo bản báo cáo, bài học xương máu cho các thị trường tài chính lớn như Mỹ và Nhật Bản từ cuộc khủng hoảng tại Eurozone là một khi việc điều chỉnh chính sách diễn ra quá muộn, chỉ đến khi những căng thẳng trên thị trường bộc lộ rõ nét các nhà hoạch định chính sách mới ra tay thì hậu quả sẽ là một thị trường tài chính rối ren và gây nguy hiểm cho các nền kinh tế nói chung.

IMF kêu gọi các chính phủ và ngân hàng trung ương triển khai các biện pháp cần thiết như  siết chặt chính sách nhằm đối phó với khủng hoảng và giành lại lòng tin của nhà đầu tư  cũng như người tiêu dùng. IMF cảnh báo Nhật Bản có thể lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công giống như Eurozone nếu không cải thiện được mức nợ công cao kỷ lục và nguy cơ ngày càng tăng của các ngân hàng trước trái phiếu chính phủ. IMF thúc giục Tokyo có các biện pháp cần thiết để cải thiện tình hình tài chính có mức nợ công lớn nhất trong số các nước phát triển và buộc các ngân hàng trong nước nhận ra các rủi ro gắn với việc giữ nhiều khoản nợ công.

Một diễn biến khác liên quan đến cuộc họp sẽ kết thúc vào ngày 14/10 tới đây: cả hai định chế tài chính này đều kêu gọi Hoa Kỳ và Châu Âu phải sớm giải quyết tình trạng nợ nần, coi đó là trở ngại của nền kinh tế và phát triển toàn cầu. Đối với trường hợp của Tây Ban Nha và Hy Lạp, có tin nói là hội nghị sẽ đồng ý cho hai nước này thêm thời gian để thực hiện kế hoạch cân bằng ngân sách. Vẫn chưa rõ khoảng thời gian dành cho hai quốc gia trong khối EU là bao nhiêu, dù có tin nói cả Tây Ban Nha lẫn Hy Lạp sẽ có thêm 24 tháng để giải quyết.
 

 

Tác giả: Nguyễn Thiều Quang
Nguồn: Tuần Việt Nam


 

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục

    • Căng thẳng Trung - Nhật:  “Nếu chiến tranh sẽ không ai chiến thắng”1

      Căng thẳng Trung - Nhật: “Nếu chiến tranh sẽ không ai chiến thắng”

      Cuối tháng 9-2012, sau những cuộc biểu tình bạo lực chống Nhật ở Trung Quốc, hơn 80 trí thức Trung Quốc đã ký tên kêu gọi đối thoại giữa hai nước.

    • Trung Quốc - IMF: giận cá chém thớt2

      Trung Quốc - IMF: giận cá chém thớt

      Vừa muốn tranh thủ IMF để nâng vị thế đồng tiền nội địa trong “rổ tiền tệ”, vừa thích tỏ ra là một “cổ đông” có trách nhiệm tại các định chế tài chính quốc tế giải quyết thiên hạ đại sự, nhưng vào phút chót, Bắc Kinh lại phớt lờ các cuộc họp của IMF&WB tại Nhật Bản. Tại sao Trung Quốc loạn đao pháp đến thế?

    • Tẩy chay Hoa Vĩ và Trung Hưng, Mỹ “dằn mặt” Trung Quốc3

      Tẩy chay Hoa Vĩ và Trung Hưng, Mỹ “dằn mặt” Trung Quốc

      Sau một năm điều tra, ngày 8/10/2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ công bố báo cáo cho biết, có bằng chứng rằng hai tập đoàn viễn thông Trung Quốc - Hoa Vĩ (Huawei) và Trung Hưng Thông Tấn (ZTE Corp) - đang trở thành hiểm họa an ninh đối với Mỹ. Chủ tịch Ủy ban trên, dân biểu Cộng hòa Mike Rogers, thậm chí kêu gọi các công ty Mỹ ngưng làm ăn với Hoa Vĩ!

    • Chiến tranh thương mại Nhật - Trung: Thế giới vạ lây4

      Chiến tranh thương mại Nhật - Trung: Thế giới vạ lây

      Trong khi sóng gió ngoại giao ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chưa tan, cơn bão chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á Nhật - Trung đã xuất hiện với những cảnh báo căng thẳng, đe dọa bùng phát xung đột kinh tế và nó giống như “thanh gươm Damocles” treo lơ lửng bên trên nền kinh tế thế giới.

    • Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh:  Vùng trũng an ninh dưới “lát cắt” chiến lược5

      Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh: Vùng trũng an ninh dưới “lát cắt” chiến lược

      Thời gian gần đây, tranh chấp trên biển ở khu vực Tây Thái Bình Dương đang có dấu hiệu tăng nhiệt. Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực diễn biến phức tạp, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

    • Brics: Những người hùng đang yếu dần6

      Brics: Những người hùng đang yếu dần

      Trong ba năm qua, sự suy xét thông thường chia các nền kinh tế lớn của thế giới làm hai nhóm cơ bản - nhóm BRICS và nhóm SICKS (ốm yếu). Mỹ và EU thuộc nhóm ốm yếu - đang phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp cao, tăng trưởng chậm và các món nợ kinh hoàng. Ngược lại, Brics (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và theo một số đánh giá khác là Nam Phi) năng động hơn rất nhiều. Các nhà đầu tư, doanh nhân và chính trị gia phương Tây đã thực hiện nhiều chuyến đi đến đó để nhìn về tương lai.

    • Bắc Kinh: Bắt nạt, hăm dọa, gây sức ép trên Biển Đông7

      Bắc Kinh: Bắt nạt, hăm dọa, gây sức ép trên Biển Đông

      Bắt nạt, hăm dọa, gây sức ép kinh tế và ngoại giao là hình mẫu chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

    • Giải mã 5 cách Trung Quốc thay đổi thế giới8

      Giải mã 5 cách Trung Quốc thay đổi thế giới

      Quyền lực kinh tế mở rộng, Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực, làm cả thế giới đổi thay.