Tin Biển Đông

 
 
 

Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh: Vùng trũng an ninh dưới “lát cắt” chiến lược

  • Cập nhật : 12/10/2016

Thời gian gần đây, tranh chấp trên biển ở khu vực Tây Thái Bình Dương đang có dấu hiệu tăng nhiệt. Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực diễn biến phức tạp, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh nói:

Trong địa chất, khi hai mảng kiến tạo địa chất lớn đè lên nhau sẽ tạo ra “đới đứt gẫy” xung yếu, thường là một dải trũng, nơi thường hay xảy ra động đất, sụt lún, đứt gẫy. Từ góc độ địa chính trị, khu vực Tây Thái Bình Dương cũng có thể xem như “đới đứt gẫy” do nằm giữa hai mảng kiến tạo địa chính trị lớn nhất thế giới là lục địa Á-Âu và Thái Bình Dương. Đây chính là một vùng trũng an ninh, nơi có mức độ an ninh thấp nhất, lòng tin cậy lẫn nhau kém nhất, nguy cơ bùng phát xung đột cao nhất, vượt xa các vùng xung quanh. Những tranh chấp nổi lên hiện nay cơ bản tồn đọng từ thời Chiến tranh Lạnh. Đó là tranh chấp giữa Nga-Nhật, giữa Trung-Nhật, giữa Hàn-Nhật, sự chia cắt tại eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên, rồi kéo dài xuống Biển Đông. Biển Đông là chỗ rộng nhất của đới đứt gẫy địa chính trị này nên tranh chấp cũng phức tạp nhất, bao gồm cả song phương và đa phương.

Ông Đặng Xuân Thanh

 

Cân bằng chiến lược và một cơ chế an ninh chung

Chính đặc điểm vùng trũng an ninh này lại ảnh hưởng tới hành vi chiến lược của các quốc gia trong khu vực. Thứ nhất là các quốc gia đều ra sức củng cố an ninh của mình bằng cách tăng cường sức mạnh. Nhưng khi ai cũng cố nâng cao an ninh của mình lên một cách riêng lẻ thì tự khắc sẽ ảnh hưởng đến an ninh của người khác. Hệ quả là sẽ tạo ra một vòng xoáy chạy đua sức mạnh mà trong giới nghiên cứu chiến lược gọi là “nan đề về an ninh”. Nói một cách đơn giản là khi mọi người đứng xung quanh một cái hố, mạnh ai nấy đều cố gắng bồi đắp, tôn tạo chỗ đứng của mình thêm cao hơn, vững hơn thì tự khắc cái hố lại càng trở nên sâu hơn. Thứ hai là kiểu hành vi “thăng bằng bên miệng hố chiến tranh” - tức là các hành động thách thức nhau theo kiểu “ăn miếng, trả miếng”, chủ động đẩy tình hình đến chỗ căng thẳng nhằm buộc bên kia phải nhượng bộ. Tình hình Bán đảo Triều Tiên là một trong ví dụ tiêu biểu về kiểu hành vi này. 
Là một bộ phận của Tây Thái Bình Dương, nên xét về mặt chiến lược, tranh chấp Biển Đông là một quá trình khách quan và trên thực tế đã diễn ra từ lâu và cũng không thể giải quyết được một sớm một chiều. Hiện nay, tình hình Biển Đông nóng lên là do ngày càng mất cân bằng chiến lược bởi sức mạnh gia tăng của Trung Quốc. Khi chưa có một khuôn khổ để duy trì an ninh chung thì việc mất cân bằng đương nhiên dẫn tới sự chạy đua để tạo đối trọng.

Về căn nguyên chiến lược là như vậy nhưng tình huống lại càng trở nên phức tạp hơn khi còn bị tác động bởi các yếu tố khác. Một là, khi một nước nổi lên thì bao giờ cũng kéo theo sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, quá khích, thậm chí cực đoan. Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước có điểm giống nhau là cùng muốn bảo vệ và tôn vinh lợi ích, giá trị, chuẩn mực của quốc gia, dân tộc. Nhưng điểm khác nhau căn bản giữa hai chủ nghĩa này là người yêu nước chân chính bảo vệ, tôn vinh lợi ích, giá trị, chuẩn mực của quốc gia, dân tộc của mình nhưng không vì thế mà hạ thấp, bôi nhọ, xâm hại lợi ích, giá trị, chuẩn mực của quốc gia, dân tộc khác, ngược lại, những người theo chủ nghĩa dân tộc quá khích lại thường bất chấp, thậm chí còn kích động hằn thù dân tộc. Chính chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan lại làm cho tình hình trở nên phức tạp, gây tổn hại đến lợi ích của chính quốc gia, dân tộc mình. Tất cả các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đều cần có môi trường hòa bình để tiếp tục phát triển, nên nếu bị cuốn vào vòng xoáy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan thì đúng là thảm họa. 

Thứ hai là việc Mỹ “xoay trục chiến lược” trở lại châu Á buộc tất cả các nước trong khu vực phải “xoay trục thứ cấp”, tức là phải điều chỉnh chính sách, cả đối nội và đối ngoại, để tạo được thế cân bằng, vững chãi hơn. Nhưng việc “xoay trục thứ cấp” cũng không hề đơn giản bởi vừa phải hợp tác với anh này vừa phải hợp tác với anh kia, vừa phải tìm cách tránh sức ép từ phía bên này, vừa hóa giải sức ép từ phía bên kia.

Với hiện trạng nói trên, theo tôi để bảo đảm an ninh Biển Đông, trước tiên phải tạo ra cơ chế bảo đảm an ninh chung, nói cách khác là cơ chế an ninh tập thể. Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) hay sắp tới là Bộ Quy tắc ứng xử (COC) là những bước đầu tiến tới cơ chế này. Nếu tất cả các bên biết kiềm chế, cùng coi an ninh Biển Đông là giá trị, tài sản chung, chứ không phải giá trị hay tài sản của riêng mình, thì theo tôi, từ COC có thể tiến tới những bước xa hơn. Đó là xây dựng một hiệp ước an ninh chung dựa trên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982, để biến Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình. Nói tóm lại, khía cạnh chiến lược và khía cạnh pháp lý phải đi song song mới giải quyết được vấn đề Biển Đông.

PV:  Ông nghĩ thế nào về vai trò của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông?

Tôi cho rằng ASEAN đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò ngày càng then chốt trong việc thúc đẩy thực hiện DOC và ký kết COC. An ninh ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước ASEAN chứ không phải của riêng nước nào. Do đó, vai trò của ASEAN trong vấn đề an ninh Biển Đông rất lớn. Bất kỳ ai chia rẽ hay làm suy yếu ASEAN thì chính là họ đang tự ghè đá vào chân mình, bởi họ đã chia rẽ những nhân tố tích cực, then chốt nhất góp phần củng cố an ninh chung.
Nuôi dưỡng lòng tin

PV: Ông đã đề cập nhiều đến phương thức bảo đảm an ninh ở Biển Đông, nhưng trước những diễn biến phức tạp trên thực tế gần đây, liệu có khả năng xảy ra một cuộc xung đột trên Biển Đông hay không?

Tôi cho rằng, vào thời điểm hiện tại, ngay cả khi có ý đồ gây căng thẳng ở Biển Đông, thì khó có quốc gia nào thực sự muốn châm ngòi cho xung đột. Ngay cả với Trung Quốc, nếu manh động thì thiệt hại cho Trung Quốc là rất lớn, bởi vì lúc đó sẽ nhanh chóng đẩy các nước còn lại liên minh với nhau hình thành đối trọng. Tuy nhiên, rủi ro bùng phát xung đột là có thật. Tình trạng “nan đề về an ninh” hàm ý một sự thiếu hụt lớn về lòng tin khiến người ta luôn phải “muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh” khiến rủi ro này tăng lên. 

PV: Như vậy việc bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình có khả thi không?

Tôi tin là hoàn toàn có thể. Trước tiên là phải xây dựng lòng tin. Thực tế, ASEAN và Trung Quốc đã có DOC, sắp tới có thể sẽ ký COC. Đối với Việt Nam và Trung Quốc, lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã có những thỏa thuận quan trọng, gần đây nhất là Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển được ký cuối năm 2011. Nếu đi ngược lại cam kết của lãnh đạo cấp cao tức là đi ngược lại lợi ích quốc gia của mình. 

PV: Ông nhấn mạnh đến việc xây dựng lòng tin. Vậy làm thế nào để xây dựng lòng tin?

Lòng tin là yếu tố nền tảng trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội. Nếu không có lòng tin thì mọi tổ chức xã hội đều tan rã. Để có lòng tin thì người ta phải xây dựng, vun đắp và đầu tư vào nó. Nó cũng như cái cây, không chăm sóc thì sẽ chết.

Quan hệ Việt-Trung rất rộng, mặt hợp tác là chủ đạo, song cũng có yếu tố gây xói mòn lòng tin, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Trước hết, các bên đều phải kiềm chế, không làm tình hình Biển Đông trở nên phức tạp, căng thẳng thêm. Lòng tin không phải thứ có thể xây dựng được trong ngày một, ngày hai nên cần phải kiên trì. Các cơ chế hai bên đã thiết lập cần phải được phát huy và thực thi, nếu không chẳng những không tăng cường được lòng tin mà có khi tạo tác dụng ngược. Các bên cũng cần sự minh bạch, không che giấu ý đồ của mình. Các kênh trao đổi thông tin, hợp tác cùng có lợi cần được mở rộng và tăng cường; thúc đẩy xây dựng các cơ chế kiểm soát, giám sát việc thực hiện các cam kết. Nếu xảy ra vấn đề nhỏ thì lập tức phải gặp nhau để giải quyết, ngăn ngừa biến thành chuyện lớn. Việc giải quyết cần song hành cùng với công tác truyền thông kịp thời, chân thành, xác thực cho người dân, tránh kiểu kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Bài và ảnh: Bảo Trung - Vũ Hùng
Theo Quân Đội Nhân Dân

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục

    • Trung Quốc ngày càng 'đẩy châu Á về phía Mỹ'1

      Trung Quốc ngày càng 'đẩy châu Á về phía Mỹ'

      Theo tác giả Walter Russell Mead của tờ The American Interest, việc các ngân hàng lớn của Trung Quốc tẩy chay hội nghị thường niên của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế ở Tokyo vào tuần này cho thấy nước này không giỏi lắm về chính sách ngoại giao.

    • Washington 'xoay trục về châu Á' để duy trì 'tự do di chuyển'2

      Washington 'xoay trục về châu Á' để duy trì 'tự do di chuyển'

      Năm 1978, trong một chuyến thăm tới Nhật Bản, Đặng Tiểu Bình là người đầu tiên trong giới lãnh đạo Trung Quốc có cuộc họp báo kiểu Tây tại đây.

    • Những toan tính của Trung Quốc ở Biển Đông3

      Những toan tính của Trung Quốc ở Biển Đông

      Tranh chấp Trung-Nhật liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang gây ra cuộc khủng hoảng giữa hai nước, song tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông mới chính là cái được mất có tính chiến lược sống còn đối với Trung Quốc.

    • Trung-Mỹ tăng cạnh tranh chiến lược ở châu Á-TBD4

      Trung-Mỹ tăng cạnh tranh chiến lược ở châu Á-TBD

      Mạng tin Lancaster Eagle (Mỹ) ngày 11/10 cho biết, Trung Quốc và Mỹ đang tăng cường cạnh tranh chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự ngày càng tăng để đe dọa các nước đồng minh của Mỹ ở châu Á, ngăn chặn sự hiện diện quân sự của Mỹ trên Biển Đông, biển Hoa Đông và cắt đứt các tuyến đường thâm nhập vào các khu vực chung toàn cầu của Mỹ.

    • Trung - Nhật đẩy mạnh cuộc chiến tuyên truyền về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku5

      Trung - Nhật đẩy mạnh cuộc chiến tuyên truyền về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku

      Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới nhận định của tướng “diều hâu” Trung Quốc La Viện khi ông cho rằng, theo lịch sử, đảo Okinawa, nơi có 1,3 triệu dân Nhật Bản cùng căn cứ quân sự lớn của Mỹ cũng thuộc chủ quyền Trung Quốc.

    • Senkaku/Điếu Ngư - một sự “báo thù” của địa lý?6

      Senkaku/Điếu Ngư - một sự “báo thù” của địa lý?

      Tiếng súng đấu khẩu giữa Nhật và Trung Quốc (bao gồm Hoa lục, Hongkong và Đài Loan) quanh chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã đến hồi cực kỳ “khét lẹt”. Nó đã cho thấy rõ cái yếu tố mà tác giả Robert D. Kaplan gọi là “sự báo thù của địa lý” trong quyển sách mới xuất bản của mình, trong đó bản đồ và những tranh chấp địa lý xuất phát từ đó, chứ không gì khác mới là ngòi nổ của các cuộc xung đột và thậm chí chiến tranh tương lai không xa…

    • Đài Loan “đục nước béo cò” với tranh chấp Senkaku?7

      Đài Loan “đục nước béo cò” với tranh chấp Senkaku?

      Theo mạng tin tình báo Stratfor (Mỹ) ngày 11/10, giống như Trung Quốc và Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với tên gọi ở Đài Loan là Điếu Ngư Đài. Tuy nhiên, không như Trung Quốc và Nhật Bản, Đài Loan không thể trực tiếp thách thức các tuyên bố chủ quyền của bên kia mà chỉ giữ vai trò hạn chế trong tranh chấp này.

    • Trung Quốc: Những bất định trước giờ chuyển giao lãnh đạo8

      Trung Quốc: Những bất định trước giờ chuyển giao lãnh đạo

      Sự bất định không chỉ xoay quanh cuộc chuyển giao lãnh đạo, mà còn cả các diễn biến chính trị rộng hơn tại Trung Quốc tiếp đây, cũng như bản chất của việc nước này tham gia vào thế giới bên ngoài.