Trong những năm gần đây, khi nói về Trung Quốc người ta thường dùng cụm từ “Nước giàu, dân nghèo”. Nhưng một chuyên gia nghiên cứu của Hong Kong lại khẳng định, còn lâu Trung Quốc mới có thể được coi là một nước giàu.
Trung - Nhật đẩy mạnh cuộc chiến tuyên truyền về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku
- Cập nhật : 12/10/2016
Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới nhận định của tướng “diều hâu” Trung Quốc La Viện khi ông cho rằng, theo lịch sử, đảo Okinawa, nơi có 1,3 triệu dân Nhật Bản cùng căn cứ quân sự lớn của Mỹ cũng thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới học giả phương Tây và Nhật Bản cho rằng, mối liên hệ về Okinawa với Trung Quốc không thể là cơ sở cho việc tuyên bố chủ quyền ngày nay, bởi rất nhiều quốc gia từng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc trong thời kỳ cổ đại tại châu Á, nhưng hiện đều độc lập.
Từ những sức ép ngoại giao
Ngày 10/10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên và Bộ trưởng Tài chính Tạ Húc Nhân không tham dự hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Tokyo. Đây là lần đầu tiên trong gần nửa thập kỷ qua, hội nghị thường niên của IMF và WB được tổ chức tại Nhật Bản với hơn 20.000 người tham dự, nhưng sự vắng mặt của 2 quan chức cấp cao Trung Quốc thực sự khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Trước đó (9/10), Tân Hoa Xã từng khẳng định, 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc bao gồm Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Kiến Thiết và Ngân hàng Nông nghiệp đều không tham dự hội nghị kể trên. Đây được coi là động thái của Trung Quốc nhằm phản đối Nhật Bản xung quanh tranh chấp tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thời gian gần đây. Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde vừa đưa ra cảnh báo, nền kinh tế thế giới yếu ớt sẽ không thể trụ được nếu Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục dấn sâu vào cuộc chiến giành chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bà Christine Lagarde đưa ra cảnh báo kể trên sau khi các ngân hàng Trung Quốc rút khỏi hội nghị thường niên của IMF và WB.
Tên lửa Đông Phong DF-21C
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda vừa lên tiếng cảnh báo tình trạng an ninh bất ổn xung quanh đất nước mặt trời mọc và yêu cầu lực lượng phòng vệ chuẩn bị ứng phó trước mọi biến cố có thể xảy ra. Theo đó, Nhật Bản sẽ điều binh sĩ đến đảo Yonaguni trên biển Hoa Đông từ nay tới năm 2015. Đây là lần đầu tiên Tokyo đưa quân đồn trú tại chuỗi đảo tiền tiêu nằm giữa Okinawa và Đài Loan, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ tăng số lượng tàu ngầm từ 16 lên 22 chiếc, tàu chiến trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis từ 4 lên 6 chiếc và sẽ sở hữu 3 đội tàu sân bay vào năm 2016. Thủ tướng Yoshihiko Noda cũng muốn dỡ bỏ giới hạn về “phòng vệ tập thể” - cho phép một quốc gia tham gia phản công nếu đồng minh của mình bị tấn công.
Ngày 10/10, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết, Tokyo vừa khiển trách nghiêm khắc Thứ trưởng Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Eiichiro Washio vì đã đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ông Osamu Fujimura nhấn mạnh, Thứ trưởng Eiichiro Washio không có ý nói Trung Quốc có thể sở hữu quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Trước đó (8/10), tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản có bài viết cho rằng, việc 7 tàu chiến Trung Quốc đi qua eo biển Miyako mà không thông báo là hành động coi thường và vi phạm thỏa thuận “thông báo trước với Nhật Bản”. Ngày 6/10, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết, 3 tàu ngư chính Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải gần các đảo Kuba và Uotusri thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và đây là ngày thứ 5 liên tiếp hoạt động kể trên diễn ra.
Ngày 10/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Senkaku/Điếu Ngư khi ông cho rằng, một tấm bản đồ của Trung Quốc xuất bản năm 1960 đã mô tả quần đảo này thuộc lãnh thổ Nhật Bản. Ông Koichiro Gemba đã trích dẫn một bức thư đánh giá của viên lãnh sự Cộng hòa Trung Hoa lúc bấy giờ tại Nagasaki vào năm 1920 gửi cho một người Nhật Bản, theo đó quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc quận Yaeyama, tỉnh Okinawa. Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara vừa tuyên bố, không quan tâm tới các quyết định của Thủ tướng Yoshihiko Noda bởi ông muốn xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông Shintaro Ishihara đang cố gắng giành được sự ủng hộ từ chính phủ để sử dụng 19 triệu USD từ quỹ quyên góp trong việc xây dựng một ngọn hải đăng, một trạm phát sóng radio hoặc các thiết bị cảng cơ bản nhằm bảo đảm sự an toàn cho ngư dân Nhật Bản.
Động thái mới của Trung Quốc
Ngày 9/10, Tân Hoa Xã đăng bài bình luận với nhan đề “Mỹ hãy nói đi đôi với làm” nhằm phản đối những động thái gần đây của Mỹ tại Thái Bình dương liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Tân Hoa Xã cho rằng, việc Mỹ triển khai 2 tàu sân bay tại Tây Thái Bình dương trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang lên cao dễ khiến cho Nhật Bản hiểu lầm về sự ủng hộ của Mỹ đối với tuyên bố chủ quyền của Tokyo.
Tân Hoa Xã cáo buộc Mỹ tiền hậu bất nhất, vi phạm lập trường trung lập của nước này đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực. Theo Tân Hoa Xã, để có vai trò mang tính xây dựng hơn tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ cần dập tắt những hành động khiêu khích của Nhật Bản và chấn chỉnh lại nỗ lực đưa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vào phạm vi bảo vệ của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật.
Tàu sân bay USS George Washington
Thông tin trên tờ China Securities Journal thực sự khiến dư luận quan tâm khi Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc vừa chính thức đặt hàng Tập đoàn công nghiệp đóng tàu nước này đóng thêm 36 tàu hải giám và dự kiến sẽ đưa số tàu này vào hoạt động trong vòng 2 năm tới. Hiện lực lượng Hải giám Trung Quốc đang có hơn 400 tàu với hơn 10.000 nhân viên.
Ngày 10/10, Đài Truyền hình Hồ Bắc, Trung Quốc đã phát một đoạn phim có nhan đề “Tên lửa DF-21C hướng tới toàn bộ mục tiêu quân sự của Nhật Bản”. Theo đó, Trung Quốc đã bố trí tên lửa Đông Phong DF-21C tại khu vực ven biển Hoa Đông, đồng thời mô phỏng việc những tên lửa này nhắm bắn các mục tiêu quân sự của Nhật Bản. Trước đó, báo chí Nga từng đưa tin Trung Quốc đã bố trí tên lửa DF-21C tại tỉnh Phúc Kiến, giáp biển Hoa Đông, rất gần với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Ngày 10/10, CCTV đưa tin, Trung Quốc đang kêu gọi Nhật Bản quay trở lại bàn đàm phán về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã đặt điều kiện cho việc này - Điều quan trọng là Nhật Bản phải đối mặt với thực tế rằng, quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thừa nhận tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khắc phục những sai lầm vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và quay trở lại tìm giải pháp cho vấn đề thông qua đàm phán.
Chiến dịch quảng bá Điếu Ngư/Senkaku
Ngày 9/10, tờ Zee News của Ấn Độ đưa tin, Nhật Bản và Trung Quốc đang tăng cường thực hiện các chiến dịch ngoại giao toàn cầu với hy vọng giành ưu thế trong cuộc tranh chấp tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Theo tờ Thời báo Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã sẵn sàng chấp nhận thách thức từ Trung Quốc, cùng tuyên bố: Những cáo buộc của Bắc Kinh đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là vô căn cứ. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng vừa giới thiệu một tài liệu có tựa đề: “Ba sự thật về nhóm đảo Senkaku” và chỉ đạo các cơ quan ngoại giao Nhật Bản trên khắp thế giới đưa vấn đề này tới nước chủ nhà.
Trên trang web của mình, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng bố trí một khu vực đặc biệt để người đọc dễ dàng tiếp cận những thông tin liên quan bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh. Mặc dù Nhật Bản đã có những nỗ lực như vậy trong chiến dịch ngoại giao của mình nhưng một số quan chức Nhật Bản vẫn tỏ ra bi quan trước khả năng quá lớn của Trung Quốc trong việc tuyên truyền ở quy mô toàn cầu.
Được biết, Trung Quốc đang tận dụng hệ thống truyền thông nhà nước và các phương tiện khác để tuyên truyền về chủ quyền của Bắc Kinh tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tới cộng đồng quốc tế với quy mô có vẻ gần như áp đảo hoàn toàn so với Nhật Bản. Tuy nhiên, theo Larry Niksch, nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Trường đại học Georgetownở Washington DC, quân đội Trung Quốc không thể chiếm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku bất chấp những lời đe dọa của Bắc Kinh.
Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda
Ngày 8/10, tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc đăng bài bình luận với nhan đề “Nhật Bản đang chơi trò nguy hiểm” với nội dung cáo buộc Nhật Bản thách thức thắng lợi của nhân loại trước chủ nghĩa phát xít và trật tự của khu vực Châu Á - Thái Bình dương sau chiến tranh… Bài báo cũng cho rằng, Nhật Bản phải học cách thích nghi với sự hiện diện của các tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc trên biển Hoa Đông gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ngày 10/10, Đài Loan cũng đã đăng quảng cáo trên 4 tờ báo lớn của Mỹ (New York Times, Washington Post, Wall Street Journal và Los Angeles Times) nhằm tăng cường tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Giới truyền thông cho rằng, chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản hiện coi Trung Quốc là đối tượng tác chiến và các hoạt động trên biển ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc là mối đe dọa đối với các quốc gia khác trong khu vực, do đó thế trận phòng thủ của Nhật Bản cũng phải thay đổi để thích ứng. Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản cho rằng, cuộc đối đầu Trung - Nhật tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đã bước vào giai đoạn “cuộc chiến tiêu hao - so sánh sức chịu đựng”. Bởi chỉ cần không có bão và sóng lớn, tàu công vụ của Trung Quốc và Đài Loan sẽ không ngừng xuất hiện xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Giới chuyên môn cũng cho rằng, việc Trung Quốc sử dụng cảnh sát biển trong xung đột với Nhật Bản là không để cho Mỹ có cớ can thiệp.
Philippines chào đón Mỹ
Tuyên bố hôm 8/10 của ông Edilberto Adan, cựu tướng lĩnh quân đội và đang đứng đầu Ủy ban Hiệp định Thăm viếng Quân sự (VFA) của Philippines thực sự khiến dư luận quan tâm bởi diễn ra ngay trên tàu USS Bonhomme Richard của Mỹ, đang có mặt tại vịnh Subic để tham gia cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày với các lực lượng Philippines. Được biết, từ 8/10, lính thủy đánh bộ Philippines và Mỹ bắt đầu tập trận chung nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng ở vịnh Subic. Theo đó, việc Mỹ đang có kế hoạch đưa một số lượng lớn hạm đội tàu chiến đến Thái Bình Dương vào năm 2020 sẽ cần đến những vịnh nước sâu tự nhiên cho những chiếc tàu chiến và tàu ngầm kể trên và vịnh Subic có thể là một trong những lựa chọn của Washington.
Theo ông Edilberto Adan, căn cứ Subic có thể cung cấp những dịch vụ mà tàu chiến hoặc máy bay của Hải quân Mỹ cần. Dư luận cho rằng, việc Philippines mở rộng cửa đón tàu chiến Mỹ vào căn cứ Subic chủ yếu là nhằm đối phó với Trung Quốc. Tuyên bố kể trên của ông Edilberto Adan được đưa ra sau phát ngôn hôm 4/10 của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Lauro Baja Jr: Trung Quốc đã chăng dây ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và không một ngư dân cũng như không một tàu thuyền nào của Philippines có thể đi vào và điều này cho thấy, Trung Quốc đã kiểm soát trên thực tế đối với khu vực này. Cựu Thứ trưởng Lauro Baja Jr kêu gọi có hành động mạnh mẽ để khôi phục lại sự hiện diện của Philippines tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.
Ngày 8/10, Tân Hoa Xã đưa tin, từ 1 đến 7/10, Trung Quốc đã cử một phái đoàn thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải sang giao lưu học thuật, tuyên truyền và giới thiệu về các tuyên bố, chủ trương của Trung Quốc đối với Biển Đông tại 3 nước Bắc Âu là Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển.
Trước đó, giới học giả từng khuyến cáo: “Chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ phá sản”. Lời cảnh báo của giới phân tích được đăng trên mạng An ninh và Quan hệ Quốc tế (ISN), một trong những trang hàng đầu thế giới chuyên cung cấp thông tin cho giới chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế và an ninh. Tác giả bài viết là Theresa Fallon, thành viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu châu Âu về châu Á (có trụ sở tại Bỉ) và Tiến sĩ Graham Ong-Webb, chuyên viên cố vấn phụ trách Văn phòng Đông Nam Á của tổ chức tư vấn rủi ro toàn cầu Control Risks đặt tại Singapore.
Theo 2 tác giả này, chiến lược hiện tại của Bắc Kinh tiếp tục khiến quan hệ giữa Trung Quốc với các nước hữu quan ngày càng trở nên phức tạp và quốc gia hơn 1,34 tỉ người đang đánh mất bạn bè vì cách hành xử của họ tại Biển Đông, cũng như biển Hoa Đông.
Ngày 8/10, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã có những trao đổi hữu nghị, nhưng không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào về tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Dokdo/Takeshima. Việc này diễn ra sau khi tàu khu trục Ariake của Nhật Bản diễn tập tự phát gần quần đảo Takeshima/Dokdo. Được biết, cuộc diễn tập bằng máy bay trực thăng hồi cuối tháng 9 của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản gần quần đảo Takeshima/Dokdo được thực hiện theo quyết định tự phát của viên chỉ huy tàu khu trục neo đậu tại vùng biển đó. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho rằng, cuộc diễn tập kể trên không phải là hành động vi phạm luật pháp quốc tế vì nó diễn ra trong vùng biển quốc tế. |
Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
(Năng lượng Mới số 163, ra thứ Sáu ngày 12/10/2012)