Theo một số nhà phân tích, những biện pháp trả đũa nhau về kinh tế sẽ gây thiệt hại cho cả Nhật Bản và Trung Quốc, do sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa hai nền kinh tế này.
Căng thẳng Trung – Nhật: Các bên sẽ đi tiếp như thế nào?
- Cập nhật : 12/10/2016
Cuộc khủng hoảng dù được giải quyết, nhưng chắc chắn quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo sẽ trở nên lạnh nhạt một thời gian dài.
Hoạt động của tàu sân bay USS George Washington tại biển Hoa Đông ngày 5.10 vừa qua. Ảnh: wiebinichdochsoherzlichfroh.wordpress.com |
Biển Hoa Đông lại tiếp tục nóng lên. Ngày 7.10, theo tin từ lực lượng tuần duyên Nhật, tám tàu tuần tra Trung Quốc vừa tiếp cận vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó, các tàu ngư chính Trung Quốc cũng đã ra/vào vùng biển tranh chấp suốt cả bảy ngày trong tuần. Tokyo đã nhiều lần tuyên bố sẽ hành động cương quyết đối với vấn đề Senkaku/Điếu Ngư và ra lệnh cho hàng chục tàu tuần tra Nhật sẵn sàng ứng phó.
Hậu quả kinh tế/ngoại giao
Ngày 7.10, theo báo Libération (Pháp), vụ tranh chấp lãnh thổ bắt đầu có dấu hiệu chuyển hướng thành cuộc chiến tranh kinh tế. Chiến dịch tẩy chay hàng hoá Nhật đã được tung ra; ngành công nghiệp xe ôtô của Nhật gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Đề tài này được số báo mới nhất đề cập trong một phân tích với tựa đề “Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư: tranh chấp đang nhấn chìm công nghiệp Nhật”. Hãng xe Toyota đang trả giá đắt cho trận cuồng phong bài Nhật tại Trung Quốc. Doanh thu bán ra của tập đoàn rớt xuống 33% chỉ trong tháng 9 vừa qua, thậm chí có thể đến 50% theo nhật báo Yomiuri Shimbun.
Vào thời điểm mà các hậu quả kinh tế/ngoại giao của cuộc tranh chấp đã trở nên hiển nhiên nhưng các nhà bình luận Trung Quốc vẫn tiếp tục kêu gọi chiến tranh với Nhật, Thủ tướng Noda đã tuyên bố công khai bác bỏ ý niệm tương nhượng, sau khi ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định các đảo đang tranh chấp là “lãnh thổ thiêng liêng” của Bắc Kinh. Cuộc khẩu chiến có lúc tưởng như có thể trở thành một cuộc chạm trán bằng súng đạn thật sự, khi 70 tàu tuần dương của cả hai nước đối diện trong lãnh hải gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trên cấp độ chính phủ, để chứng tỏ rằng “Bắc Kinh có thể nói không”, tất cả các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã quyết định không tham gia vào Hội nghị Thượng đỉnh của quỹ Tiền tệ quốc tế, dự kiến sẽ diễn ra trong tuần tới tại Tokyo. Hiện tại, nhiều tập đoàn bảo hiểm Nhật Bản đang ngập đầu với các đơn xin bồi thường thiệt hại đến từ các doanh nghiệp bị tàn phá tại Trung Quốc. Rất nhiều doanh nhân Nhật buộc phải trở về nước vì không xin được cuộc hẹn nào với chính quyền địa phương, hay đối tác của mình tại Trung Quốc. Những ai vẫn trụ lại thì không dám ra đường vì sợ bị hành hung.
Có vài dấu hiệu cho thấy lãnh đạo hai nước đang tìm cách giảm nhiệt. Đầu tháng này, ông Noda cải tổ nội các, trong đó đã bổ nhiệm cựu ngoại trưởng Makiko Tanaka, một người có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, vào một chức vụ trong chính phủ. Giới lãnh đạo Trung Quốc dường như cũng đang tìm cách ngăn chặn thái độ quá khích dẫn đến biểu tình hay bài Nhật công khai. Nhưng ngay cả khi tranh chấp có xu hướng giảm nhiệt, Thủ tướng Noda vẫn cảnh báo: Trung Quốc sẽ mất mát nhiều hơn Nhật Bản trong việc tiếp tục dấn thân vào xung đột. Ông Noda còn tiên đoán, giới đầu tư sẽ xa lánh Trung Quốc, một nước được coi là nguồn gốc của hiểm hoạ quốc tế, chuyên hà hiếp các quốc gia láng giềng.
Tuần qua Tokyo cũng đã bổ nhiệm ông Masato Kitera, 59 tuổi, giữ chức đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc (thay cho vị đại sứ bị đột tử). Nhưng cuộc tranh chấp sôi sục về quần đảo hoang trên biển Hoa Đông không chỉ là cuộc cãi vã ngoại giao giữa hai trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tranh chấp hiện nay đã sớm bộc lộ cái vỏ bề ngoài mong manh của quan hệ hợp tác giữa hai người khổng lồ châu Á, một quan hệ mà hầu hết các nhà quan sát cứ tưởng đã đến độ chín muồi khi hai cường quốc ngày càng kết nối nhau về mặt kinh tế.
Bước đi tiếp theo: Nhật sẽ không thụ động?
Nhật Bản không hy vọng mối đe doạ Trung Quốc sẽ giảm. Bởi vì trong những thập kỷ tới, Trung Quốc đang có ý định đẩy mạnh cuộc chạy đua vũ trang nhằm chống lại ưu thế quân sự của Mỹ ở châu Á và trở thành một quốc gia chiến lược ngang bằng với Mỹ trong môi trường an ninh mới ở châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt ở khu vực Đông Á. Nhật Bản không thể là một quốc gia thụ động trước mối đe doạ của Trung Quốc đối với môi trường an ninh của mình.
Để đối phó với mối đe doạ Trung Quốc, từ lâu Nhật Bản đã lặng lẽ thúc đẩy các khâu chuẩn bị. Kế hoạch quân sự của Nhật nhằm giải quyết hai tình huống khác nhau. Thứ nhất, đáp ứng yêu cầu là một bộ phận của liên minh với Mỹ và một chiến lược quân sự thống nhất của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thứ hai, Nhật Bản cũng đang đề ra kế hoạch hành động riêng để đề phòng trường hợp vì lý do chính trị nào đó của Mỹ mà Nhật không còn dựa được vào chiếc ô an ninh của Mỹ. Nhưng trước mắt, liên minh quân sự Nhật – Mỹ vẫn là cơ sở nền tảng để Nhật Bản đối phó với mối đe doạ của Trung Quốc.
An ninh của Nhật Bản sẽ được thúc đẩy theo hướng tăng cường khả năng chống lại mối đe doạ của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực như: sửa đổi hiến pháp cho phù hợp với môi trường an ninh mới, tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và tàu ngầm. Nhật cũng ưu tiên phát triển công nghệ phục vụ chiến tranh vũ trụ, chiến tranh mạng để bảo đảm an ninh toàn diện bằng sức mạnh quân sự độc lập, xoá bỏ những hạn chế về xuất khẩu các loại vũ khí nhằm tạo thêm các nguồn lực đáng kể để xây dựng quốc phòng.
Trong một diễn biến liên quan, Hải quân Mỹ đã cho triển khai hai đội chiến hạm lớn, gồm hàng không mẫu hạm USS George Washington và USS John C. Stennis cùng nhiều tàu mang hoả tiễn định vị như USS Cowpens tuần tra tại vùng Đông Thái Bình Dương.
Trần Hiếu Chân
Theo SGTT