Dư luận trong và ngoài khu vực thực sự quan tâm tới Diễn đàn Hàng hải mở rộng (EAMF) lần thứ nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa khai mạc tại thủ đô Manila của Philippines hôm 5-10, bởi EAMF là sáng kiến của Nhật Bản- quốc gia đang có tranh chấp biển đảo đối với Trung Quốc và Hàn Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và quần đảo Takeshima/Dokdo.
Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara
Diễn đàn Hàng hải mở rộng
Được biết, Trung Quốc đã đề nghị lập quỹ hợp tác hàng hải trị giá 3 tỷ NDT (khoảng 474 triệu USD) với ASEAN. Trước đó (4-10) cũng tại Manila, các quan chức cấp cao ASEAN đã tham dự Diễn đàn Hàng hải ASEAN lần thứ ba để nghe các ý kiến chuyên gia nhằm tăng cường hợp tác hàng hải trong khu vực. Theo sáng kiến của Nhật Bản đưa ra tại Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Bali, Indonesia năm 2011, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và các đối tác đối thoại khác của ASEAN cùng tham gia Diễn đàn Hàng hải ASEAN. Phát biểu tại EAMF, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koji Tsuruoka đã nhấn mạnh tới sự cần thiết phải thiết lập một trật tự hàng hải hiệu quả ở Đông Á để đảm bảo một vùng biển tự do, đi lại an toàn và giao thương không bị cản trở. Theo ông Koji Tsuruoka, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) chỉ xác định trật tự hàng hải cơ bản mà chưa đề cập tới các tranh chấp lãnh thổ, do đó cần tăng cường nỗ lực để thiết lập trật tự và các quy định hàng hải căn cứ vào đặc điểm của từng khu vực, phù hợp với các luật quốc tế liên quan, trong đó có UNCLOS. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho rằng, các nỗ lực nhằm thiết lập trật tự và các quy định hàng hải cần được tiến hành thông qua đối thoại hòa bình, đồng thời kiên quyết chống lại mọi ý tưởng cho rằng "lý lẽ thuộc về kẻ mạnh”. Ông Koji Tsuruoka cũng nhấn mạnh, EAMF cần tìm ra cách thức để củng cố và thiết lập các cơ chế hiệu quả nhằm phòng tránh xung đột và giải quyết tranh chấp. Với tư cách chủ tọa hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Erlinda Basilio cho biết, các cuộc thảo luận trong ngày 5-10 tập trung vào cơ hội tăng cường kết nối hàng hải trong khu vực, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, tập huấn cho thủy thủ, cũng như thảo luận cách thức tăng cường hợp tác hàng hải phù hợp với kế hoạch chi tiết xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh…
Tổng thống Hàn Quốc
Trong một diễn biến hữu quan, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde vừa đưa ra cảnh báo, nền kinh tế thế giới yếu ớt sẽ không thể trụ được nếu Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục dấn sâu vào cuộc chiến giành chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bà Christine Lagarde đưa ra cảnh báo kể trên sau khi các ngân hàng Trung Quốc rút khỏi hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ diễn ra tại thủ đô Tokyo (từ 9 đến 14-10). Được biết, khoảng 800 cảnh sát Nhật Bản, trong đó có lực lượng đặc nhiệm chống bạo động vừa tiến hành diễn tập lần cuối, chuẩn bị cho công tác bảo vệ hội nghị thường niên của IMF và WB. Trong thời gian hội nghị IMF và WB diễn ra, khoảng 5.000 cảnh sát sẽ được huy động để bảo vệ.
Bài "Cuộc chiến của những người ở quần đảo Ryukyu
chống lại sự chiếm đóng của Mỹ” trên tờ Nhân dân nhật báo
của Trung Quốc ngày 8-1-1953 (trái); Quảng cáo về
quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên tờ New York Times và Washington Post (phải)
Tranh chấp Nhật-Trung
Theo báo cáo nghiên cứu tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của CIA cho thấy, tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản là mạnh mẽ và thuyết phục hơn cả. Đây là thông tin được tờ Thời báo Nhật Bản ngày 5-10 đăng tải. Báo cáo tình báo kể trên được CIA phác thảo từ tháng 5-1971 và mới được giải mật tại Viện lưu trữ An ninh quốc gia Đại học George Washington. Theo báo cáo của CIA, tập bản đồ Hồng Vệ binh xuất bản năm 1966 ở Bắc Kinh trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa cho thấy rõ ràng rằng, khu vực biển nơi có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm ngoài biên giới Trung Quốc. Bởi theo các bản đồ trong tập bản đồ kể trên, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc về Ryukyu (Okinawa hiện nay), do đó chúng thuộc về Nhật Bản. Các bản đồ xuất bản tại châu Âu được lựa chọn ngẫu nhiên cũng không thể hiện quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần của lãnh thổ Trung Quốc, trong khi tập bản đồ thế giới của Liên Xô xuất bản năm 1967 có một hải đồ chỉ rõ rằng: quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ của Nhật Bản. CIA nhấn mạnh, Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan sẽ không tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nếu người ta không phát hiện ra những mỏ dầu tiềm năng tại thềm lục địa gần đó vào cuối thập niên 1960.
Ngày 4-10, hãng tin Kyodo của Nhật Bản dẫn lời quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Tokyo sẽ chất vấn về sự không nhất quán của Trung Quốc trong tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi Nhật Bản quyết định (năm 1895) đưa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trở thành một phần của tỉnh Okinawa, thì lần đầu tiên Trung Quốc phản đối chủ quyền của Nhật Bản mới xuất hiện từ tháng 12-1971. Ngày 8-1-1953, tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc từng đăng bài với tiêu đề "Cuộc chiến của những người ở quần đảo Ryukyu chống lại sự chiếm đóng của Mỹ”. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đăng bài báo này trang web của mình nhằm khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Được biết, sau khi quảng cáo về Senkaku/Điếu Ngư trên các báo lớn của Mỹ, Trung Quốc vừa tố Nhật Bản "ăn cắp” quần đảo này trên báo chí Pakistan. Ngày 2-10, nhật báo Pakistan Daily Times đã dành 2 trang để đăng bài viết về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó, tờ báo tiếng Anh chính thức của Trung Quốc là China Daily đã mua 2 trang giữa in màu của tờ New York Times số ra ngày 29-9 (theo biểu giá là 250.000 USD) để đăng quảng cáo "chủ quyền Điếu Ngư”. Tờ Washington Post số ra cùng ngày cũng có một trang quảng cáo khổ lớn do China Daily mua để đăng nội dung "Trung Quốc phản đối các thỏa thuận bí mật với Mỹ về quần đảo này”.
Giới truyền thông Nhật Bản cho biết, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã quyết định bổ sung 600 triệu yen (7,5 triệu USD) vào dự toán ngân sách năm 2013, để phục vụ việc tuyên truyền quần đảo Takeshima/Dokdo ra toàn thế giới.
Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara đang cố gắng giành được sự ủng hộ từ chính phủ để sử dụng 19 triệu USD từ quỹ quyên góp để xây dựng cơ sở hạ tầng trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo đó, sẽ xây dựng một ngọn hải đăng, một trạm phát sóng radio hoặc các thiết bị cảng cơ bản nhằm bảo đảm sự an toàn cho ngư dân Nhật Bản. Động thái này có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản, vốn đã xấu đi trong những tháng gần đây.
7 tàu hải quân của Trung Quốc đi qua vùng biển cách Miyako,
tỉnh Okinawa 110km về phía Đông Bắc, hướng về Thái Bình dương
... Và tranh chấp Nhật-Hàn
Tối 4-10, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa tin, 7 tàu hải quân của Trung Quốc đã đi qua vùng biển cách Miyako, tỉnh Okinawa 110km về phía Đông Bắc, hướng về Thái Bình dương. Sau khi Nhật Bản tuyên bố mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đây là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc đi qua vùng biển này. Báo chí Nhật Bản cho biết, trong số 7 tàu kể trên có tàu khu trục tên lửa Thạch Gia Trang 116 và tàu khu trục tên lửa Cáp Nhĩ Tân 112, tàu hộ vệ, tàu cứu hộ tàu ngầm. Giới truyền thông Nhật Bản đưa tin, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) đang tăng cường cảnh giác phòng bị sau khi tàu thuyền Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày càng có kích cỡ lớn và được trang bị mạnh hơn. Nhật Bản cho rằng, trong khoảng 140 tàu ngư chính của Trung Quốc, có 8 chiếc trọng tải trên 1.000 tấn, riêng tàu ngư chính 310 có trọng tải 2.580 tấn, được trang bị 2 máy bay trực thăng và súng đại liên 14,5 ly. Các nhân viên JCG lo ngại, sẽ không thể đối phó nếu thế lực của Trung Quốc tiếp tục tăng như thế này.
Ngày 5-10, Đài NHK của Nhật Bản đưa tin, Hàn Quốc vừa phản đối một trực thăng SH-60 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bay vào khu vực nhận diện phòng không của Hàn Quốc gần quần đảo Takeshima/Dokdo trên biển Nhật Bản. Trước đó (4-10), giới truyền thông Hàn Quốc đã đưa tin về vụ việc này, nhưng Nhật Bản đã bác bỏ phản đối của Hàn Quốc. Tờ Chosunilbo của Hàn Quốc dẫn lời Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, trực thăng SH-60 cất cánh từ tàu khu trục của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) neo đậu cách quần đảo Takeshima/Dokdo 48 km từ ngày 21-9. Trực thăng SH-60 đã rời khỏi khu vực nhận diện phòng không của Hàn Quốc sau khi máy bay chiến đấu F15-K của Hàn Quốc phát tín hiệu cảnh cáo. Động thái kể trên của Hàn Quốc được cho là nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của nước này đối với quần đảo Takeshima/Dokdo. Cũng trong ngày 5-10, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho biết, ngày 4-10, Tokyo đã trao công hàm phản đối Seoul sau khi Hàn Quốc cho phép các cơ quan truyền thông nước ngoài đến quần đảo Takeshima/Dokdo để đưa tin. Dư luận cho rằng, với việc để phóng viên của hãng CNN, BBC lên quần đảo Takeshima/Dokdo hôm 4-10 để đưa tin, Seoul dường như đang tìm cách khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình đối với khu vực đang có tranh chấp với Tokyo.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 đảo và 3 bãi đá ngầm ở biển Hoa Đông, cách đảo Okinawa khoảng 400 km về phía Tây. Quần đảo này hiện do gia đình Kurrihara sở hữu, cho chính phủ Nhật Bản thuê. Đây là khu vực có nguồn hải sản dồi dào và có thể chứa nguồn khoáng sản có giá trị. Phát biểu tại cuộc họp báo công bố danh sách tân nội các chiều 1-10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tái khẳng định, không có tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư; Tokyo và Bắc Kinh cần xử lý bình tĩnh tranh cãi xung quanh quần đảo này thông qua đối thoại, không nhất thiết phải đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Ngày 4-10, tờ Japan Times dẫn nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã quyết định để ông Uichiro Niwa ở lại Trung Quốc với vai trò Đại sứ cho đến giữa tháng 11 bởi hiện vẫn chưa tìm được người thay thế. Ông Uichiro Niwa là Đại sứ đầu tiên của Nhật Bản tại Trung Quốc xuất thân từ khu vực tư nhân. Trước đó (16-9), ông Shinichi Nishimiya, 60 tuổi, đã qua đời tại bệnh viện sau khi bị đột quỵ hôm 13-9, chỉ hai ngày sau khi được bổ nhiệm thay thế người tiền nhiệm Uichiro Niwa làm Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc. |
Hoàng Phong (Tổng thuật)
Theo Đại Đoàn Kết