Tin Biển Đông

 
 
 

Đối ngoại Trung Quốc sẽ “rắn” hơn sau khi chuyển giao lãnh đạo?

  • Cập nhật : 12/10/2016

Hiệu ứng từ Đại hội lần thứ 18 sắp diễn ra của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) được giới quan sát phán đoán từ nhiều mặt. Sau Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, tới đây, ông Tập Cận Bình sẽ để lại dấu ấn như thế nào trong quan hệ quốc tế?

CPC sẽ tiến hành đại hội ngày 8.11, sau khi cử tri Mỹ đi bầu tổng thống ngày 7.11. Đương nhiên, công việc quốc tế vẫn được vận hành bởi nhiều chủ thể quyền lực khác nhau; nhưng quản trị một mối bang giao được cho là quan trọng bậc nhất của thế kỷ 21, đó là quan hệ Trung – Mỹ, có ý nghĩa quyết định đối với hoà bình thế giới. Chiến lược đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội 18, vì vậy, là một trong những quan tâm hàng đầu tại thủ đô nhiều nước. Trung Nam Hải mười năm một lần mới thay đổi chủ nhân với quy mô lớn như tới đây.

 

Tới đây, ông Tập Cận Bình (phải) sẽ để lại dấu ấn như thế nào trong quan hệ quốc tế?

Tiếp tục “quyết đoán” ở Biển Đông

Bà Bonnie S. Glaser, chuyên gia cấp cao về Trung Quốc tại viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) trình bày trước uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 12.9 rằng cách hành xử quyết đoán của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền sẽ còn tiếp tục sau quá trình chuyển giao lãnh đạo tại Đại hội Đảng lần thứ 18 và đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc vào mùa xuân năm 2013. Không một nhà lãnh đạo Trung Quốc nào, trong thời gian mới nhậm chức, lại vội vã giảm làn sóng yêu cầu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc. Tâm lý chung thiên về lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông đã được nhen nhóm từ trước. Các nhà lãnh đạo tương lai khó cưỡng lại khuynh hướng này, vì nó có lợi cho họ.

Trong tính toán chung để đối phó với môi trường quốc tế đầy biến động, ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ dành quan tâm số một tới xu thế chuyển dịch trọng tâm chiến lược của Mỹ. Sự chuyển dịch này, theo đánh giá nội bộ của Trung Quốc, không chỉ là lực cản đối với mạng lưới hợp tác giữa Trung Quốc với Mỹ, mà còn gây trở ngại trong quan hệ giữa Trung Quốc với Đông Á, khiến những mâu thuẫn tiềm tàng lâu nay ngày càng phức tạp hơn. Trung Quốc cho rằng khu vực này rồi đây sẽ chứng kiến những làn sóng mới kiến tạo nên cục diện châu Á – Thái Bình Dương; tại đây sẽ diễn ra nhiều điều chỉnh và nhiều biến động, trong đó, hoặc là trực tiếp nhằm tới hoặc là có mối liên quan chặt chẽ với Trung Quốc. Để đối phó với tình hình này, lãnh đạo mới sẽ rất chú ý đến quá trình “tạo dựng hình ảnh quốc tế” của Trung Quốc.

Giám đốc Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương – John A. van Beuren – trong một lần điều trần trước uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã nhận xét: sự quyết đoán của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông là điềm báo đối với chiều hướng diễn tiến các sự kiện sắp tới. Kế hoạch xây dựng cường quốc biển của Bắc Kinh và nguồn lực khổng lồ mà nước này sở hữu đang mở ra những viễn cảnh chiến lược cho các nhà lãnh đạo mới và cho các tướng lĩnh quân sự. Bắc Kinh đang có lợi thế trong việc vạch ra những chiến lược ngày càng tinh vi, hiệu quả hơn và thực sự khó đối phó hơn. Tuy những chiến lược đó chưa thể hoàn toàn đảo lộn trật tự chính trị biển ở Đông Nam Á, nhưng có thể sẽ mang đến những lợi ích tiệm tiến giúp Trung Quốc thực hiện các mục tiêu lớn hơn trên biển đảo. Tin tưởng vào sức mạnh đang lên của Trung Quốc và xu hướng thu hẹp khoảng cách quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ, ông Tập Cận Bình có thể sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trên đấu trường quốc tế, đặc biệt đối với những lợi ích được xem là cốt lõi của Trung Quốc, nhất là liên quan đến các vấn đề thuộc về chủ quyền.

Phát huy hệ giá trị “sức mạnh mềm”

Đương nhiên, sẽ chẳng có ban lãnh đạo nào mới lên lại muốn khu vực và quốc tế chĩa mũi nhọn vào mình. Hơn nữa, khoảng cách về sức mạnh hải quân của Trung Quốc so với Mỹ và Nhật còn cần thời gian mới khoả lấp được.

Sau mười năm, sự phát triển mọi mặt của Trung Quốc đang tiến đến ngã ba đường. “Cái bẫy sụp đổ” của nước Nga Xô Viết vẫn là bài học nhãn tiền. Con đường vòng mềm mại mà vẫn tới đích là thượng sách! Vì vậy, chính sách đối ngoại, như một chiến lược tổng thể của Trung Quốc đối với thế giới bên ngoài, khó mà “rắn” hơn so với từ trước đến nay! Trên địa hạt tuyên truyền, Trung Quốc thừa nhận sự phát triển của Trung Quốc có được cho đến nay không phải là từ bom đạn hay thuốc súng. Con đường xưng bá đã được lịch sử chứng minh là không hề suôn sẻ nhưng một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay, có quá nhiều chủ thể tham gia vào quá trình hoạch định đường lối đối ngoại. Thẩm quyền hoạch định chính sách ở Trung Quốc đã bị phân hoá với sự tham gia của ngày càng nhiều các nhóm lợi ích. Khuynh hướng này buộc bộ Ngoại giao phải chia sẻ quyền lực với các cơ quan khác trong Đảng và Chính phủ. Quân đội cũng trở thành một chủ thể quan trọng và không ngần ngại phô diễn sức mạnh của mình. Hiện nay và cả trong tương lai, khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc vẫn đóng vai trò chi phối trong tư duy đối ngoại của Trung Quốc.

GS Vương Tập Tư trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs (Mỹ) mới đây đã chỉ ra một số thay đổi trong tư duy đối ngoại của Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc sẽ áp dụng cách hiểu toàn diện hơn về an ninh, bao gồm cả các vấn đề kinh tế và an ninh phi truyền thống thay vì chỉ chú trọng đến các lợi ích chính trị, quân sự như trước đây. Nền ngoại giao mới sẽ chuyển biến theo hướng ít tập trung vào các vấn đề mà nhấn mạnh vào các hoạt động hợp tác chuyên nghiệp theo từng lĩnh vực cụ thể, như chống khủng bố, chống phổ biến hạt nhân, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng chú trọng đến việc phát huy hệ giá trị và “sức mạnh mềm” của nước này. Sự thành công của Trung Quốc trong khắc phục hậu quả khủng hoảng và duy trì tốc độ tăng trưởng đã khiến “đồng thuận Bắc Kinh” – mô hình chủ nghĩa tư bản có sự kiểm soát của nhà nước theo kiểu Trung Quốc – trở thành một mô hình phát triển hấp dẫn đối với các nước đang phát triển.

Trần Hiếu Chân
Theo SGTT

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục