Trong khi Biển Đông chưa có dấu hiệu lắng dịu thì tình hình tranh chấp quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư ở Hoa Đông bùng lên dữ dội trước việc chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo của quần đảo này.
Căng thẳng Trung - Nhật: Thiệt cả đôi bên
- Cập nhật : 12/10/2016
Theo một số nhà phân tích, những biện pháp trả đũa nhau về kinh tế sẽ gây thiệt hại cho cả Nhật Bản và Trung Quốc, do sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa hai nền kinh tế này.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc do tranh chấp chủ quyền quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, đang ngày càng leo thang. |
Căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á là Nhật Bản và Trung Quốc do tranh chấp chủ quyền quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, đang ngày càng leo thang. Thậm chí, Trung Quốc đã tuyên bố hoãn tiến hành kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản.
Tình hình này khiến dư luận cho rằng, khủng hoảng chính trị - ngoại giao giữa hai nước sẽ mở rộng sang cả lĩnh vực kinh tế, gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên và có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới đà phục hồi kinh tế châu Á cũng như kinh tế toàn cầu.
Gây căng thẳng trong quan hệ kinh tế
Căng thẳng trong quan hệ hiện này đã gây ảnh hưởng đến nhiều hoạt động giao lưu kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Liên đoàn các tổ chức Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) đã thông báo hủy bỏ Hội chợ Thương mại Nhật - Trung, dự kiến được tổ chức ở Thượng Hải trong tháng 9/2012, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, với sự tham gia của khoảng 120 doanh nghiệp và tổ chức của hai nước.
Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Osaka cũng phải hủy bỏ sự kiện thương lượng kinh doanh với tỉnh Triết Giang vì phía Trung Quốc không muốn tới thăm Nhật Bản vào thời điểm này; trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Tokyo cũng hủy bỏ chuyến đi thị sát tới Hồng Kông và Quảng Châu, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 10/2012. Dư luận Nhật Bản cho rằng, trong bối cảnh quan hệ hai bên vẫn tiếp tục căng thẳng, dù các sự kiện và chuyến thăm có diễn ra thì cũng khó có thể mang lại kết quả như mong muốn.
Trong khi đó, để đảm bảo an ninh trước làn sóng biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhiều công ty của Nhật Bản, đồng loạt tuyên bố ngừng một số hoặc toàn bộ hoạt động các nhà máy và cơ sở kinh doanh của họ ở Trung Quốc.
Tại một số thành phố ở Trung Quốc, các cuộc biểu tình còn đi kèm nhiều hành vi bạo lực như đập phá xe ô tô, cửa hàng, nhà hàng Nhật Bản... Trước tình hình trên, hãng Honda tuyên bố tạm thời đóng cửa toàn bộ 5 nhà máy ở Trung Quốc, hãng Nissan cũng đóng cửa 2 trong số 3 nhà máy, trong khi hãng Toyota cắt giảm một số hoạt động sản xuất ở Trung Quốc nhưng không công bố chi tiết cụ thể. Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản Senven & I buộc phải đóng cửa 13 siêu thị và 198 cửa hàng tiện lợi phục vụ 24/24 giờ tại Trung Quốc. Một nhà máy của tập đoàn điện tử Panasonic bị các công nhân Trung Quốc đập phá cũng phải đóng cửa...
Bên cạnh đó, nhiều du khách Trung Quốc cũng hủy các chuyến du lịch tới quốc gia láng giềng này. Theo China Travel Service, hãng lữ hành lớn nhất của Trung Quốc, hàng loạt du khách Trung Quốc đã thông báo hủy bỏ việc đặt các chuyến du lịch tới Nhật Bản. Trong khi đó, hãng lữ hành China Comfort Travel cũng thông báo trên trang web về việc tạm dừng làm thủ tục cho các du khách sang Nhật Bản.
Hai hãng hàng không lớn của Nhật Bản là All Nippon Airways và Japan Airlines cho biết, từ tháng 9 đến tháng 11/2012, hơn 52.000 chỗ đặt trước trên các chuyến bay đi và đến Trung Quốc đã bị khách hàng hủy bỏ. Để ứng phó với tình hình, các hãng hàng không trên quyết định, kể từ tháng 10/2012, giảm tần suất các chuyến bay hoặc sử dụng các máy bay nhỏ hơn trên tuyến Nhật - Trung. Các hàng hãng không Trung Quốc như Air China, China Southern... cũng thông báo hủy bỏ hoặc giảm các chuyến bay tới Nhật Bản trong tháng 9 và tháng 10.
Làn sóng chống Nhật ở Trung Quốc còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu của các công ty Nhật Bản niêm yết trên sàn Hồng Kông. Thậm chí, nhiều trường học Nhật Bản tại các thành phố lớn của Trung Quốc, trong đó có Thượng Hải và Bắc Kinh, thông báo cho học sinh nghỉ học trong vài tuần.
Không chỉ phải đóng cửa, trên thực tế, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu quay lưng với các mặt hàng của Nhật Bản. Doanh số bán hàng của hãng Toyota ở Trung Quốc đã giảm 30% so với trước thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình.
Trong khi đó, hải quan Trung Quốc tuyên bố siết chặt việc kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không tại sân bay ở Bắc Kinh và tại các cảng biển chính của Trung Quốc.
Thiệt cả đôi bên
Theo các chuyên gia phân tích, về mặt lý thuyết, có vẻ như kinh tế Trung Quốc có lợi thế hơn, bởi vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã liên tục tăng trưởng với tốc độ cao những năm gần đây, trong khi Nhật Bản đang phải đối phó với căn bệnh thiểu phát trầm kha và tỷ lệ nợ công cao cũng như những hậu quả của thảm họa động đất, sóng thần tháng 3/2011.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, trong khi Nhật Bản chỉ là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc sau Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2012, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc đạt khoảng 1.000 tỷ yên (gần 12,82 tỷ USD), chiếm 18,87% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, và kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 1.300 tỷ yên, chiếm 22,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, những biện pháp trả đũa nhau về kinh tế sẽ gây thiệt hại cho cả Nhật Bản và Trung Quốc, do sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa hai nền kinh tế này.
Chuyên gia Wang Yizhou, Phó Giám đốc Học viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, nếu hai nước tiếp tục leo thang trong vấn đề tranh chấp biển đảo, với việc áp dụng những biện pháp "trừng phạt" về kinh tế thì cả Bắc Kinh và Tokyo đều bị thiệt hại to lớn.
Cùng chung quan điểm với chuyên gia Wang, ông Jeremy Stevens, chuyên gia Kinh tế của ngân hàng Standard Bank Group ở Bắc Kinh cho rằng, “các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được kết nối chặt chẽ với nhau trên nhiều mặt và phức tạp đến nỗi sẽ là điên rồ nếu không đánh giá đúng rằng, Nhật Bản và Trung Quốc đang phụ thuộc lẫn nhau và cùng hưởng lợi”. Do vậy, Trung Quốc cũng sẽ bị thiệt hại nếu áp dụng các biện pháp trừng phạt Tokyo, bởi sự phụ thuộc này không giới hạn ở chỗ so sánh quy mô hai nền kinh tế, vị trí của nước này là đối tác đứng hàng thứ bao nhiêu trong quan hệ thương mại của nước kia...
Mặt khác, nếu quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh tiếp tục xấu đi, có khả năng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phải cân nhắc lại phương án kinh doanh ở Trung Quốc theo hướng rút vốn, hoặc giảm dần đầu tư vào nước láng giềng này. Một số nhà phân tích cho rằng, “đây là giai đoạn tồi tệ nhất mà chúng ta từng chứng kiến. Nó có thể sẽ là bước ngoặt đối với các công ty Nhật Bản, buộc họ phải tái cân nhắc lại các rủi ro ở Trung Quốc và đa dạng hóa bằng cách chuyển vốn sang Đông Nam Á, Nam Mỹ và châu Phi”. Và nếu kịch bản đó xảy ra thì rất bất lợi cho Trung Quốc, bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang đứng trước nguy cơ hạ cánh cứng.
Theo Tân Hoa xã, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc, với tổng số vốn đầu tư đến cuối tháng 6/2012 lên tới 83,97 tỷ USD. Bên cạnh đó, Nhật Bản có hơn 22.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc, chiếm gần 5% trong tổng số các doanh nghiệp nước ngoài ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra khoảng 9,2 triệu việc làm ở Trung Quốc và nộp hơn 5,9 tỷ USD tiền thuế công ty/năm.
Do vậy, nếu xảy ra chiến tranh kinh tế Nhật - Trung, không hẳn Trung Quốc sẽ bình yên. Theo các chuyên gia kinh tế, việc làm yếu Nhật Bản về kinh tế sẽ đi ngược lại các lợi ích kinh tế của chính Trung Quốc. Và nếu các tập đoàn Nhật Bản đóng cửa hoặc chuyển nhà máy sang nước khác sẽ dẫn đến việc hàng loạt công nhân Trung Quốc thất nghiệp, điều đáng ngại nhất trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Theo một số nhà phân tích, các cáo buộc, “lên gân” nhau hiện nay giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản chỉ dừng lại ở mức khẩu chiến và chủ yếu là những tuyên bố nhằm gây áp lực về tâm lý. Bởi nếu áp dụng, các lệnh trừng phạt thương mại giữa Tokyo và Bắc Kinh chắc chắn sẽ là một con dao hai lưỡi. Nó không chỉ gây hệ quả xấu cho nền kinh tế của hai nước, mà còn ảnh hưởng tới cả kinh tế khu vực châu Á và toàn cầu.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, vấn đề tranh chấp hiện nay giữa Tokyo và Bắc Kinh không nên bị đánh giá thấp. Tuy nhiên, những ảnh hưởng về kinh tế đến thời điểm này vẫn còn hạn chế. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là những đối tác quan trọng của nhau, nhưng rất khó đoán trước họ sẽ để tình trạng này tiếp diễn đến bao giờ. Tuy mọi việc đang rối ren, nhưng việc để ảnh hưởng mạnh đến kinh tế và thương mại sẽ không có lợi cho nước nào./.
Kim Chung
Theo Chính Phủ