Tin Biển Đông

 
 
 

Chính quyền Donald Trump nên đối phó với Trung Quốc như thế nào?

  • Cập nhật : 08/07/2017

Tự do hàng hải chính là lợi ích căn bản của Mỹ và đây cũng là vấn đề Mỹ cần nhấn mạnh trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Mỹ không nên mạo hiểm tiến hành các hành động quân sự nếu chưa tiến hành thỏa đáng các biện pháp ngoại giao.

chinh quyen donald trump nen doi pho voi trung quoc nhu the nao?

Chính quyền Donald Trump nên đối phó với Trung Quốc như thế nào?

Mỹ đang đối mặt với hàng loạt vấn đề khó khăn và phức tạp trong chính sách đối ngoại, từ việc đối phó với các nhóm khủng bố như tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, tổ chức khủng bố al-Qaeda ở bán đảo Arập, cho tới các thách thức đối với vị thế siêu cường của Mỹ tại các khu vực… Không chỉ vậy, Mỹ cũng đang phải đối mặt với một trong những vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm, đó là cuộc tranh giành quyền kiểm soát Biển Đông.

Các tranh chấp lãnh thổ cùng với việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông có thể khiến giới lập pháp Mỹ cho rằng xung đột quân sự với Trung Quốc là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, chiến tranh hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu Mỹ lựa chọn một chính sách phù hợp, tìm cách giảm thiểu những nguy cơ đối đầu quân sự. Biển Đông là vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên. Theo khảo sát của Mỹ, trữ lượng dầu khí tại các khu vực đang xảy ra tranh chấp ước tính tương đương với khoảng 11 tỷ thùng dầu và hơn 5 nghìn tỷ mét khối khí đốt. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng con số này lớn hơn nhiều, và ở vào khoảng 200 tỷ thùng dầu và hơn 21 nghìn tỉ mét khối khí đốt. Cho dù kết quả khảo sát nào là đúng thì một trong những nguyên nhân chính khiến Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong việc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này có lẽ chính là nguồn tài nguyên dồi dào vẫn còn đang nằm sâu dưới đáy biển. Với đà phát triển như hiện nay, để tiếp tục thực hiện các chính sách và sáng kiến kinh tế, điều mà Trung Quốc cần phải làm và cần ưu tiên chính là việc tiếp cận các nguồn dầu mỏ và khí đốt lớn như thế này.

Không chỉ vậy, nhiều số liệu thống kê cho thấy, Biển Đông là nơi có khối lượng thủy hải sản chiếm tới 12% tổng khối lượng trên toàn thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc tiêu thụ tới 25% lượng thủy sản toàn cầu. Đây cũng được xem là một nguyên nhân khác lý giải cho tham vọng đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, và các yêu sách cho rằng ngư dân của họ có quyền tiến hành các hoạt động đánh bắt cá tại đây. Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Mỹ sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc, nhấn mạnh quốc gia này cần phải chấm dứt hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo trái phép, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ chặn đứng việc tiếp cận các hòn đảo này. Bình luận của ông Tillerson được nhiều người xem là lời khẳng định rõ ràng rằng Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông sẵn sàng sử dụng quân sự nếu Trung Quốc tiếp tục các hoạt động phi pháp của mình. Bình luận này cũng phù hợp với quan điểm của cố vấn Nhà Trắng Steve Bannon, người vào tháng 3/2016 từng dự đoán rằng Mỹ sẽ có mặt trong một cuộc chiến ở Biển Đông trong vòng 5-10 năm tới.

Tổng thống Trump và các cố vấn an ninh nên nhìn nhận các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ban đầu chỉ đơn giản xuất phát từ nhu cầu đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo các báo cáo gần đây, dân số Trung Quốc sẽ đạt mốc gần 1,4 tỷ người vào năm 2020. Khi dân số gia tăng, nhu cầu đối với các nguồn tài nguyên như thủy sản hay dầu mỏ cũng gia tăng. Việc Trung Quốc không có khả năng đảm bảo các nhu cầu này cho dân chúng cũng có thể dẫn tới những xung đột nghiêm trọng chứ chưa “cần” tới sự can thiệp của Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng phải sau từ 10-15 năm nữa, Trung Quốc mới có thể tạo ra mối đe dọa quân sự đối với các lực lượng của Mỹ tại khu vực. Tuy nhiên, Mỹ có lý do để quan ngại về các hoạt động bành trướng và quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông. Ngoại trưởng Tillerson nên lưu tâm tới vấn đề này trong các chính sách của mình, và Chính quyền Trump nên tính toán các biện pháp phù hợp để đối phó với Trung Quốc, trong đó ưu tiên trước hết là các biện pháp ngoại giao thận trọng.

Mỹ nên cân nhắc xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh giữa Trung Quốc và các bên liên quan để tìm cách thức chia sẻ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông một cách hợp lý. Washington có thể gặp khó khăn trong việc thuyết phục Bắc Kinh, song rõ ràng Mỹ có trách nhiệm trong việc bảo vệ các lợi ích của mình ttrong khu vực. Tự do hàng hải chính là lợi ích căn bản của Mỹ tại vùng biển này, và đây cũng là vấn đề Mỹ cần nhấn mạnh trong các cuộc đàm phán (nếu có) với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Mỹ không nên mạo hiểm tiến hành các hành động quân sự nếu chưa tiến hành thỏa đáng các biện pháp ngoại giao.

Hàng năm, số hàng hóa được vận chuyển qua Biển Đông ước tính trị giá lên đến 5 nghìn tỷ USD. Nếu tuyến đường huyết mạch này bị Trung Quốc làm gián đoạn, Mỹ nên có phản ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc thực thi các biện pháp dẫn đến nguy cơ đối đầu về quân sự đều là hành động thiếu khôn ngoan. Do đó, Chính quyền Trump nên sử dụng các biện pháp ngoại giao, trong đó phối hợp, chia sẻ với các bên liên quan để giải quyết các tranh chấp. Bên cạnh đó, Washington nên gửi tín hiệu rõ ràng đến Bắc Kinh rằng Mỹ hiểu những quan ngại và sẵn sàng giải quyết vấn đề một cách có trách nhiệm vì lợi ích của tất cả các bên liên quan. Cách hành xử này có thể giúp Mỹ giảm thiểu được nguy cơ xung đột quân sự và ngăn chặn những tính toán sai lầm về mặt chiến lược của cả hai bên.

Theo National Interest

Hương Trà (gt)
Theo Nghiên Cứu Biển Đông

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục