Tin Biển Đông

 
 
 

Xử lý tranh chấp Pedra Branca: Kinh nghiệm cho Việt Nam trong tranh chấp tại Biển Đông

  • Cập nhật : 07/07/2017

Để chuẩn bị cho việc sử dụng luật pháp quốc tế và các thể chế quốc tế để giải quyết tranh chấp, Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên đào tạo đội ngũ chuyên gia về luật quốc tế có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao; chú trọng hơn nữa việc gửi người hoặc vận động gửi người tham gia vào các thể chế quốc tế, trong đó có các cơ quan tài phán quốc tế.

 issue30_0.jpg

Tóm tắt

Tranh chấp đảo Pedra Branca - theo cách gọi của Xinh-ga-po hoặc Pulau Batu Puteh - theo  cách gọi của Ma-lai-xi-a cùng các đảo đá Midlle Rocks và bãi nổi South Ledge giữa Xinh-ga-po và Ma-lai-xi-a diễn ra trong một thời gian dài và chỉ đến sau khi được Tòa án Công lý quốc tế chính thức đưa ra phán quyết về chủ quyền đối với Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge vào ngày 23/5/2008 thì tranh chấp mới được giải quyết. Trên cơ sở kinh nghiệm này, bài viết muốn đưa ra một số gợi ý và bài học cho Việt Nam trong tranh chấp hiện nay ở Biển Đông.

Bối cảnh và quá trình hình thành tranh chấp

Pedra Branca - theo cách gọi của Xinh-ga-po hoặc Pulau Batu Puteh - theo cách gọi của Ma-lai-xi-a (sau đây gọi chung là “Pedra Branca”)[1] là đảo đá nhỏ, dài 137m, rộng 60m, có diện tích khoảng 8560m2 khi thủy triều xuống. Về vị trí địa lý, Pedra Branca nằm ở tọa độ 1°19'48" N, 104 ° 24'27" E; khoảng 24 hải lý về phía Đông của Xinh-ga-po, 7,7 hải lý về phía Nam của bang Johor của Ma-lai-xi-a, và 7,6 hải lý phía Bắc của Bintan của In-đô-nê-xi-a.[2] Năm 1844, người Anh bắt đầu quá trình chuẩn bị xây dựng ngọn hải đăng Horsburgh trên đảo Pedra Branca. Năm 1847, công trình được khởi công. Đến năm 1851, hải đăng Horsburgh được hoàn thành và chuyển giao cho Xinh-ga-po, lúc bấy giờ là thuộc địa của Anh theo Hiệp ước Anglo-Dutch năm 1824.[3]

Middle Rocks bao gồm hai cụm đá nhỏ rộng khoảng 250m, cao từ 0,6 đến 1,2m và nằm trên mặt nước khi thủy triều lên cao. Middle Rocks nằm 0,6 hải lý về phía nam của Pedra Branca.[4]South Ledge là một khối đá chỉ có thể nhìn thấy khi thủy triều xuống, nằm 1,7 hải lý về phía nam Middle Rocks và 2,2 hải lý về phía nam-tây nam của Pedra Branca.[5] Cả ba cấu trúc địa lý trên đều nằm ở lối vào phía Đông của Eo biển Xinh-ga-po, gần cửa ngõ vào Biển Đông, về phía Đông của Middle Channel, thuộc khu vực các tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới.[6]

Ngày 21/12/1979, Ma-lai-xi-a xuất bản bản đồ “Ranh giới Lãnh hải và Thềm lục địa của Ma-lai-xi-a”, thể hiện Pedra Branca là một phần lãnh thổ của mình. Lập luận của Ma-lai-xi-a là khi lãnh chúa Johor (tiền thân Ma-lai-xi-a) trao phần đất (về sau là Xinh-ga-po) cho người Anh theo Hiệp ước năm 1824, đảo Pedra Branca không đi cùng phần lãnh thổ được trao và phần biển thuộc về người Anh chỉ trong bán kính cách Xinh-ga-po 10 hải lý. Trong khi đó, Pedra Branca cách Xinh-ga-po đến 25 hải lý và cách Johor chỉ có 7,7 hải lý. Vì vậy trên cơ sở các chứng cứ lịch sử và pháp lý, Pedra Branca thuộc về Ma-lai-xi-a.

Ngày 14/2/1980, Xinh-ga-po đưa ra thông cáo phản đối bản đồ và lập luận của Ma-lai-xi-a. Xinh-ga-po khẳng định đã sở hữu và thực thi chủ quyền hòa bình và hữu hiệu đối với hòn đảo này hơn 150 năm, trong đó có việc quản lý và tiến hành xây dựng nhiều công trình quan trọng trên đảo mà Ma-lai-xi-a không có bất kỳ động thái hoặc phản hồi nào. Tranh chấp về Pedra Branca giữa Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po diễn ra lúc công khai, lúc ngấm ngầm kéo dài cả thập kỷ 80, tác động đến quan hệ song phương Xinh-ga-po-Ma-lai-xi-a và là chủ đề được thảo luận ở nhiều cấp (Thủ tướng, Ngoại trưởng, và chuyên gia) và được cả người dân lẫn báo giới hai nước quan tâm theo dõi.[7]

Thực tế giải quyết tranh chấp

Quá trình giải quyết tranh chấp

Ngày 22/1/1992, tại một cuộc họp bên lề Cấp cao ASEAN lần thứ 4, Thủ tướng Xinh-ga-po Goh Chok Tong và Thủ tướng Ma-lai-xi-a Mahathir Mohamad quyết định sẽ tổ chức trao đổi tài liệu pháp lý và đàm phán để giải quyết tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.[8] Ngày 17/2/1992, Xinh-ga-po trao Công hàm và các tài liệu liên quan cho Ma-lai-xi-a. Trong Công hàm này Xinh-ga-po đề cập đến khả năng giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án Công lý quốc tế nếu đàm phán không thành công.[9] Ngày 29/6/1992, Ma-lai-xi-a trao Công hàm và tài liệu liên quan của mình cho Xinh-ga-po. Trong Công hàm này Ma-lai-xi-a không phản hồi đối với ý kiến của Xinh-ga-po về khả năng giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án Công lý quốc tế.

Trong hai năm 1993 và 1994, hai bên tổ chức hai vòng đàm phán để trao đổi các tài liệu lịch sử và pháp lý nhằm xác định chủ quyền đối với Pedra Branca. Tại vòng đàm phán thứ nhất, Xinh-ga-po chính thức đề nghị đưa Middle Rocks và South Ledge vào phạm vi khu vực tranh chấp. Sau vòng đàm phán thứ hai không có kết quả, Ma-lai-xi-a tỏ ý chấp nhận xem xét khả năng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tài phán quốc tế. Ngày 6/9/1994, sau cuộc hội đàm song phương, Thủ tướng Xinh-ga-po Goh Chok Tong và Thủ tướng Ma-lai-xi-a Mahathir Mohamad tuyên bố hai bên đã đồng ý về nguyên tắc đưa tranh chấp chủ quyền đối với đảo Pedra Branca ra giải quyết bởi một “bên thứ ba” nhưng không chính thức xác định là cơ quan tài phán nào và giao chuyên gia pháp lý hai nước nghiên cứu tìm cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp. Ngày 17/9/1994, 14 năm sau khi tranh chấp phát sinh, Ma-lai-xi-a chính thức đồng ý giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án Công lý quốc tế.[10]

Quá trình đàm phán Thỏa thuận đặc biệt đệ trình tranh chấp lên Tòa án Công lý quốc tế kéo dài suốt bốn năm. Khó khăn trong quá trình đàm phán chủ yếu xuất phát từ khác biệt của hai bên liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Thỏa thuận (chỉ điều chỉnh tranh chấp Pedra Branca hay bao gồm cả tranh chấp Middle Rocks và South Ledge); thứ tự liệt kê tên đảo (đặt Pedra Branca hay Pulau Batu Puteh trước); và quyền và nghĩa vụ của bên thua kiện (có đề xuất Tòa xác định quyền và lợi ích của bên không có chủ quyền đối với Pedra Branca hay không). Năm 1998 đàm phán kết thúc, theo đó hai bên thống nhất đưa cả tranh chấp liên quan đến Middle Rocks và South Ledge vào phạm vi điều chỉnh của Thỏa thuận. Ma-lai-xi-a đồng ý đặt Pedra Branca lên trước Pulau Batu Puteh (Pedra Branca/Pulau Batu Puteh) theo thứ tự chữ cái với điều kiện rằng thứ tự này sẽ không được xem là một yếu tố liên quan đến chủ quyền mà Tòa án Công lý quốc tế sẽ xem xét và hai bên thống nhất không yêu cầu Tòa xác định quyền và lợi ích của bên không có chủ quyền đối với Pedra Branca.[11]

Năm năm sau, vào ngày 6/2/2003, Thỏa thuận đặc biệt được ký và vào ngày 9/5/2003, Thỏa thuận được hai bên phê chuẩn. Đáng lưu ý, Ma-lai-xi-a chỉ chấp nhận ký Thỏa thuận với Xinh-ga-po sau khi Tòa án Công lý quốc tế ra phán quyết vào ngày 17/12/2002 liên quan đến tranh chấp về chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan giữa Indonesia và Ma-lai-xi-a và tuyên bố Pulau Ligitan và Pulau Sipadan thuộc về Ma-lai-xi-a.[12] Ngày 24/7/2003, Ngoại trưởng hai nước ký Thông báo chung gửi Tòa án Công lý quốc tế, chính thức trao cho Tòa án Công lý quốc tế quyền phân định chủ quyền đối với Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge.[13]

Ngày 23/5/2008, năm năm sau khi Xinh-ga-po và Ma-lai-xi-a đệ trình tranh chấp, Tòa án Công lý quốc tế chính thức đưa ra phán quyết về chủ quyền đối với Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge.[14] Theo phán quyết này, Pedra Branca thuộc về Xinh-ga-po với tỉ lệ biểu quyết 12-4. Nhóm đảo đá nhỏ Middle Rocks thuộc về Ma-lai-xi-a với kết quả ủng hộ 15-1. Cũng với tỉ lệ biểu quyết 15-1, Tòa kết luận bãi cạn lúc nổi lúc chìm, South Ledge, cách đảo chính 3,8km (chỉ nổi khi nước triều rút), thuộc về quốc gia mà vùng lãnh hải có South Ledge.[15]

 Phán quyết của Toà án Công lý quốc tế

Trong phán quyết của mình, Tòa án Công lý quốc xác định ngày 14/2/1980 (ngày Xinh-ga-po trao Công hàm phản đối bản đồ của Ma-lai-xi-a) là “thời điểm quyết định” của tranh chấp Pedra Branca, đánh dấu việc tranh chấp Pedra Branca chính thức hình thành. Theo đó, Tòa chỉ xem xét hành vi của các bên tranh chấp đối với Pedra Branca trước thời điểm này. Nói cách khác, tất cả các hoạt động, phát ngôn, tuyên bố về chủ quyền của các bên tranh chấp sau ngày 14/2/1980 không được Tòa xem xét. Tương tự như vậy, đối với tranh chấp Middle Rocks và South Ledge, Tòa cho rằng ngày 06/2/1993, ngày đầu tiên của vòng đàm phán trao đổi tài liệu pháp lý giữa Chính phủ Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po, là “thời điểm quyết định” và chỉ xem xét hành vi của các bên tranh chấp liên quan đến Middle Rocks và South Ledge trước ngày 06/2/1993.[16]

Về tình trạng pháp lý của Pedra Branca, Tòa phân tích theo hai giai đoạn: trước và sau năm 1844 khi người Anh tiến hành chuẩn bị xây dựng hải đăng trên Pedra Branca. Trước năm 1844, Tòa bác lập luận của Xinh-ga-po cho rằng Pedra Brance là lãnh thổ vô chủ (terra nullius) và đồng ý với Ma-lai-xi-a rằng Pedra Branca thuộc về Vương quốc Hồi giáo Johor (tiền thân của Ma-lai-xi-a). Tuy nhiên, Tòa cũng ghi nhận, từ những năm 1840 đến năm 1980, chủ quyền đối với Pedra Branca đã được chuyển cho Xinh-ga-po qua các hoạt động thực hiện chủ quyền liên tục và hòa bình của Anh (và sau đó là Xinh-ga-po) trong một thời gian dài mà Ma-lai-xi-a không có bất kỳ sự phản đối nào. Toà nhận định, trong một số tình huống cụ thể, Ma-lai-xi-a thậm chí còn ngầm thừa nhận việc thực hiện chủ quyền của Xinh-ga-po. Thư trao đổi giữa Thư ký thuộc địa Xinh-ga-po và Cố vấn Johor năm 1953 được Tòa xem như một trong những bằng chứng cho thấy Ma-lai-xi-a không tuyên bố chủ quyền đối với Pedra Branca (Tòa bác lập luận của Ma-lai-xi-a về việc Cố vấn Johor không có thẩm quyền từ bỏ hoặc phủ nhận chủ quyền của Johor).[17]

Đối với Middle Rocks, Tòa bác lập luận của Xinh-ga-po cho rằng Middle Rocks là một phần (dependency) của nhóm đảo Pedra Branca. Tòa nhận định rằng, tương tự như Pedra Branca, Middle Rocks không phải là lãnh thổ vô chủ (terra nullius) mà thuộc chủ quyền của Johor trước năm 1844. Các hoạt động xác lập chủ quyền của Anh và Xinh-ga-po sau năm 1844 chỉ được tiến hành đối với Pedra Branca và không áp dụng đối với Middle Rocks. Do đó, Tòa kết luận chủ quyền đối với Middle Rocks vẫn thuộc về Ma-lai-xi-a.[18]

Đối với South Ledge, Tòa trích dẫn Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 và án lệ Ca-ta và Ba-ranh[19] và cho rằng đây là bãi cạn lúc chìm lúc nổi, chỉ lộ ra khi thủy triều thấp nên không tạo thành “lãnh thổ” theo nghĩa giống như một hòn đảo. Do đó, Tòa không đưa ra câu trả lời cụ thể về chủ quyền đối với South Ledge mà chỉ kết luận chung rằng bãi cạn lúc chìm lúc nổi này sẽ thuộc về nước mà khu vực lãnh hải bao trùm South Ledge.[20]

Hợp tác biển và phân định biển trên cơ sở phán quyết của Toà án Công lý quốc tế

Chính phủ Ma-lai-xi-a và Chính phủ Xinh-ga-po đều không phản đối kết quả phân xử. Bộ trưởng Ngoại giao Ma-lai-xi-a Rais Yatim mô tả quyết định của Tòa án công lý quốc tế là giải pháp cả hai cùng thắng và sẽ tác động tích cực đến quan hệ song phương giữa Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po. Phó Thủ tướng Najib Tun Razak cho rằng phán quyết là một quyết định cân bằng vì Ma-lai-xi-a cũng đã thành công một phần trong yêu sách lãnh thổ của mình.[21] Phó thủ tướng Xinh-ga-po S. Jayakumar bày tỏ sự hài lòng của Xinh-ga-po vì Tòa đã trao chủ quyền của Pedra Branca, đối tượng chính của cuộc tranh cãi, cho Xinh-ga-po. Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh việc đưa tranh chấp lên Tòa phân xử là một cách tốt để các bên có thể giải quyết những bất đồng mà vẫn duy trì quan hệ láng giềng tốt đẹp.[22]

Mặc dù cũng có một số phản ứng chính trị nội bộ, đặc biệt là tại Quốc hội Ma-lai-xi-a và bang Johor của Ma-lai-xi-a, về kết quả phán quyết, cả Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po đều khẳng định cam kết tuân thủ và thực hiện đầy đủ phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế. Chỉ 10 ngày sau phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế, ngày 03/6/2008, Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po đã thống nhất thành lập Ủy ban Kỹ thuật chung Ma-lai-xi-a-Xinh-ga-po (MSJTC) để triển khai thực hiện phán quyết.[23] Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po cũng nhất trí một trong hai bên đều có thể hỗ trợ tàu gặp nạn tại các vùng biển gần Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge và ngư dân cả hai nước đều có thể tiếp tục các hoạt động đánh bắt cá truyền thống của họ tại vùng biển này.

Theo kết quả của cuộc họp ngày 20/8/2008 của Tiểu ban Nghề cá và Quản lý Hàng hải và Không phận, các hoạt động đánh bắt cá truyền thống của cả hai nước sẽ tiếp tục được duy trì trong vùng biển cách Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge hơn 0,5 hải lý.

Việc chuẩn bị kỹ thuật phục vụ khảo sát thủy văn làm cơ sở cho đàm phán phân định lãnh hải giữa hai nước được Ủy ban Kỹ thuật chung giao cho Tiểu ban Nghiên cứu Khảo sát. Đến tháng 7/2010, Tiểu Ban Nghiên cứu Khảo sát đã hoàn thành soạn thảo Bản ghi nhớ (MOU) về khảo sát thủy văn tại khu vực Pedra Branca và Middle Rocks. Bản ghi nhớ được ký kết tại cuộc họp thứ năm của Ủy ban Kỹ thuật chung vào ngày 02/12/2010, tạo cơ sở pháp lý để hai bên tiếp tục tiến hành việc nghiên cứu xác định đặc tính của South Ledge và phân định biên giới biển. In-đô-nê-xi-a cũng đã bày tỏ quan tâm muốn tham gia vào quá trình khảo sát, nghiên cứu và đàm phán vì cho rằng vùng biển mà Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po đàm phán có thể chồng lấn với vùng biển của In-đô-nê-xia.[24]

 

 

Kinh nghiệm cho Việt Nam trong tranh chấp tại Biển Đông

Có thể nói lựa chọn giải quyết tranh chấp Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge bằng biện pháp tài phán thông qua Tòa án Công lý quốc tế là quyết sách đúng đắn của cả Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po.

Thứ nhất, việc giải quyết dứt điểm tranh chấp đã tháo gỡ một rào cản đáng kể cũng như những nghi kỵ đã tồn tại nhiều thập kỷ trong quan hệ giữa Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po, góp phần tích cực vào việc duy trì quan hệ láng giềng, hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa hai nước.

Thứ hai, đưa tranh chấp ra Tòa án Công lý quốc tế là biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình, qua đó giảm thiểu nguy cơ xung đột vũ trang và góp phần xây dựng môi trường ổn định để hai nước cùng phát triển.

Thứ ba, giải quyết tranh chấp thông qua một bên thứ ba là biện pháp khá minh bạch, rõ ràng, dứt điểm, tương đối khách quan, đặc biệt là trong quan hệ giữa một nước nhỏ và một nước lớn. Những ưu điểm này thể hiện rõ khi so sánh với việc đàm phán song phương vốn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tương quan lực lượng giữa hai nước, hoặc so với việc giải quyết thông qua các cơ chế môi giới, trung gian, hòa giải vốn không có tính ràng buộc pháp lý.

Thứ tư, đây là biện pháp có tính khả thi, bởi vì khác với việc phân định biên giới trên đất liền và phân định biên giới trên biển, việc xác định chủ quyền đối với hải đảo rất khó có thể thực hiện hoàn toàn thông qua đàm phán. Nói cách khác, rất khó để một quốc gia từ bỏ chủ quyền của mình và chấp nhận chủ quyền của đối phương trên bàn đàm phán. Cả Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po đều có cùng nhận định rằng đàm phán để giải quyết chủ quyền đối với Pedra Branca là không khả thi.

Thứ năm, giải quyết được vấn đề chủ quyền sẽ tạo cơ sở để các bên tranh chấp tiến hành phân định biển hoặc triển khai hợp tác chung trên các lĩnh vực như dầu khí, nghề cá, môi trường, nhân đạo, chống tội phạm biển, qua đó góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, gìn giữ môi trường chung.

Thứ sáu, cùng đưa tranh chấp ra Tòa án Công lý quốc tế là biện pháp có thể giải quyết tranh chấp mà vẫn giảm được tác động tiêu cực về chính trị nội bộ đối với mỗi bên vì bên thua kiện có thể “đổ lỗi” cho cơ quan tài phán.

Nhận thức được vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là đối với các nước nhỏ trong quan hệ với các nước lớn hơn, ngay từ năm 1989 Xinh-ga-po đã chủ động đề xuất giải quyết tranh chấp Pedra Branca với Ma-lai-xi-a bằng luật pháp quốc tế thông qua Tòa án Công lý quốc tế và kiên trì đề xuất này cho đến khi nhận được sự đồng ý của Ma-lai-xi-a. Trong quá trình đàm phán Thỏa thuận đặc biệt, Xinh-ga-po đã thuyết phục Ma-lai-xi-a đưa cả tranh chấp Middle Rocks và South Ledge ra Tòa án Công lý quốc tế. Phán quyết của Tòa là kết quả khá thuận đối với Xinh-ga-po, bởi Pedra Branca - đối tượng tranh chấp chính giữa Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po - được Tòa tuyên thuộc chủ quyền của Xinh-ga-po. Với vị trí địa lý quan trọng nằm ở cửa ngõ Eo biển Xinh-ga-po, Pedra Branca có ý nghĩa lớn với Xinh-ga-po cả về kinh tế, chính trị, môi trường, giám sát tàu thuyền qua lại, bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải trong khu vực Eo biển Xinh-ga-po.

Đối với Ma-lai-xi-a, việc chấp nhận giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án Công lý quốc tế cũng là một quyết định hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh Anh (và sau đó là Xinh-ga-po) đã chiếm đóng và quản lý Pedra Branca từ những năm 1840 đến năm 1980. Trong các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, chẳng hạn tranh chấp chủ quyền liên quan đến quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc hoặc tranh chấp liên quan đến đảo Dokdo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, các quốc gia chiếm đóng thường muốn duy trì và củng cố các hoạt động quản lý của mình và không muốn đưa tranh chấp ra giải quyết thông qua một bên thứ ba. Ngược lại, các quốc gia không chiếm đóng thường muốn đưa tranh chấp ra giải quyết bởi một bên thứ ba bởi khó có thể giành lại quyền chiếm đóng hoặc quản lý vùng lãnh thổ bị tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình khác. Quyết định của Tòa cho rằng Middle Rocks thuộc về Ma-lai-xi-a cũng là một thắng lợi đối với Ma-lai-xi-a. Trước khi phán quyết được đưa ra, Xinh-ga-po kiểm soát trên thực tế toàn bộ các vùng biển gần khu vực Middle Rocks và không cho ngư dân Ma-lai-xi-a đánh bắt cá ở ngư trường trước kia được xem là truyền thống.[25] Với phán quyết của Tòa, ngư dân Johor đã có thể trở lại đánh bắt tại ngư trường truyền thống của mình. Ma-lai-xi-a cũng không còn phải lo ngại về khả năng Xinh-ga-po tiến hành lấn biển để nối Pedra Branca và Middle Rocks. Việc Ma-lai-xi-a có được chủ quyền đối với Middle Rocks cũng tạo thuận lợi cho quá trình đàm phán phân định biển và xác định tình trạng pháp lý của South Ledge giữa Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po, bởi South Ledge nằm trong phạm vi lãnh hải của Ma-lai-xi-a và nằm gần Middle Rocks hơn là Pedra Branca.

Các vấn đề pháp lý chính trong tranh chấp Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge như việc lựa chọn “thời điểm quyết định”; xác định lãnh thổ vô chủ; phân biệt ý nghĩa bãi cạn lúc chìm lúc nổi và đảo; áp dụng các phương thức thụ đắc lãnh thổ thông qua việc phân tích hoạt động thực thi chủ quyền của một nước và hành vi ngầm thừa nhận của một nước khác... đều là những vấn đề cơ bản mà các cơ quan tài phán thường xem xét khi giải quyết các tranh chấp chủ quyền. Các vấn đề pháp lý này ít nhiều đều liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nếu tranh chấp này được giải quyết thông qua một cơ quan tài phán. Trên thực tế các cơ quan tài phán thường xuyên tham khảo án lệ của nhau trong quá trình nghị án và ra phán quyết.

Cùng với các án lệ trong tranh chấp liên quan đến đảo Palmas[26] và vịnh Maine,[27] phán quyết của Tòa đối với tranh chấp Pedra Branca tiếp tục khẳng định khả năng thay đổi chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ có chủ, có nguồn gốc thuộc về một quốc gia (quốc gia A) sang một quốc gia khác (quốc gia B) nếu quốc gia B đã chiếm hữu thực tế, hòa bình và hữu hiệu vùng lãnh thổ đó mà quốc gia A không có các động thái, hành vi phản hồi cụ thể nào. Đáng chú ý, trong hơn 100 bản đồ được hai bên đệ trình, Tòa chỉ xem xét 6 bản đồ do các cơ quan Nhà nước hoặc Chính phủ Ma-lai-xi-a xuất bản (cho thấy Pedra Branca thuộc về Xinh-ga-po) vì cho rằng chỉ có các bản đồ này mới thể hiện được rõ ràng ý chí của Nhà nước.[28] Các bản đồ mang tính cá nhân, hoặc không thể hiện quan điểm của Nhà nước không được Tòa xem xét.

Kinh nghiệm của vụ Pedra Branca cho thấy các nước nhỏ nên sử dụng thế mạnh của mình là luật pháp quốc tế. Đặc biệt đối với các vùng lãnh thổ đang bị nước ngoài chiếm đóng trái phép, việc nghiên cứu kiến nghị việc giải quyết tranh chấp thông qua một cơ quan tài phán độc lập càng trở nên cấp thiết hơn vì rất ít khả năng bên chiếm đóng chấp nhận từ bỏ việc chiếm đóng của mình thông qua đàm phán, thương lượng. Ngoài ra, giải quyết tranh chấp thông qua một cơ quan tài phán vẫn là giải pháp mang tính hoà bình và được luật pháp quốc tế công nhận và khuyến khích.

Về nguyên tắc, các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ chỉ có thể được giải quyết nếu có sự chấp thuận của tất cả các bên tranh chấp. Trong trường hợp Pedra Branca, Xinh-ga-po không thể đưa tranh chấp ra Tòa nếu không có sự chấp thuận của Ma-lai-xi-a. Tuy nhiên, khác với tranh chấp Pedra Branca vốn chủ yếu xoay quanh khía cạnh chủ quyền, tranh chấp Biển Đông bao gồm cả nhóm tranh chấp về chủ quyền và nhóm tranh chấp về các vùng biển liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc năm 1982. Nhóm tranh chấp thứ hai có thể được giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc năm 1982 và không nhất thiết phải có sự chấp thuận của tất cả các bên tranh chấp.[29] Trên thực tế, Philippines đã sử dụng Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc năm 1982 để đơn phương khởi kiện chống lại các yêu sách của Trung Quốc mà Phi-líp-pin cho là đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi-líp-pin theo Công ước Luật biển. Một số bên tranh chấp cũng có thể thỏa thuận để yêu cầu Tòa án Luật biển cho ý kiến tư vấn về một hoặc một số vấn đề pháp lý liên quan đến tranh chấp mà không cần có sự chấp thuận của tất cả các bên tranh chấp. Ngoài ra, các bên cũng có thể sử dụng cơ chế hòa giải để tìm giải pháp cho tranh chấp, trong đó có cơ chế hòa giải bắt buộc cho các tranh chấp về phân định biển phát sinh sau ngày Công ước Luật biển có hiệu lực. Tóm lại, có nhiều phương án pháp lý đặt ra đối với nhóm tranh chấp thứ hai cần được các bên tranh chấp nghiêm túc xem xét, nghiên cứu và chuẩn bị sử dụng.

Đối với nhóm tranh chấp thứ nhất, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa, từ kinh nghiệm của Xinh-ga-po trong tranh chấp Pedra Branca, Việt Nam cần sớm công khai bày tỏ sẵn sàng giải quyết tranh chấp này thông qua một cơ quan tài phán quốc tế. Dù Trung Quốc có đồng ý hay không, việc công khai bày tỏ sẵn sàng giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa thông qua một cơ quan tài phán quốc tế thể hiện mong muốn của Việt Nam về việc giải quyết tranh chấp này một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, vừa khẳng định hình ảnh Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm và sẵn sàng tham gia các thể chế luật pháp quốc tế, vừa cho thấy Việt Nam có nhiều cơ sở pháp lý hoặc tự tin về việc có nhiều cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình.

Để chuẩn bị cho việc sử dụng luật pháp quốc tế và các thể chế quốc tế để giải quyết tranh chấp, Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên đào tạo đội ngũ chuyên gia về luật quốc tế có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao; chú trọng hơn nữa việc gửi người hoặc vận động gửi người tham gia vào các thể chế quốc tế, trong đó có các cơ quan tài phán quốc tế. Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xia, Cam-pu-chia, Xinh-ga-po, Thái Lan, Mi-an-ma và Phi-líp-pin đều đã từng có kinh nghiệm đưa các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ra các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết. Phi-líp-pin và Cam-pu-chia đã ra Tuyên bố đơn phương chấp nhận quyền tài phán bắt buộc của Tòa án quốc tế. Trung Quốc luôn có thẩm phán tại Tòa án Công lý quốc tế (trừ giai đoạn 1967-1985), Tòa án xét xử tội phạm hình sự quốc tế ở Nam Tư (ICTY), Tòa án xét xử tội phạm hình sự quốc tế ở Rwanda (ICTR). Hiện nay, Trung Quốc cũng đang có thẩm phán tại Cơ quan phúc thẩm WTO (WTO Appellate Body). Phi-líp-pin đã có một thẩm phán tại Tòa án quốc tế và một thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế. Trung Quốc cũng luôn có mặt tại Ủy ban luật pháp quốc tế, cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc pháp điển hóa luật pháp quốc tế, và luôn có người đảm nhiệm chức Phó Tổng Thư ký của Liên Hợp Quốc. In-đô-nê-xi-a và Thái Lan từng nhiều lần có thành viên đại diện tại Ủy ban Luật pháp quốc tế. Các nước này đều có nhiều chuyên gia làm việc tại các cơ quan tư pháp và các thể chế quốc tế và khu vực. Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc cũng cho phép mỗi quốc gia thành viên đề cử bốn trọng tài viên vào Danh sách Trọng tài viên của Công ước Luật biển. Danh sách này được Tổng thư ký quản lý và lưu giữ và là cơ sở để chỉ định trọng tài cho việc thành lập Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước. Việt Nam nên sớm tiến hành lựa chọn, đề cử trọng tài viên vào Danh sách, vừa bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên của Công ước, vừa là cách thức khả thi để Việt Nam có mặt nhiều hơn tại các thể chế pháp lý quốc tế, qua đó nâng cao vị trí, nhận thức, tuyên truyền và góp phần tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ pháp lý của Việt Nam./.

Tác giả Phan Duy Hảo là Tiến sĩ Luật; Chuyên gia nghiên cứu, Trung tâm Luật pháp quốc tế, Đại học quốc gia Xinh-ga-po (Senior Research Fellow, Centre for International Law, National University of Singapore). Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 3 (98), tháng 9/2014.

Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông

[1] Pedra Branca và Batu Puteh đều có nghĩa là “đá trắng” trong tiếng Bồ Đào Nha và Ma-lai-xi-a.

[2] Xem Phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế, Tranh chấp về chủ quyền Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge (Ma-lai-xi-a/Xinh-ga-po), http://www.icj-cij.org/docket/files/130/14492.pdf (sau đây gọi là “Phán quyết Pedra Branca”), đoạn 17.

[3] Xem phán quyết Pedra Branca, đoạn 16.

[4] Phán quyết Pedra Branca, đoạn 18.

[5] Phán quyết Pedra Branca, đoạn 18.

[6] Robert Beckman and Clive Schofield, “Moving Beyond Disputes Over Island Sovereignty: ICJ Decision Sets Stage for Maritime Boundary Delimitation in the Singapore Strait”, Ocean Development & International Law, Vol. 40, No. 1, pp. 1-35 (2009).

[7] Xem S Jayakumar và Tommy Koh, Pedra Branca: The Road to the World Court, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Xinh-ga-po, trang 20-34 (2009).

[8] Xem S Jayakumar và Tommy Koh, Pedra Branca: The Road to the World Court, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Xinh-ga-po, trang 20-34 (2009).

[9]Một số nguồn khác cho rằng Xinh-ga-po đề cập đến khả năng giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án quốc tế vào năm 1989. Xem “History of the dispute”, http://web. archive.org/web/20110719010707/;http://www.mfa.gov.sg/pedrabranca/histDispute.htm

[10] Xem S Jayakumar và Tommy Koh, Pedra Branca: The Road to the World Court, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Xinh-ga-po, trang 20-34 (2009).

[11] Xem S Jayakumar và Tommy Koh, Pedra Branca: The Road to the World Court, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Xinh-ga-po, trang 20-34 (2009).

[12] Tranh chấp về chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan (In-đô-nê-xi-a/Ma-lai-xi-a), Phán quyết của Tòa án công lý quốc tế, http://www.icj-cij.org/docket/files /102/7714.pdf.

[13] Xem tác giả S Jayakumar và Tommy Koh, Pedra Branca: The Road to the World Court, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Xinh-ga-po, trang 20-34 (2009).

[14] Xem S Jayakumar và Tommy Koh, Pedra Branca: The Road to the World Court, , Nhà xuất bản Đại học quốc gia Xinh-ga-po, trang 20-34 (2009).

[15] Phán quyết Pedra Branca, đoạn 300. Coalter G. Lathrop, “Sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks and South Ledge”, The American Journal of International Law, Vol. 102, No. 4, pp. 828-834 (2008).

[16] Phán quyết Pedra Branca, từ đoạn 32 đến đoạn 36.

[17] Xem Phán quyết Pedra Branca, từ đoạn 37 đến đoạn 277.

[18] Xem Phán quyết Pedra Branca, từ đoạn 288 đến đoạn 290.

[19] Xem Tranh chấp liên quan đến việc phân định ranh giới biển và các vấn đề lãnh thổ giữa Ca-ta và Ba-ranh, Phán quyết của Tòa án công lý quốc tế, http://www.icj-cij.org/docket/files/87/7027.pdf.

[20] Xem Phán quyết Pedra Branca, đoạn 299.

[21] “World Court ends 28-year dispute, declaring main island is Singapore’s; Malaysia gets Middle Rocks”, xem Strait Times, http://www.webcitation.org/5iQRSkRnt.

[22] World Court ends 28-year dispute, declaring main island is Singapore’s; Malaysia gets Middle Rocks, xem Strait Times, http://www.webcitation.org/5iQRSkRnt.

[23] Singapore, Malaysia grapple with UN court decision, xem Reuters, http://www. asiaone.com/News/Latest%2BNews/Asia/Story/A1Story20080526-67143.html và Strait Times, Pedra Branca: New joint panel formed, http://www.asiaone.com/News/the%2 BStraits% 2BTimes/Story/A1Story20080902-85422.html

[24] Abdul Ghafur Hamid, Current Legal Developments - International Court of Justice, “Pedra Branca Judgment and Beyond: Issues and Challenges in its Implementation by Malaysia and Singapore”, The International Journal of Marine and Coastal Law, Volume 26, Issue 2, trang 341 (2011).

[25] Robert Beckman, “Case between Ma-lai-xi-a and Xinh-ga-po concerning Sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks and South Ledge”, Asian Yearbook of International Law, Vol. 14, pp 275-286.

[26] Tranh chấp chủ quyền đối với đảo Palmas (Hà Lan/Hoa Kỳ), Phán quyết ngày 04/04/1928, R.I.I.A. Vol. II, 829.

[27] Tranh chấp về phân định ranh giới biển tại khu vực Vịnh Maine (Ca-na-đa/Hoa Kỳ), Phán quyền của Tòa án Công lý quốc tế (1984).

[28] Phán quyết Pedra Branca, từ đoạn 267 đến đoạn 272.

[29] Điều 286, Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc năm 1982, trừ trường hợp quốc gia liên quan tuyên bố bằng văn bản về việc không chấp nhận thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc đối với một số tranh chấp cụ thể về phân định biển, hoạt động quân sự, hoạt động chấp pháp và thuộc phạm vi giải quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc theo Điều 298.

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục