Tin Biển Đông

 
 
 

Trung Quốc hướng tới trật tự Á - Âu mới

  • Cập nhật : 13/07/2017

Những động thái gần đây cho thấy Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật mới nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược là kiểm soát hoàn toàn Biển Đông, thực hiện giấc mơ Trung Hoa. Tuy nhiên, khả năng hiện thực hóa giấc mơ này còn bỏ ngỏ, khi ngày càng có nhiều nước lo ngại và phản ứng với các tham vọng của Trung Quốc.

Biển Đông trong 3 tháng đầu năm 2015 không có những sự kiện gây căng thẳng như năm 2014. Những động thái gần đây cho thấy Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật mới nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược là kiểm soát hoàn toàn Biển Đông. Khả năng tài chính dồi dào cho phép Trung Quốc mở rộng và hiện đại hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, đồng thời theo đuổi các chương trình hợp tác rộng lớn, nhằm tạo một vị thế trung tâm cho Trung Quốc trong một trật tự Á-Âu mới. Tuy nhiên,khả năng hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa này còn bỏ ngỏ, khi ngày càng có nhiều nước lo ngại và phản ứng với các tham vọng của Trung Quốc.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đang khôn khéo tiến hành các bước đi nhanh và mạnh, có hệ lụy kinh tế và địa chính trị lâu dài, song lại được lựa chọn nhằm tránh gây xung đột trực tiếp với các nước liên quan. Hai biện pháp rõ ràng nhất đại diện cho xu thế này là các hoạt động cải tạo mở rộng các bãi đá Trung Quốc chiếm được ở Trường Sa và quyết liệt thực hiện các sáng kiến kết nối và hợp tác tài chính ở tầm toàn cầu với Trung Quốc là trung tâm. Các chỉ dấu đó cho thấy Trung Quốc đang thực thi một chiến lược đầy tham vọng: xây dựng một cục diện thế giới mới, trong đó Bắc Kinh mở rộng phạm vi ảnh hưởng và hoạt động về quân sự và an ninh, đặc biệt ở khu vực Biển Đông, vị trí địa chiến lược quan trọng, là trung tâm kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Về kinh tế, Trung Quốc đóng vai trò trung tâm, của những kết nối địa lý và hợp tác tài chính rộng lớn ở quy mô toàn cầu. Nhiều sáng kiến có sự tham gia của các cường quốc phương Tây, song không có chỗ cho Mỹ. 

Trên Biển Đông, kể từ đầu năm 2015, Trung Quốc đã không tiến hành các hoạt động gây phản ứng mạnh mẽ của các nước như đơn phương hạ đặt dàn khoan HD981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hoặc cử tàu chấp pháp ngăn cản Philippines tiếp tế hậu cần cho đơn vị quân đồn trú trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) trong năm 2014. Thay vào đó, Trung Quốc tập trung vào việc mở rộng và hiện đại hoá các đá đã chiếm đoạt được ở Trường Sa.

Bắt đầu từ năm 2014, quá trình mở rộng đảo ở Trường Sa diễn ra với quy mô và tốc độ chưa từng có ở Biển Đông. Hiện Trung Quốc đang thực hiện việc mở rộng 6 đến 7 điểm đang chiếm đóng, trong đó có những nơi quy mô lớn như bãi Gạc Ma, Chữ Thập, và Gaven. Các thông tin gần đây cho thấy, bãi Ga Ven đã hình thành đảo nhân tạo với diện tích hơn 114.000 m2. Bãi Gạc Ma từ một cấu trúc chìm đã được bồi đắp thành hòn đảo hơn 100.000 m2. Bãi Chữ Thập đã được mở rộng thêm gấp 11 lần so với thời điểm tháng 8/2014. Đây là các hoạt động phi pháp theo Công ước Luật Quốc tế về Biển (UNCLOS), vi phạm nghiêm trọng tinh thần của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002. Đồng thời, hoạt động này cũng vi phạm tinh thần hợp tác giải quyết các vấn đề trên biển trong cam kết giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Tại các đảo nhân tạo đã hình thành cấu trúc cho việc đồn trú và hoạt động của lực lượng quân sự như trạm đồn trú, sân đỗ trực thăng, thiết bị phòng không, đường băng sân bay dài cho máy bay quân sự cỡ lớn, âu tàu nước sâu có thể chứa các tàu quân/dân sự loại lớn, ra-đa phòng không, do thám v.v… Sau thời gian đầu lặng lẽ tiến hành, Trung Quốc bắt đầu mở chiến dịch truyền thông, công khai thừa nhận hoạt động cải tạo đảo ở Trường Sa, trắng trợn cho rằng đó là công việc nội bộ của Trung Quốc, không cần thiết phải tranh cãi.

Các nhà quan sát đặc biệt quan tâm tới ý đồ của Trung Quốc trong việc cải tạo các đảo ở Trường Sa, do việc Bắc Kinh sử dụng các đảo đó như thế nào trong thời gian tới sẽ có tác động quan trọng lên tình hình ở Biển Đông. Ý đồ này phần nào đã được giải thích rõ trong cuộc họp báo ngày 10/4/2015 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Bà này giải thích ngắn gọn việc cải tạo/xây dựng các đảo nhằm phục vụ cả mục tiêu quốc phòng và cung cấp dịch vụ dân sự cho tàu thuyền trên Biển Đông. Nhiều học giả đã phân tích, việc xây dựng các cơ sở quân sự hiện đại ở Trường Sa tạo thành bức Vạn lý Trường Thành án ngữ trên Biển Đông để bảo vệ Trung Quốc và giúp tầm hoạt động quân sự của Bắc Kinh vươn xa xuống phía Nam. Quần đảo Trường Sa cách Hải Nam - phần lãnh thổ tận cùng phía Nam của Trung Quốc mà không có tranh chấp với các nước láng giềng - khoảng 1.800km, khoảng cách tương đối xa cho các chiến dịch quân sự, kể cả với các lực lượng quân sự hiện đại. Với việc hình thành chuỗi đảo nhân tạo rộng lớn, hiện đại làm nơi đóng quân của các lực lượng hải-không quân; Trung Quốc sẽ có sự hiện diện quân sự thường trực trên toàn khu vực Biển Đông, mở rộng tầm hoạt động của lực lượng vũ trang tới các khu vực xa hơn, tiếp giáp với các nước Malaysia, Indonesia, eo biển Malacca, và tiến ra Ấn Độ Dương. Có thể nói, việc xây dựng các đảo nhân tạo có hệ lụy an ninh - chiến lược đặc biệt, làm thay đổi vĩnh viễn cân bằng lực lượng trong khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc

Một điểm khác đáng lưu ý là các đảo nhân tạo này không chỉ phục vụ mục tiêu quân sự. Theo lời Hoa Xuân Oánh, Trung Quốc còn tuyên bố có kế hoạch cung cấp các dịch vụ dân sự cho tàu thuyền trên biển Đông. Cho đến giờ, Bắc Kinh vẫn chưa nêu chi tiết kế hoạch cung cấp các dịch vụ dân sựlà gì. Một số thông tin ban đầu có thể dẫn đến phán đoán các dịch vụ dân sự sẽ bao gồm các hải đăng dẫn đường, dịch vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, cung cấp nơi tránh bão cho tàu tuyền trên biển, và các dịch vụ khác như tiếp liệu, sửa chữa tàu thuyền v.v… Tất cả các dịch vụ kể trên đều phục vụ các nhu cầu thiết yếu, thậm chí sống còn đối với tàu thuyền đi qua một trong những vùng biển có tuyến đường hàng hải hoạt động sôi động nhất và cũng có nhiều bão và thiên tai nhất trên thế giới.

Chiến thuật này rõ ràng nhằm xoa dịu các nước về hoạt động của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa, tạo nên một thực tế mới dễ chấp nhận hơn cho các nước chỉ sử dụng tuyến đường hàng hải trên Biển Đông chứ không có tranh chấp biên giới lãnh thổ. Với việc cung cấp các dịch vụdân sự, Trung Quốc muốn phân hoá lợi ích, và tất yếu dẫn đến lập trường, của các nước trên Biển Đông, hoá giải nguy cơ hình thành một mặt trận các nước cùng chống lại hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc. Việc chấp thuận sử dụng các dịch vụ này của tàu thuyền dân sự trước mắt có thểkhông tác động trực tiếp tới tình trạng (phi) pháp lý của các đảo nhân tạo và quan điểm chính thức của chính phủ các nước. Tuy nhiên, theo thời gian, các hoạt động đó có thể dẫn đến việc thừa nhận trên thực tế sự tồn tại và vai trò của các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hướng triển khai chính sách đối ngoại mạnh mẽ khác của Trung Quốc là tập trung thúc đẩy các chương trình hợp tác và kết nối quốc tế với quy mô rộng lớn. Được đề cập lần đầu từ nửa cuối năm2013, Sáng kiến Nhất đới - Nhất lộ được tích cực đẩy mạnh thực thi kể từ đầu năm 2015. Nhất đới - Nhất lộ là đại dự án đầy tham vọng của Trung Quốc, nhằm khôi phục lại con đường tơ lụa trên bộnối Trung Quốc với khu vực Trung Á tới châu Âu và xây dựng một con đường tơ lụa trên biển, đi qua biển Đông tới Ấn Độ Dương, khu vực Bắc Phi, Trung Đông, rồi hợp nhất với con đường tơ lụa trên bộ tại châu Âu. Trong giai đoạn đầu, ý tưởng này được nêu ra, song chưa được giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, ngay sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn Bác Ngao cuối tháng 3/2015, chính phủ Trung Quốc đã công bố Báo cáo Tầm nhìn và Kế hoạch hành động của sáng kiến Nhất đới - Nhất lộ, trong đó cụ nêu rõ các nguyên tắc, khuôn khổ, ưu tiên, và cơ chế hợp tác trong sáng kiến này. Đây là bước tiến lớn của Trung Quốc trong việc cụ thể hóa Nhất đới - Nhất lộ để đưa vào triển khai thực tiễn. Trung Quốc cũng đang đề xuất với ASEAN chính thức phát động năm hợp tác biển ASEAN-Trung Quốc 2015 và tuyên bố còn hàng trăm kế hoạch hợp tác khác với các nước ASEAN, dù nội dung của hàng trăm kế hoạch này là gì cho đến giờ vẫn chưa được Trung Quốc chính thức công bố.

Cũng từ cuối năm 2014 tới nay, Trung Quốc thúc đẩy việc xây dựng Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB), vốn được coi là đối thủ tiềm năng của các thể chế tài chính quốc tế hiện có như QuỹTiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vốn do Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản nắm vai trò chi phối. Cuối tháng 10/2014, 21 nước châu Á đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB. Đến ngày 15/4, trang web chính thức của AIIB, xác nhận  57 nước là thành viên sáng lập của Ngân hàng này, trong đó có Việt Nam.

Các bước tiến mạnh mẽ trên hai mặt trận mới khiến Mỹ không kịp trở tay đối phó. Tiếp tục khẳng định lợi ích chiến lược trong việc duy trì hòa bình và tự do hàng hải trên Biển Đông, Mỹ đã một sốhoạt động trên thực địa theo hướng tăng cường hiện diện, đồng thời có biện pháp hỗ trợ các đồng minh và đối tác nhằm kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông. Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ năm 2015 sử dụng ngôn ngữ khá mạnh mẽ để ám chỉ các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ, Mỹ “bác bỏ các tuyên bố bt hp pháp và hung hăng đối với các vùng trời và vùng biển... Đối với các tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt ở Châu Á, [Mỹ] bác bỏ các hành vi cưng ép và quyết đoán có khả năng dẫn đến leo thang căng thẳng” (người viết in nghiêng). Cũng trong chiến lược mới này, Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường làm sâu sắc quan hệ với các đối tác ở Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, đồng thời thực hiện các cam kết đồng minh với Nhật, Hàn, Philippines, Thái Lan.

Mỹ đã cam kết hỗ trợ 40 triệu USD cho Philippines trong năm 2015 cho mục đích quốc phòng. Tổng thống Obama đang nỗ lực xúc tiến dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam và muốn hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam nhiều hơn. Bên cạnh đó, Mỹ giữ kế hoạch chuyển giao cho Việt Nam 6 tàu tuần tra tốc độ cao. Trong những tháng đầu năm 2015, Washington đã cử các máy bay do thám xuất phát từ Philippines đi trinh sát ở Biển Đông. Một sự kiện đáng chú ý khác là hai máy bay chiến đấu Mỹ đã xuất phát từ căn cứ tại Nhật Bản, hạ cánh xuống Đài Loan với lý do trục trặc kỹthuật. Tuy nhiên, đó có phải là nguyên nhân khiến các máy bay này hạ cánh không vẫn là dấu hỏi lớn; do các máy bay chiến đấu Mỹ thuộc loại hiện đại, từ lâu đã không có các sự cố tương tự, và rất ít khả năng hai máy bay đồng thời gặp sự cố. Những tuyên bố và hành động cụ thể trên cho thấy khả năng Mỹ đang tính tới một số hành động để đối phó với chiến thuật mới của Trung Quốc, đặc biệt hoạt động cải tạo đảo ở Trường Sa.

Nhật Bản tỏ ra thận trọng với những đề xuất liên quan đến sự can dự lớn hơn ở Biển Đông, do quy định luật pháp của Nhật đối với lực lượng phòng vệ, cũng như không muốn gây căng thẳng với Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật tích cực hợp tác với các nước Đông Nam Á nhằm tìm kiếm ảnh hưởng trong khu vực. Cụ thể, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam và Philippines cả về trang thiết bị, tàu tuần tra, và đào tạo con người nhằm phát triển lực lượng tuần duyên. Cuối tháng 3 vừa qua, Nhật cũng ký hiệp định hợp tác quốc phòng với Indonesia, trong đó có yếu tố giúp Indonesia tăng cường khả năng bảo vệ bờ biển.

Ở Đông Nam Á, Biển Đông là một trong những mối quan tâm hàng đầu. ASEAN đang hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay, coi tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lớn của khu vực, thách thức vai trò và vị trí trung tâm của ASEAN. Do vậy, ASEAN tích cực thúc đẩy thực thi Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), nhằm tạo cơ chế cho các quốc gia quản lý tranh chấp bằng các biện pháp hợp tác, hòa bình. Nhiều nước cho rằng COC cần được đẩy mạnh để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực. Thái Lan, nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc năm 2015 cam kết tăng tần suất giao tiếp để giải quyết các khúc mắc và đạt được tiến bộ trong quan hệ. ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thực hiện chương trình thu hoạch sớm, trong đó có việc xây dựng đường dây nóng giữa các bên.

Tuy nhiên, nhìn chung ASEAN vẫn chưa tạo dấu ấn về vai trò trong vấn đề Biển Đông do có sựkhác biệt tương đối lớn trong lợi ích giữa các quốc gia thành viên. Bên cạnh nhóm nước tích cực phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông như Philippines và Việt Nam, một sốnước như Indonesia và Malaysia tỏ ra quan ngại, song không muốn làm mất lòng Trung Quốc. Trong khi Singapore chỉ trích tuyên bố chủ quyền 9 đoạn của Trung Quốc là mơ hồ, Campuchia lại cho rằng mâu thuẫn trên Biển Đông là chuyện riêng của các nước có tranh chấp lãnh thổ và các nước này cần trao đổi trực tiếp với nhau, chứ đây không phải là chuyện của cả ASEAN.

Việt Nam đã sử dụng nhiều kênh ngoại giao song phương và đa phương để nêu vấn đề an ninh trên Biển Đông với các đối tác, trong đó có chính Trung Quốc, nhằm tìm ra một giải pháp hoà bình cho việc quản lý các tranh chấp. Các hoạt động của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Tại ASEAN, Việt Nam thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC và hướng tới đàm phán thực chất về COC. Với Trung Quốc, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa, đưa vấn đề Biển Đông lên cấp cao nhất và yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc thực thi các thoả thuận đã có giữa hai nước nhằm duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông; tránh làm phức tạp thêm tình hình.

Bên cạnh đó, vấn đề Biển Đông cũng nằm trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam với các nước ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, Úc v.v… Tuy nhiên, nhận định chung vẫn là Việt Nam cần tiến hành các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Trong giai đoạn tới, gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tạo và phát triển các đảo nhân tạo. Bên cạnh yếu tố chiến lược quốc phòng, có thể Trung Quốc sẽ xây dựng các dịch vụ dân sựcho tàu thuyền đi lại trên Biển Đông, đồng thời trồng cây phủ xanh các đảo nhân tạo đó để giảm thiểu các chỉ trích quốc tế về vấn đề môi trường do việc mở rộng đảo gây ra. Trung Quốc cũng sẽtiếp tục thúc đẩy các chương trình và sáng kiến hợp tác lớn để tập hợp lực lượng và phân hóa các nước, tạo cơ sở để tiến tới xây dựng một trật tự khu vực mới với Trung Quốc là trung tâm. Tuy nhiên, tùy thuộc các diễn biến chính trị, pháp lý quốc tế và quan hệ với các nước láng giềng, có thểTrung Quốc sẽ có những hành động gây căng thẳng mang tính răn đe. Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ tháng 9 năm nay có thể sẽ làm sáng tỏ thêm nhiều nội dung hiện còn mơ hồ.

Với việc mở rộng và hiện đại hoá các bãi trên quần đảo Trường Sa, đồng thời thúc đẩy các chương trình kết nối và hợp tác tài chính trong khu vực, Trung Quốc dường như đã tìm ra công thức thực hiện tham vọng kiểm soát và hướng tới chiếm trọn Biển Đông và xây dựng một trật tự mới với vai trò trung tâm ở lục địa Á-Âu. Tuy công thức này không gây ra các sự kiện đối đầu trực tiếp, song vẫn tạo thành làn sóng lo ngại của các nước về tham vọng và ý đồ thực sự của Trung Quốc. Do vậy, khả năng thành công của chiến lược này vẫn còn bỏ ngỏ./.

Tuấn Hà (Học viện Ngoại giao)
Theo Nghiên Cứu Biển Đông

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục