Tin Biển Đông

 
 
 

Về chiến lược 'gặm nhấm' Biển Đông nguy hiểm của Trung Quốc

  • Cập nhật : 08/07/2017

Chiến lược gặm nhấm của Trung Quốc ở Biển Đông là không sử dụng tên lửa hay máy bay không người lái để giành quyền kiểm soát các vùng biển tranh chấp mà thay vào đó là các tàu hải cảnh và ngư dân.

 

Ngày 6/8 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đưa một lực lượng âm thầm tiến vào vùng biển tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông với 13 tàu hải cảnh, một vài tàu trong đó có trang bị vũ khí, cùng với khoảng 230 tàu cá do các thuyền viên dân quân điều khiển. Trước đây, Trung Quốc đã đưa tàu ra các vùng biển tranh chấp nhưng chưa bao giờ với quy mô lớn như vậy. "Những diễn biến gần đây có vẻ như là một sự leo thang", ông Christopher Hughes, Giáo sư Chính trị Quốc tế tại Đại học Warwick thuộc Vương quốc Anh nói với tờ "Japan Times" như vậy.

Việc Bắc Kinh dựa nhiều vào dân quân là rất đáng chú ý và đối với các "đối thủ" của Trung Quốc thì điều này là "rất đáng lo ngại". "Những người lính áo xanh nhỏ bé" (Little Blue Men) - như cách mà Phó Giáo sư Andrew Erickson thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ gọi - đã trở thành lực lượng nòng cốt trong chiến dịch không tên và vì thế hầu như cũng không có đổ máu khi tiến ra Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ông Erickson gọi lực lượng này của Trung Quốc là "Little Blue Men" vì nhận thấy có nhiều điểm tương tự với "Little Green Men" mà Nga đã sử dụng để tiếp quản bán đảo Crimea. Ông Erickson cho rằng Bắc Kinh có những lợi thế rõ ràng trong việc điều động lực lượng bán quân sự tham gia những công việc đáng ra là nhiệm vụ của quân đội.

Đối với việc sử dụng các ngư dân do chính phủ điều khiển, Bắc Kinh "có lợi mà không phải chịu trách nhiệm" khi cố gắng củng cố yêu sách các vùng biển rộng lớn, nhiều cá và giàu tài nguyên phía Tây Thái Bình Dương. Sau cùng, nếu Trung Quốc gửi các tàu chiến đến vùng biển mà một quốc gia nào đó tuyên bố chủ quyền thì các bên khác cũng có thể phản ứng theo cách triển khai các tàu chiến và dẫn đến một cuộc đối đầu, như thế sẽ khiến cả thế giới chú ý. Nhưng nếu "cử" ngư dân thì Trung Quốc vừa có thể che giấu ý định thực sự của họ vừa có cơ hội chỉ trích các bên khác là "hiếu chiến", hoặc có thể thay đổi tình thế và biến các nước khác từ bên phòng thủ trở thành bên tấn công.

"Những người lính áo xanh nhỏ bé" này đột ngột xuất hiện ở Biển Đông, có khi tại những vùng nước tranh chấp với các quốc gia khác, có khi ở những vùng biển quốc gia không tranh chấp của Indonesia và Malaysia.  Năm 2014, Indonesia bắt đầu bắt giữ và cho nổ các tàu đánh cá Trung Quốc do xâm nhập trái phép. Sau khi một hạm đội gần 100 tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào Vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, chính phủ nước này đe dọa sẽ đánh chìm các tàu cá Trung Quốc nếu bắt được trong vùng biển của Malaysia. Malaysia và Indonesia đang cố gắng ngăn chặn chiến dịch bành trướng trên biển của Trung Quốc trước khi những chiến dịch này có được đà và bất cứ sự "công nhận" nào về tính hợp pháp quốc tế.

Tại những khu vực khác, Trung Quốc đã rất nhanh chóng tận dụng sự có mặt của "những người lính áo xanh". Cuối năm 2014, một số tàu nạo vét Trung Quốc đi theo một hạm đội tàu của ngư dân Trung Quốc đến quần đảo Trường Sa. Mặc dù đây là khu vực tranh chấp nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn cho lấp cát trên những rặng san hô, xây dựng đảo nhân tạo và kết quả là giết chết những rặng san hô. Chỉ trong một năm, Bắc Kinh đã xây dựng sân bay, cảng biển, các kho quân sự trên bảy đảo nhân tạo mới.

Khi tàu khu trục Mỹ "USS Lassen" đi vào vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa vào tháng 10/2015, các tàu đánh cá Trung Quốc do ngư dân điều khiển đã tiến lại gần đến mức nguy hiểm, thậm chí băng qua ngay phía trước mũi tàu khu trục, có nguy cơ gây ra va chạm. Trong tháng 5 và 6/2016, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc cũng đã 2 lần chặn máy bay do thám quân sự của Mỹ đang bay trong không phận quốc tế trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Phi hành đoàn Mỹ cáo buộc các phi công Trung Quốc bay gần đến mức gây nguy hiểm với các máy bay Mỹ.

Hiển nhiên là Nhật Bản cũng lo lắng về việc Bắc Kinh có thể tiến vào quần đảo đang có tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư theo đúng cách mà Bắc Kinh chiếm đóng Trường Sa. Vào đầu tháng này, Nhật Bản phát hiện ra-đa trên một giàn khoan của Trung Quốc gần vùng biển tranh chấp thuộc Biển Hoa Đông. Truyền thông Nhật Bản cho rằng giàn khoan có vai trò như là một căn cứ quân sự tiềm năng. Khi các tàu hải cảnh và ngư dân Trung Quốc bao vây quanh Senkaku/Điếu Ngư, Ngoại trưởng Nhật Bản tuyên bố "Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng trên thực địa" và sự xâm nhập của Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Và nếu sự xâm lấn hiện nay của "những người lính áo xanh nhỏ bé" thể hiện nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chiếm giữ Senkaku/Điếu Ngư thì đến nay điều đó dường như đã phát huy tác dụng.

Theo "Daily Beast" (ngày 9/8).

Nhật Linh (gt)
Theo Nghiên Cứu Biển Đông

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục