Nhận thức được tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân, trong nhiều thập kỷ qua, Bình Nhưỡng kiên trì theo đuổi chương trình này bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc tăng tốc cuộc đua công nghệ phục vụ mục tiêu bành trướng trên biển
- Cập nhật : 29/08/2017
Thành tựu Trung Quốc đạt được trên con đường xây dựng 'cường quốc hải dương' đang trở thành nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia các nước ven Biển Đông.
South China Morning Post ngày 23/8 đưa tin, Trung Quốc đang phát triển siêu máy tính nhanh nhất thế giới để tăng cường ảnh hưởng vốn ngày càng lớn của nước này trên biển.
Giáo sư An Hong chuyên nghiên cứu khoa học máy tính từ Đại học Khoa học và công nghệ Trung Quốc tại Hợp Phì, An Huy. Bà là thành viên một tổ chức tư vấn cho chính quyền trung ương về phát triển siêu máy tính.
Bà An Hong cho biết:
Siêu máy tính nhanh nhất thế giới đang được phát triển để thực hiện riêng nhiệm vụ giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình trên các vùng biển.
Theo giáo sư An Hong, siêu máy tính là những thiết bị có thể thực hiện một tỉ tỉ phép tính mỗi giây.
Siêu máy tính được cho là nhanh nhất thế giới, Sunway Taihulight đặt tại Vô Tích, Giang Tô, Trung Quốc, ảnh: SCMP.
Cái Trung Quốc đang phát triển không chỉ nhanh gấp 10 lần siêu máy tính Sunway Taihulight nhanh nhất hiện nay đang đặt tại Vô Tích, Giang Tô, mà sức tính toán của nó còn mạnh bằng 500 siêu máy tính hàng đầu thế giới cộng lại.
Chiếc siêu máy tính này có thể ra mắt sớm nhất vào năm 2019, 3 nhà sản xuất siêu máy tính độc lập đang cạnh tranh nhau để có được hợp đồng cung cấp.
Ngân sách Trung Quốc dự kiến chi cho siêu máy tính này từ 1 đến 2 tỉ nhân dân tệ, tương đương 150 đến 300 triệu đô la Mỹ.
Bà An Hong nói thêm:
"Vấn đề quan trọng nhất đối với chúng tôi không phải là liệu Trung Quốc có chế tạo được siêu máy tính không, hay nó nhanh đến đâu, hoặc làm thế nào, mà là tại sao phải làm nó.
Thực sự đang có một cuộc chạy đua giữa các quốc gia chế tạo siêu máy tính. Nhưng đó không phải là mối quan tâm của chúng tôi.
Mối quan tâm của chúng tôi là biển và đại dương."
Từ khi nhậm chức, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố xây dựng Trung Quốc thành cường quốc đại dương. Chỉ một vài năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường khả năng kiểm soát (bất hợp pháp) Biển Đông.
Họ mua lại các cảng quân sự ở Nam Á và bờ biển phía Đông châu Phi, phát triển đội tàu ngầm hạt nhân tiên tiến, các công nghệ thăm dò khai thác khoáng sản biển sâu, tung ra sáng kiến "một vành đai, một con đường".
Feng Liqiang, Giám đốc điều hành Trung tâm Dữ liệu khoa học biển đặt tại Thanh Đảo, Sơn Đông cho biết, siêu máy tính sẽ xử lý tất cả các dữ liệu liên quan đến biển, và cho ra những phân tích toàn diện chưa từng có.
"Nó sẽ mô phỏng các đại dương trên hành tinh chúng ta với độ phân giải chưa từng thấy.
Độ phân giải cao hơn, đáng tin cậy hơn sẽ cho ra những dự báo về các vấn đề quan trọng như El Nino hay biến đổi khí hậu.
Nó sẽ cung cấp cho Trung Quốc tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề quốc tế", Feng Liqiang bình luận.
Tháng Sáu vừa qua, Chính phủ Mỹ ủy quyền cho 6 tập đoàn công nghệ hàng đầu như IBM, Intel và Hewlett, Packard...để tìm ra các biện pháp cạnh tranh với siêu máy tính Trung Quốc.
Hiện tại Trung Quốc đang sở hữu 2 siêu máy tính nhanh nhất và nhanh thứ 2 thế giới là Sunway và Tianhe.
Cá nhân người viết cho rằng, đây không chỉ đơn thuần là một cuộc đua khoa học công nghệ và tiềm lực quốc gia giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Hướng phát triển cũng như thành tựu Trung Quốc đạt được trên con đường xây dựng 'cường quốc hải dương' đang trở thành nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia các nước ven Biển Đông.
Công nghệ siêu máy tính chắc chắn sẽ được Trung Quốc kết nối và sử dụng với các công nghệ khác, như phát triển nhà máy điện hạt nhân trên Biển Đông [2], hệ thống quan trắc biển cả trên không, bề mặt và đáy biển [3]...
Đô đốc nhà Minh, Trịnh Hòa, đã trở thành biểu tượng cho tham vọng cường quốc biển của Trung Hoa, ảnh: SCMP.
Về mặt quân sự, Thời báo Hoàn Cầu ngày 23/8 đưa tin, quân đội Trung Quốc vừa hoàn thành hoạt động diễn tập ban đêm sử dụng chiến đấu cơ loại mới ở Biển Đông.
Nội dung diễn tập có bay đơn, bay theo phi đội tác chiến, tìm kiếm mục tiêu và tấn công mục tiêu trên Biển Đông vào ban đêm.
Không chỉ an ninh, an toàn, quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như không gian chiến lược của các nước ven Biển Đông bị đe dọa bởi sự bành trướng sức mạnh quân sự - khoa học công nghệ - kinh tế thương mại của Trung Quốc.
Ngay cả hoạt động tự do và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông cũng đang phải đối mặt với nguy cơ, thách thức mà Trung Quốc tạo ra.
Đài CNBC, Hoa Kỳ ngày 23/8 cho biết, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hải sẽ gặp khó khăn nếu nổ ra xung đột ở Biển Đông, giá bảo hiểm hàng hải, giá dầu và quặng sắt sẽ tăng cao.
Căng thẳng trên Biển Đông nếu bùng phát thành xung đột, cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Hàn Quốc, Đài Loan khi đồng won và đồng Đài tệ bị suy yếu. [5]
Tài liệu tham khảo:
[3]http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20170530/trung-quoc-sap-rai-tai-mat-khap-bien-dong/1323177.html
[4]http://www.globaltimes.cn/content/1062821.shtml
Hồng Thủy
Theo Giáo Dục Việt Nam