Gần 80% dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca, nếu chiến tranh trên biển với Ấn Độ xảy ra thì sẽ gây ảnh hưởng mang tính thảm họa đối với Trung Quốc.
10 lỗ hổng chết người trong kế hoạch Afghanistan của Tổng thống Mỹ Donald Trump
- Cập nhật : 27/08/2017
Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước các binh sĩ tại căn cứ Fort Myer mới đây về chính sách tại Afghanistan đã bị chuyên gia vạch ra 10 điểm yếu chết người.
Theo bài phân tích của tác giả Lawrence J. Korb, thành viên cấp cao Trung tâm Tiến bộ Mỹ đăng trên tạp chí National Interest, các sai lầm trong chiến lược và chính sách mới của ông Trump đưa ra ngày 21/8 có thể kể tới như sau.
Thứ nhất, Tổng thống Trump nói rằng mục tiêu của Mỹ là giành chiến thắng, nhưng ông không nói rõ đó là chiến thắng như thế nào. Người nghe không biết liệu chiến thắng của Mỹ tại Afghanistan có nghĩa là lực lượng Taliban, al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đầu hàng, hay có nghĩa là trao cho Taliban một vai trò trong chính quyền Afghanistan với điều kiện nào đó.
Thứ hai, một mặt ông Trump nói ông sẽ không đặt hạn chót rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan, nhưng ông không giải thích tại sao ông lại có ý định bổ sung thêm vào nghìn binh sĩ nữa tới đây. Ông cũng không giải thích tại sao vài nghìn binh sĩ này có thể làm được điều mà 140.000 binh sĩ ở Afganistan trong năm 2010-2011 không thể làm được thời ông Barack Obama.
Thứ ba, Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ hỗ trợ Chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên, ông không nói ông sẽ làm gì nếu chính phủ Afghanistan tiếp tục mất dần sự ủng hộ của người dân vì nạn tham nhũng xảy ra suốt 16 năm qua.
Thứ tư, tuyên bố của ông Trump rằng Mỹ không thể rút quân khỏi Afghanistan vì ông sợ sẽ lặp lại sai lầm của ông Obama ở Iraq là sai lệch. Ông Obama buộc phải rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Iraq trước cuối năm 2011 vì một thỏa thuận mà Tổng thống tiền nhiệm George Bush đã ký năm 2008. Sai lầm thực sự của ông Bush là ông đã đưa quân vào Iraq dựa trên cái cớ giả tạo. Khi làm thư vậy, mọi nguồn lực và sự chú ý của Mỹ đã không còn dồn cho Afghanistan, tạo điều kiện cho Taliban tập hợp lại lực lượng. Hơn nữa, đưa quân vào Iraq đã tạo ra al-Qaeda ở nước này, rồi đẻ ra IS – nhóm khủng bố đã tràn vào mọi khu vực Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq mà không bị kháng cự.
Thứ năm, đưa thêm binh sĩ Mỹ vào Afghanistan sẽ không chỉ không khiến tình hình khá hơn mà còn có thể khiến mọi chuyện xấu đi. Quốc gia này không chỉ có một mà tới năm cuộc xung đột: tranh giành quyền lực kéo dài hàng thế kỷ giữa người Pashtun và các cộng đồng dân tộc khác; xung đột giữa các bộ lạc Durrani và Ghilzai Pashtun, cuộc chiến văn hóa giữa giới thành thị tân tiến và giới bảo thủ tôn giáo ở nông thôn, chiến tranh lạnh giữa Ấn Độ và Pakistan, căng thẳng giữa nhóm Taliban ở Pakistan và Afghanistan.
Thứ sáu, khi đề nghị Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn ở Afghanistan, ông Trump sẽ có thể khiến người Pakistan tiếp tục có lý do để hỗ trợ lực lượng Taliban ở Afghanistan vì Pakistan coi vai trò của họ ở Afghanistan chủ yếu là ngăn chặn Ấn Độ đặt chân vào biên giới phía bắc. Hơn nữa, cắt viện trợ cho Pakistan sẽ khiến nước này không mặn mà với việc cho Mỹ chuyển hàng cung cấp cho binh sĩ Mỹ qua Pakistan.
Thứ bảy, tuyên bố của ông Trump rằng nếu lực lượng Mỹ rời đi, Afghanistan sẽ một lần nữa trở thành thiên đường trú ẩn cho các nhóm khủng bố như al-Qaeda và IS – hai nhóm sẽ đe dọa nước Mỹ - là không đúng. Tuyên bố này đã không để ý tới một thực tế là lực lượng Taliban không ủng hộ các nhóm khủng bố này và rằng Mỹ không thể đưa quân vào mọi quốc gia là hang ổ của một nhóm khủng bố. Nếu al-Qaeda, IS hay bất kỳ nhóm khủng bố nào đặt ra mối đe dọa cho Mỹ, Mỹ có thể dùng không lực hoặc tên lửa hành trình chống lại chúng như đã làm ở Yemen, chứ không phải là đưa quân vào nước đó.
Thứ tám, Tổng thống Trump không để ý tới thực tế là nếu Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan, Mỹ sẽ buộc các nước trong khu vực tăng cường can thiệp. Nga, Iran, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc không muốn thấy Afghanistan làm bất ổn khu vực. Trong thực tế, năm 2011, Iran đã hỗ trợ tiêu diệt Taliban và al-Qaeda ở Afghanistan bằng cách cung cấp thông tin tình báo cho Mỹ.
Thứ chín, ông Trump muốn sử dụng mọi công cụ để đạt mục tiêu. Tuy nhiên, ngân sách tài khóa 2018 mà ông đề xuất sẽ khiến điều đó là bất khả thi vì ông đã yêu cầu cắt giảm mạnh ngân sách cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Thứ mười, Tổng thống sẽ trao cho các tướng lĩnh tại thực địa nhiều quyền hạn hơn trong sử dụng các lực lượng tấn công, như ở Syria và Yemen. Mặc dù điều này có thể cải thiện tình hình trên chiến trường tạm thời nhưng nó sẽ khiến nhiều dân thường thương vong như đã xảy ra với Syria và Yemen.
Với 10 điểm yếu trên trong chính sách Afghanistan của Tổng thống Trump, khó có thể nói ông sẽ đạt được mục tiêu trong tương lai gần.
Thùy Dương/Báo Tin Tức