Tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Không quân Việt Nam có thể trang bị đa dạng các loại vũ khí dẫn đường khác nhau tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ.
Hai loại tên lửa đối hạm đáng gờm của Su-30MK2 Việt Nam
- Cập nhật : 27/08/2017
Trong khi chờ đợi Ấn Độ bán BrahMos-M, Không quân Việt Nam có thể tạm yên tâm khi Su-30MK2 đang được trang bị hai loại tên lửa đối hạm rất lợi hại.
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI, Việt Nam đã được Nga bàn giao số lượng lớn tên lửa không đối hạm Kh-31A (có thể đi kèm cả phiên bản chống radar Kh-31P) vào hai đợt, đó là năm 2004 và 2012 để trang bị cho tiêm kích Su-30MK2.
Kh-31A (NATO gọi bằng cái tên AS-17 Krypton) là một loại tên lửa chống tàu mặt nước của Nga được trang bị cho các máy bay hiện đại như MiG-29 Fulcrum hay Su-27 Flanker.
Tên lửa có chiều dài 4,7 m; đường kính thân 0,36 m; tầm bắn 50 km; mang đầu đạn trọng lượng 94 kg và có khả năng đạt vận tốc tối đa Mach 3,5. Đây cũng là tên lửa chống hạm siêu âm đầu tiên được trang bị cho máy bay chiến thuật.
Kh-31 có một vài biến thể trong đó biến thể nổi tiếng nhất là tên lửa chống radar (ARM) Kh-31P. Hiện nay Kh-31 cũng được xem xét phát triển một biển thể không đối không tầm xa, nhằm trở thành "kẻ tiêu diệt AWACS".
Bên cạnh đó, một vài nguồn tin nước ngoài cho rằng Việt Nam còn có trong biên chế cả biến thể tăng tầm Kh-31AD, tầm xa lên tới gần 100 km.
Vào giữa năm 2015, trang Sputnik tiếng Việt thông báo, Nga đã bán cho Việt Nam tên lửa chống hạm Kh-59MK để trang bị cho các tiêm kích đa năng Su-30MK2.
Kh-59MK là biến thể chống hạm sửa đổi từ tên lửa hành trình đối đất Kh-59 Ovod (AS-13 Kingbolt), được dùng để tiêu diệt các loại mục tiêu mặt nước có diện tích phản xạ radar nhỏ bất kể ngày đêm, trong mọi thời tiết khi có sóng biển đến cấp 6.
Tên lửa chỉ được lắp đặt duy nhất động cơ turbine phản lực cánh quạt đẩy bố trí phía dưới thân (không có động cơ rocket nhiên liệu rắn ở đuôi như phiên bản đối đất Kh-59ME), cho tốc độ cận âm Mach 0,88.
Trọng lượng của Kh-59MK là 900 kg, mang đầu đạn nặng 320 kg, đủ sức vô hiệu hóa tàu chiến cỡ lớn chỉ với duy nhất một phát bắn, nó có thể tấn công chiến hạm có diện tích phản xạ radar (RCS) 5.000 m² từ cự ly 285 km; tiêu diệt tàu xuồng cỡ nhỏ (RCS khoảng 300 m²) cách 145 km; tầm bắn nhỏ nhất 5 - 25 km.
Theo nhà sản xuất, đầu tự dẫn ARGS-59E phát hiện được tàu khu trục (RCS > 5.000 m²) cách 25 km, chiến hạm nhỏ (RCS 300 m²) từ cự ly 15 km.
Tên lửa sau khi phóng sẽ bay cách mặt nước 10 - 15 m, khi tiếp cận mục tiêu hạ xuống 4 - 7 m khiến hệ thống phòng không của đối phương cực kỳ khó đối phó.
Chí Linh
Theo Baodatviet.vn