Tin Biển Đông

 
 
 

Khám phá tàu sân bay Mỹ vừa qua Việt Nam

  • Cập nhật : 12/10/2016

Tàu sân bay hạt nhân USS George Washington số hiệu CVN-73, ngôi sao Hạm đội 7 cắm chốt tại vùng biển châu Á - Thái Bình Dương, được xem là sự hiện diện cho sức mạnh của Mỹ trên tuyến hàng hải huyết mạch này.

Tiến vào biển Đông, vùng đặc quyền kinh tế 200 Hải lý của Philippines, tàu sân bay USS George Washington vừa có chuyến ghé thăm bãi đá ngầm Scarborough, điểm nóng tranh chấp giữa Bắc Kinh và Malina hồi tháng 4 vừa qua. Đây là lần thứ 3 tàu sân bay này tới biển Đông trong hành trình nâng cao vai trò của Mỹ ở khu vực.

 
Tàu sân bay USS George Washington.

Mang số hiệu CVN-73, tàu sân bay hạt nhân USS George Washington là con tàu thứ 4 của quân đội Mỹ mang tên Tổng thống đầu tiên của Mỹ. Là tàu sân bay hạt nhân thứ 6 thuộc lớp Nimitz, USS George Washington được đóng theo hợp đồng giữa Hải quân Mỹ và công ty đóng tàu Newport News Shipbuilding.

Theo đó, USS George Washington được đóng mới theo hợp đồng ký kết ngày 27/12/1982 và được hạ thủy tháng 7/1992 tại Căn cứ Hải quân Norfolk ngày 4/7/1992 trước sự chứng kiến của đệ nhất phu nhân Mỹ Barbara Bush (vợ tổng thống Bush cha). Sau khi được biên chế, USS George Washington từng được cử đến làm nhiệm vụ ở nhiều vùng biển trong đó có Vịnh Ba Tư. Hiện tại, USS George Washington chính là ngôi sao Hạm đội 7 (Hạm đội Thái Bình Dương), cắm trốt trên Thái Bình Dương, khu vực gần lãnh thổ châu Á.

 
USS George Washington di chuyển cùng đội tàu hộ tống.

Các tàu sân bay lớp Nimitz là những Hàng không mẫu hạm hiện đại và chủ lực của Hải quân Mỹ. Ngoài tàu sân bay thế hệ cũ USS Enterprise, các hàng không mẫu hạm khác đang biên chế trong Hải quân Mỹ đều thuộc lớp Nimitz. Tuy không dài bằng USS Enterprise, hàng không mẫu hạm sử dụng năng lượng hạt nhân đầu tiên nhưng các tàu thuộc lớp Nimitz trong đó có USS George Washington đều vượt trội hơn người tiền bối về mặt công nghệ.

Với chiều dài 333m, nơi rộng nhất đạt 78m và 74m chiều cao, USS George Washington có sức chứa 80 chiến đấu cơ các loại. Kích thước mặt sàn của USS George Washington đạt 18.000m2 trong khi thang máy vận chuyển phi cơ có chiều rộng 360m2. Với trọng tải chiến đấu thông thường, USS George Washington có độ choán nước đạt 99.000 tấn cùng sức chứa 6.250 thuyền viên.

Bốn máy lọc trên USS George Washington có khả năng tạo ra 1,5 triệu l nước ngọt/ngày trong khi bộ phận nhà bếp của tàu chịu trách nhiệm nấu 18.000 suất ăn cho các thuyền viên mỗi ngày. Con tàu cũng cần dự trữ 2.520 tấn thực phẩm đông lạnh để đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho các thuyền viên và phi công. Hệ thống làm mát và thông gió của tàu sân bay ngốn hết lượng điện năng tương đương 8,6 MW để đảm bảo cuộc sống cho các thủy thủ.

Tàu sân bay USS George Washington được trang bị 2 neo Mark II với trọng lượng khoảng 30 tấn/chiếc, trong khi hệ thống máy kéo cực khỏe được thiết kế nhằm nhấc và hạ các neo cùng lượng lớn xích sắt liên kết con tàu với mỏ neo.

 
USS George Washington sở hữu nhiều loại phi cơ trong đó có máy bay chiến đấu, vận tải và do thám.

Theo quy định, khoang chứa phi cơ của các tàu sân bay Mỹ buộc phải sơn màu xám. Tuy nhiên, vách ngăn khoang chứa máy bay của USS George Washington được sơn màu trắng, khiến chúng trở nên rộng và sáng hơn. “Thành tựu” của USS George Washington đã tạo ra tiền lệ cho các tàu sân bay được hạ thủy sau đó.

Tàu sân bay hạt nhân USS George Washington được trang bị hai động cơ nguyên tử A4W cho toàn bộ quá trình di chuyển. Các động cơ này cho phép USS George Washington di chuyển qua khoảng cách 3 triệu Hải lý trước khi phải tiếp nhiên liệu. Với 4 tua-bin khí, 4 trục truyền lực, USS George Washington sở hữu 4 chân vịt 5 cánh với trọng lượng 30.040 kg mỗi chiếc, đủ sức đẩy con tàu có độ choán nước gần 100.000 tấn di chuyển với tốc độ 30 hải lý/h (56km/h).

Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, USS George Washington từng để xảy ra nhiều sự cố đáng nhớ. Ngày 11/9/2002, một năm sau vụ khủng bố 11/9, tàu USS George Washington đã gặp sự cố khi làm nhiệm vụ hỗ trợ an ninh ngoài khơi Virginia. Dây cáp hãm phi cơ bị đứt khi chiếc F/A-18 hạ cánh khiến nó bị quăng quật trên boong tàu. Vụ việc khiến 11 thuyền viên và 2 sĩ quan bị thương nhưng không ai thiệt mạng.

 
Cánh quạt chân vịt tàu USS George Washington.

Giống như các tàu sân bay khác thuộc lớp Nimitz, USS George Washington gần như không được trang bị vũ khí tự vệ. Ngoài máy bay chiến đấu các loại thuộc biên chế tàu sân bay, USS George Washington chỉ được trang bị 3 hoặc 4 hệ thống tên lửa tầm ngắn RIM-116 Rolling Airframe hoặc súng máy nhiều nòng có radar hỗ trợ. Ngoài ra, con tàu được bọc giáp dày 64mm giúp nó tránh đạn của đối phương. Trên thực tế, USS George Washington luôn hoạt động cùng đội tàu hỗ trợ trong đó có cả tàu ngầm chiến lược nên hầu như tàu sân bay Mỹ không cần phòng vệ.

Tuy thua kém các chiến hạm thông thường về vũ khí nhưng hệ thống radar mà USS George Washington và các tàu thuộc lớp Nimitz sở hữu không hề thua kém. Các loại radar phòng không, radar dò tìm mục tiêu, radar điều khiển không lưu hoặc hỗ trợ hạ cánh đều được trang bị đầy đủ trên các tàu sân bay. Ngoài ra, chúng còn được hỗ trợ hệ thống radar dẫn đường cùng các loại thiết bị chiến tranh điện tử tối tân nhất.



Trịnh Duy
Theo Infonet


 

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục