Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 25-08-2017:
- Cập nhật : 25/08/2017
Mỹ không cần Hàn Quốc đồng ý vẫn có thể đánh Triều Tiên
Theo tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) ngày 24-8, ông Burwell Bell – Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc trong thời gian từ năm 2006-2008 nói rằng: “Theo luật pháp quốc tế, Mỹ sẽ không cần sự đồng ý hay hợp tác của Hàn Quốc vẫn có thể tấn công Triều Tiên bằng khí tài quân sự ở nước ngoài của họ”.
Ông nói tiếp: “Những vũ khí này có thể được kích hoạt từ lục địa Mỹ, Hawaii, Alaska, đảo Guam và các vùng biển khơi gần Triều Tiên”. Theo ông, các đối tác đồng minh khác như Nhật Bản, Úc, … có thể tham gia các chiến dịch tác chiến mà không cần sự đồng ý từ Seoul miễn sao họ vẫn còn ở ngoài khơi.
Tướng Burwell Bell – Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc trong thời gian từ năm 2006-2008. Ảnh: Chosun Ilbo
Tư lệnh Lực lượng Mỹ từ năm 2011-2013, ông James Thurman, cũng cùng nhận định. Ông nói: “Mọi quốc gia có chủ quyền đều có quyền phòng vệ, có quyền tự bảo vệ nước mình. Nếu Triều Tiên nã đạn vào đảo Yeonpyeong, người Hàn Quốc có quyền bắn trả và tự vệ thì cũng giống như việc nếu có một tên lửa phóng tới đảo Guam, Mỹ cũng có quyền bảo vệ lãnh thổ nước mình”.
Trong khi đó, chuyên gia David Maxwell làm việc tại Trung tâm nghiên cứu an ninh thuộc ĐH Georgetown (Mỹ) nêu ý kiến không có điều khoản nào trong Hiến pháp Mỹ quy định Washington cần có sự đồng ý của một đồng minh mới có thể đưa ra hành động cần thiết để phòng vệ.
“Bất kỳ quốc gia nào cũng đều có quyền hành động để bảo vệ an ninh nước mình. Nếu Mỹ tin rằng Triều Tiên sắp phát động một cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Mỹ và quyết tâm hành động để bảo vệ nước Mỹ cùng nhân dân thì Mỹ có thể và sẽ hành động mà không cần sự tham vấn hay nếu Hàn Quốc có không đồng tình” – ông nhấn mạnh.
Chosun Ilbo cho biết ý kiến trên từ các cựu Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc và chuyên gia mâu thuẫn với tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước đó.
Phát biểu nhân kỷ niệm Ngày giải phóng hôm 15-8, ông Moon tuyên bố: “Nếu không có sự đồng ý của Hàn Quốc, ông một quốc gia nào có thể đưa ra hành động quân sự”. Ông nói thêm chính quyền Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ để giải quyết vấn đề an ninh.(PLO)
---------------------
Triều Tiên hé lộ thiết kế 2 tên lửa mới?
Giới quan sát nhận định những hình ảnh do truyền thông của CHDCND Triều Tiên vừa đăng tải dường như đã hé lộ thiết kế 2 loại tên lửa mới của nước này.
Những bức ảnh nói trên được đăng tải hôm 23.8, nằm trong loạt bài của tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, và hãng thông tấn KCNA mô tả chi tiết về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới một nhà máy chế tạo động cơ tên lửa nhiên liệu rắn và chóp hình nón đầu tên lửa.
Trong đó có một bức ảnh chụp áp phích dường như cho thấy một loại tên lửa mới được gọi là Pukguksong-3, phiên bản mới nhất trong dòng tên lửa mang tên Pukguksong (Bắc Cực Tinh). Triều Tiên đã thử nghiệm thành công phiên bản phóng từ tàu ngầm Pukguksong-1 hồi tháng 8.2016 và phiên bản phóng từ mặt đất Pukguksong-2 hồi tháng 2.2017.
Giới chuyên gia rằng cả 2 phiên bản đầu là tên lửa đạn đạo tầm trung có thể đặt các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản trong tầm bắn và việc sử dụng nhiên liệu rắn giúp chúng khó bị vệ tinh do thám phát hiện, theo tờ The Japan Times. Giới phân tích cho rằng hầu hết các loại tên lửa của Triều Tiên sử dụng nhiện liệu lỏng.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong un đứng bên một áp phích dường như giới thiệu một loại tên lửa mớiKCNA
Một áp phích dường như cho thấy một loại tên lửa mới được gọi là Pukguksong-3KCNA
Biên tập viên Joshua Pollack thuộc chuyên san Nonproliferation Review (Mỹ) nhận định dù hiện chưa thể khẳng định Pukguksong-3 được phóng từ tàu ngầm hay mặt đất, nhưng tên gọi cho thấy nó là một tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn.
Cũn theo ông Pollack, Triều Tiên có thể đang phát triển một mẫu tên lửa mới mang tên Hwasong (Hỏa Tinh), có thể là Hwasong-13 hoặc Hwasong-11. Triều Tiên đặt tên nhiều tên lửa là Hwasong, trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 mà nước này đã phóng thử 2 lần hồi tháng 7. Ông Pollack cho rằng mẫu tên lửa Hwasong mới có thể là loại thay thế hoặc được nâng cấp từ tên lửa tầm xa KN-08, được trình làng tại cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng hồi năm 2012.
Những hình ảnh nói trên được công bố trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Triều Tiên có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng vẫn mở.(Thanhnien)
--------------------
Hy vọng hạ nhiệt căng thẳng Mỹ - Triều
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông đánh giá cao việc lãnh đạo Triều Tiên “bắt đầu tôn trọng” Mỹ và cho rằng “có lẽ điều tích cực đang diễn ra”.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 23.8 đưa tin lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un thị sát Viện Nghiên cứu hóa chất thuộc Học viện Khoa học quốc phòng và ra lệnh gia tăng sản xuất động cơ nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu dịu bớt khi bản tin trên KCNA không kèm theo lời lẽ đả kích Mỹ như thông thường, trong khi Washington cũng có nhận xét tích cực về Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay ông đánh giá cao việc lãnh đạo Triều Tiên “bắt đầu tôn trọng” Mỹ. “Nhưng có lẽ điều tích cực đang diễn ra”, Reuters dẫn lời chủ nhân Nhà Trắng nhận định.
Tương tự, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói ông hài lòng về sự kiềm chế “chưa từng có” của Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hy vọng đối thoại trong tương lai gần. “Không có vụ phóng tên lửa hay hành động khiêu khích nào từ phía Triều Tiên. Hy vọng đây là dấu hiệu mà chúng ta đang trông đợi”, ông phát biểu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo vẫn chưa thể sớm lạc quan khi Triều Tiên vẫn tuyên bố kế hoạch phóng tên lửa nhằm hướng đảo Guam của Mỹ “đã sẵn sàng và có thể triển khai bất cứ lúc nào”.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ hôm qua đưa vào danh sách trừng phạt 6 tổ chức của Trung Quốc, bên cạnh 1 tổ chức của Nga, 1 tổ chức của Triều Tiên cùng một số cá nhân bị cho có liên quan đến hoạt động hỗ trợ chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.(Tuoitre)