Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 16-08-2017:
- Cập nhật : 16/08/2017
Lý do Triều Tiên trì hoãn kế hoạch tấn công tên lửa vào đảo Guam?
Truyền thông Triều Tiên hôm nay (15/8) cho biết lãnh đạo Kim Jong Un đã trì hoãn quyết định tấn công tên lửa vào lãnh thổ Guam của Hoa Kỳ để quan sát những động thái của Washington thêm một thời gian nữa.
Theo Reuters, trước đó, Mỹ đã cảnh báo nước này có thể đánh chặn bất kỳ loại tên lửa nào hướng đến hòn đảo ở Thái Bình Dương này.
KCNA đưa tin, trong lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên sau hai tuần vắng mặt, ông Kim Jong Un đã tới kiểm tra bộ chỉ huy quân đội Triều Tiên hôm 14/8 cũng như chỉ đạo kế hoạch tác chiến lâu dài và thảo luận với các tướng lĩnh quân đội.
“Lãnh đạo Kim Jong Un cho hay nếu người Mỹ vẫn ngoan cố thực hiện những hành động nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên và khu vực lân cận cũng như cố tình thử sự kiên nhẫn của CHDCND Triều Tiên thì Bình Nhưỡng sẽ đưa ra một quyết định quan trọng như đã thông báo”, KCNA cho biết.
Hãng tin này cũng trích lời lãnh đạo Kim Jong Un cho biết: “Hoa Kỳ, quốc gia đầu tiên mang những thiết bị hạt nhân chiến lược tới gần Triều Tiên, cần phải đưa ra quyết định đúng đắn và thể hiện thông qua hành động rằng họ mong muốn làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và ngăn chặn một cuộc đụng độ quân sự nguy hiểm”.
Các quan chức Hoa Kỳ và Tổng thống Hàn Quốc những ngày gần đây liên tục hạ thấp nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên cũng như nhấn mạnh sự sẵn sàng đáp trả bằng quân sự trước bất kỳ cuộc tấn công nào từ phía Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm qua cũng cho hay quân đội Mỹ sẽ đánh chặn tên lửa của Triều Tiên nhằm vào đảo Guam. Ông Mattis cho các phóng viên biết quân đội Hoa Kỳ có thể nắm được quỹ đạo của tên lửa chỉ trong giây lát và sẽ tiêu diệt nó nếu nó có khả năng nhằm vào lãnh thổ nước này.
“Điều quan trọng nhất là, chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước mình khỏi một vụ tấn công, đối với quân đội Mỹ, đó chính là chiến tranh”, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh.
Trong trường hợp tên lửa Triều Tiên bắn vào vùng nước ngoài khơi Guam thay vì nhắm trực tiếp vào hòn đảo, ông Mattis cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ quyết định có đáp trả hành vi khiêu khích đó hay không.
Quân đội Triều Tiên tuần trước tuyên bố sẽ hoàn thành kế hoạch chi tiết phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 ra đảo Guam của Mỹ vào giữa tháng 8 và trình lên nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đây là động thái đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa trút "lửa giận" lên Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng còn đe dọa Washington.
Những lời đe dọa lẫn nhau của Mỹ và Triều Tiên làm dấy lên lo ngại xuất hiện tính toán sai lầm, dẫn đến hậu quả thảm khốc cho bán đảo Triều Tiên và khu vực. Trung Quốc cùng nhiều nước khác kêu gọi các bên bình tĩnh. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 14/8 nói không nên để xảy ra thêm một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.(Infonet)
--------------------------
Chân dung người Trung Quốc đặc trách vấn đề Triều Tiên
Trong khi Triều Tiên và Mỹ đang khẩu chiến, Trung Quốc đã lặng lẽ thay đổi một quan chức chủ chốt, người chịu trách nhiệm hóa giải khủng hoảng liên quan tới Triều Tiên.
Trưởng đoàn Trung Quốc trong đàm phán 6 bên Vũ Đại Vệ đã về hưu sau hơn 13 năm và thay thế nhà ngoại giao 71 tuổi này là ông Khổng Huyễn Hựu. Tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng dẫn nguồn tin ngoại giao từ Bắc Kinh cũng như tin từ truyền thông Nhật, Hàn Quốc cho hay, ông Khổng hiện là quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc, chịu trách nhiệm về các vấn đề châu Á.
Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện vẫn chưa chính thức công bố quyết định bổ nhiệm ông Khổng là đại diện đặc biệt của nước này về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên. Dù vậy, quan chức này đã tham gia sâu vào các nỗ lực làm giảm căng thẳng liên quan tới Triều Tiên kể từ khi được bổ nhiệm làm trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc cách đây hai năm.
Theo nhận định của các chuyên gia, ông Khổng hiện được giao một nhiệm vụ gần như là bất khả thi - khôi phục hội đàm phi hạt nhân gồm Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nga và Nhật. Dù Bắc Kinh liên tiếp cố gắng tái khởi động hội đàm 6 bên song dường như việc nối lại hội đàm sớm là khó xảy ra.
So với Ngoại trưởng Vương Nghị, nhà đàm phán chủ chốt số 1 trong cuộc hội đàm 6 bên, hay so với ông Vũ Đại Vệ, thì ông Khổng không nổi tiếng bằng. Ông Khổng Huyễn Hựu là người gốc Triều Tiên, chào đời ở Hắc Long Giang, nói thành thạo tiếng Nhật và đã tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải.
Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong thời gian làm việc ở Bộ Ngoại giao, ông Khổng chỉ chuyên về các vấn đề Nhật và từng giữ một số vị trí tại phái bộ ngoại giao của Trung Quốc tại Nhật Bản trong hơn một thập niên, kể từ giữa những năm 1980.
Ông Khổng Huyễn Hựu từng là Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm người đứng đầu ban các vấn đề châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào năm 2014. Ông được cho là nói thành thạo tiếng Triều Tiên dù chưa bao giờ nói ngoại ngữ này trong các cuộc họp chính thức, giới quan sát cho hay(Vietnamnet)
-----------------------------
Muốn đánh Triều Tiên, Mỹ phải xin phép Hàn Quốc
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định sẽ ngăn chặn chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên và nước này sẽ mở rộng hơn nữa các nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình.
“Chính phủ sẽ ngăn chặn chiến tranh dù bất cứ giá nào. Chúng ta phải giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên một cách hòa bình bất kể có bao nhiêu thăng trầm” - ông Moon Jae-in nói trong một buổi lễ kỷ niệm đánh dấu 72 năm Hàn Quốc thoát khỏi ách đô hộ của Nhật Bản (1910-1945).
“Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực ngoại giao để đảm bảo rằng nguyên tắc giải quyết hòa bình của cộng đồng quốc tế về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ không bị từ bỏ” - ông nói thêm.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: YONHAP.
Tổng thống Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ không có hành động quân sự nào diễn ra nếu không được sự chấp nhận của Seoul. “Hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể được quyết định bởi Hàn Quốc và không ai có thể quyết định hành động quân sự nếu không có sự đồng ý của Hàn Quốc”- ông Moon khẳng định.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng nói rằng nước này sẽ tăng cường năng lực quốc phòng để đảm bảo hòa bình cho bán đảo. “Chúng tôi sẽ hoan nghênh các cuộc đối thoại quân sự để đảm bảo sự căng thẳng quân sự trên bán đảo sẽ không tồi tệ hơn” – ông Moon nói và lặp lại lời kêu gọi Triều Tiên nên dừng việc khiêu khích và quay lại bàn đối thoại.
Tổng thống Hàn Quốc khẳng định việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên phải bắt đầu từ việc ngừng chương trình hạt nhân của nước này. Theo ông, Triều Tiên phải ngừng các hành động khiêu khích hạt nhân và tên lửa trước khi có thể tạo ra các điều kiện đối thoại.
“Triều Tiên phải nhớ rằng khi họ ngừng thử tên lửa hoặc tuyên bố đình chỉ thử nghiệm hạt nhân là khi mối quan hệ Triều Tiên – Hàn Quốc tốt đẹp nhất. Đó cũng là khi các cuộc đàm phán Triều Tiên – Mỹ hay Triều Tiên - Nhật Bản được thúc đẩy và ngoại giao đa phương ở khu vực Đông Bắc Á sẽ phát triển rực rỡ” – ông Moon nói.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford và Tổng thống Moon Jae-in trong cuộc gặp hôm qua. Ảnh: REUTERS.
Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, trong cuộc họp với Tổng thống Moon Jae-in hôm qua, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford cũng đã tuyên bố rằng giải pháp quân sự đối với Triều Tiên sẽ được áp dụng nếu các giải pháp chế tài ngoại giao và kinh tế đối với nước này thất bại.
Tuyên bố của ông Moon Jae-in được đưa ra giữa bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên tục leo thang trong những ngày qua sau khi Triều Tiên phóng hai tên lửa trong tháng 7.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “hỏa lực và cơn thịnh nộ mà thế giới chưa từng thấy”, trong khi Triều Tiên đe dọa đang chuẩn bị phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương.(PLO)