Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý chiều 26-07-2017
- Cập nhật : 26/07/2017
Quan chức CIA: Trung Quốc quen thói ép buộc để đạt mục tiêu
Quan chức cấp cao của CIA cho rằng Trung Quốc đang gia tăng hình thức ép buộc nhằm đạt được các ý đồ của nước này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tờ The Times of India ngày 25.7 dẫn lời ông Michael Collins, phó giám đốc Trung tâm sứ mệnh Đông Á thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng Trung Quốc ngày càng lấn tới trong việc ép buộc các bên nhằm đạt được ý đồ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại Diễn đàn An ninh 2017 của Viện Aspen (Mỹ), ông Collins nói rằng “thói ép buộc” đang được Trung Quốc vận dụng ngày càng nhiều dù Mỹ và tất cả các bên trong khu vực không chấp nhận hành vi này.
“Chúng ta phải ghi nhớ điều này khi nhìn nhận cách Trung Quốc tiếp cận các vấn đề như Triều Tiên, Biển Đông và thương mại”, ông nhấn mạnh.
Phát biểu của ông Collins được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc cho hay 2 chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc đã chặn đầu một máy bay trinh sát EP-3 của hải quân Mỹ trên không phận quốc tế ở biển Hoa Đông vào chiều 23.7. Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động xây dựng các cơ sở quân sự phi pháp ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, bất chấp phản đối của Việt Nam, Mỹ và các nước trong khu vực.
Ông Collins cho rằng hành vi của Trung Quốc không có nghĩa là nước này và Mỹ sẽ đối đầu bằng chiến tranh: “Họ không muốn gây phản ứng dữ dội ở Đông Á. Họ cần mối quan hệ vững chắc với Mỹ và cộng đồng quốc tế vì nhu cầu kinh tế và công nghệ để phát triển đất nước”, ông nói.
Trong khi đó, Đại sứ Nhật tại Mỹ Kenichiro Sasae cho biết tham vọng của Trung Quốc không đơn thuần là cố gắng trở thành đối trọng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương mà muốn bành trướng ra toàn cầu.
“Điều đó đã rõ. Tôi cho rằng giấc mộng đó cũng như hồi thế kỷ 12, 13 thời nhà Minh. Họ vươn ra Ấn Độ Dương và Trung Đông. Tôi cho rằng khu vực đó đã hằn sâu trong đầu họ”, ông nhận định khi trả lời câu hỏi về Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" do Trung Quốc khởi xướng.
Theo bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp khu vực châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, Trung Quốc đang cố sắp xếp lại trật tự khu vực lấy nước này làm trung tâm, nơi họ có thể thắng thế và về cơ bản thuyết phục các quốc gia trong khu vực đặt lợi ích Trung Quốc lên trên và thần phục Trung Quốc.
“Đó là một thách thức lớn đối với Mỹ. Chúng ta cần nghĩ đến Trung Quốc không chỉ về các vấn đề riêng lẻ như Triều Tiên hoặc tấn công mạng như chúng ta đang nói tại hội thảo này, mà về một thách thức toàn cầu, và chúng ta cần một chiến lược toàn diện của chính phủ để đối phó với sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Cạnh tranh là không thể tránh khỏi, còn chiến tranh thì không như thế”, bà nói. (Thanhnien)
--------------------------
Trung Quốc ủng hộ khai thác dầu khí chung với Philippines tại Biển Đông
Trung Quốc ủng hộ ý tưởng liên doanh năng lượng chung với Philippines tại Biển Đông, cảnh báo hành động đơn phương có thể gây thiệt hại cho hai bên.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Philippines Alan Peter Cayetano bắt tay tại Taguig. Ảnh: Reuters.
"Tại vùng biển có quyền và lợi ích hàng hải chồng lấn, nếu một bên đơn phương khai thác, và bên kia có hành động tương tự, điều đó có thể gây phức tạp tình hình trên biển", Reuters dẫn lời Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, hôm nay nói trong chuyến thăm Philippines dài hai ngày. "Điều đó có thể gây căng thẳng, bởi kết quả cuối cùng là không ai có thể khai thác các tài nguyên".
Ông Vương ủng hộ Bắc Kinh và Manila khai thác dầu khí chung ở Biển Đông sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua nói đã xác định một đối tác khai thác các mỏ dầu và việc thăm dò, khai thác sẽ được khởi động lại trong năm nay.
Philippines đình chỉ hoạt động năng lượng năm 2014 khi chờ phán quyết của Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan. Khi ra phán quyết cách đây một năm, tòa vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc với hầu hết Biển Đông, nơi lượng hàng hóa trị giá hơn 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua mỗi năm.
Ông Vương Nghị hôm nay cũng hối thúc các nước Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đoàn kết và "nói không" với "các thế lực bên ngoài" ông cho là đang tìm cách can thiệp tranh chấp Biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc đến Thái Lan và Philippines từ đầu tuần này. Tại Thái Lan, ông tuyên bố Trung Quốc và Thái Lan "như anh em", cho rằng không có rào cản nào trong quan hệ hai nước. Ông Vương cũng sẽ trở lại Manila vào tháng 8 trong cuộc họp ngoại trưởng các nước ASEAN và đối tác, bao gồm Mỹ và Trung Quốc.(Vnexpress)
-------------------------
Mỹ xem xét gởi vũ khí cho Ukraine
Đặc phái viên của Mỹ tại Ukraine, ông Kurt Volker cho biết Washington đang xem xét gửi vũ khí cho Ukraine để hỗ trợ cho cuộc chiến chống phe nổi dậy ở miền đông.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (thứ hai từ phải sang) thăm binh sĩ tại khu vực Donetsk hồi tháng 6 - Ảnh: Reuters
Đài BBC cho biết ông Kurt Volker nhìn nhận lực lượng chính phủ Ukraine có thể thay đổi cách tiếp cận của Matxcơva và không nghĩ động thái gửi vũ khí cho lực lượng tại Kiev là hành động khiêu khích.
Ông Volker nhấn mạnh rằng "các loại vũ khí phòng vệ sẽ giúp Ukraine tự bảo vệ mình và việc điều xe tăng đến sẽ thật sự có ích" để ngăn Nga đe dọa Ukraine.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi cả hai bên đối địch ở Ukraine tuân thủ lệnh ngừng bắn mong manh ở miền đông đất nước.
Ông Volker từng là đại diện thường trực của Mỹ tại NATO và vừa được bổ nhiệm làm đặc phái viên đầu tháng này.
"Tôi không suy đoán về việc chúng tôi sẽ đi xa đến đâu trong vấn đề này. Đó là vấn đề cần phải thảo luận thêm để đi đến quyết định cuối cùng. Tuy nhiên tôi nghĩ tranh cãi về việc gửi vũ khí có thể khiêu khích Nga hoặc khiến Ukraine trở nên táo bạo hơn chỉ khiến kế hoạch chậm tiến triển hơn" - ông Volker nhận định.
Ông Volker cho rằng thành công trong việc thiết lập lại nền hòa bình cho phía đông Ukraine đòi hỏi phải có một cuộc đối thoại mang tính chiến lược mới với Nga.
LHQ ghi nhận đã có hơn 10.000 người thiệt mạng từ khi cuộc xung đột tại miền đông Ukraine bùng phát vào tháng 4-2014, ngay sau khi bán đảo Crimea của Ukraine sáp nhập về Nga.
Cuộc nội chiến cũng khiến hơn 1,6 triệu người dân Ukraine rời bỏ nhà cửa.
Tuần trước, quân đội Ukraine cho biết 5 binh sĩ bị thiệt mạng trong một cuộc không kích ở khu vực do phe nổi dậy kiểm soát tại phía bắc Donetsk.(Tuoitre)
-------------------------
Căng thẳng leo thang tại Jerusalem
Căng thẳng tại khu vực thành cổ Jerusalem tiếp tục gia tăng từ khi Israel đặt hệ thống máy dò kim loại trước lối vào đền thờ Hồi giáo al-Aqsa.
Lực lượng an ninh Israel ném lựu đạn hơi cay để giải tán người biểu tình Palestine trên đường phố Jerusalem ẢNH: REUTERS
AFP ngày 24.7 đưa tin 8 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực từ khi cảnh sát Israel lắp đặt hệ thống rà soát an ninh bên ngoài khu đền thờ al-Aqsa, một trong số những di tích linh thiêng thuộc khu thành cổ ở Jerusalem.
Mâu thuẫn bắt đầu sau khi 2 cảnh sát Israel bị 3 tay súng Ả Rập bắn chết hôm 14.7. Lực lượng an ninh sau đó tiêu diệt 3 kẻ tấn công và chính quyền ban hành lệnh cấm đi vào khu thành cổ nhằm ngăn ngừa những cuộc tấn công tương tự.
Israel mở cửa khu vực vào ngày 17.7 nhưng áp đặt thêm các biện pháp an ninh, hành động khiến thế giới Ả Rập phản đối và cáo buộc Israel đang cố gia tăng quyền kiểm soát tại khu vực linh thiêng của người Hồi giáo này.
Sau đó, các vụ bạo lực liên tiếp diễn ra giữa lực lượng an ninh và người cầu nguyện Hồi giáo, đa phần là người Palestine. Phía Israel đã nổ súng, dùng hơi cay và đạn cao su để giải tán người biểu tình và có tới 3.000 cảnh sát được điều động đến khu vực.
Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở Jordan, một trong 2 nước Ả Rập có quan hệ ngoại giao với Israel. Hàng ngàn người xuống đường kêu gọi Amman phá bỏ quan hệ này. Sự giận dữ được cho là đã kích động vụ tấn công ngày 23.7, khi một cảnh vệ Israel bắn chết 2 người Jordan vì bị một trong 2 người này dùng tua vít tấn công tại ngôi nhà thuộc Đại sứ quán Israel ở thủ đô Amman. Bộ Ngoại giao Israel sau đó họp khẩn và quyết định sơ tán toàn bộ nhân viên tại đại sứ quán ở Amman vì lo ngại sự việc gây ra bạo động. Tuy nhiên, chính quyền Jordan từ chối cho viên cảnh vệ rời đi và mở cuộc điều tra về vụ nổ súng.
Phía Israel trong khi đó nhấn mạnh nhân viên này được miễn trừ ngoại giao theo Công ước Vienna.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tối 23.7 triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp để bàn về việc triển khai an ninh ở khu thành cổ và sự việc ở Jordan. Cuộc họp diễn ra trong 6 giờ và kéo dài sang ngày 24.7 nhưng được cho là không đưa ra giải pháp nào, theo tờ The Times of Israel. Bộ trưởng Công an Gilad Erdan cùng ngày gợi ý rằng những máy dò kim loại có thể được dỡ bỏ nếu giới chức an ninh tìm ra được biện pháp thay thế.
Trước đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas xác nhận đã đóng băng mối quan hệ với Israel ở “mọi cấp độ”, bao gồm việc hợp tác về an ninh, cho đến khi Israel loại bỏ những máy dò kim loại. Hội đồng Bảo an LHQ ngày 24.7 cũng triệu tập một cuộc họp nhằm tìm giải pháp giúp làm lắng dịu tình hình. Trong khi đó, truyền thông Israel đưa tin chính quyền Mỹ đã cử đặc phái viên về đàm phán quốc tế của Tổng thống Donald Trump, ông Jason Greenblatt, đến Israel nhằm giúp giảm căng thẳng.(Thanhnien)