Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 27-07-2017
- Cập nhật : 27/07/2017
Ông Trump: 'Người chuyển giới đừng mong vào quân đội Mỹ'
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định những người chuyển giới "sẽ không được chấp nhận hay được cho phép phục vụ trong quân đội Mỹ".
Tối 26-7, viết trên Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh kết luận trên được ông đưa ra sau khi "tham vấn với các tướng lĩnh quân đội và chuyên gia quân sự".
"Quân đội của chúng ta cần tập trung cho những chiến thắng quyết định và áp đảo, không thể để nó bị phân tán bởi các gánh nặng về chi phí y tế và sự gián đoạn mà những cuộc chuyển đổi giới tính có thể gây ra", ông Trump viết.
Tranh cãi về vai trò tương lai của người chuyển giới trong quân đội Mỹ không mới. Hồi cuối tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã hoãn việc dỡ bỏ lệnh cấm người chuyển giới nhập ngũ.
Việc dỡ bỏ được đề xuất dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, cho phép các binh sĩ ngay cả khi tại ngũ vẫn có thể tiến hành chuyển giới và được hưởng một khoản phụ cấp y tế nhất định, theo BBC.
Riêng những người đã chuyển giới, muốn gia nhập quân đội Mỹ, chỉ cần chứng minh giới tính "ổn định" trong ít nhất 18 tháng liên tục.
Quyết định hoãn của ông Mattis và tuyên bố của ông Trump ngày hôm nay có thể khiến nhiều người thất vọng, đặc biệt các nhà hoạt động nhân quyền. Tuy nhiên, bộ trưởng quốc phòng Mỹ khẳng định đây là việc hệ trọng nên cần thời gian cân nhắc kỹ nhằm "đánh giá toàn diện mức độ ảnh hưởng đến tính sẵn sàng và năng lực chiến đấu" của quân đội Mỹ.
Một nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận RAND (Mỹ) hồi năm 2016 ước tính có từ 2.500 tới 7.000 binh sĩ thường trực Mỹ là người chuyển giới và khoảng 1.400 đến 4.000 người trong lực lượng dự bị. Quân số thường trực của Mỹ là 1,3 triệu người, theo BBC.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác cho rằng có tới 12.800 binh sĩ chuyển giới đang tại ngũ. (Tuoitre)
------------------------
Thông điệp của Tổng thống Philippines: Cách cũ
Thông điệp về tình hình đất nước mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa trình bày trước quốc hội bị mất cân đối rõ rệt về đánh giá thành quả một năm cầm quyền và những dự định chính sách trong thời gian tới.
Thông điệp này giống các bài phát biểu vận động tranh cử tổng thống của ông nhiều hơn. Số lượng những câu bắt đầu bằng “tôi/chúng tôi đã” ít hơn hẳn số lượng những câu bắt đầu bằng “tôi/chúng tôi sẽ/dự định”.
Ông Duterte cũng tập trung gần như hoàn toàn vào chuyện đối nội và phần về đối ngoại không những chỉ rất ít mà còn rất sơ sài. So với thông điệp đầu tiên, những nội dung ở thông điệp năm nay cơ bản không có gì mới. Đường lối chính sách được ông Duterte theo đuổi trong một năm qua giờ sẽ được tiếp tục.
Cũng chính vì thế mà ông Duterte đặc biệt nhấn mạnh tình hình chính trị an ninh của đất nước, trước hết là cuộc chiến chống tội phạm và buôn bán ma túy cũng như đối phó với lực lượng Hồi giáo cực đoan. Chúng nhức nhối hơn cả đối với đất nước này. Chúng thách thức quyết liệt nhất bản lĩnh, khả năng và trí tuệ cầm quyền của ông Duterte. Vì chúng mà ông Duterte được quốc hội giao cho quyền hành pháp rộng rãi và duy trì tình trạng khẩn cấp. Và chúng còn giúp ông Duterte làm cho dư luận bớt soi mói đến một thực tế là thành quả cầm quyền đến nay của ông rất ít ỏi và hầu như chưa cam kết tranh cử nào được thực hiện đầy đủ.
Cứ theo thông điệp này thì ông Duterte không thiếu quyết tâm nhưng lại thiếu biện pháp thích hợp và khả thi để có thể giải quyết được ổn thỏa lâu bền những vấn đề trên. Nếu cứ tiếp tục cách cũ, ông Duterte khó có thể nhanh chóng cải thiện mọi mặt tình hình đất nước và làm cho quan hệ đối ngoại bớt phức tạp. (Thanhnien)
-------------------------
Saudi Arabia sắp chặt đầu 14 người chống chính phủ
Tòa án Tối cao Saudi Arabia đã tuyên án tử hình 14 người vì tham gia vào các cuộc biểu tình diễn ra năm 2011-2012. Những cuộc biểu tình này thuộc làn sóng “Mùa xuân Ả Rập”. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, hồi tháng 7-2016 những người này đã bị kết tội "nổi loạn vũ trang chống lại nhà cầm quyền", "gây bạo động", "sử dụng bom xăng Molotov" và "nổ súng tấn công nhân viên an ninh".
Biểu tình chống chính phủ ở Saudi Arabia năm 2011. Ảnh: REUTERS
Hiện những đối tượng trên có thể bị tử hình nếu chính quyền chấp thuận quyết định của tòa án. Bà Samah Hadid, thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế ở Trung Đông, cho biết: "Hiện chữ ký của vua Salman là yếu tố then chốt quyết định số mệnh của họ. Ông ấy cần phải ngay lập tức hủy bỏ bản án này. Đây là bản án coi thường những tiêu chuẩn xét xử công bằng quốc tế".
Trong 14 đối tượng nhận bản án tử hình có Al-Suweyket, một sinh viên ĐH Western Michigan (Mỹ), chỉ mới 17 tuổi khi bị bắt. Hồi đầu năm nay, Liên đoàn Giáo viên Mỹ (AFT) đã kêu gọi Tổng thống Donald Trump bảo đảm an toàn cho sinh viên này. "Việc Saudi Arabia chặt đầu hành quyết người dân tham gia biểu tình chống chính phủ là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và nhân quyền" - AFT cho biết.
"Nếu những vụ hành quyết này xảy ra, Saudi Arabia nên bị xem là một quốc gia ở ngoài lề xã hội. Chúng tôi hy vọng Tổng thống Trump sẽ dùng quyền hành của mình để ngăn chặn những hành động tàn bạo có thể xảy ra ở Ả Rập Saudi”.
Ngày 15-7, 14 đối tượng này đã được chuyển đi từ TP Dammam. Hiện họ đang bị giam giữ tại một trại giam ở thủ đô Riyadh.(PLO)
--------------------------
Hải quân Mỹ bắn dằn mặt tàu Iran
Một tàu của hải quân Mỹ đã bắn nhiều phát súng cảnh cáo về phía một tàu của Iran ở gần Vịnh Ba Tư khi con tàu này tiến gần tàu Mỹ ở khoảng cách 137 mét.
Video ghi lại diễn biến sự việc - Nguồn: NBC/Youtube
Theo hãng tin Reuters, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết tàu tuần dương USS Thunderbold của Mỹ đã phải bắn nhiều phát súng xuống biển để cảnh cáo tàu tuần tra của Iran sau rất nhiều lần phát tín hiệu radio cảnh báo nhưng tàu Iran vẫn phớt lờ.
Đài Fox News của Mỹ cũng dẫn nguồn tin từ 2 quan chức quốc phòng Mỹ xác nhận thông tin về sự việc xảy ra ngày 25-7 này. Theo đó, giới chức Mỹ cho biết tàu tuần tra bị cảnh cáo là tàu của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.
Tại thời điểm xảy ra sự việc, tàu USS Thunderbolt đang đồng hành cùng tàu USS Vella Gulf, một chiến hạm trang bị tên lửa lớp Ticonderoga, và 2 tàu khác của lực lượng cảnh sát biển Mỹ tham gia hoạt động tuần tra định kỳ ở vùng biển quốc tế.
Các quan chức Mỹ cho biết tàu Iran đã "làm lơ" trước mọi dấu hiệu cảnh báo của tàu Mỹ, trong đó có tín hiệu bộ đàm, loạt pháo sáng và 5 hồi còi, những tín hiệu được quy định theo chuẩn quốc tế để cảnh báo nguy hiểm.
Sau đó tàu hải quân Mỹ buộc phải nổ súng xuống nước để cảnh báo vì lo ngại có thể xảy ra va chạm.
Đài CNN (Mỹ) dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết sau những tiếng súng cảnh báo, tàu Iran đã thôi có hành vi khiêu khích tuy nhiên vẫn còn lởn vởn trong khu vực đó nhiều giờ tiếp theo.
Tuy nhiên cũng theo CNN, phía Lực lượng vệ binh cách mạng Iran lại phát đi một thông báo về sự việc với nội dung khác hẳn với cách thông tin của phía hải quân Mỹ.
Theo đó hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran cho biết Lực lượng vệ binh cách mạng Iran tuyên bố đã "ngăn cản thành công động thái khiêu khích của chiến hạm Mỹ nhằm chống lại một tàu tuần tra của hải quân Iran tại vùng Vịnh Ba Tư".
IRNA cũng nói chiến hạm Mỹ đã chủ động gây hấn và đe dọa tàu Iran bằng cách bắn hai phát súng cảnh báo.
Đây không phải lần đầu tiên hải quân Mỹ và Iran chạm mặt đầy căng thẳng ở vùng biển này. (Tuoitre)