Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý trưa 27-07-2017

  • Cập nhật : 27/07/2017

Liệu ông Trump và ông Putin có tránh được đối đầu?

Điều gì sẽ xảy ra khi đối mặt với một cường quốc hạt nhân như Nga là một chính phủ thiếu chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm và hứng nhiều chống đối từ trong nước như chính phủ Trump?

Đây là lo ngại của chuyên gia George Beebe, Giám đốc chương trình tình báo của Trung tâm vì An ninh Quốc gia, từng là nhà phân tích về Nga tại CIA, cố vấn đặc biệt cho Phó Tổng thống Dick Cheney về Nga và Liên bang Xô viết. Trong một bài viết trên National Interest, chuyên gia Beebe rất lo lắng cả Mỹ và Nga đang tiến dần đến thế đối đầu nguy hiểm.

Về phía Mỹ, từ nhiều nghị sĩ cả Cộng hòa, Dân chủ đến tướng lĩnh quân đội lẫn quan chức tình báo đều coi Nga là mối đe dọa lớn nhất nhưng chưa phải trả giá cho các hành động chống phá Mỹ. Rất nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Donald Trump nên từ bỏ ý định cải thiện quan hệ với Nga, thậm chí lo lắng khi ông Trump đánh giá thấp đe dọa Nga.

Ngày 26-7, dự luật trừng phạt Nga, cấm tổng thống tự ý dỡ bỏ trừng phạt Nga khi chưa được phép Quốc hội chính thức qua được cửa Quốc hội, chỉ còn chờ ông Trump ký ban hành. Diễn biến này là ví dụ rõ nhất cho sức mạnh chống Nga tại Mỹ. Dự luật này chắc chắn sẽ cản trở ý định cải thiện quan hệ với Nga của ông Trump, nhưng nhiều khả năng ông Trump vẫn sẽ phải thông qua vì áp lực Quốc hội.

Hai Tổng thống Nga Putin (trái) và Mỹ Trump gặp nhau bên lề hội nghị G20 đầu tháng 7 tại Đức. Ảnh: AP
Hai Tổng thống Nga Putin (trái) và Mỹ Trump gặp nhau bên lề hội nghị G20 đầu tháng 7 tại Đức. Ảnh: AP

Về phía Nga, sự lạc quan ban đầu về một chính phủ mới của Mỹ đã dần biến mất. Sự bất mãn của Nga ngày càng tăng với các cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử, hành động tấn công Syria, từ chối trả lại hai khu nhà ngoại giao chính phủ tiền nhiệm Obama đã tịch thu.

Bất kể áp lực trong nước, Nga đã không trả đũa việc Mỹ tịch thu hai khu nhà ngoại giao, trục xuất 35 nhà ngoại giao, với hy vọng cải thiện quan hệ với một chính phủ Trump mới mẻ.

Đến lúc chính phủ Trump nã 59 tên lửa quả hành trình Tomahawk vào Syria, Nga vẫn kiềm chế. Tuy nhiên theo chuyên gia Beebe, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov không thể làm lơ mãi áp lực từ trong nước, đặc biệt khi Mỹ càng ngày càng cứng rắn.

Theo chuyên gia Beebe, các bất đồng này đều có thể được giải quyết. Tuy nhiên áp lực từ bên trong khiến hai nước khó kiềm chế. Nếu chuyện hai khu nhà ngoại giao Nga bị Mỹ tịch thu không sớm giải quyết, Nga chắc chắn sẽ phải trả đũa bằng cách trục xuất nhà ngoại giao Mỹ, tịch thu tài sản ngoại giao Mỹ.

Nếu xảy ra đối đầu giữa hai bên thì đâu sẽ là khu vực nhiều nguy cơ nhất? Theo chuyên gia Beebe thì đó là Ukraine. Hiệp đình ngừng bắn Minks không được thực hiện. Giao tranh giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai ở đông Ukraine ngày càng căng. Mỹ vừa thành lập một cơ sở huấn luyện quân sự ở Đông Ukraine, mà Nga xem là một căn cứ quân sự. Về phần mình, Nga cho xây một chuỗi căn cứ quân sự dọc biên giới với Ukraine. Quốc hội Mỹ đang làm áp lực cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Ngày 25-7 Nga vừa cảnh cáo Mỹ không làm điều này.

Cả Nga và Mỹ đều không muốn quay trở lại thời chiến tranh lạnh. Và theo chuyên gia Beebe, ngăn chặn bất đồng dẫn đến đối đầu quân sự trực tiếp sẽ phải cần rất nhiều kỹ năng ngoại giao thông minh và tỉnh táo. (PLO)
-------------------------------

Chiến đấu cơ Anh theo dõi máy bay Nga trên Biển Đen

Một chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh đã được điều động đến Biển Đen khi hai máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22 của Nga bay sát không phận NATO.

Máy bay Anh đã cất cánh từ căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu gần Constanta, Romania, trên bờ Biển Đen, khi các oanh tạc cơ Tu-22 Backfire của Nga tiếp cận không phận NATO, theo tờ Daily Mail ngày 25.7.

Hai máy bay Nga xuất hiện ở phía tây Biển Đen trước khi bị Typhoon theo dõi từ xa. Sau đó nhóm Tu-22 đi về hướng nam. Trong toàn bộ diễn tiến, không máy bay nào lọt vào tầm nhìn của đối phương. Chưa rõ thời điểm xảy ra vụ việc.

Trước đó, Hệ thống Kiểm soát và Trinh sát trên không của NATO đã phát hiện một số hoạt động của máy bay quân sự ngoại khối trên bầu trời Biển Đen. Sau đó, họ xác định được đây là các máy bay Nga.

Chiến đấu cơ Anh theo dõi máy bay Nga trên Biển Đen - ảnh 1

Chiếc Typhoon xuất kích từ căn cứ RomaniaFORCES TV

Trung tâm Chiến dịch Không quân Hỗn hợp NATO (CAOC) tại căn cứ Torrejon ở Tây Ban Nha đã phát lệnh xuất kích cho máy bay Typhoon, bám theo nhóm máy bay Nga.

Trung úy Lewis Cunningham, sĩ quan chỉ huy phi đội 3(F), cho hay mọi thứ diễn ra như dự kiến, bao gồm thu thập thông tin, phát lệnh xuất kích máy bay, và chiến đấu cơ bay đến mục tiêu trong khung thời gian qui định.(Thanhnien)
----------------------

Hạ viện Mỹ nhất trí lệnh trừng phạt vào quan chức Nga

Cuộc bỏ phiếu về các biện pháp mới nhắm vào quan chức Nga hôm 25-7 (giờ Mỹ) chốt lại với tỉ lệ 419 phiếu tán thành, 3 phiếu phản đối, theo báo Washington Post.

Đây là động thái được cho nhằm đáp trả nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, cũng như các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran và Triều Tiên liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của các nước này.

Ngoài ra, nó cũng được cho sẽ đặt Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thế khó xử nếu chính quyền muốn đảo ngược kết quả trên.

Các thành viên trong chính quyền ông Trump, bao gồm Ngoại trưởng Rex Tillerson, đã tìm cách kháng lại sự hối thúc của quốc hội, đặc biệt về một điều khoản trong các biện pháp đối với Nga, vốn đòi hỏi Quốc hội phải ngừng bất kỳ động thái giảm nhẹ các lệnh trừng phạt trên.

Những biện pháp trừng phạt được thảo luận này đã được điều chỉnh hồi tuần trước vì một số lo ngại từ chính quyền. Nó bao gồm hậu quả tiềm tàng tác động tới những dự án khí đốt ở nước ngoài có hợp tác với phía Nga. Tuy vậy nó đã được thông qua, trong đó giữ lại những yêu cầu xem xét từ quốc hội.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders trước đó vào hôm 24-7 từ chối cho biết liệu Tổng thống Trump có ký hay phản đối dự luật hay không. Ông Trump là người thường xuyên thể hiện ý muốn làm ấm lại quan hệ với Nga, nhưng giờ đây cuộc bỏ phiếu này làm "hạn chế quyền lực phản đối" của ông, bởi không thể gạt bỏ sự thống nhất của các nghị sĩ, theo nhận xét của Reuters.

Câu chuyện với phía Nga khá phức tạp, vì lâu nay ông Trump vẫn phải đối diện với các cáo buộc có liên hệ với Nga. Đồng thời, một cuộc điều tra đặc biệt tại Mỹ vẫn đang nhắm tới nghi án người Nga “tiếp tay” cho ông Trump đắc cử tổng thống bằng việc can thiệp bầu cử Mỹ.

Cuộc bỏ phiếu trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi con rể đồng thời là cố vấn cấp cao của ông Trump, ông Jared Kushner, đã đến điều trần tại Uỷ ban tình báo Hạ viện xung quanh các lần tiếp xúc của ông này với người Nga.

Ông Kushner trước đó trong văn bản trả lời khẳng định có bốn cuộc tiếp xúc với các nhân vật người Nga trong giai đoạn ông Trump tranh cử năm 2016. Tuy nhiên Kushner cũng quả quyết không hề thông đồng với Nga, và cũng không biết ai khác thông đồng với Nga.(Tuoitre)
------------------------

Đoạn tuyệt với Đài Loan, Panama mở đại sứ quán ở Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Panama ngày 25.7 thông báo nước này đã mở đại sứ quán ở Trung Quốc nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ với Bắc Kinh.

pho tong thong kiem ngoai truong panama isabel de saint malo (trai) va ngoai truong trung quoc vuong nghi tai le ky ban thong cao chung ve thiet lap quan he ngoai giao afp

Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Panama Isabel de Saint Malo (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại lễ ký bản thông cáo chung về thiết lập quan hệ ngoại giao AFP

Reuters ngày 26.7 dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Panama cho hay: "Việc mở đại sứ quán của Cộng hòa Panama ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được tiến hành theo các quy định trong thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia".

Panama cũng cho biết thêm rằng đại sứ quán đã đi vào hoạt động, tuy nhiên nước này chưa cử đại sứ.

Đây là những động thái nối tiếp diễn biến hồi tháng 6 sau khi quốc gia Trung Mỹ nâng cấp và thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Bắc Kinh, trong khi đoạn tuyệt mọi quan hệ với Đài Loan. 

Chính phủ Panama khi đó khẳng định công nhận chính sách một Trung Quốc và coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Trung Quốc ngay sau đó đã lên tiếng tán dương quyết định của Panama. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh hai nước sẽ hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại đầu tư, du lịch và các vấn đề hàng hải. Ngoài ra, Trung Quốc còn hoan nghênh việc Panama tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường". Trong khi đó, chính quyền Đài Loan giận dữ và lấy làm tiếc về quyết định của Panama.

Reuters nhận định diễn biến trên cho thấy thắng lợi của Trung Quốc ở khu vực Trung Mỹ, vốn là nơi có mối liên hệ ngoại giao chặt chẽ với Đài Loan.(Thanhnien)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý 27-07-20172

    Tin thế giới đáng chú ý 27-07-2017

    Ông Trump: 'Người chuyển giới đừng mong vào quân đội Mỹ'; Thông điệp của Tổng thống Philippines: Cách cũ; Saudi Arabia sắp chặt đầu 14 người chống chính phủ; Hải quân Mỹ bắn dằn mặt tàu Iran

  • Tin thế giới đáng chú ý tối 26-07-20173

    Tin thế giới đáng chú ý tối 26-07-2017

    Chi 28 triệu USD cho quân phục lỗi, Lầu Năm Góc bị chỉ trích; Đâu cũng thấy tàu do thám Trung Quốc; Con rể Tổng thống Trump phủ nhận thông đồng với Nga; Trung Quốc tuyên bố hoạt động chặn máy bay Mỹ 'là cần thiết'

Bài cùng chuyên mục