Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 16-08-2017:

  • Cập nhật : 16/08/2017

Nghị sỹ Tymoshenko: Ukraine sẽ chịu “thảm họa” nếu bán vũ khí cho Triều Tiên

Bà Tymoshenko cho rằng dính đến Triều Tiên, Ukraine chỉ còn nước chờ “thảm họa” và nếu Ukraine phải gánh chịu trừng phạt vì cung cấp công nghệ tên lửa cho Triều Tiên thì đó chính là trách nhiệm của chính quyền đương nhiệm Ukraine.

lanh dao dang to quoc timoshenko

Lãnh đạo đảng Tổ quốc Timoshenko

Hôm 14/8, nhà lãnh đạo đảng Tổ quốc, một đảng đối lập trong hệ thống chính trị Ukraine - bà Yulia Tymoshenko nhấn mạnh, rằng nếu các thông tin về việc Kiev cung cấp vũ khí và công nghệ quân sự (công nghệ tên lửa) cho Triều Tiên được xác thực, thì Ukraine chỉ còn nước chờ "lệnh cấm vận và thảm họa".

Trước đó, tờ The New York Times dẫn đánh giá từ cộng đồng tình báo Mỹ và phân tích của chuyên gia tên lửa thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) Michael Elleman cho biết, Triều Tiên có thể đã mua động cơ tên lửa đạn đạo do công ty Yuzhmash của Ukraine sản xuất thông qua thị trường chợ đen.

Bà Tymoshenko viết: "Nếu thông tin này được xác nhận, Ukraine có thể gục ngã dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt, điều đó có nghĩa là sẽ phải tồn tại mà không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ thế giới văn minh. Đó thực sự là thảm họa cho đất nước chúng ta. Tình trạng này chính là hậu quả trực tiếp của việc thiếu tính chuyên nghiệp và tội lỗi của Tổng thống Petro Poroshenko và Thủ tướng Vladimir Groisman. Chính quyền này sẽ phá hủy Ukraine!".

Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng của Ukraine Oleksandr Turchynov thì  tuyên bố, khu phức hợp quân sự - công nghiệp Ukraine chưa bao giờ cung cấp vũ khí và công nghệ quân sự cho Triều Tiên.

Ông Turchinov đồng thời cũng lên tiếng cáo buộc “một số phương tiện truyền thông nước ngoài” đang lan truyền các thông tin giả mạo về việc nhà máy Yuzmash chuyển công nghệ tên lửa cho Triều Tiên.

“Ukraine không cung cấp các động cơ tên lửa và bất cứ công nghệ tên lửa nào cho triều Tiên. Chúng tôi cho rằng chiến dịch chống Ukraine lần này là do các cơ quan mật vụ Nga đạo diễn nhằm che giấu sự dính líu của mình vào các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên”- ông Turchinov cáo buộc phía Nga.

Đầu tháng Tám vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua một nghị quyết mới thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Theo ước tính của Mỹ, nếu các điều khoản hạn chế của nghị quyết được thực hiện đầy đủ có thể sẽ làm giảm 1/3 thu nhập ngoại hối hàng năm của Bình Nhưỡng, mà hiện giờ đang đạt khoảng 3 tỷ USD. Mỹ cũng phủ nhận ý định thay đổi chế độ của Triều Tiên.

Bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên vẫn không chịu dừng việc tiến hành các vụ thử tên lửa với cớ là phòng thủ trước Hoa Kỳ. Tuần trước, Bình Nhưỡng và Washington liên tục đưa ra lời đe dọa thách thức lẫn nhau. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên thông báo rằng quân đội Triều Tiên đang xem xét khả năng tấn công tên lửa vào các cơ sở quân sự của Mỹ trên đảo Guam ở phía tây Thái Bình Dương.

Tổng thống Trump đe dọa sẽ cho Triều Tiên nếm "lửa và thịnh nộ" nếu Triều Tiên gây ra mối đe dọa thực sự đối với Hoa Kỳ. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố,  rằng nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un "làm điều gì đó với đảo Guam, thì với Triều Tiên cũng sẽ xảy ra một sự kiện tương tự...". Hiện đảo Guam là nơi đặt căn cứ không quân Mỹ Andersen và quân cảng Apra Harbour.(Infonet)
------------------------------

Hàn Quốc tự vệ thế nào nếu Triều Tiên tấn công?

 Theo báo Mỹ, nếu xảy ra chiến tranh, Hàn Quốc có khả năng "ăn miếng trả miếng", không có gì quá lo ngại nếu như không ai sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc không có sự can thiệp quy mô lớn của Trung Quốc.

du luan dang lo ngai co the xay ra chien tranh o ban dao trieu tien. anh: daily star.

Dư luận đang lo ngại có thể xảy ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Daily Star.

Tờ The Wall Street Journal bản tiếng Trung ngày 14/8 cho rằng Thủ đô Seoul của Hàn Quốc cách Triều Tiên chỉ 35 dặm Anh, tương đương khoảng 56 km. Nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực sự muốn phá hủy Seoul thì không nhất thiết phải phóng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình, chỉ sử dụng hỏa lực mà Triều Tiên triển khai ở khu vực biên giới là đủ để đạt được mục đích.
Nếu Triều Tiên thực sự tấn công Seoul thì 25 triệu người của đô thị lớn này sẽ phải khẩn cấp tìm kiếm nơi ẩn náu. Mạng lưới đường sắt trong thành phố có thể trở thành cơ sở phòng không chủ yếu.
Đồng thời, quân đội Hàn Quốc có thể “ăn miếng trả miếng”, tấn công các cơ sở quân sự của Triều Tiên. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên sở hữu 8.600 khẩu pháo và hơn 5.500 thiết bị phóng rocket.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự và quốc phòng từng hợp tác với quân đội Mỹ và Hàn Quốc, tình hình trên nếu thực sự xảy ra thì sẽ gây ra một cuộc chiến dữ dội và gây ra rất nhiều thương vong.
Tuy nhiên, họ cho rằng trừ phi hai bên sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc có sự can thiệp quy mô lớn của quân đội Trung Quốc, nếu không kết cục sẽ không có gì phải lo ngại quá mức. Đồng minh Mỹ - Hàn dự tính sẽ chiến thắng Triều Tiên bằng ưu thế áp đảo, cho dù cái giá phải trả tương đối nặng nề.
Giáo sư Daniel Pinkston, dạy học ở các căn cứ Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản, thuộc phân hiệu Hàn Quốc, Đại học Troy Mỹ cho rằng Triều Tiên có khả năng gây ra rất nhiều thương vong và tổn thất, nhưng nếu chiến sự kéo dài, Triều Tiên cơ bản không có cơ thắng.

Căn cứ vào số liệu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, lực lượng thường trực của Hàn Quốc là 625.000 quân, thấp hơn nhiều 1,3 triệu quân của Triều Tiên. Số lượng máy bay chiến đấu, xe tăng và tàu chiến của Triều Tiên cũng nhiều hơn Hàn Quốc nhưng lạc hậu hơn. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc chỉ thu hẹp phần nào khoảng cách về số lượng.

Tuy nhiên, Hàn Quốc và Mỹ có ưu thế áp đảo về công nghệ quân sự, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chỉ huy, hậu cần. Vì vậy, trong bất cứ hành động đối đầu nào thì đều rõ ràng có cơ thắng.
Các chuyên gia phân tích cho rằng Mỹ có thể sẽ nhanh chóng giành quyền kiểm soát trên không và quyền kiểm soát trên biển, nhưng hoàn toàn không phải không có rủi ro to lớn. Theo giáo sư Pinkston, hải quân Mỹ và Hàn Quốc phải tìm cách đánh bại hệ thống phòng không tương đối phức tạp và tên lửa đất đối hạm bờ biển của Triều Tiên.
Bất cứ cuộc chiến đấu nào như vậy đều có thể gây ra thương vong quy mô lớn cho quân đội và người dân, đặc biệt là trong tình hình Trung Quốc và Nhật Bản bị lôi kéo vào chiến tranh hoặc cuộc xung đột leo thang thành tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
Vào tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các bên thận trọng về lời nói và hành động, làm nhiều việc có lợi cho làm dịu tình hình căng thẳng, tăng cường lòng tin. Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng phương án quân sự đã hoàn thành, quân đội Mỹ đã “đạn đã lên nòng”.
ten lua hanh trinh cua han quoc.

Tên lửa hành trình của Hàn Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc có bài xã luận cho rằng nếu Triều Tiên “chủ động” phóng tên lửa đe dọa lãnh thổ Mỹ và bị báo thù thì Trung Quốc sẽ giữ “trung lập”.
Nhưng bài xã luận này cho rằng nếu đồng minh Mỹ - Hàn phát động tấn công quân sự, tìm cách lật đổ chính quyền Triều Tiên, làm thay đổi bản đồ chính trị của bán đảo Triều Tiên thì Trung Quốc sẽ kiên quyết ra tay ngăn chặn.
Bruce Bennett, chuyên gia vấn đề Triều Tiên, nhà nghiên cứu cao cấp của Công ty RAND, Mỹ cho rằng nếu Triều Tiên tiến hành pháo kích gây ra xung đột, Hàn Quốc và Mỹ sẽ không có bất cứ hệ thống phòng thủ nào có thể ngăn chặn.
Số liệu của cơ quan quản lý nhập cư Hàn Quốc cho biết dân số Hàn Quốc khoảng 50 triệu người, có khoảng 140.000 công dân Mỹ sinh sống ở Hàn Quốc, trong đó bao gồm khoảng 28.500 nhân viên quân sự. 
Ở Hàn Quốc còn có khoảng 1 triệu người Trung Quốc và 50.000 người Anh, người Canada và người Australia. Chuyên gia Bruce Bennett cho rằng một khi Đại sứ quán quyết định rút công dân thì sẽ dẫn tới làn sóng tháo chạy.
Nếu Triều Tiên tiến hành các cuộc tấn công quân sự ở khu vực cách xa Seoul thì hành động đối đầu có thể kiểm soát. Giống như năm 2010 Triều Tiên tiến hành pháo kích vào hòn đảo ở bờ biển phía tây Hàn Quốc đã không gây ra xung đột toàn diện.
Triều Tiên chủ yếu dựa vào địa đạo và đồi núi để che chắn cho hệ thống phóng tên lửa cơ động có thể dùng để đáp trả.
Theo nhà nghiên cứu Bruce Bennett, nếu Triều Tiên tấn công pháo tầm xa hơn và tên lửa như Scud đối với Mỹ hoặc Hàn Quốc thì hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ hoặc Hàn Quốc sẽ đủ để tiến hành đánh chặn trên không.
he thong phong thu khu vuc tam cao doan cuoi (thaad) my trien khai o han quoc. anh: yonhap.

Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) Mỹ triển khai ở Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thúc đẩy triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc. THAAD đã bao quát phần lớn các khu vực của Hàn Quốc, nhưng không bao quát Seoul.
Triều Tiên còn có thể sử dụng rất nhiều sách lược thời bình để ứng dụng cho thời chiến. Theo tổ chức tư vấn địa - chính trị Stratfor, Triều Tiên sẽ sử dụng các biện pháp khôn khéo để bù đắp cho hạn chế về vũ khí, có thể sẽ sử dụng lực lượng đột kích, tàu ngầm và vũ khí hóa học để chiếm thế thượng phong.
Chuyên gia tình báo hàng đầu Christopher Porter của công ty an ninh mạng Fireeye Mỹ cho rằng Triều Tiên còn có thể tìm cách sử dụng khả năng tác chiến mạng của họ để làm chậm phản ứng của Mỹ - Hàn, vì Mỹ - Hàn sử dụng hệ thống chỉ huy kiểm soát dựa trên công nghệ cao.
Mặc dù cuối cùng Mỹ - Hàn hầu như chắc chắn sẽ giành thắng lợi quân sự, nhưng cái giá phải trả và tổn thất chiến tranh tương đối lớn. Bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh như vậy có lẽ là thảm họa chính trị khó có thể chịu được của các nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc.
Tuần trước, Triều Tiên thông qua báo chí nhà nước tiến hành cảnh cáo rằng chỉ cần một viên đạn pháo rơi vào bán đảo Triều Tiên thì có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới, một cuộc chiến tranh hạt nhân. 
Hiện vẫn còn chưa rõ Triều Tiên có mạo hiểm phát động chiến tranh hay không, nhưng cùng với tình hình căng thẳng không ngừng leo thang, các nhà quan sát gần đây đã bắt đầu lo ngại về khả năng nổ ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên.
Nhà phân tích châu Á hàng đầu của Stratfor vẫn dự đoán khả năng xảy ra chiến tranh trong 12 - 14 tháng tới là không đến 50%, nhưng cách 50% cũng không xa. (Viettimes)
-------------------------

'Cỗ máy chiến tranh' khổng lồ của Mỹ ở gần Triều Tiên

Quân đội Mỹ hiện diện hùng hậu khắp Đông Bắc Á và Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Nhật và Hàn Quốc. Trong bối cảnh Triều Tiên đe dọa sẽ tấn công tên lửa lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương là Guam, cùng xem Mỹ duy trì bao nhiêu quân sát Bình Nhưỡng.

Nhật

Theo Guardian, số lượng quân nhân Mỹ có mặt ở Nhật nhiều hơn bất kể quốc gia nào khác. Theo dữ liệu Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện có 39.354 quân nhân nước này đang đóng ở khắp 112 căn cứ có từ thời Thế chiến II khi quân Mỹ chiếm đóng Nhật.

may bay my tai can cu o okinawa, nhat (anh:epa)

Máy bay Mỹ tại căn cứ ở Okinawa, Nhật (Ảnh:EPA)

Hồi tháng 4, không quân Mỹ đã dàn hàng nhiều trực thăng, chiến đấu cơ chiến lược và máy bay trinh sát trên đường băng tại căn cứ không quân Kadena ở Nhật nhằm biểu dương sức mạnh trước Triều Tiên.

Tuần trước, Nhật đã diễn tập trên không với hai máy bay có khả năng mang bom hạt nhân B-1B Lancer của Mỹ ở gần Bán đảo Triều Tiên.

Đa phần quân Mỹ ở Nhật là đóng ở đảo Okinawa, cách phần còn lại của Nhật 640km.

Hạm đội 7

Đặt trụ sở chính ở Nhật, hạm đội 7 là đơn vị lớn nhất của hải quân Mỹ được điều động. Hạm đội 7 có 50-70 tàu, tàu ngầm và 140 máy bay, xấp xỉ 20.000 thủy thủ làm nhiệm vụ ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Hiện, siêu tàu sân bay chạy bằng hạt nhân USS Ronald Reagan đang được triển khai thường trực tại Yokosuka, Nhật. Tàu này giữ nhiệm vụ là tàu chỉ huy của hạm đội.

Trực thuộc hạm đội 7 còn có tới 14 tàu khu trục và tuần dương có thể làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào.

Một số tàu được trang bị các lá chắn tên lửa đạn đạo, tên lửa tấn công tầm xa Tomahawk và tên lửa chống hạm. Ngoài ra, còn có 12 tàu ngầm chạy bằng hạt nhân cũng đang sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Hàn Quốc

Sau Nhật, Đức với 34.805 quân Mỹ, Hàn Quốc là quốc gia thứ ba có nhiều quân Mỹ hiện diện, với 23.468 binh sĩ đang làm nhiệm vụ ở 83 điểm.

Mỹ cũng duy trì hơn 300 xe tăng, gồm cả loại siêu mạnh là M1 Abrams và nhiều xe bọc sắt tại Hàn Quốc.

Được lập ra vào năm 1957 như một bức tường chắn với Triều Tiên, Lực lượng Mỹ Hàn Quốc (USFK) cho hay, nhiệm vụ của họ là ngăn chặn xâm lược và trong trường hợp cần thiết là bảo vệ Hàn Quốc.

Tháng 4 vừa qua, Mỹ đã lắp đặt hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc với mục đích dùng các tên lửa đánh chặn tiêu diệt các tên lửa đang lao tới khi nó mới bay được nửa hành trình.

Guam

Hiện, mọi chú ý đều đổ dồn về Guam, lãnh thổ của Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Hòn đảo rộng 544 km vuông với 162.000 dân tính đến 2015, nằm cách Bình Nhưỡng 3.379km. Trên đảo Guam hiện có 3.831 quân nhân và đa phần đảo này do lực lượng vũ trang kiểm soát.

Theo AP, hiện có hai căn cứ quân sự lớn của Mỹ trên đảo Guam. Đó là căn cứ không quân Andersen ở phía bắc và căn cứ hải quân Guam ở phía nam.

Căn cứ hải quân Guam là cảng nhà của 4 tàu ngầm tấn công siêu nhanh chạy bằng hạt nhân và hai tàu ngầm thường.

Tại căn cứ không quân Andersen lại có một phi đội trực thăng của hải quân và một số máy bay ném bom thường được luân chuyển giữa Guam với đất liền của Mỹ.

Ở căn cứ Andersen, có hai đường băng dài 3 km cho máy bay và một kho nhiên liệu, vũ khí lớn. Ngoài ra, có 7.000 quân nhân thường xuyên có mặt ở Guam.

Thái Lan, Philippines và Singapore

Mỹ duy trì một lượng quân nhỏ hơn ở khắp các nước Đông Nam Á, gồm cả 5 căn cứ ở Philippines. Hải quân Mỹ cũng có kế hoạch vận hành 4 tàu chiến ở Singapore. Thái Lan cũng cho phép Mỹ sử dụng đường băng sân bay ở nước này.

Hawaii

Có gần 40.000 quân nhân Mỹ đang đóng ở Hawaii, bang gần Bán đảo Triều Tiên nhất.

Hawaii cũng là nơi có trụ sở chính của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, vốn chịu trách nhiệm về khoảng 1/2 bề mặt trái đất, gồm cả toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ở Hawaii, hiện có 375.000 binh sĩ và nhân viên quân sự, 200 tàu và hơn 1.000 máy bay.(Vietnamnet)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục