Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý 16-08-2017

  • Cập nhật : 16/08/2017

Iran liên tiếp cho UAV "chọc ghẹo" tàu sân bay Mỹ

Một chiếc máy bay không người lái (UAV) của Iran đã bay qua bay lại phía trên tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ khi chiếc tàu này hoạt động ở vịnh Péc-xích vào ngày 13/8. Đây là lần thứ hai chỉ trong một tuần, UAV Iran "chọc ghẹo" tàu sân bay Mỹ.

Washington Post dẫn lời Thượng úy Hải quân Mỹ Ian M. McConnaughey cho hay, chiếc UAV QOM-1 của Iran đã bay qua tàu USS Nimitz trong khi chiếc tàu của Mỹ hoạt động trong hải phận quốc tế và đang chở theo các chiến đấu cơ trên boong tàu.

Cũng theo ông McConnaughey, UAV QOM-1 của Iran vẫn cố tình bay qua tàu sân bay USS Nimitz ngay cả khi phía Hải quân Mỹ đã nhiều lần kêu gọi liên lạc qua radio. Chiếc QOM-1 của Iran đã bay cách tàu USS Nimitz chỉ khoảng 305 m.

 tau san bay uss nimitz cua hai quan my. 

 Tàu sân bay USS Nimitz của Hải quân Mỹ. 

"Việc UAV của Iran không tuân thủ các quy định về hoạt động hàng hải trên hải phận quốc tế trong thời điểm ban đêm đã tạo ra một tình huống nguy hiểm và có khả năng tạo ra va chạm", ông McConnaughey nhấn mạnh.

Trước đó, hôm 8/8, một chiếc UAV QOM-1 khác của Iran cũng đã bay cách chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet của hải quân Mỹ chỉ 30 m sau khi chiếc máy bay này cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz. Theo Lầu Năm Góc, trong vụ việc này, UAV QOM-1 của Iran đã gần như va chạm với máy bay của hải quân Mỹ khi chiếc F/A-18E chuẩn bị hạ cánh xuống USS Nimitz.

UAV QOM-1 còn được Iran gọi là Sadegh-1 đã chính thức đi vào hoạt động hồi năm 2014. UAV này có thể mang theo 2 quả tên lửa nhưng theo giới chức Mỹ, trong vụ việc đối mặt hôm 8/8, UAV QOM-1 không mang theo vũ khí. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc chưa công bố liệu trong vụ đối đầu lần thứ hai hôm 13/8, UAV QOM-1 có trang bị vũ khí hay không. 

Theo ông McConnaughey, năm nay đã xảy ra 14 vụ đối đầu giữa các máy bay Mỹ và Iran. Trong một số vụ việc, quân đội Mỹ khẳng định phía Iran đã hành động thiếu an toàn và thiếu chuyên nghiệp. Song điều đáng nói là gần đây, Iran thường xuyên sử dụng UAV QOM-1.

"Việc sử dụng các UAV đang trở nên ngày càng phổ biến trong khu vực. Chúng tôi đang theo dõi vụ việc liên quan tới 2 chiếc UAV mà Iran sử dụng gần đây trong các vụ đối đầu thiếu an toàn và thiếu chuyên nghiệp", ông McConnaughey chia sẻ.

Những vụ đối đầu giữa Mỹ và Iran trên biển đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể, hồi tháng Bảy, tàu tuần tra của hải quân Mỹ là USS Thunderbolt đã bắn cảnh cáo về phía tàu của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRG) khi chiếc tàu này tiến lại gần tàu Thunderbolt trên vịnh Péc-xích. Theo giới chức Lầu Năm Góc, tàu của IRG đã di chuyển với tốc độ nhanh và tiến lại gần tàu Thunderbolt khi chỉ cách 135 m. (Infonet)
------------------------

Nga sẽ khiến Mỹ "xơi trái đắng" nếu giao vũ khí cho Ukraine

Cách đây ba năm, Mỹ đã từng đề nghị trang bị vũ khí sát thương cho Ukraine trước những phản ứng của Nga, nhưng rồi đề xuất này cũng không được triển khai. Tuy nhiên trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Mỹ như hiện nay thì Bộ Quốc phòng Mỹ đã quan tâm trở lại với đề xuất trên.

ten lua chong tang co dieu khien fgm-148 javelin do my san xuat

Tên lửa chống tăng có điều khiển FGM-148 Javelin do Mỹ sản xuất

Theo The Wall Street Journal, các tham mưu trưởng dưới sự ủng hộ của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Đại diện đặc biệt của Mỹ tại cuộc đàm phán Ukraine Kurt Volker, đã đưa ra đề xuất chuyển giao tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không cho quân đội Ukraine.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa được thông báo về đề xuất này, nhưng cuộc đàm phán về việc trang bị vũ khí cho Ukraine đã thu hút được sự chú ý của Mátxcơva, đặc biệt khi có dự đoán cho rằng Mỹ có thể cung cấp cả tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine.

Kỳ vọng thiết lập lại quan hệ Nga- Mỹ dưới thời ông Trump đã trở nên khó khăn hơn khi mới đây Thượng viện Mỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.

Mới đây, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời các phóng viên rằng quan điểm của Nga về vấn đề này rất rõ ràng: "Bất kỳ quốc gia nào đó giả vờ đóng vai trò trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine phải tránh mọi hành động kích động căng thẳng mới trong một khu vực vốn đã hết sức rắc rối".

chien su van dien ra hau nhu thuong xuyen o khu vuc donbass

Chiến sự vẫn diễn ra hầu như thường xuyên ở khu vực Donbass

Cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, nơi Mátxcơva bị phương Tây buộc ủng hộ lực lượng ly khai ở vùng Donbas giáp với Nga, đã không có diễn biến tốt đẹp nào trong suốt hai năm qua. Không bên nào giành được chiến thắng quyết định, và hiệp định ngừng bắn năm 2015 được gọi là thỏa thuận Minsk II đã không đạt được kết quả cuối cùng. Và cuộc xung đột ở Donetsk và Luhansk vẫn tiếp diễn.

Nhà phân tích quốc phòng Nga, ông Vasily Kashin, đã trả lời Defense News rằng vũ khí của Mỹ, kể cả tên lửa Javelin cũng khó có thể thay đổi được cuộc chiến hiện nay. Vũ khí chính được sử dụng ở Donbass không phải là xe tăng hay tên lửa chống tăng mà là những hệ thống pháo binh cũ. Do đó lời đề nghị chỉ là để báo hiệu cho Nga rằng Mỹ đang giương ăng-ten ở Ukraine, ông Kashin khẳng định.

linh ukraine duoc co van my huan luyen quan su

Lính Ukraine được cố vấn Mỹ huấn luyện quân sự

"Cần phải hiểu rằng sẽ phải có những phí tổn nhất định, và tổn thất sẽ không chỉ giới hạn trên chiến trường Ukraine", ông Kashin nhận định. Ví dụ như có rất nhiều hệ thống vũ khí mà chúng tôi (Nga) có thể bán cho Iran mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Và mọi hành vi nâng cấp khả năng quân sự ở Ukraine sẽ gặp phải sự nâng cấp mạnh hơn từ phía quân ly khai".

Andrei Frolov, một chuyên gia tại Trung tâm Phân tích các Chiến lược và Công nghệ tại Mátxcơva, cũng cho rằng Điện Kremlin sẽ đáp trả với vũ khí hạng nặng hơn chuyển giao cho lực lượng dân quân ở Donbass. “Theo tôi, Javelin là vũ khí mang tính phòng thủ cao hơn mọi loại tên lửa khác. Dù tôi không cho rằng tên lửa này cực kỳ nguy hiểm, nhưng nó sẽ được coi là động thái mang tính khiêu khích".

Mátxcơva sẽ phải chờ xem Washington thực hiện lời đề xuất này như thế nào trước khi đưa ra động thái đáp trả chính thức. Hai bên hiện đang có nhiều mâu thuẫn trong quan hệ. Do đó hiện nay điện Kremlin chỉ đang chờ đợi phản ứng của Washington trước biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Đại sứ quán Mỹ tại Nga mà Mátxcơva mới đưa ra.

“Nếu những đề xuất này được thông qua, chúng tôi (Nga) sẽ lên án và tuyên truyền phản đối, nhưng chúng tôi sẽ không di chuyển dù chỉ là một chiếc xe tăng. Trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến vị thế đàm phán của Nga trong tiến trình Minsk, nhưng có thể sẽ giúp đóng băng cuộc xung đột này", ông Kashin nói.

Lời cảnh báo của ông Kashin với Mỹ  thậm chí còn nghiêm trọng hơn, ông cho rằng đề xuất này có thể phản tác dụng theo hai hướng sau: Thứ nhất, Kiev có thể hiểu sai tình hình và coi vũ khí của Mỹ như lời chấp thuận cho việc tấn công vào các khu vực của quân ly khai, động thái này có thể khiến Mátxcơva tiến quân để ổn định khu vực có quân ly khai chiếm đóng.

Nhưng nguy hiểm lớn nhất tới lợi ích quốc gia Mỹ có thể liên quan trực tiếp đến vũ khí.

“Cần phải hiểu rằng một khi vũ khí đã đến tay Ukraine thì chúng tôi sẽ có những mẫu thử để thử nghiệm và nghiên cứu. Và chắc chắn Trung Quốc cũng sẽ có những sao chép cho riêng mình". ông Kashin cảnh báo.(Viettimes)
-------------------------

Trung Quốc, Ấn Độ bên bờ xung đột vũ trang

Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đều đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra trong trường hợp hai nước không đi tới một giải pháp hòa bình cho tranh chấp trên cao nguyên Doklam ở dãy Himalaya.

Theo Indian Express, hôm 11/8, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley tuyên bố trước quốc hội nước này rằng lực lượng vũ trang Ấn Độ đã "chuẩn bị cho một tình huống bất ngờ", phát sinh từ bế tắc hiện nay.

lanh dao an do (trai) va trung quoc

Lãnh đạo Ấn Độ (trái) và Trung Quốc

Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng dẫn nguồn tin quân đội Trung Quốc cho biết, Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc đang ngày càng nhận thức rõ rằng chiến tranh có thể bùng phát. Tuy nhiên, nước này sẽ cố kiềm chế để xung đột chỉ mở mức đụng độ hoặc giao tranh nhỏ, tương tự những gì xảy ra giữa Ấn Độ và Pakistan ở Kashmir.

"Quân đội Trung Quốc sẽ không muốn một cuộc chiến trên bộ với Ấn Độ. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ triển khai máy bay và tên lửa chiến lược nhằm làm tê liệt các sư đoàn Ấn Độ đóng trên dãy Himalaya tại khu vực biên giới với Trung Quốc", một nguồn tin quân sự đề nghị giấu tên cho hay. Nguồn tin này cũng bày tỏ tin tưởng rằng quân Ấn Độ sẽ không thể trụ được hơn một tuần.

Một nguồn tin quân đội Trung Quốc khác cho biết, các sĩ quan, binh sĩ thuộc quân khu phía Tây đã nhận được lệnh chuẩn bị cho một cuộc chiến với Ấn Độ do khủng hoảng cao nguyên Doklam (cách gọi của Ấn Độ, còn Trung Quốc gọi là Donglang).

"Đã có tiếng nói trong quân đội về việc phải chiến đấu vì lính Ấn Độ đã xâm nhập vào lãnh thổ của Trung Quốc ở Donglang. Công chúng cũng ủng hộ tiếng nói này", nguồn tin thứ hai cho hay.

Cả hai nguồn tin đều cho hay, quân đội Trung Quốc tin rằng bất kỳ một cuộc xung đột nào cũng sẽ được kiểm soát và không tràn sang những khu vực tranh chấp khác ở biên giới dài 2.000km giữa hai nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia quốc phòng Ấn Độ cảnh báo, một khi đạn đã rời nòng súng, xung đột có thể leo thang thành một cuộc chiến toàn diện. Tới lúc đó, New Delhi có thể chặn tuyến đường huyết mạch của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Rajeswari Rajagopalan, nhà phân tích quốc phòng thuộc Tổ chức nghiên cứu quan sát ở New Delhi nói, "trong trường hợp một cuộc chiến toàn diện nổ ra, hải quân Ấn Độ chắc chắn sẽ ngăn hải quân Trung Quốc tiến vào vịnh Bengal hoặc Ấn Độ Dương".

Theo số liệu thống kê đăng trên truyền thông quốc gia Trung Quốc, hơn 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc được chuyển qua Ấn Độ Dương hoặc eo Malacca.

Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong đóng ở Macau nhận xét, hiện, cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều đánh giá đối phương không đúng tầm. "Nếu xung đột biên giới được mở rộng ra biển, quân đội Trung Quốc sẽ khó đánh bại hải quân Ấn Độ khi mà lực lượng này đã mạnh hơn rất nhiều kể từ sau khi mua máy bay săn tàu ngầm P-8A Poseidon".

Chiến tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ từng nổ ra năm 1962 sau khi một loạt cuộc đụng độ bùng phát vì căng thẳng biên giới. Cuộc chiến chấm dứt trong bế tắc dù quân đội Trung Quốc có lợi thế hơn.(Vietnamnet)
----------------------------

Đức điều tra nghi án gián điệpThụy Sĩ

Đức đã mở điều tra các thông tin phản ánh bởi truyền thông nước này cho rằng ba điệp viên thuộc Cơ quan tình báo liên bang Thụy Sĩ (NDB) đã tiến hành hoạt động tình báo trên lãnh thổ nước Đức, hãng tin DW ngày 14-8 cho biết.

Trước đó một ngày, tờ Süddeutsche Zeitung và một số đài phát thanh của Đức tiết lộ văn phòng công tố liên bang từ đầu tháng 8 đã âm thầm bắt đầu điều tra các cáo buộc NBD tiến hành hoạt động tình báo trên lãnh thổ Đức.

Tuy vậy, khi được hãng tin DW đặt câu hỏi, văn phòng này đã từ chối bình luận liệu thật sự Đức có đang điều tra về cơ quan tình báo đối tác của mình hay không. Tên tuổi của ba đối tượng tình nghi là gián điệp Thụy Sĩ cũng không được các tờ báo tiết lộ.

Đức điều tra nghi án gián điệpThụy Sĩ - ảnh 1

Tháng 4-2017, cảnh sát Đức từng bắt giữ một thám tử tư người Thụy Sĩ được biết với tên Daniel tại Frankfurt. Nhân vật này nhận chỉ thị từ NDB tiến hành thu thập thông tin cá nhân về lãnh đạo các cơ quan thuế của Đức, DW cho biết. Hiện Daniel vẫn đang bị tạm giam để phục vụ điều tra. Theo DW, Berlin vẫn tồn tại một số bất đồng với chính phủ Thụy Sĩ vì nước láng giềng nổi tiếng là “thiên đường” để công dân Đức trốn thuế.(PLO)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý tối 15-08-20172

    Tin thế giới đáng chú ý tối 15-08-2017

    Thái Lan xác nhận mua 6 tên lửa của Mỹ; Philippines lo tên lửa Triều Tiên rơi trúng; Phó Thủ tướng Australia có nguy cơ mất chức do mang 2 quốc tịch; Iran quyết phát triển tên lửa thách thức Mỹ

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 15-08-20173

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 15-08-2017

    Ấn – Nga lần đầu tiên diễn tập hải – lục - không quân; Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed bị tấn công; Sierra Leone: Bùn lở, hơn 200 người chết

Bài cùng chuyên mục