Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 26-07-2017

  • Cập nhật : 26/07/2017

Trung Quốc lẳng lặng chuẩn bị cho khủng hoảng Triều Tiên

Bắc Kinh đã và đang tăng cường phòng thủ dọc tuyến biên giới với Triều Tiên để chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng tiềm tàng, bao gồm khả năng Mỹ đánh phủ đầu Bình Nhưỡng.

binh si trung quoc bat dau tuan tra tai thanh pho dan dong, giap gioi voi trieu tien - anh: reuters

Binh sĩ Trung Quốc bắt đầu tuần tra tại thành phố Đan Đông, giáp giới với Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Theo báo Wall Street Journal, các nhà quan sát quân sự nhận định Bắc Kinh đã thực hiện nhiều thay đổi trong tuyến phòng thủ sát biên giới Triều Tiên kể từ năm ngoái, trong đó bao gồm việc tái bố trí lực lượng ở các khu vực xung quanh.

Động thái của Trung Quốc trùng với những cảnh báo liên tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng ông đang cân nhắc hành động quân sự để chặn đứng tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Chuẩn bị cho mọi tình huống

Những biện pháp quân sự Trung Quốc thực hiện gần đây ở vùng biên giới gồm: thành lập một lữ đoàn phòng thủ mới, thực hiện giám sát bằng camera 24/7 với sự hỗ trợ của máy bay không người lái, xây dựng hệ thống hầm tránh hạt nhân và vũ khí hóa học…

Ngoài ra, quân đội Trung Quốc còn cho sáp nhập, di chuyển và hiện đại hóa nhiều đơn vị ở khu vực biên giới; công bố chi tiết các cuộc tập trận có sự tham gia của lính đặc nhiệm, không quân… hàm ý sẵn sàng gửi lực lượng này sang Triều Tiên nếu khủng hoảng nổ ra.

Hai sự kiện gần đây nhất là cuộc diễn tập bắn đạn thật của phi đội trực thăng chiến đấu hồi tháng 6 và một đơn vị xe bọc thép trong tháng 7.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không đề cập trực tiếp đến mục đích của những thay đổi quân sự trên, chỉ nói một cách lấp lửng rằng “họ cần duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu”.

Một người phát ngôn của bộ này lên tiếng hôm 24-7: “Quân sự không nên là giải pháp giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên”.

Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ và Trung Quốc đều chia sẻ cùng nhận định rằng Bắc Kinh đã chuẩn bị mọi phương án dự phòng liên quan đến Triều Tiên, bao gồm sự sụp đổ của nền kinh tế, ô nhiễm phóng xạ hoặc xung đột quân sự.

Những thay đổi gần đây trong cấu trúc, trang bị và huấn luyện của lực lượng vũ trang Trung Quốc nằm trong chương trình cải tổ quân đội khởi động từ năm ngoái.

Nhưng riêng ở khu vực đông bắc, sự thay đổi chủ yếu là nhằm đối phó với một cuộc khủng hoảng Triều Tiên, theo các chuyên gia.

binh si trieu tien di chuyen tren song ap luc - bien gioi tu nhien voi trung quoc - anh: afp

Binh sĩ Triều Tiên di chuyển trên sông Áp Lục - biên giới tự nhiên với Trung Quốc - Ảnh: AFP

Không chỉ để phòng thủ

“Sự chuẩn bị của Trung Quốc không chỉ vì lý do an ninh biên giới" - ông Mark Cozad, cựu quan chức tình báo quân đội Mỹ chuyên về Đông Á, nhận định.

Ông Cozad cho rằng giống với Mỹ và Hàn Quốc, Trung Quốc có thể nhắm đến khả năng chiếm đóng một khu vực ở Triều Tiên, chiếm kho vũ khí hạt nhân hoặc nhiều hơn thế.

Cũng theo các chuyên gia Mỹ và Trung Quốc, dù trên danh nghĩa là đồng minh của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh không nhất thiết sẽ bảo vệ nước này nếu chiến tranh nổ ra.

Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ quyết tâm chặn đứng dòng người tị nạn Triều Tiên đổ vào khu vực đông bắc và bảo vệ người Trung Quốc sinh sống tại đó.

“Thời gian đang cạn dần. Chúng ta không thể để ngọn lửa chiến tranh lan vào Trung Quốc” - thiếu tướng Wang Haiyun, cựu tùy viên quân sự Trung Quốc tại Nga, bình luận.

Hồi tháng 5, ông Wang từng kêu gọi Bắc Kinh “vạch ra lằn ranh đỏ” cho Washington: Nếu Mỹ đánh Triều Tiên mà không thông qua Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ can thiệp quân sự.

“Nếu chiến tranh nổ ra, Trung Quốc cần nhanh chóng chiếm đóng miền bắc Triều Tiên, kiểm soát các cơ sở hạt nhân, phân ranh giới vùng an toàn để ngăn dòng người tị nạn và binh sĩ Triều Tiên đổ vào đông bắc Trung Quốc”. Đó là nội dung bài phân tích của tướng Wang đăng tải trên mạng. Gợi ý này không vấp phải sự kiểm duyệt nào từ nhà chức trách, cho thấy Bắc Kinh đã hé cửa thông báo giải pháp của mình.

Nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng sự chuẩn bị của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn chưa đủ cho một chiến dịch lớn như Triều Tiên.

“Tôi không nghĩ là PLA sốt sắng lắm trước khả năng nhận một nhiệm vụ lớn ở Triều Tiên trong tương lai gần” - ông Dennis Blasko, cựu tùy viên quân sự Mỹ tại Bắc Kinh, nhận xét.

Các nhà ngoại giao quốc tế đánh giá Trung Quốc, cũng như Mỹ, đã khá bất ngờ trước những bước tiến thần tốc của Triều Tiên trong chương trình hạt nhân và tên lửa.

Giờ đây, Bắc Kinh lo rằng hành động của Bình Nhưỡng sẽ làm tổn hại đến lợi ích an ninh của chính Trung Quốc vì Mỹ không thể nào khoanh tay ngồi nhìn.(Tuoitre)
----------------------------

Mỹ theo dõi tàu ngầm Triều Tiên vì lo ngại thử tên lửa

Quân đội Mỹ tăng cường theo dõi một tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên đang có ‘những hoạt động bất thường’ suốt một tuần qua ở vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Theo Đài NHK, các quan chức quân sự Mỹ đã phát hiện hoạt động bất thường của một tàu ngầm lớp Romeo của CHDCND Triều Tiên. Tàu ngầm này dường như đang bí mật thực hiện một nhiệm vụ trong lòng biển suốt cả tuần sau khi di chuyển sâu khoảng 100 km vào vùng biển quôc tế nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Nhờ vào công nghệ hình ảnh tối tân, phía Mỹ phát hiện tàu ngầm đã đi sâu vào lãnh hải quốc tế ở khoảng cách xa hơn mọi hoạt động trước đó.

Truyền thông Hàn Quốc chỉ ra một số bất thường, chẳng hạn tàu ngầm miền Bắc thường quay về căn cứ trong vòng 4 ngày, và tàu ngầm lớp Romeo thường chỉ quanh quẩn gần căn cứ ở Sinpo, tỉnh Nam Hamkyong. 

Website 38 North cho rằng kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là chiếc tàu ngầm này đang dò đường để chuẩn bị cho một vụ phóng một tên lửa đạn đạo, có thể là một phiên bản của Pukguksong-1 (KN-11) đã thử nghiệm hồi tháng 8.2016.

Lúc đó, tên lửa của Triều Tiên  bay xa 500 km sau khi được phóng từ một tàu ngầm lớp Sinpo, là loại duy nhất có khả năng phóng tên lửa trong số các tàu ngầm của nước này .

Từ ảnh chụp vệ tinh, 38 North cũng quan sát được một tàu ngầm lớp Sinpo và một sà lan dùng để thử nghiệm hệ thống phóng tên lửa dưới nước đã được tái bố trí tại xưởng đóng tàu Sinpo, dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị phóng tên lửa.

nha lanh dao trieu tien kim jong-un trong mot chuyen thi sat tau ngamreuters

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một chuyến thị sát tàu ngầmREUTERS

Hàn Quốc điều chỉnh trọng lượng đầu đạn

Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy việc sửa đổi các hướng dẫn về tên lửa với đồng minh Mỹ nhằm tăng gấp đôi khối lượng đầu đạn được nạp cho các tên lửa đạn đạo.

Từ mức tối đa vào thời điểm hiện tại là 500 kg, Seoul muốn nâng lên 1 tấn, theo Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn thạo tin vào ngày 24.7.

han quoc dang muon so huu cac ten lua "nang ky" honafp

Hàn Quốc đang muốn sở hữu các tên lửa "nặng ký" hơnAFP

Hàn Quốc đã đưa ra đề xuất trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Seoul-Washington vào tháng trước, và được biết đang lên kế hoạch bắt đầu đề cập vấn đề này trong phiên họp Tư vấn An ninh và đối thoại quốc phòng Hàn – Mỹ trong năm nay.

Vào năm 2012, hai quốc gia đồng minh đã điều chỉnh các chỉ dẫn về tên lửa đạn đạo, cho phép Seoul nâng tầm bắn tối đa từ 300 km lên 800 km, cho phép tăng cường đối phó năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo của miền Bắc. Theo thỏa thuận này, Seoul có thể lắp các đầu đạn tối đa 500 kg cho các tên lửa tầm bắn 800 km.(Thanhnien)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục