Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình BIển Đông: Trung Quốc ráo riết quân sự hóa Biển Đông

  • Cập nhật : 07/02/2017

Cựu lãnh đạo lực lượng quốc phòng Úc (ADF) cho rằng Bắc Kinh gần như đã hoàn thành việc xây dựng và quân sự hóa khu vực tranh chấp này.

trung quoc rao riet quan su hoa bien dong chien dau co j-15 chuan bi cat canh tren tau san bay lieu ninh cua trung quoc - anh: reuters

Trung Quốc ráo riết quân sự hóa Biển Đông Chiến đấu cơ J-15 chuẩn bị cất cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Phát biểu tại hội nghị Trường An ninh quốc gia ở Canberra, ông Angus Houston - lãnh đạo ADF từ năm 2005 đến 2011 - cho biết không còn lâu nữa Trung Quốc sẽ phát triển xong hạ tầng trên Biển Đông.

“Tất cả sự phát triển này sẽ cho phép Trung Quốc thống trị và mở rộng sự hiện diện quân sự hơn nữa về phía nam gần Indonesia, Malaysia và Singapore” - ông Houston cảnh báo trên trang News.com.au.

Đóng tàu sân bay thứ 2

Theo ông Houston, “điều quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo sự tự do đi lại và quyền đi qua vô hại” bên cạnh việc tìm cách “giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế và ngăn các nước hành động đơn phương đe dọa hòa bình và ổn định khu vực”.

Lo ngại của ông Houston không phải vô căn cứ khi Trung Quốc liên tục leo thang căng thẳng trong bối cảnh cuộc chuyển giao quyền lực ở Mỹ thu hút mọi sự chú ý của thế giới thời gian qua.

Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết không quân sự hóa Biển Đông, các quan chức Mỹ mới đây cho rằng Bắc Kinh sẽ đưa hàng trăm tên lửa đất đối không ra các hòn đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp.

Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế cũng khẳng định Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở quân sự, lắp đặt các hệ thống như vũ khí tầm gần, súng chống máy bay trên toàn bộ bảy hòn đảo mà nước này bồi đắp trái phép vào tháng 12-2016.

Một chuyên gia của Trung Quốc tháng trước thậm chí mạnh miệng tuyên bố “nếu Mỹ chiếm Biển Đông, chúng ta có khả năng tiêu diệt họ”.

Mới nhất, truyền thông Trung Quốc ngày 1-2 đưa tin tàu sân bay thứ hai do Bắc Kinh tự đóng, tên Sơn Đông, sẽ được triển khai tại Biển Đông nhằm nâng cao năng lực phản ứng quân sự trong “các tình huống phức tạp”.

Chiếc tàu đang trong giai đoạn hoàn tất sau gần ba năm thi công. Trước đó, Trung Quốc đã triển khai tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh tại Thanh Đảo để canh chừng Nhật Bản và Hàn Quốc.

Giới phân tích lo ngại nếu nhận định của ông Houston là đúng, nó sẽ khởi đầu cho sự thay đổi cấu trúc quyền lực của thế giới.

Theo chuyên gia Ross Babbage, sự kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông có thể làm lung lay an ninh của cả khu vực tây Thái Bình Dương và phá bỏ nỗ lực hàng thập kỷ qua nhằm thiết lập các khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Ông Trump sẽ làm gì?

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi đắc cử đã liên tục gây căng thẳng với Trung Quốc qua tuyên bố sẽ đánh thuế 45% đối với hàng hóa của Bắc Kinh, điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và bàn luận về chính sách “một Trung Quốc”.

Ông cũng tuyên bố không sợ xung đột quân sự ở Biển Đông. Còn Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người vừa nhậm chức hôm 1-2, đã có tuyên bố cứng rắn đòi cấm Trung Quốc tiếp cận các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Trong tuần này, ông Trump cũng cử tân Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đến châu Á trong chuyến công du đầu tiên nhằm trấn an các đồng minh.

Có mặt tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc ngày 2-2, ông Mattis có cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Han Min Koo và gặp Tổng thống tạm quyền kiêm Thủ tướng Hwang Kyo Ahn, cố vấn an ninh quốc gia Kim Kwan Jin.

Theo Reuters, các bên sẽ tập trung thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có việc Mỹ tái triển khai vũ khí chiến lược tới Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên và việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Tiếp đó, ông Mattis sẽ lên đường đến Nhật Bản.


Trần Phương
Theo Tuoitre.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục