Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 08-07-2017
- Cập nhật : 08/07/2017
Mỹ đã “bó tay” với Triều Tiên?
Mọi phương án quân sự đều có rủi ro rất cao và không thể dự đoán về mức độ, thậm chí có thể gây ra bi kịch to lớn khó có thể tin nổi với việc dẫn đến một cuộc chiến tranh vô cùng thê thảm.
Tướng Mike Mullen, người từng làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹdưới thời Tổng thống Barack Obama cho rằng: "con đường khả thi” duy nhất giải quyết tình hình Triều Tiên chính là Mỹ hợp tác với Trung Quốc, bởi vì các biện pháp quân sự mà Mỹ có thể áp dụng đều có rủi ro rất lớn.
Năm 2006, khi Triều Tiên chuẩn bị phóng một tên lửa đạn đạo tầm xa, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry và ông Ashton Carter – người sau này làm Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Barack Obama đã kêu gọi Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush áp dụng tấn công kiểu phẫu thuật “đánh đòn phủ đầu”, tiêu diệt quả tên lửa đó.
Mặc dù Lầu Năm Góc có kế hoạch phát động tấn công tiềm tàng đối với Triều Tiên, nhưng đa số chuyên gia cho rằng hiện nay Mỹ đã có ít sự lựa chọn hơn. Trước đây, cho dù chỉ tiến hành tấn công hạn chế đối với chính quyền Kim Jong-un, thì đã có rủi ro tương đối lớn. Sự tiến bộ của Triều Tiên trong những năm gần đây đã làm gia tăng loại rủi ro này.
Tướng Mike Mullen nói: “Đầu óc chúng ta nóng lên là không cần thiết. Có phương án quân sự, nhưng vấn đề là sẽ có hậu quả gì. Quan trọng không phải là chúng ta có tiến hành tấn công hiệu quả hay không, mà là Kim Jong-un sẽ làm như thế nào?”. Theo tướng Mike Mullen có rất nhiều rủi ro, từ việc Triều Tiên phát động tấn công thông thường đối với Hàn Quốc đến Kim Jong-un có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc.
Tướng Mike Mullen nói: “Mỗi phương án (của Mỹ) đều có rủi ro rất cao, ai cũng không biết sẽ cao đến mức nào, đặc biệt là Triều Tiên có một nhà lãnh đạo không thể dự đoán như vậy”.
Vào đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã ám chỉ về những rủi ro này. Khi đó, ông cho biết bất cứ phương án giải quyết quân sự nào đều sẽ “gây ra bi kịch to lớn khó có thể tin nổi”. Sau đó, ông còn cho rằng “đó sẽ là một cuộc chiến tranh vô cùng thê thảm kể từ chiến tranh Triều Tiên năm 1953 đến nay”.
Đô đốc nghỉ hưu William Fallon, người từng làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ vào năm 2006 cho rằng Mỹ không có sự lựa chọn tốt. “Có một số người phải chăng cho rằng nếu chúng ta áp dụng phương án quân sự nào đó thì Kim Jong-un sẽ từ bỏ vũ khí của ông ta? Trường hợp này sẽ không xảy ra”.
William Fallon cho rằng: “Tin tức tình báo về Iran của chúng ta tốt hơn nhiều, nhưng rõ ràng là khi đó tấn công quân sự cũng hoàn toàn không phải là một phương án khả thi”.
Theo William Fallon, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giấu tên lửa trong các công sự dưới lòng đất ở các khu vực trên toàn quốc của Triều Tiên. Điều này làm cho chúng khó bị dò tìm hơn. Việc kiểm soát được tất cả các địa điểm có khả năng trước khi Triều Tiên có thể tiến hành báo thù là không thực tế. Hiện nay, Triều Tiên còn đang nghiên cứu tên lửa nhiên liệu rắn, do đó khó có thể tiến hành cảnh báo sớm. Một sĩ quan tình báo quân sự từng phụ trách phát hiện các mục tiêu của Triều Tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho rằng ngày càng khó phát hiện ra kho vũ khí của Triều Tiên. “Khi đó xác định danh sách mục tiêu là một cơn ác mộng, hiện nay đã trở nên gay go hơn”. Tất cả đều được giấu ở đường hầm trong núi, rất khó tìm được mục tiêu.
Bruce Bennett, chuyên gia về vấn đề quân sự Triều Tiên của Công ty RAND Mỹ cho rằng Triều Tiên đã triển khai tới 6.000 hệ thống pháo tầm bắn có thể vươn tới Seoul ở khu vực phi quân sự.
Bruce Bennett nói: “Mặc dù họ chỉ khởi động một bộ phận nhỏ đối với Seoul thì cũng có thể tiến hành hủy diệt nghiêm trọng. Hiện nay, Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hạt nhân, vì vậy một lo ngại mới là Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo lắp đầu đạn hạt nhân hoặc vũ khí hóa học”.
Lầu Năm Góc cũng đối mặt với nhiệm vụ khó khăn hơn, bởi vì việc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Triều Tiên đã sử dụng xe phóng cơ động. Điều này làm cho hoạt động phóng khó trinh sát hơn. Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử tên lửa nhiên liệu rắn, thời gian triển khai ngắn hơn nhiều.
Nhà phân tích Bruce Klingner từng làm cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng từ cuộc diễn tập mô phỏng tác chiến trước đây có thể thấy nếu bán đảo Triều Tiên xảy ra chiến tranh, Mỹ và đồng minh luôn giành chiến thắng, nhưng “cái giá phải trả là vài trăm nghìn người bị thương vong”.
Ông Bruce Klingner nhấn mạnh, do Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, hậu quả chiến tranh sẽ nghiêm trọng hơn. Danh sách không kích càng dài, khả năng nổ ra chiến tranh toàn diện càng lớn.(Viettimes)
-----------------------------
Thử tên lửa ICBM xong, Triều Tiên lại bóng gió về việc tiếp tục 'tặng quà' cho Mỹ
Ngày 7/7, Triều Tiên đã bóng gió nước này sẽ tiếp tục tiến hành các hành động khiêu khích nhằm vào Mỹ, trong bối cảnh Washington cảnh báo sẽ thực hiện hành động trừng phạt Bình Nhưỡng để đáp trả việc nước này mới đây phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Hình ảnh phát trên truyền hình tại một nhà ga Seoul (Hàn Quốc) cho thấy tên lửa đạn đạo liên lục địa rời bệ phóng ở Triều Tiên ngày 4/7. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một thông báo được hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, một người phát ngôn giấu tên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định: “Mỹ sẽ liên tục nhận thêm những 'gói quà' kích cỡ khác nhau từ CHDCND Triều Tiên, một khi nước này tăng cường nỗ lực phá hoại quyền lực quốc gia toàn diện và vị thế chiến lược của Bình Nhưỡng bằng các biện pháp trừng phạt và gây sức ép”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng ngụ ý Bình Nhưỡng sẽ không thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa với Seoul, sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Berlin đã đề nghị tiến hành các cuộc thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó có chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng và một hiệp ước hòa bình.
Thông báo của Bộ trên cũng nêu rõ Triều Tiên sẽ không mặc cả để từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân của mình, trừ khi Washington từ bỏ cái mà Bình Nhưỡng cho là lập trường thù địch đối với quốc gia Đông Bắc Á này.(TTXVN)
-------------------------
Triều Tiên chỉ trích đòn trừng phạt kinh tế của Liên hợp quốc
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 7/7 đưa tin Trưởng phái đoàn Triều Tiên tham dự một hội nghị gần đây của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã chỉ trích các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ), coi đây là hành động đe dọa chủ quyền và sự phát triển kinh tế của nước này.
Theo KCNA, Trưởng phái đoàn Triều Tiên đưa ra lời chỉ trích trên trong bài phát biểu tại hội nghị lần thứ 40 của FAO diễn ra ở thủ đô Rome (Italy) hôm 4/7 vừa qua.
Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức), Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In cam kết gia tăng áp lực đối với Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN
Quan chức trên nhấn mạnh môi trường hòa bình là điều kiện tiên quyết để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, song cho rằng một số nước lại có động thái kiềm chế khát vọng độc lập của các nước đang phát triển, cũng như đe dọa chủ quyền và sự phát triển kinh tế của các quốc gia này.
Trong thời gian qua, Triều Tiên liên tục hứng chịu các đòn trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế, cũng như vấp phải sự lên án của nhiều quốc gia trên thế giới, do Bình Nhưỡng không ngừng tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết các quan chức hàng đầu về hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang lên kế hoạch tổ chức đàm phán bên lề hội nghị an ninh khu vực dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 11/7 tới.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh các cuộc đàm phán 3 bên nói trên được kỳ vọng là dịp để thảo luận và đưa ra cách thức cụ thể nhằm ứng phó với vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Hội nghị an ninh khu vực do Viện nghiên cứu xung đột và hợp tác toàn cầu thuộc Đại học California tổ chức vào ngày 11/7 tới dự kiến quy tụ các chuyên gia tới từ nhiều nước thành viên tham dự các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, tháng trước, Viện nghiên cứu này xác nhận chỉ có 5 nước sẽ tham gia hội nghị trên, gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang khi mới đây hôm 4/7, Triều Tiên tuyên bố phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa, đồng thời cảnh báo loại tên lửa này có thể tấn công vào bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới.(TTXVN)
----------------------