Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 18-04-2017
- Cập nhật : 18/04/2017
Triều Tiên có thể sắp thử hạt nhân lớn chưa từng có
Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành thử hạt nhân lớn chưa từng có trong vòng 10 ngày sau khi phóng tên lửa thất bại.
Giới chuyên gia cho rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đồng thời có kế hoạch tiến hành một vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay vào ngày thành lập quân đội 25/4, theo Express.
"Chúng ta biết rằng quan điểm của Triều Tiên là nếu ban đầu bạn không thành công thì hãy thử lại nhiều lần. Ông Kim Jong-un từng tuyên bố rằng thất bại không thể ngăn cản ông ấy hay các nhà khoa học về tên lửa của Bình Nhưỡng", phóng viên Will Ripley của hãng tin CNN cho biết.
Theo Ripley, chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân tiếp theo, vấn đề hiện chỉ là vào thời điểm nào.
"Các chuyên gia tin rằng vụ thử sẽ xảy ra vào thời điểm phó tổng thống Mỹ Mike Pence đang ở thăm khu vực, hoặc vào ngày kỷ niệm thành lập quân đội Triều Tiên 25/4. Điều này vẫn chưa được xác nhận nhưng chúng ta đều biết rằng bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên đang trong trạng thái sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân lần 6", Ripley nhấn mạnh.
Nguồn tin từ Nhà Trắng cho rằng một vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ kéo theo phản ứng quân sự mạnh mẽ từ Washington.
Triều Tiên sáng 16/4 phóng thử tên lửa gần Sinpo, căn cứ của hạm đội tàu ngầm ở bờ biển phía đông nước này, nhưng thất bại, khi tên lửa phát nổ chỉ vài giây sau đó. Vụ phóng diễn ra chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng tổ chức duyệt binh được cho là lớn nhất lịch sử với hàng loạt vũ khí mới, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chưa từng ra mắt.(VNE)
--------------------------------------
Mỹ sẽ đáp trả thế nào sau vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên?
Để đáp trả lại hành động thử tên lửa và chương trình hạt nhân Triều Tiên, cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster hôm qua (16/4) cho biết “vấn đề này sẽ được đặt lên hàng đầu” và “tất cả các lựa chọn đã có, đang được chắt lọc và phát triển sâu hơn".
Trả lời phỏng vấn chương trình “This Week” của ABC, ông McMaster khẳng định: “Tổng thống Donald Trump đã làm rõ rằng ông sẽ không chấp nhận việc Hoa Kỳ và các đồng minh, đối tác trong khu vực bị đe dọa bởi một chế độ thù địch được trang bị vũ khí hạt nhân này. Vì vậy, chúng tôi đang làm việc cùng với các đồng minh và đối tác, với giới lãnh đạo Trung Quốc để xây dựng một loạt các lựa chọn”.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết Mỹ hy vọng sẽ không phải dùng đến biện pháp quân sự. Cố vấn an ninh cho hay Hội đồng An ninh quốc gia đang hợp tác với Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan tình báo để đưa ra lựa chọn tốt nhất và sẵn sàng báo cáo lên Tổng thống nếu những thái độ gây bất ổn này vẫn tiếp diễn.
Theo ông McMaster, Mỹ và các đồng minh trong khu vực đã đồng thuận rằng “vấn đề Triều Tiên cần phải được đặt lên hàng đầu, đã đến lúc chúng ta phải thử mọi hành động có thể, loại trừ quân sự để cố gắng giải quyết một cách hòa bình nhất”.
“Trong những tuần, tháng sắp tới, tôi nghĩ rằng đây sẽ là cơ hội lớn cho tất cả chúng ta để hành động, ngoại trừ một cuộc xung đột quân sự, vì vậy chúng ta có thể tránh được điều tồi tệ nhất”, ông nói thêm.
Tuyên bố của ông McMaster được đưa ra vài giờ sau khi các quan chức quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã thử tên lửa nhưng thất bại. Vụ thử nghiệm này diễn ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng “phô trương” một loạt tên lửa và bệ phóng mới trong cuộc duyệt binh quân sự quy mô lớn vào đúng ngày lễ quan trọng nhất, 15/4.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ nhận định , vụ thử thất bại mới nhất cho thấy “thái độ đe dọa, gây bất ổn và khiêu khích của chế độ Triều Tiên”.
Các quan chức tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang cố gắng phân tích loại tên lửa được phóng hôm 16/4, tuy nhiên những báo cáo ban đầu cho thấy đó có thể là một tên lửa tầm trung.
Về phản ứng của Mỹ đối với vụ thử mới nhất này, một cố vấn chính sách đối ngoại cho CNN biết: “Đây là một vụ thử thất bại cũng giống như nhiều lần khác. Vì vậy, thực sự là không cần phải làm căng thêm sự thất bại của họ. Chúng tôi đã có lựa chọn, có một loạt lựa chọn, cả quân sự, ngoại giao, kinh tế và những vấn đề khác để Tổng thống lựa chọn. Nếu họ đã mất thời gian và năng lượng để phóng tên lửa và rồi lại thất bại thì chúng tôi không cần phải mở rộng bất kỳ lựa chọn nào để chống lại Triều Tiên”.
Ngoài ra, gần đây Mỹ đang “dựa” vào Trung Quốc để gây áp lực lên Triều Tiên nhằm cắt giảm tham vọng hạt nhân của nước này. Tổng thống Trump đã sử dụng thương mại như một công cụ đàm phán đổi lấy sự hợp tác của ông Tập Cận Bình trong vấn đề Triều Tiên.
Chính quyền Donald Trump đã đạt được một số thành công nhất định về vấn đề này trong tuần trước, bao gồm việc ngừng các chuyến tàu chở than từ Triều Tiên sang Trung Quốc. Tuy nhiên, tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Bình Nhưỡng của Bắc Kinh vẫn tăng.
Khi được hỏi liệu có tự tin vào việc Trung Quốc sẽ gây áp lực lên Triều Tiên một cách hiệu quả hay không, cố vấn McMaster trả lời: “Chúng ta hãy xem những gì sẽ xảy ra”.
“Hai lãnh đạo Trung – Mỹ không chỉ thiết lập một mối quan hệ rất ấm áp và kể từ đó lần gặp gỡ đó, hai nước còn thống nhất làm việc cùng nhau trên các lĩnh vực khác cũng như bàn về vấn đề Triều Tiên và tình hình tại Syria”, ông McMaster cho hay.
Cố vấn an ninh còn khen ngợi quyết định bỏ phiếu tán thành nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Syria mới đây của Bắc Kinh. Ông cho rằng đâ là một bước đi “dũng cảm”.(infonet)
-----------------------------
Mỹ điều ba tàu sân bay áp sát Triều Tiên
Lầu Năm Góc đã ra lệnh ba tàu sân bay tiến đến bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng gia tăng mạnh tại Đông Á.
Ba tàu sân bay Mỹ là USS Carl Vinson, USS Ronald Reagan và USS Nimitz sẽ tiến vào vùng biển Nhật Bản, sát với bán đảo Triều Tiên vào tuần tới, Yonhap hôm nay dẫn nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết.
Washington và Seoul cũng đang thảo luận các cuộc tập trận chung bao gồm cả ba tàu này. Theo dự kiến, USS Carl Vinson sẽ đi vào vùng biển Nhật Bản vào ngày 25/4, hai tàu còn lại sẽ lần lượt có mặt sau đó.
Trong bối cảnh có nhiều nhận định rằng Triều Tiên sẽ thử hạt nhân lần 6 nhân những sự kiện trọng đại của đất nước, Mỹ đầu tháng 4 đã điều cụm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đến vùng biển gần bán đảo này.
Bộ Tổng tham mưu quân đội Triều Tiên ngày 14/4 tuyên bố sẽ tiêu diệt mọi tàu chiến Mỹ có mặt gần bán đảo trong trường hợp nhận thấy dấu hiệu của sự "xâm lược"
Triều Tiên sáng 16/4 phóng thử tên lửa gần Sinpo, căn cứ của hạm đội tàu ngầm ở bờ biển phía đông nước này, nhưng thất bại, tên lửa phát nổ chỉ vài giây sau đó. Vụ phóng diễn ra chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng tổ chức duyệt binh được cho là lớn nhất lịch sử với hàng loạt vũ khí mới, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chưa từng ra mắt.(VNE)
--------------------------------
Hạm đội tàu ngầm Triều Tiên khiến Mỹ lo ngại
Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân của Triều Tiên nằm trong nhóm các mối đe dọa hàng đầu đối với Mỹ và đồng minh.
Triều Tiên có nhiều tiến bộ lớn về vũ khí trong những năm gần đây, bao gồm cả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Một cuộc tấn công bằng tàu ngầm của Triều Tiên sẽ là cơn ác mộng đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như đồng minh Mỹ, theo CNBC.
Cách đây 7 năm, một tàu ngầm của Triều Tiên được cho là đã xâm nhập vùng biển của Hàn Quốc, phóng ngư lôi đánh chìm tàu chiến Cheonan, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng.
Tháng 8 năm ngoái, Triều Tiên công bố hình ảnh vụ phóng thử tên lửa Pukguksong-1 (KN-11) từ một tàu ngầm ở bờ biển phía đông nước này. Các chuyên gia cho rằng Pukguksong-1 có tầm bắn gần 1.000 km, trở thành mối đe dọa mới cho Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản trong khu vực.Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng đang biên chế khoảng 70 tàu ngầm. Tuy nhiên, chỉ một số ít trong số này có khả năng phóng SLBM. Triều Tiên có thể đã chế tạo được đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ trang bị cho SLBM.
"SLBM hoàn toàn có thể tấn công thọc sườn Hàn Quốc", chuyên gia an ninh Bruce Klingner khẳng định.
Hệ thống phòng không tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được Mỹ triển khai tại Hàn Quốc hay hệ thống phòng không Patriot PAC-3 của Nhật có thể xác định và tiêu diệt tên lửa bắn từ phía đất liền Triều Tiên, nhưng gần như bất lực trước SLBM phóng từ tàu ngầm.Một số người cho rằng tàu ngầm Triều Tiên đã quá cũ kỹ và ồn ào, dễ bị phát hiện từ xa. Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết khoảng 50 tàu ngầm Triều Tiên đã đột ngột biến mất khỏi màn hình giám sát của họ hồi năm 2015. Mối đe dọa này rõ ràng đến mức các cuộc tập trận Mỹ - Hàn năm nay đều có nội dung nhận dạng và tiêu diệt tàu ngầm.
Trong lễ duyệt binh cuối tuần trước, Triều Tiên công bố SLBM mới mang tên Pukguksong-2, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và sử dụng nhiên liệu rắn. Loại tên lửa này khiến mối đe dọa đến từ tàu ngầm Triều Tiên càng tăng lên nhiều lần, theo giới chuyên gia quân sự.(VNE)