Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 18-04-2017
- Cập nhật : 18/04/2017
Phó tổng thống Mỹ: 'Thời kỳ kiên nhẫn với Triều Tiên đã hết'
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tái khẳng định bảo vệ Hàn Quốc và tuyên bố thời kỳ "kiên nhẫn chiến lược" của chính quyền cũ với Triều Tiên đã qua.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence nhìn về phía bắc tại đài quan sát ở khu phi quân sự chia cắt bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters
"Có một thời kỳ kiên nhẫn chiến lược nhưng thời đại đó đã qua", Reuters hôm nay dẫn lại lời ông Pence nói đến Triều Tiên, khi tới Khu Phi quân sự (DMZ) ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc.
Phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh tất cả các phương án đều được đưa ra thảo luận, nhằm đạt được các mục tiêu và bảo đảm sự ổn định của người dân Hàn Quốc. Mỹ sẽ duy trì mối liên minh vững chắc với Hàn Quốc và gìn giữ hòa bình thông qua sức mạnh.
Tuy nhiên, ông Pence cũng nói thêm rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm rõ sẽ không bàn về chiến thuật quân sự cụ thể.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster hôm 15/4 cho biết ông Trump không cân nhắc hành động quân sự với Triều Tiên lúc này, thậm chí khi Washington đã điều tàu sân bay USS Carl Vinson cùng các tàu hộ tống đến gần bán đảo Triều Tiên.
Chuyến thăm Hàn Quốc của ông Pence diễn ra sau khi Triều Tiên tổ chức duyệt binh được cho là lớn nhất lịch sử và thử tên lửa nhưng bất thành.
Hoạt động này của Bình Nhưỡng nhằm kỷ niệm 105 năm ngày sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành nhưng giới phân tích đánh giá là hành động phô trương sức mạnh quân sự trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ gia tăng.(VNExpress)
--------------------------------
Dàn pháo binh Triều Tiên có thể dội nửa triệu quả đạn một giờ
Quân đội Triều Tiên bị coi là trang bị lạc hậu, nhưng pháo binh nước này được đánh giá rất cao nhờ sở hữu vũ khí uy lực lớn, nhiều kinh nghiệm thực chiến.
Tuy có quân số thường trực hơn 1 triệu người, binh sĩ Triều Tiên không có được vũ khí trang bị và huấn luyện đầy đủ như Mỹ hay Hàn Quốc. Lực lượng tăng thiết giáp nước này cũng khó có cơ hội giành thế chủ động trước đối phương. Nhưng pháo binh Triều Tiên được Mỹ đánh giá là lực lượng lớn nhất thế giới, cũng là mối đe dọa lớn trong bất kỳ xung đột quân sự nào trong khu vực, theo Business Insider.
Chỉ cách khu giới tuyến phi quân sự (DMZ) khoảng 40 km, thủ đô Seoul của Hàn Quốc là mục tiêu lý tưởng cho những cuộc pháo kích từ Triều Tiên. Vì vậy, pháo binh Triều Tiên được quan tâm đầu tư mạnh mẽ, sở hữu tới 21.100 hệ thống pháo mặt đất. Chuyên gia quân sự Victor Cha và David Kang cho rằng với số pháo hùng hậu này, Triều Tiên đủ sức bắn nửa triệu quả đạn vào Seoul chỉ trong một giờ.
Nổi bật trong số các loại pháo Bình Nhưỡng đang biên chế là M1978 Koksan. M1978 có tầm bắn lên đến 40 km với đạn thông thường hoặc 60 km với đạn tăng tầm. Loại pháo này vượt xa pháo tự hành K9 Thunder hiện đại nhất của Hàn Quốc về cả tầm bắn lẫn sức công phá.K9 được tích hợp công nghệ tự động hóa và điều khiển bằng máy tính, nhưng điều này có thể bị áp đảo bởi tầm bắn của pháo Triều Tiên. Bên cạnh đó, M1978 đã trải qua nhiều lần tác chiến thực tế. Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, lực lượng pháo M1978 của Iraq đã đánh phá các giếng dầu của Kuwait từ khoảng cách hàng chục km.
Ngoài M1978 Koksan, Triều Tiên còn biên chế nhiều loại pháo khác, trong đó có hàng nghìn khẩu đội pháo xe kéo và pháo tự hành với cỡ nòng từ 120 mm đến 152 mm. Tất cả đều được ngụy trang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu tốt, rất khó bị đối phương phát hiện.
Yếu tố đáng sợ nhất của pháo binh Triều Tiên nằm ở hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS). Lực lượng này có khả năng phóng hàng nghìn quả đạn trong thời gian rất ngắn. Bình Nhưỡng tự phát triển nhiều pháo phản lực phóng loạt với cỡ nòng từ 107 mm đến 300 mm, tầm bắn xa và sức công phá mạnh hơn pháo xe kéo thông thường
Tuy không có độ chính xác cao như pháo thông thường, MLRS rất lợi hại khi tấn công mục tiêu trên diện rộng, gây sốc cho đối phương. Đây được đánh giá là vũ khí được triển khai đầu tiên nếu có chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.
Không chỉ sở hữu vũ khí uy lực, pháo binh Triều Tiên đã thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, thông qua nhiều cuộc tập trận, cũng như đụng độ giữa hai miền, chẳng hạn như trận đấu pháo tại đảo Yeonpyeong năm 2010.
Trong sự kiện này, pháo phản lực Triều Tiên đã bắn phá các vị trí quân đội Hàn Quốc bằng 108 quả đạn, trong khi 6 khẩu pháo K9 Hàn Quốc không thể bắn trả hiệu quả. Hai khẩu K9 bị loại khỏi vòng chiến, một khẩu bị tắc đạn, chỉ có ba khẩu khai hỏa được 80 quả đạn về phía Triều Tiên. (Vnexpress)
---------------------------------------------
Tàu Nga, Trung Quốc bám đuôi tàu sân bay Mỹ gần Triều Tiên
Nhiều nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết các tàu thu thập thông tin tình báo của Nga và Trung Quốc đang bám đuôi tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ gần bán đảo Triều Tiên.
Giữa lúc tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng và khó đoán, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ đã được triển khai quanh khu vực biển Hoa Đông và hướng về vùng biển gần bán đảo Triều Tiên. Theo AP ngày 17.4, thông qua việc tập trận chung với Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản, nhóm tấn công tàu sân bay của Mỹ sẵn sàng tăng sức ép về quân sự đối với CHDCND Triều Tiên.
Trong một diễn biến mới đây, tờ The Yomiuri Shimbun dẫn nhiều nguồn tin chính phủ Nhật Bản tiết lộ rằng Nga và Trung Quốc đã triển khai các tàu thu thập thông tin tình báo hải quân theo sau tàu sân bay Mỹ. AP nhận định điều này cho thấy cả Moscow và Bắc Kinh đều muốn thăm dò động thái của Mỹ tại khu vực, và hai nước này phần nào muốn phát đi một thông điệp cảnh báo đối với Washington.
Nga và Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về lập trường cứng rắn của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh căng thẳng khu vực nên được giải quyết một cách hòa bình thông qua các nỗ lực chính trị và ngoại giao. Trong cuộc điện đàm với ông Lavrov ngày 14.4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng cùng Moscow hỗ trợ hạ nhiệt căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên và đưa các bên trở lại bàn đàm phán.
Trong khi đó, các diễn biến gần đây cho thấy những nguy cơ xung đột hiện hữu ở bán đảo Triều Tiên. Mỹ và CHDCND Triều Tiên liên tục đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về quân sự, làm dấy lên lo ngại về viễn cảnh Washington tấn công Bình Nhưỡng. Mới đây nhất ngày 16.4, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa gần thành phố cảng Sinpo ở bờ biển phía đông, nhưng tên lửa đã nổ tung chỉ vài giây sau khi phóng.(Thanhnien)
---------------------------------------
Triều Tiên ra mắt lực lượng đặc nhiệm ứng phó Hàn, Mỹ
Lực lượng đặc nhiệm của CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên ra mắt trong cuộc duyệt binh ngày 15.4, giữa lúc tình hình căng thẳng dâng cao trên bán đảo Triều Tiên, theo Yonhap ngày 17.4.
Lực lượng nói trên xuất hiện trong cuộc duyệt binh ngày 15.4 nhằm đánh dấu sinh nhật lần thứ 105 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung). Khi đó, Đài truyền hình Triều Tiên đề cập tên của lực lượng đặc nhiệm sau hải quân, không quân và lực lượng chiến lược, theo Yonhap.
Những thành viên của lực lượng đặc nhiệm diễu hành trong một đội hình, đeo kính đen, mang một loại súng trường mới, đội nón có gắn thiết bị nhìn xuyên đêm. Đứng đầu lực lượng này được cho là thượng tướng Kim Yong-bok, cựu chỉ huy đơn vị 11 của quân đội Triều Tiên, theo Yonhap.
Giới phân tích cho rằng Triều Tiên thành lập lực lượng mới nhằm đối phó với các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ và Hàn Quốc, theo Yonhap. Các lực lượng đặc nhiệm của hai nước này hồi tháng 3 lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận tấn công giới lãnh đạo Triều Tiên trong trường hợp nổ ra chiến tranh, theo Yonhap.
Đây không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng giới thiệu lực lượng mới trong dịp duyệt binh.Trong cuộc duyệt binh năm 2012 nhằm đánh dấu sinh nhật lần thứ 100 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, Triều Tiên đã lần đầu tiên công khai sự tồn tại của lực lượng tên lửa chiến lược ở nước này.(TN)