Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 08-07-2017

  • Cập nhật : 08/07/2017

Mỹ đe dọa trừng phạt thương mại các nước hỗ trợ Triều Tiên

Mỹ đe dọa sẽ gây áp lực thương mại đối với những nước vẫn tiếp tục mối quan hệ làm ăn với CHDCND Triều Tiên, đặc biệt là sau các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa mới đây của Bình Nhưỡng.

ba nikki haley, dai su my tai lien hiep quoc

Bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc

Theo Bloomberg, trước những ý kiến cho rằng Washington đã hành động chưa đủ mạnh để kiềm chế những động thái leo thang của Triều Tiên, bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc mới đây nói trong một cuộc họp khẩn rằng: “Có những nước không chỉ cho phép mà thậm chí còn khích lệ thương mại với Triều Tiên. Điều này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và họ sẽ không bao giờ có quyền được tiếp tục các hiệp định thương mại với Mỹ. Chúng tôi không còn kiên nhẫn để trì hoãn bất kỳ biện pháp giải quyết nào và sẽ sẵn sàng đi theo con đường riêng của mình nếu các nước khác không tham gia”.

Bà Haley cho biết Mỹ sẽ đưa ra một nghị quyết trong những ngày tới để phản ứng “tương xứng” với hành động của Bình Nhưỡng. Nội dung chi tiết hiện chưa được công bố với cộng đồng quốc tế nhưng các biện pháp trừng phạt kinh tế được dự đoán có thể là quyết định cắt đứt giao dịch tài chính, hạn chế nguồn cung dầu khí, tăng cường lệnh cấm về đường hàng không và đường biển.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 4.7 cũng đã phản ứng gay gắt trước hành động phóng tên lửa, gọi nó là “món quà nhân ngày Quốc khánh Mỹ” của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là “sự khiêu khích” đối với Mỹ và các nước đồng minh, đồng thời kêu gọi “hành động toàn cầu” để ngăn chặn “sự đe dọa” này.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis đánh giá vụ thử tên lửa gần đây nhất hôm 4.7 của Bình Nhưỡng là một phiên bản chưa từng thấy trước đây và có tầm bắn ước tính vượt quá 5.500 km, đạt tầm bắn của một tên lửa xuyên lục địa (ICBM) có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ.

Tuy nhiên, trong khi động thái từ phía bà Haley đang cho thấy một cách tiếp cận nghiêm khắc hơn của Nhà Trắng đối với tham vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, việc thực hiện phương cách này sẽ khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đối mặt với một số vấn đề thương mại đã ám ảnh các đời tổng thống Mỹ tiền nhiệm suốt nhiều thập niên qua, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang tăng cường mở rộng hợp tác thương mại. Hơn nữa, nếu các lệnh cấm được thực thi, mối quan hệ kinh tế phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ vì Bình Nhưỡng là đồng minh thân cận của Bắc Kinh.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thương mại Mỹ - Trung đã đạt khoảng 600 tỉ USD vào năm ngoái. Trong khi đó, thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên cũng tăng trưởng gần 40% trong quý 1/2017.

Thực tế, các vụ thử tên lửa của quốc gia Đông Á cũng đang khiến các nước đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết vấn đề “bị chia rẽ nhiều hơn bao giờ hết vì họ dường như không cùng chung ý kiến về một phương hướng phù hợp nhất”, theo Andrea Berger, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Middlebury, cho biết.(thanhnien)
--------------------

Nga ngăn Liên hiệp quốc ra tuyên bố kêu gọi trừng phạt Triều Tiên

Phái đoàn Nga tại Liên hiệp quốc đã ngăn cản việc Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc ra tuyên bố chung kêu gọi “các biện pháp nghiêm khắc hơn” trừng phạt Triều Tiên.

dai su my tai lhq, ba nikki haley (giua, ao do) hoi thuc hoi dong bao an lhq hanh dong trung phat thong tin vi vu phong ten lua moi nhat nhung nga da chan viec ra tuyen bo chung - anh: afp

Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley (giữa, áo đỏ) hối thúc Hội đồng bảo an LHQ hành động trừng phạt thông tin vì vụ phóng tên lửa mới nhất nhưng Nga đã chặn việc ra tuyên bố chung - Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, ngày 6-7 phái đoàn đại diện của Nga tại LHQ đã nêu quan điểm phản đối dự thảo tuyên bố của Hội đồng bảo an LHQ kêu gọi trừng phạt Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Lý do phía Nga đưa ra là vì theo họ, trên thực tế Triều Tiên đã phóng tên lửa tầm trung chứ không phải ICBM.

Bản dự thảo tuyên bố cũng nói hội đồng đã nhất trí sẽ “áp dụng các biện pháp nghiêm khắc hơn” nếu Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân hay phóng tên lửa khác. Đồng thời cơ quan cao nhất của LHQ cũng sẽ “bắt tay ngay vào việc tính toán những biện pháp này”.

Phái đoàn ngoại giao Nga tại LHQ cho biết họ không ngăn chặn việc ra tuyên bố mà chỉ đề nghị phía Mỹ “có những chỉnh sửa phù hợp với nó”.

Họ cho biết: “Phái đoàn Nga không thể đồng ý với việc định nghĩa vụ phóng này là một vụ thử ICBM”, đồng thời nói thêm Bộ quốc phòng Nga tin rằng căn cứ theo hệ thống giám sát của họ, đó là một tên lửa tầm trung.

Tuy nhiên phía Mỹ không chịu bỏ phần nội dung đề cập tới ICBM trong tuyên bố và những thương lượng về dự thảo tuyên bố đã chấm dứt. Các tuyên bố của Hội đồng bảo an cần phải đạt được sự nhất trí.

Mỹ và LHQ nhận định tên lửa Hwasong-14 phóng ngày 4-7 là ICBM.

Bản dự thảo tuyên bố cũng bao gồm nội dung lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa, chuẩn bị cho một dự thảo nghị quyết trừng phạt nghiêm khắc hơn mà phía Mỹ nói sẽ trình lên trong vài ngày tới.

Bàn về cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 5-7, phó đại sứ Nga Vladimir Safronkov cho biết Matxcơva phản đối việc trừng phạt vì cho rằng “các lệnh trừng phạt sẽ không giải quyết được vấn đề”.

Ông Vladimir Safronkov nói: “Mọi cố gắng biện minh cho một giải pháp quân sự là không thể chấp nhận và sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường cho khu vực. Cũng như thế, mọi cố gắng nhằm bóp nghẹt kinh tế Triều Tiên cũng là không thể chấp nhận vì hàng triệu người dân Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng cần cứu trợ nhân đạo”.

Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley, nói vụ phóng tên lửa là “một sự leo thang quân sự rõ ràng và quá đáng”, đồng thời cảnh báo Washington đã sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự “nhưng chúng tôi vẫn không muốn phải đi theo hướng đó”.

Trong khi ấy, nhà lãnh đạo Triều Tiên gọi vụ phóng thử ICBM vừa rồi của họ là “món quà” dành tặng người dân Mỹ khi họ chuẩn bị chào mừng ngày Quốc khánh.(Tuoitre)
------------------------

Nguồn gốc năng lực tên lửa Triều Tiên

Bất chấp các lệnh cấm vận quốc tế, CHDCND Triều Tiên vẫn liên tiếp trình làng những mẫu tên lửa tiên tiến, kể cả tên lửa liên lục địa.

Hàn Quốc và Mỹ đã xác nhận Triều Tiên thử tên lửa liên lục địa (ICBM) với vụ phóng hỏa tiễn Hwasong-14 ngày 4.7. Như vậy, nước này đang trên đường gia nhập nhóm những quốc gia hiếm hoi sở hữu ICBM gồm Ấn Độ, Israel, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Bình Nhưỡng còn tuyên bố tên lửa vừa phóng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Một trong những bí ẩn khiến dư luận hết sức quan tâm là làm cách nào Triều Tiên đạt được nhiều thành quả như vậy trong bối cảnh hứng chịu các biện pháp trừng phạt nặng nề của quốc tế.

Lạc hậu và hiện đại

Lâu nay, kho khí tài quân sự của Triều Tiên bị đánh giá là vô cùng già cỗi với xe tăng, tàu ngầm, máy bay có từ thập niên 1980, thậm chí xa hơn. Thế nhưng năng lực tên lửa là chuyện hoàn toàn khác. Theo nghiên cứu “Chương trình tên lửa đạn đạo Triều Tiên” của Ủy ban Quốc gia về Triều Tiên (NCNK, Mỹ), Bình Nhưỡng hiện sở hữu hơn 1.000 tên lửa từ tầm ngắn đến tầm xa. Trong đó, phải kể đến loại được cho là phiên bản của tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 do Nga sản xuất mà Bình Nhưỡng phóng liền 4 quả ra biển hồi tháng trước. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 130 km, mang đầu đạn gần 150 kg, có khả năng bay là là trên mặt nước để tránh bị phát hiện. Kh-35 được cho là có thể so sánh với tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ.

Một vũ khí hiện đại khác là hệ thống tên lửa đối không tầm xa Pon’gae-5, được phương Tây gọi là KN-06. Nhiều nhà phân tích cho rằng KN-06 không khác gì anh em sinh đôi với S-300 của Nga hoặc HQ-9 của Trung Quốc. Khó xác định chính xác năng lực của KN-06 vì nguồn gốc không rõ ràng nhưng “người anh em” S-300 là hệ thống tên lửa tầm xa đủ khả năng đánh chặn mục tiêu ở mọi độ cao. Theo nguồn tin tình báo, KN-06 cũng có hệ thống bức xạ radar dãy tương tự như radar FLAP LID của S-300.

Ngoài ra, Triều Tiên gần đây còn gây chú ý bằng hệ thống pháo phản lực KN-09, gồm 8 ống phóng được vận chuyển bằng xe tải quân sự HOWO. Sự xuất hiện của các cánh điều chỉnh trên mũi cho thấy vũ khí này có thể được dẫn đường chính xác bằng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc hoặc GLONASS (Nga).

Nguồn gốc năng lực tên lửa Triều Tiên - ảnh 1

Hai giả thuyết

Triều Tiên luôn tuyên bố tự lực phát triển tên lửa và hạt nhân nhưng giới phân tích phương Tây cho rằng nước này không thể “biến không thành có” khi bị cấm vận tứ bề. Chuyên san The National Interest dẫn lời các chuyên gia đã đưa ra 2 giả thuyết về nguồn gốc tên lửa Triều Tiên.

Thứ nhất là ngay sau Chiến tranh lạnh, điệp viên Triều Tiên đã tranh thủ tình hình “tranh tối tranh sáng” để liên hệ với giới chuyên gia quân sự Liên Xô nhằm khai thác thông tin công nghệ cần thiết. Thời điểm Liên Xô vừa tan rã cũng là lúc kinh tế Triều Tiên vô cùng chật vật nên chưa thể tận dụng những thông tin có được. Tuy nhiên sau khi kinh tế dần phục hồi, Triều Tiên dồn toàn lực thì hoàn toàn có thể hiện thức hóa mục tiêu.

Khả năng thứ hai là tuy Trung Quốc lẫn Nga đều đã ngưng bán vũ khí cho Triều Tiên từ lâu, cả hai có thể “làm ngơ” để bên thứ ba chuyển giao công nghệ gián tiếp. Tờ Bangkok Post dẫn lời chuyên gia Jeffrey Lewis tại Trung tâm nghiên cứu James Martin về không phổ biến vũ khí (Mỹ) nhận định nguồn gốc công nghệ Kh-35 có thể đến từ Myanmar. Naypyidaw và Bình Nhưỡng có lịch sử hợp tác, trao đổi công nghệ quốc phòng lâu đời. Hơn nữa cả hải quân lẫn không quân Myanmar đều sở hữu Kh-35.

Cũng theo giả thuyết này, KN-09 được cho là dựa trên hệ thống A-100 của Trung Quốc, nhưng thông qua Pakistan. Nước này đã mua A-100 và trong nhiều năm qua vẫn bị tình báo Mỹ cáo buộc là hỗ trợ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Theo BBC, sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng năm 2006, Islamabad nhanh chóng bị phương Tây “gán tội”. Chính phủ Pakistan ra sức bác bỏ mọi cáo buộc với lập luận Triều Tiên sử dụng plutonium chứ không phải uranium như trong các vũ khí hạt nhân của nước này. Ngoài ra, Syria hoặc Iran cũng bị nghi giúp Triều Tiên phát triển KN-06 dựa trên S-300. Cả hai nước đều đang sở hữu S-300, trong đó Tehran còn tự chế tạo phiên bản nội địa mang tên Bavar-373.(Thanhnien)
------------------------------

 

 

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục