Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 10-09-2017:

  • Cập nhật : 10/09/2017

Mỹ có dám bắn hạ tên lửa Triều Tiên?

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu thành công hoàn hảo, Triều Tiên được dự đoán sẽ tiếp tục phóng thử tên lửa trong bối cảnh lựa chọn đáp trả của Mỹ ngày càng hạn hẹp.

Ngày 9-9 là ngày kỷ niệm lần thứ 69 Quốc khánh CHDCND Triều Tiên. Nhiều chuyên gia cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) để chứng tỏ sức mạnh quốc gia và sự thành công của chương trình tên lửa nước này. Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon ngày 7-9 cũng đã yêu cầu các lãnh đạo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nghiên cứu “một biện pháp đặc biệt để ngăn chặn sự vô trách nhiệm” của Triều Tiên.

Phá hủy tên lửa ngay bệ phóng?

Bình Nhưỡng từ đầu tháng 8 đã đe dọa sẵn sàng nã tên lửa đến đảo Guam, nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự quan trọng hàng đầu tại Thái Bình Dương. Những vụ thử tên lửa vừa qua và đặc biệt là vụ thử hạt nhân lần thứ sáu ngày 3-9 cho thấy Bình Nhưỡng luôn “nói đi đôi với làm”. Giới lãnh đạo Mỹ giờ đây phải đau đầu suy nghĩ cách thức phản ứng khi phát hiện thêm một tên lửa được bắn đi từ bán đảo Triều Tiên.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Tổng thống Donald Trump đã được trình báo tất cả biện pháp quân sự khả dĩ. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng sẵn sàng đáp trả các mối đe dọa bằng “phản ứng quân sự khổng lồ”. Tuy nhiên, các cố vấn của ông Trump lại lập lờ không xác nhận liệu việc Triều Tiên bắn thêm tên lửa có bị xem là “mối đe dọa” hay không.

Mỹ có dám bắn hạ tên lửa Triều Tiên? - ảnh 1
Quân nhân Triều Tiên tập trung tại Bình Nhưỡng ngày 6-6 dự buổi lễ ăn mừng thử hạt nhân lần thứ sáu thành công. Ảnh: GETTY

Về mặt kỹ thuật, Mỹ không gặp nhiều khó khăn để nhắm bắn tên lửa của Triều Tiên. Theo tờ The New York Times, các tàu chiến Mỹ ngoài khơi bán đảo Triều Tiên có thể dễ dàng bắn trúng cơ sở phóng tên lửa ICBM mà theo báo cáo tình báo là đã được chuyển đến bờ biển phía Tây Triều Tiên. Nhưng không giống như Syria bị Mỹ nã “mưa tên lửa” Tomahawk vào tháng 4-2017, Triều Tiên có thể dễ dàng tấn công đáp trả vào lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản, đe dọa các căn cứ quân sự của Mỹ, châm ngòi một cuộc chiến mới tại Triều Tiên.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William J. Perry cũng khẳng định việc tiêu diệt tên lửa Triều Tiên ngay tại bệ phóng là quá nguy hiểm. “Đánh chặn tên lửa là một biện pháp phòng thủ rõ ràng hơn” - ông nhận định.

Khó bắn tên lửa Triều Tiên

Mỹ có nhiều lựa chọn trong kho vũ khí để bắn hạ tên lửa của Triều Tiên trên lộ trình bay. Các tàu khu trục Aegis với hệ thống tên lửa đánh chặn thành công nhất của Mỹ sẽ bắn phát súng đầu tiên. Nhưng để hệ thống này đạt hiệu quả tối ưu, tàu khu trục phải nằm đúng vị trí thích hợp để đặt tên lửa Triều Tiên trong tầm ngắm. Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ đã triển khai đến Hàn Quốc cũng có thể sẽ được sử dụng. Còn trong trường hợp tên lửa hướng về phía Mỹ, hệ thống đánh chặn đặt tại Alaska và California sẽ được dùng đến.

Tuy các đợt diễn tập bắn hạ tên lửa gần đây của Mỹ đều có kết quả đáng khích lệ, giới lãnh đạo quân sự Mỹ vẫn ám ảnh với viễn cảnh tên lửa đánh chặn bắn trật mục tiêu. Nó có thể khiến Tổng thống Trump bị bẽ mặt vì nhắm bắn thất bại một tên lửa không đe dọa gì đến lãnh thổ Mỹ. Đó là chưa kể Mỹ có thể gặp rắc rối trên trường quốc tế tìm cách chứng minh mức độ đe dọa của tên lửa Triều Tiên, đích đến của tên lửa này trước khi nó bị bắn hạ, theo The New York Times.(PLO)
----------------------

Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên: Pháp, Mỹ, Nhật Bản kêu gọi quốc tế có phản ứng kiên quyết

Ngày 9/9, lãnh đạo 3 nước Pháp, Mỹ và Nhật Bản đã có cuộc điện đàm thảo luận về việc gia tăng sức ép và các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.

ten lua dan dao xuyen luc dia hwasong-14 cua trieu tien duoc phong ngay 28/7. anh: epa/ttxvn

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên được phóng ngày 28/7. Ảnh: EPA/TTXVN

 

Thông báo từ Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết trong cuộc điện đàm, Tổng thống Emmanuel Macron cùng hai người đồng cấp Mỹ Donald Trump và Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh rằng, cộng đồng quốc tế cần có phản ứng "thống nhất và kiên quyết" đối với Triều Tiên. Tổng thống Macron nhận định những hành động vừa qua của Bình Nhưỡng là "mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế", đồng thời khẳng định "tình đoàn kết" với Nhật Bản.

Triều Tiên được cho là có khả năng tiến hành thêm một vụ phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân trong dịp kỷ niệm Quốc khánh nước này (9/9) hoặc kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (10/10). 

Trước đó, ngày 3/9, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân là thứ 6, khiến các thị trường tài chính toàn cầu lo ngại và làm căng thẳng leo thang trong khu vực. Hiện quân đội Hàn Quốc cho biết đang theo dõi chặt chẽ những dấu hiệu của Triều Tiên. 

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang sau khi Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). 

Nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân này của Bình Nhưỡng, Mỹ, Hàn Quốc và một số nước khác đang thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua lệnh trừng phạt mạnh tay hơn, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên và phong tỏa tài sản của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Mỹ đã chính thức đề nghị HĐBA LHQ tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào ngày 11/9 tới để thông qua dự thảo nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên.(TTXVN)
-----------------------

Triều Tiên lần đầu tiên gửi cảnh báo ớn lạnh tới đích danh một phụ nữ

Triều Tiên khẳng định chính quyền Mỹ sẽ phải trả giá đắt vì phát ngôn Bình Nhưỡng đang cầu xin chiến tranh của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley.

"Bà ta đang đóng vai trò chủ lực trong trò gây sức ép và trừng phạt của chính phủ Trump. Nikky nên cẩn thận với miệng lưỡi của mình dù bà ta có thể là một kẻ ngốc mù quáng", hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa ra lời cảnh báo. "Chính phủ Mỹ sẽ phải trả giá đắt vì lời lẽ của bà ta". 

trieutiencanhbaomyvuotgioihando

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. 

Tuyên bố này được KCNA đưa ra sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang "cầu xin chiến tranh" bằng việc "lạm dụng tên lửa và đe dọa hạt nhân" trong phiên họp khẩn của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hôm 4/9. 

Bà cũng thúc giục 15 thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh nhất có thể để ngăn cản các động thái hiếu chiến của Bình Nhưỡng. 

“Chiến tranh chưa bao giờ là điều mà Mỹ mong muốn. Bây giờ chúng tôi cũng không muốn. Nhưng sự kiên nhẫn của đất nước chúng tôi có giới hạn. Chúng tôi sẽ bảo vệ các đồng minh và vùng lãnh thổ của mình”, bà Haley nói.

Tuy nhiên, KNCA gọi những bình luận này là "ngông cuồng" và cảnh báo hậu quả có thể kéo theo đó. 

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau hàng loạt các động thái mới đây của Triều Tiên, trong đó phải kể đến vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch hôm 3/9. 

Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho quân đội nước này sẵn sàng bắn rơi bất cứ tên lửa nào của Triều Tiên bay về phía lục địa Mỹ, Hawaii hay Guam. Trong khi đó, một tàu đổ bộ tấn công chở phi đội F-35B của Mỹ cũng đang trên đường tới gần bán đảo Triều Tiên giúp phi đội tiêm kích tối tân tiếp cận gần Bình Nhưỡng hơn bao giờ hết.(VTC)
----------------------------

 

 

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục