Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 09-09-2017:

  • Cập nhật : 09/09/2017

Hàn Quốc phát triển tên lửa đạn đạo hủy diệt căn cứ chỉ huy quân sự ngầm của Triều Tiên

Một ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump nhất trí hủy bỏ giới hạn 500kg đối với các đầu đạn gắn trên tên lửa của Hàn Quốc, truyền thông nước này cho hay Seoul có kế hoạch chế tạo tên lửa “Frankenmissile” có khả năng mang đầu đạn nặng 2 tấn để phá hủy trận địa quân sự và các căn cứ chỉ huy thời chiến nằm ngầm dưới đất của Triều Tiên.

ten lua dan dao hynmoo ii cua han quoc. anh: ap

Tên lửa đạn đạo Hynmoo II của Hàn Quốc. Ảnh: AP

 

Theo báo Korea Herald, các nguồn tin quân sự tại Seoul đã tiết lộ kế hoạch trên của chính phủ Hàn Quốc trong bối cảnh nước này tăng cường kho vũ khí để đối phó với mối đe dọa gia tăng từ phía bên kia biên giới.  

Thông tin này được tiết lộ một ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump nhất trí hủy bỏ giới hạn 500kg đối với các đầu đạn gắn trên tên lửa của Hàn Quốc.

Ông Moon, thông qua cuộc điện đàm ngày 4/9, đã nói với ông Trump rằng sau vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên “rất quan trọng” để tìm ra “các biện pháp mạnh mẽ và thiết thực” buộc Bình Nhưỡng phải thức tỉnh về những hậu quả từ hành động của nước này. 

Hàn Quốc vốn có tiềm lực phóng tên lửa đạn đạo với tầm bắn 800km, cho phép nước này tấn công bất cứ địa điểm nào ở Triều Tiên. Tuy nhiên, khả năng ngăn chặn của nước này cho tới nay vẫn bị hạn chế bởi các giới hạn về trọng lượng thuốc nổ được phép nhồi trong tên lửa. 

Vì vậy, kế hoạch mới của Seoul là phát triển những loại tên lửa mới có khả năng mang đầu đạn nặng 2 tấn nhằm tấn công được các cơ sở quân sự ngầm rộng lớn của Bình Nhưỡng mà không cần phụ thuộc vào bom xuyên phá boong-ke của Mỹ. 

Tên lửa “Frankenmissile” chỉ là một trong những chiến thuật mới của Hàn Quốc nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong bối cảnh nhà lãnh đạo nước láng giềng Kim Jong-un đẩy nhanh tốc độ chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Seoul cũng đang chạy đua đến thời hạn ngày 1/12 để thành lập một đội đặc nhiệm có nhiệm vụ chính là ám sát ban lãnh đạo Triều Tiên, bao gồm cả ông Kim Jong-un, trong tình huống chiến tranh xảy ra. 

“Nhóm thủ tiêu” này dự kiến sẽ được huấn luyện cùng các thành viên của đội 6 đặc nhiệm Hải quân Mỹ SEAL – đơn vị từng tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.(Baotintuc)
---------------------

Mỹ hứa không để Hàn Quốc ‘đơn thương độc mã’

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cam kết rằng Hàn Quốc sẽ không phải “đơn thương độc mã” đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Tuyên bố trên được ông Mattis đưa ra sau khi hãng thông tấn Yonhap(Hàn Quốc) đặt câu hỏi cho ông xoay quanh các báo cáo cho biết Triều Tiên có thể thử thêm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào Quốc khánh Triều Tiên 9-9.

“Chúng tôi, tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ này, vẫn xem xét thông tin đó hàng ngày. Tôi nói cho bạn nghe điều này. Chúng ta (Mỹ và Hàn Quốc) đã phối hợp chặt chẽ với nhau” - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trả lời phỏng vấn Yonhap tại lễ tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Hải quân Mỹ của ông Richard Spencer ở Lầu Năm Góc ngày 7-9.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: CBS NEWS

Đề cập tới cuộc điện đàm giữa ông với người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo và cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn đầu tuần này, ông Mattis nhấn mạnh: “Chúng ta hiện sát cánh. Hàn Quốc sẽ không một mình đối mặt với mối đe dọa từ Triều Tiên”.

Khi được hỏi liệu Mỹ sẽ sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên hay không, ông Mattis đã từ chối bình luận. “Bạn biết tôi đấy! Tôi chưa bao giờ đưa ra dự đoán về điều đó” – ông nói.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng đáng kể sau khi Bình Nhưỡng thử hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hồi tháng 7 và tiến hành vụ thử hạt nhân lần sáu hôm 3-9. Giới chuyên gia đánh giá việc Triều Tiên có thể sở hữu năng lực tấn công lục địa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân hay không chỉ nằm ở vấn đề thời gian.

Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) hôm 4-9 cảnh báo Triều Tiên có thể sắp phóng thêm một ICBM xuống Thái Bình Dương trước thềm Quốc khánh Triều Tiên 9-9 tới hoặc kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên 10-10. Năm ngoái, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần năm vào ngày 9-9 để chào mừng quốc khánh.(PLO)
-------------------------------------

Anh ủng hộ trục xuất lao động Triều Tiên khỏi EU

Ngày 8/9, Anh đã bày tỏ ủng hộ kế hoạch trục xuất các lao động Triều Tiên khỏi Liên minh châu Âu (EU), coi đây là một phần trong các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tới cuộc họp nội các ở London ngày 5/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong chuyến thăm binh lính Anh tại một căn cứ của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở miền Bắc Estonia, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng “có sự đồng thuận cao” giữa các ngoại trưởng EU trong việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng. 

Ngoại trưởng Anh nêu rõ tại nhiều nước EU, có rất nhiều lao động Triều Tiên đang chuyển tiền về nước, do đó các bên có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt như trục xuất họ về nước. 

Theo ông Johnson, trong các cuộc thảo luận với ngoại trưởng các nước EU tại thủ đô Tallinn của Estonia hôm 7/9 vừa qua, các bên cũng nhất trí rằng cần phải nỗ lực hơn nữa để gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng buộc nước này từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của mình. 

Trước đó, ngày 7/9, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng cần trục xuất các lao động Triều Tiên do số tiền mà họ gửi về nước chỉ có mục đích duy nhất là cung cấp cho chương trình hạt nhân. 

Lao động Triều Tiên ở châu Âu.

Ông Gabriel cũng cho biết các ngoại trưởng EU nhất trí nỗ lực hơn nữa để tìm hiểu xem làm thế nào Bình Nhưỡng sở hữu được công nghệ phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. 

Các lao động nước ngoài, hầu hết làm việc tại Trung Quốc và Nga, mang lại nguồn thu nhập chính cho Triều Tiên. Các quan chức châu Âu cho biết có khoảng 300 lao động Triều Tiên đang làm việc tại các nước trong EU, hầu hết là ở Ba Lan. 

Cùng ngày 8/9, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano thông báo nước này đã đình chỉ quan hệ thương mại với Triều Tiên, nhằm tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) liên quan tới các vụ thử tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng. 

Phát biểu với báo giới sau cuộc thảo luận với Đại sứ Mỹ về việc hợp tác trong một chương trình chống ma túy, ông Cayetano khẳng định Philippines sẽ tuân thủ đầy đủ nghị quyết của HĐBA LHQ, trong đó có các biện pháp trừng phạt kinh tế. 

Theo thống kê của Cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại Triều Tiên, Philippines là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Triều Tiên, với kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 28,8 triệu USD trong khoảng nửa đầu năm nay. 

Mỹ và các đồng minh dự kiến sẽ trình một dự thảo nghị quyết mới về trừng phạt Triều Tiên lên HĐBA LHQ để bỏ phiếu thông qua sớm nhất vào ngày 12/9 tới.(TTXVN)

 

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục